Cổ nhân có câu: “Làm quá nhiều việc bất nghĩa thì tự sẽ bị thương vong”. Từ xưa đến nay, những người làm việc ác thì cuối cùng cũng đều bị ‘ác báo’. Trong lịch sử có không ít gian thần sống mưu mô hèn hạ cuối cùng đã phải nhận một kết cục bi thảm giống nhau.
Dưới đây là những đại gian thần vô liêm sỉ nhất trong lịch sử và kết cục bi thảm mà họ và toàn bộ gia tộc phải gánh chịu. (Tiếp theo phần 1)
Hòa Thân (1750–1799), nguyên tên là Thiện Bảo, tên tự là Trí Trai, là người Chính Hồng Kỳ, Mãn Châu, tộc Nữu Hỗ Lộc. Năm 10 tuổi ông được đưa vào cung và làm thị vệ. Ban đầu, Hòa Thân giữ chức quan nhỏ Loan nghi vệ.
Bởi vì giỏi về ăn nói, xu nịnh nên được vua Càn Long sủng ái. Hòa Thân không từ một thủ đoạn nào, khi lên địa vị cao hơn ông ta không ngại loại bỏ kẻ đối lập, chiêu mộ những người thân tín, vơ vét của cải.
Năm Gia Khánh thứ 4 (năm 1799), vua Càn Long băng hà. Chỉ 5 ngày sau, Gia Khánh đế lập tức hạ chỉ cách chức Hòa Thân và bỏ tù.
Lúc khám xét nhà của gian thần này người ta phát hiện, trong 20 năm Hòa Thân đương quyền, của cải mà ông ta vơ vét được ước tính là 800 triệu đến 1,1 tỷ lượng bạc trắng. Ngoài ra còn có vàng, bạc, đồ cổ, đồ châu báu, ước tính có giá trị lớn hơn tổng số thu nhập trong 15 năm của chính phủ triều đại nhà Thanh.
Sau khi vua Càn Long băng hà 15 ngày, Gia Khánh đế đã ban cho Hòa Thân dải lụa trắng để tự vẫn. Hòa Thân được xưng là “đệ nhất tham quan” trong lịch sử. Người đương thời có câu: “Hòa Thân té ngã, Gia Khánh ăn no” là ám chỉ điều này.
Hoàng Hạo là một hoạn quan, gian thần thời Thục Hán trung, suy và diệt vong. Lúc ban đầu, Hoàng Hạo hầu hạ Thái tử Lưu Thiện. Sau khi Thái tử Lưu Thiện lên ngôi, Hoàng Hạo là một người giỏi về đoán ý và nịnh thần nên lấy được lòng của Hoàng đế Lưu Thiện.
Thời kỳ đầu, bởi vì trước có Thừa tướng Gia Cát Lượng, sau có Thị trung Đổng Doãn chủ trì việc triều chính nên Hoàng Hạo không dám thực hiện mưu kế gian xảo của mình. Lúc ấy, Hoàng Hạo cũng chỉ dừng ở chức vị Hoàng môn thừa.
Năm 246, Đổng Doãn chết, Trần Chi lên thay Đổng Doãn làm thị trung, cùng Hoàng Hạo cấu kết với nhau làm việc xấu, Hoàng Hạo bắt đầu được tham dự vào chính sự. Đầu năm Cảnh Diệu (năm 258), Trần Chi chết, Hoàng Hạo lên làm Trung thường thị, Phụng xa đô úy, nắm hết quyền hành, thao túng triều chính, dụ dỗ vua phóng túng, hoang dâm, khiến việc triều chính ngày càng hủ bại.
Năm 263, nước Thục rơi vào tay Tào Ngụy. Hoàng Hạo bị dẫn về Lạc Dương. Tư Mã Chiêu cho rằng Hoàng Hạo sẽ khiến quốc gia diệt vong nên đã ban cho ông ta cái chết.
Cáp Ma (? —1356 ) là gian thần thời cuối nhà Nguyên, tên tự là Sỹ Liêm, người Khang Lý. Mẹ của Cáp Ma là nhũ mẫu của Nguyên Ninh Tông cho nên ông ta được vào cung làm Túc vệ.
Năm 1341, Nguyên Thuận Đế bổ nhiệm ngự sử đại phu Thoát Thoát lên nắm quyền, thay đổi niên hiệu thành Chí Chính, tuyên bố “canh hóa”, lịch sử xưng là “Thoát Thoát canh hóa”. Lúc này Thoát Thoát làm tướng nên Cáp Ma a dua, bám hùa theo.
Một thời gian sau, giữa ông ta và Thoát Thoát xảy ra bất hòa nên ông ta quyết tâm giết hại Thoát Thoát. Đến năm 1354, Thoát Thoát được cử đi đánh dẹp cuộc nổi dậy của Trương Sĩ Thành ở Cao Bưu, Giang Tô. Chiến sự bất lợi, cộng thêm sự dèm pha trong triều đình khiến Thoát Thoát bị cách hết mọi chức vụ và đày đi Vân Nam.
Cáp Ma nịnh nọt, dùng thuật mị Thuận Đế, tuyển chọn nhiều phi tần vào cung khiến quân thần dâm loạn, trụy lạc chưa từng có. Năm 1355, Cáp Ma lên làm Trung thư tả thừa tướng. Tháng 12 năm đó, ông ta giả truyền chiếu lệnh buộc Thoát Thoát tự vẫn. Tháng 2 năm sau, Cáp Ma bị vạch tội và bị giết chết.
Tới năm 1362 thì Thoát Thoát mới được phục hồi danh dự, tuy nhiên cái chết của ông cũng đánh dấu sự sụp đổ không thể tránh khỏi của nhà Nguyên.
Nguyễn Điền Phu (427——477) là người đất Chư Kỵ, Hội Kê (nay là Chiết Giang), là gian thần thời Lưu Tống. Nguyễn Điền Phu xuất thân là một tiểu lại. Khi Tương Đông vương Lưu Úc đến phong quốc đã chọn Nguyễn Điền Phu làm Chủ y. Về sau, ông làm thầy giáo của Thế tử Lưu Dục nên rất được tín nhiệm.
Cuối niên hiệu Cảnh Hòa (năm 456), Nguyễn Điền Phu cấu kết với nội thị sát hại Tiền phế đế Lưu Tử Nghiệp, người vừa lên ngôi được một năm và lập Lưu Úc lên làm Vua, lấy thụy hiệu là Lưu Tống Minh Đế.
Sau khi Lưu Tống Minh Đế lên ngôi trọng dụng những người thân tín, Nguyễn Điền Phu nhờ có công nên được phong Kiến Thành huyện hầu, ban thực ấp 800 hộ. Về sau Nguyễn Điền Phu lại được thăng làm Nam đài thị ngự sử. Sau khi cùng quân đội các nơi đánh dẹp loạn phản lại được thăng làm Long tương tướng quân, Tư đồ tham quân và được ban thưởng 200 hộ, cả thảy 1000 hộ.
Càng có quyền lực, Nguyễn Điền Phu càng chuyên quyền tham ô, phàm là việc gì mà không có đút lót thì không làm. Trong các cung thất của Nguyễn Điền Phu, kỹ nữ mấy chục người, số lượng vàng ngọc, gấm vóc, đồ trang sức mà ông ta sở hữu ngay cả cung đình cũng không sánh kịp.
Một lần Trung thư xá nhân Lưu Hưu đến chơi, đúng lúc Điền Phu ra ngoài, giữa đường gặp nhau, cùng Hưu quay về, vừa ngồi xuống, ông lệnh cho bày tiệc, một lúc sau thì có đủ các món ngon vật lạ, không hề mất công chuẩn bị. Điền Phu thường làm sẵn mấy chục món như thế để đãi khách cho tiện lợi.
Dưới quyền của Nguyễn Điền Phu, chức tước bổng lộc lộn xộn, những kẻ nô bộc của Điền Phu theo đó mà có được những tước vị không xứng đáng. Người đánh xe làm Hổ bôn trung lang, kẻ dắt ngựa làm Viên ngoại lang. Quan viên trong triều, cả sang cả hèn, không ai không tìm cách kết giao với ông.
Năm 472, Tống Minh Đế chết, Lưu Dục lên ngôi lấy hiệu là Lưu Tống Hậu phế đế, quyền lực của Điền Phu càng trở nên lớn mạnh. Lưu Dục tuổi còn nhỏ nên Nguyễn Điền Phu dễ dàng thao túng, thâu tóm việc triều chính. Đến lúc Lưu Dục lớn hơn, Nguyễn Điền Phu lại muốn phế trưởng lập ấu để tiếp tục lộng quyền.
Năm 477, Nguyễn Điền Phu cùng phe cánh lập mưu giết chết Hậu phế đế, muốn nhân lúc vị Vua này ra ngoài dạo chơi thì giết chết nhưng sự việc không thành. Sau khi có người tố giác, mưu kế bị lộ, Nguyễn Điền Phu bị xử chém đầu.
Dương Tố (544 —606), tên tự là Xử Đạo, là người đất Hoa Âm, Hoằng Nông (Thiểm Tây ngày nay). Dương Tố là gian thần triều nhà Tùy.
Dương Tố sinh ra trong một gia đình làm quan. Thời đầu, ông ta làm Tư Thành Đại phu, Xa Kỵ Tướng quân thời Bắc Chu Vũ Đế. Về sau, khi phò tá nhà Tùy, do có tham gia với Dương Kiên đoạt quyền nên càng được tin dùng, do có công lao diệt nhà Trần nên được phong Thượng trụ quốc, Ngự sử đại phu. Dương Tố chuyên dùng mưu mô, dối trá, a dua xu nịnh, không theo đạo nhân nghĩa mà lập thân. Dương Tố kết bè cánh phò tá Tấn Vương Dương Quảng, tham dự âm mưu bí mật của cung đình, phế Thái tử Dương Dũng, lập Dương Quảng làm Thái tử.
Năm Nhân Thọ thứ 4 (năm 604), Dương Tố giả truyền thánh chỉ, phái binh lính Đông cung vào cung sát hại Văn đế Dương Kiên giúp Dương Quảng lên đoạt ngôi, lấy thụy hiệu là Tùy Dạng Đế. Sau khi sự việc thành công, Dương Tố được phong chức Sở quốc công, quan đến Tư Đồ, quyền thế ngày một tăng.
Dương Tố tham lam tiền của, ra sức vun đắp gia sản, ở Đông Kinh, Tây Kinh đều có phủ đệ, hết sức xa xỉ. Lại còn chiếm đất mở rộng nhiều ruộng vườn nhà cửa, phân bố cả nghìn nơi ở các châu huyện. Năm Đại Nghiệp thứ 2 (năm 606) thì bị bệnh chết. Năm Đại Nghiệp thứ 9 (năm 613), con trai của ông ta là Lễ bộ Thượng thư Dương Huyền Cảm dấy binh làm phản lại nhà Tùy bị thất bại khiến cả nhà bị chém đầu.
Cổ nhân tin rằng: “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”. Tục ngữ cổ cũng có câu: “Thiện ác không phải không có báo mà là chưa đến lúc”. Đây thực sự là những ví dụ điển hình trong lịch sử minh chứng cho điều này, làm gương cho hậu thế.
An Hòa (biên dịch và t/h)
Xem thêm:
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…