Chiều ngày 30/6, Sở NN&PTNT Bình Định đã có buổi làm việc với 18 chủ tàu có tàu vỏ thép hư hỏng và đại diện của Công ty TNHH MTV Nam Triệu, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương để thống nhất các giải pháp sửa chữa các tàu vỏ thép hư hỏng.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Xuân Nguyên – Giám đốc công ty Đại Nguyên Dương cho biết ông đồng ý với kết luận của tổ thẩm định về việc 5 trong số 17 tàu vỏ thép do công ty đóng không đúng chất lượng.
Ông Nguyên cũng đồng ý thống nhất các giải pháp khắc phục các tàu bị hư hỏng như: thay những vị trí lắp thép Trung Quốc không đạt cấp A bằng thép Hàn Quốc; với những vị trí lắp thép Trung Quốc nhưng đạt cấp A, công ty giữ nguyên nhưng sẽ phải thanh toán tiền chênh lệch từ thép Hàn Quốc thành thép Trung Quốc lại cho ngư dân. Công ty cũng cam kết làm sạch bề mặt và sơn lại vỏ tàu theo đúng quy trình bảo dưỡng, sửa chữa hầm bảo quản bị gỉ sét, đọng nước theo đúng quy chuẩn; thay mới máy đầu dò và 1 màn hình bị hư hỏng.
Tại buổi làm việc, các ngư dân tiếp tục cho biết máy bảo ôn lắp trong hầm bảo quản do công ty TNHH Đại Nguyên Dương lắp là máy Trung Quốc, trong khi hợp đồng là máy của Đức. Ông Trần Văn Phúc – Phó giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định cho biết Sở sẽ kiểm tra lại thông tin này.
Các ngư dân cũng cho hay trong quá trình đánh bắt, do thiết bị bị lỗi nên 4 tàu cá đã chuyển từ nghề lưới vây sang lưới chụp. Do vậy, Sở Nông nghiệp Bình Định và các ngư dân yêu cầu công ty phải chịu chi phí cho việc cải hoán thiết kế để phù hợp với đánh bắt. Công ty và ngư dân đã thống nhất việc sửa chữa tàu sẽ được thực hiện tại Tam Quan (Hoài Nhơn, Bình Định) hoặc Đà Nẵng, trong thời gian từ ngày 20/7 đến ngày 20/8.
Đối với Công ty TNHH MTV Nam Triệu, ông Đặng Ngọc Oanh – Tổng giám đốc công ty đồng ý thay mới 11 máy chính Mitsubishi chính hãng cho ngư dân. Riêng máy chính Doosan lắp trên tàu ông Trần Đình Sơn, ông Oanh cho biết sẽ làm việc lại với Doosan.
Công ty và các ngư dân cũng thống nhất sơn mới và thay máy lại tất cả tàu. Công ty Nam Triệu sẽ phun xốp xung quanh hầm, lót gỗ và phun xốp ở đáy hầm trong tháng 7 và tháng 8 để khắc phục tình trạng tàu bị đọng nước, gỉ sét.
Trao đổi về các phương án khắc phục, ông Phan Trọng Hổ – Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định đề nghị trong thời gian sửa chữa tàu của hai công ty này phải có mặt đăng kiểm viên và phải có văn bản xác nhận tàu đủ điều kiện ra khơi. Ông Hổ cho hay nếu không có đăng kiểm viên thì Trung tâm Đăng kiểm Tàu cá của Bộ Nông nghiệp phải chịu trách nhiệm.
Cũng tại buổi làm việc, hai công ty đóng tàu cam kết chịu 100% kinh phí sửa chữa khắc phục, đồng thời trả lại phí thiết kế, cải hoán nghề cho ngư dân.
Các ngư dân và hai công ty đã ký biên bản nội dung thống nhất, có sự giám sát của Sở NN&PTNT Bình Định. Theo đó, hai công ty sẽ xây dựng phương án khắc phục và sửa chữa những tàu hư hỏng trước ngày 5/7.
Trước đó, ngày 22/6, Sở NN&PTNT Bình Định công bố kết quả thẩm định chất lượng 17/18 tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ vừa hạ thủy chưa lâu đã hỏng gây thiệt hại lớn cho ngư dân (trong đó có 5 tàu do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng sử dụng thép Trung Quốc, 12 tàu do Công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng sử dụng thép Hàn Quốc).
Theo kết quả thẩm định, trong 17 tàu, có 12 tàu có động cơ hoạt động không ổn định; trong 25 máy phụ được lắp trên 17 tàu vỏ thép có 1 máy do Trung Quốc sản xuất, nhiều máy không có nhãn mác (kiểm tra hoạt động thực tế ghi nhận 3 máy phụ hoạt động không ổn định, 2 máy phụ bị hư hỏng do hở bạc); Trong 17 tàu có 14 hầm bảo quản hải sản bị đọng nước, giữ nhiệt kém, bơm phôm không đều, bị rỉ sét; 1 màn hình trên máy dò cá lắp đặt trên tàu cá của ông Trần Minh Vương bị thay đổi màn hình chính, chất lượng thu nhận tín hiệu và độ phân giải trên màn hình rất thấp, không rõ nét; 2 máy đo sâu dò ngang bị hỏng tại hệ thống đầu dò không sử dụng được; Hệ thống đèn cao áp hoạt động không ổn định, thường xuyên bị cháy đen, một số tăng phô bị nóng chảy do giải nhiệt kém,…
Báo cáo kết quả thẩm định chất lượng cũng cho thấy các thiết kế của 17 tàu vỏ thép này đều được phê duyệt bởi Trung tâm Đăng kiểm Tàu cá (Tổng cục Thủy sản – Bộ Nông nghiệp). Đề cập đến trách nhiệm đăng kiểm các tàu, ông Đào Hồng Đức – Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm Tàu cá nhận trách nhiệm và cho hay máy tàu cá được làm giả tinh vi, năng lực của đăng kiểm viên còn yếu nên không phát hiện được.
Ông Phan Trọng Hổ – Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định cho biết ngoài bồi thường theo hợp đồng, tổ thẩm định còn đề nghị các địa phương thống kê yêu cầu doanh nghiệp bồi thường việc ngư dân lỡ chuyến biển trong thời gian tàu nằm bờ.
Thủy Minh
Xem thêm:
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…