Mới đây, ông Hồ Hải Phong, con trai cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Hồ Cẩm Đào, đã được thăng chức Thứ trưởng Bộ Dân chính. Trước đó đã nhiều lần ông được dự đoán thăng chức nhưng mãi đến lần này tin đồn mới thành sự thật. Lý giải về việc này thế nào?
Ngày 16/1, trang web của Bộ Nhân lực và An sinh xã hội ĐCSTQ đã công bố danh sách bổ nhiệm và bãi nhiệm thành viên chính phủ, trong đó ông Hồ Hải Phong được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Dân chính. Hiện tại, chuyên mục lãnh đạo trên trang web Bộ Dân chính đã được cập nhật, theo đó trong 5 thứ trưởng có tên ông Hồ Hải Phong. Hiện nay số thứ trưởng Bộ Dân chính đã vượt biên chế chính thức. Ông Lý Bảo Quân mới nhậm chức Thứ trưởng Bộ Dân chính vào ngày 5/1.
Ông Hồ Hải Phong, 51 tuổi, là con trai duy nhất của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Hồ Cẩm Đào, từng giữ chức Bí thư Đảng ủy Viện Nghiên cứu Đồng bằng sông Dương Tử – Chiết Giang – Thanh Hoa (Yangize Delya Reg Inst), vào tháng 5/2013 được bổ nhiệm làm Phó Bí thư Thành ủy Gia Hưng, tháng 3/2016 được bổ nhiệm Phó Bí thư Thành ủy và Thị trưởng thành phố Gia Hưng, vào tháng 7/2018 chuyển sang làm Bí thư Thành ủy Lệ Thủy.
Những năm gần đây xuất hiện nhiều tin đồn ông Hồ Hải Phong được thăng chức nhưng đều không đúng, ví như được vào Thường vụ tỉnh Phúc Kiến kiêm Trưởng Ban Tổ chức, tiếp đó là Bí thư Tây An, Thị trưởng Đại Liên, Thường vụ và Tổng Thư ký Tỉnh ủy Chiết Giang, Thường vụ tỉnh Hà Nam kiêm Bí thư thành phố Trịnh Châu.
Tuy nhiên tin đồn chuyển đến Bắc Kinh làm Thứ trưởng Bộ Dân chính lần này cuối cùng đã đúng.
Nhìn lại, tại lễ bế mạc Đại hội 20 của ĐCSTQ vào ngày 22/10 năm ngoái, ông Hồ Cẩm Đào đã bị ông Tập Cận Bình cho người đưa ra khỏi Đại hội. Sau đó mâu thuẫn nội bộ giữa ông Tập Cận Bình với người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào và phe Đoàn Thanh niên trở thành tin nóng trên truyền thông quốc tế. Hơn một năm qua, từ khóa “Hồ Hải Phong” bị cấm xuất hiện trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, tuy nhiên đã được phục hồi sau thông báo thăng chức.
Về việc này, học giả người Hoa ở Mỹ, ông Ngô Tộ Lai (Wu Zuolai) nói với Epoch Times hôm 17/1 rằng đây có thể được coi là “nỗ lực của ông Tập nhằm an ủi và thể hiện thiện chí với ông Hồ, nhằm hàn gắn chia rẽ nội bộ và để bù đắp về hành vi thất lễ nghiêm trọng tại lễ bế mạc Đại hội 20”.
Cùng ngày, chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc người Hoa tại Mỹ, ông Vương Hách (Wang He), cũng nói với Epoch Times rằng ông Tập Cận Bình có thể đã chiếu cố thể diện của ông Hồ Cẩm Đào, vì sức khỏe của ông Hồ không tốt, nên để ông Hồ Hải Phong đến Bắc Kinh cho tiện bề chăm sóc. Nhưng ông Vương Hách tin rằng ông Hồ Hải Phong khó mà chiếm được lòng tin của ông Tập, không thể thăng tiến thêm: “Tôi đoán kiếp này ông ấy chỉ ở cấp thứ trưởng, không gian sự nghiệp của ông ấy sẽ khá hạn chế, vì là con trai của ông Hồ Cẩm Đào”.
Một bài bình luận trên tờ Minh Báo (Ming Pao) của Hồng Kông hôm 17/1 chỉ ra rằng đã nhiều năm chưa thấy bí thư thành ủy cấp địa phương hoặc cấp sở được thăng thẳng lên thứ trưởng một bộ. Trường hợp ông Thịnh Thu Bình (Sheng Qiuping), Giám đốc Sở Thương mại tỉnh Chiết Giang được chuyển sang Bộ Thương mại vài năm trước, cũng phải giữ chức trợ lý Bộ trưởng một thời gian trước khi chuyển sang làm thứ trưởng. Việc ông Hồ Hải Phong thăng chức cho thấy vẫn có một số trường hợp ngoại lệ.
Ông Giang Phong (Jiang Feng) – người làm nghề truyền thông tự do – ngày 17/1 phân tích rằng việc ông Hồ Hải Phong “thăng chức” vào Bắc Kinh là một sự dàn xếp bất ngờ. Ông cho biết trong chương trình, theo “Quy định về phân công chức năng, tổ chức nội bộ và biên chế của Bộ Dân chính” công bố ngày 10/11/2023: Biên chế cơ quan hành chính Bộ Dân chính là 324 người, trong đó có một bộ trưởng và 4 thứ trưởng. Lần này ông Hồ Hải Phong giữ chức Thứ trưởng Bộ Dân chính khiến cùng lúc bộ này có 5 thứ trưởng, tức là dư thừa nhân sự, cho thấy ông Hồ Hải Phong được bổ sung tạm thời.
“Theo quy định thông thường, một thứ trưởng chịu trách nhiệm một việc, còn Thứ trưởng Hồ Hải Phong thuộc diện vượt biên chế thì không biết bố trí công tác gì, có lẽ chỉ là chức vụ treo. Sự sắp xếp này đã trái với những bố trí nhất quán của ông Tập Cận Bình đối với ông Hồ Hải Phong trong 10 năm qua. Không biết vì lý do gì khiến ông Tập Cận Bình đưa ra quyết định này?”
Ông Giang Phong cho rằng việc ông Tập cho ông Hồ Hải Phong về Bắc Kinh có thể được hiểu theo hai cách:
Một khả năng cao là xác nhận tin đồn sức khỏe của ông Hồ Cẩm Đào không tốt, ông Tập đã được thân tín gợi ý đưa ông Hồ Hải Phong về Bắc Kinh để chăm sóc cha. Đây là cách giúp ông Tập thể hiện sự quan tâm đến ân tình cũ của ông Hồ Cẩm Đào vì đã hỗ trợ ông Tập lên nắm quyền, đồng thời cũng giúp thanh trừng phe cánh ông Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang, Lệnh Kế Hoạch…, động thái này có thể giúp giảm bớt bất đồng nội bộ liên quan đến phe Đoàn thanh niên.
Thứ hai là do ông Hồ Hải Phong là con của một nhân vật chính trị đứng đầu phe Đoàn thanh niên, nên không loại trừ khả năng tiềm ẩn nguy cơ có thể đã tập hợp quyền lực chính trị ở địa phương, gây bất an chính trị cho trung ương. Do đó việc thuyên chuyển ông Hồ Hải Phong về Bắc Kinh sẽ giúp ông Tập phần nào giải quyết được mối lo này.
Nhà bình luận chính trị và kinh tế kỳ cựu ở Đài Loan là ông Ngô Gia Long (Wu Jialong) cũng nói với Epoch Times hôm 17/1 rằng việc này một mặt cho thấy ông Tập Cận Bình đang gửi tín hiệu thỏa hiệp đến các “thái tử Đảng” và phe Đoàn Thanh niên, nhưng trên thực tế họ được chuyển về nơi gần nhất để giám sát nhằm ngăn chặn gây rắc rối và bất lợi cho ông Tập.
Chủ tịch Vương Quân Đào (Wang Juntao) của Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ Trung Quốc cũng nói với Epoch Times rằng ngay từ khi ông Hồ Hải Phong được chuyển đến Lệ Thủy thì ông đã nhận được tin rằng ông Tập Cận Bình muốn đạt được thỏa thuận với ông Hồ Cẩm Đào. Nhưng ông Đào không muốn con mình trở thành nhân vật chính trị quan trọng. Điều này không phải ông cao thượng vô vị lợi gì, mà vì ông hiểu sâu sắc hiểm ác của quan trường ĐCSTQ…
Ông Vương Quân Đào nói: “Ông Hồ Cẩm Đào chỉ muốn con trai ông sống yên bình, không nên thăng chức quá nhanh và không nên giữ những chức vụ quan trọng. Giờ đây, sự thay đổi chức vụ này một lần nữa khẳng định quan điểm của tôi hồi đó”.
Việc thăng chức của ông Hồ Hải Phong cũng đã được thảo luận trên các nền tảng mạng xã hội bên ngoài Trung Quốc. Ví dụ một bình luận đáng chú ý cho biết, “Mặc dù ông Hồ Hải Phong trông có vẻ được thăng chức, nhưng ông ta luôn phải sống trong bất an, chính trị cung đình ĐCSTQ thanh trừng nhau khốc liệt, trường hợp ông cựu Thủ tướng Lý Khắc Cường là điển hình gần nhất. Vấn đề thỏa hiệp nội bộ như thế nào thì chúng ta không biết được, nhưng nhìn vào mái tóc bạc trắng và đôi mắt hốc hác của ông Hồ Hải Phong phần nào có thể hiểu thực trạng tàn khốc của cuộc đấu chính trị nội bộ ĐCSTQ”.
Các sợi lông lỏng lẻo trên bề mặt vải có thể dễ dàng được loại…
Tổng thống đắc cử Donald Trump trong quá trình tranh cử đã nhiều lần chỉ…
Ông Matt Gaetz hôm thứ Năm (21/11) đã tuyên bố rằng ông sẽ rút lui…
Có hơn 1.000 cây guitar acoustic và guitar điện không có chữ ký của ông…
Bệnh tiểu đường có thể gây ra rất nhiều tác hại đối với cơ thể,…
Trước tình hình căng thẳng, Hungary đang lên kế hoạch triển khai hệ thống phòng…