Đất miền Nam đối với người Việt chúng ta vẫn là đất lành. Ít ra là trong quan niệm được phổ biến rộng rãi lâu nay. Chúng ta từng có một cuốn phim mang tên là “Đất lành”: chúng ta từng ví cuộc di cư hàng triệu người từ Bắc vào Nam như thể đất lành mà chim đậu. Miền Nam lành vì khí hậu, vì thời tiết không quá nóng, không quá rét, không có lụt như ở Bắc, không có bão như ở Trung, v.v..
Đáp lại cái quan niệm phổ biến ấy, Sơn Nam có một tiết lộ “Khi mới chiếm Nam Kỳ, người Pháp rất bi quan về nhận định rằng không thể nào định cư được, chỉ là ở tạm rồi về”.
Thành thử đất Nam kỳ vốn không lành chút nào. Trái lại, là chỗ đất hết sức độc. “Miền Nam với mưa nắng hai mùa đã oi bức, ẩm thấp lại còn là nơi mà muỗi mòng, kiến, mọt, mối, rắn rít, đỉa, vắt tha hồ sanh sôi nẩy nở. Khi mùa nắng sắp chấm dứt, bịnh dịch thường xảy ra; lại còn bịnh kiết, bịnh rét rừng với những biến chứng như đau ruột, đau gan (…) Ta không nên phỏng định quá thấp về tỷ lệ người chết vì bịnh, hàng năm, trước khi có chích thuốc ngừa, trồng trái”.
Đất miền Nam đối với các miền khác cũng lại là đất phì nhiêu: làm ít ăn nhiều, cá tôm đầy sông rạch, trái cây chất chồng ở các chợ cao như núi, v.v.. Đó cũng là một quan niệm được phổ biến rộng rãi nữa.
Đáp lại cái quan niệm ấy, Sơn Nam lại có một tiết lộ: “Mức sản xuất không đủ cung ứng cho nhu cầu nội địa, nhiều người trung lưu ở miền quê Long Xuyên, Rạch Giá không biết trái vú sữa, sầu riêng hoặc măng cụt như thế nào, nó chỉ dành riêng cho người khá giả ở thành thị”.
Như vậy, ở miền Nam đâu có gì phong phú? “Không nên đánh giá quá cao sản lượng tổng quát về cây ăn trái. Trước năm 1945 tuy là có cam Cái Bè, dâu và măng cụt Cái Mơn, nhưng ở miền Nam mấy ai thưởng thức được”.
Thành ra trong khi ai nấy tin rằng đất miền Nam lành, Sơn Nam bảo: “Không nên phỏng định quá thấp về tỷ lệ người chết vì bịnh”; trong khi ai nấy tin rằng đất miền Nam giàu, Sơn Nam lại bảo: “Không nên đánh giá quá cao sản lượng về cây ăn trái”.
Đối với miền Nam, có nhiều định kiến thông thường cần phải xét lại, bởi thực tại sinh hoạt miền Nam không đơn giản như ta vẫn tưởng. Ở bên trong có lắm điều rắc rối, phức tạp, cần nghiên cứu kỹ.
Sơn Nam giúp chúng ta tìm hiểu về miền Nam trong một tác phẩm: “Cá tính của miền Nam”.
Cá tính miền Nam? Tác giả định nói về những điểm nào đây?
Trong lời nói đầu, tác giả minh định “Người ở miền Nam làm lụng siêng năng ra sao, trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, thuyết Tam giáo đồng lưu đã biến thể như thế nào. Và thời Pháp thuộc, việc tranh đấu giành độc lập, việc phát triển văn hóa gặp những khó khăn gì”.
Người đọc tự hỏi: Làm lụng siêng năng là cá tính đặc biệt của người miền Nam, so với người dân Việt ở các miền Trung, Bắc? Lẽ nào như vậy? Và việc giành độc lập, việc phát triển gặp những khó khăn gì, đó có phải là vấn đề cá tính miền Nam?
Hình như có cái gì chưa được ổn. Có cái gì mà tác giả thấy không tiện nói ra một cách minh bạch, giản dị chăng?
Quả nhiên, cũng giới thiệu về nội dung tác phẩm, ở trang bìa lưng của cuốn sách, nhà xuất bản Đông Phố nói với người đọc như sau:
“Người miền Nam chịu làm lụng cực nhọc nhưng dường như lười biếng, không biết lo xa. Tuy là chuyện thực tế nhưng họ thích nghe đến hội Long Hoa, ngày tận thế.
Họ bộc lộ tâm tình, nói thẳng, tin cậy vào bạn bè. Và chỉ có những kẻ sĩ có tác phong bình dân mới gây được sự tin cậy với họ. Thiên khảo cứu này trình bày nhiều tài liệu để giải thích những nét trên (…)”
À, đến đây, mọi việc có vẻ dễ hiểu hơn nhiều. Như vậy là cá tính miền Nam có bốn điểm đáng chú ý cần được tìm hiểu, giải thích.
– Người miền Nam chịu làm lụng cực nhọc mà lại dường như lười biếng.
– Người miền Nam chuộng thực tế mà lại hay tin ở các ông đạo, tin những điều huyền bí xa vời.
– Người miền Nam chơi với bạn bè rất điệu nghệ, trọng đạo nghĩa giang hồ.
– Người miền Nam chỉ hoan nghênh những bậc sĩ phu gần với quần chúng bình dân, họ không “chịu” hạng trí thức sống cách biệt với quần chúng.
Tại sao mà ở miền Nam đã phát minh ra những điểm tâm lý ấy? Ở miền Nam, đồng bào ta đã gặp những điều kiện địa lý và điều kiện lịch sử đặc biệt như thế nào?
Gần như tất cả những thắc mắc trên đây đã ám ảnh Sơn Nam từ lâu lắm, đã làm đối tượng biên khảo của nhiều tác phẩm khác của ông trước đây. Chẳng hạn, trong cuốn “Tìm hiểu đất Hậu Giang” và cuốn “Đồng bằng sông Cửu Long” hay là “Văn minh miệt vườn”, Sơn Nam đã nói rất nhiều về sinh hoạt của người nông dân miền Nam, về lề lối làm lụng cực nhọc của họ, làm ruộng cũng như làm vườn. Lại chẳng hạn, trong cuốn “Miền Nam đầu thế kỷ XX – Thiên địa hội và cuộc minh tân”, ông cũng đã trình bày rất nhiều về chuyện điệu nghệ, chuyện đạo nghĩa giang hồ, v.v..
Trong tác phẩm mới vừa xuất bản – cuốn “Cá tính của miền Nam” – tác giả đã để ra đúng bốn chương sách để trình bày về bốn điểm nêu trên:
– Để giải thích vì sao người miền Nam chịu cực nhọc mà lại “dường như lười biếng”, Sơn Nam nói rõ về “Đồng bằng sông Cửu Long và miền Hậu Giang với nếp sống cực khổ nhưng nhàn rỗi”. Ở đây, ruộng chỉ làm có một mùa, mỗi năm chỉ vất vả có 4 tháng, còn thừa ra 8 tháng không biết làm gì: không có nghề thủ công, không buôn bán, rốt cuộc nông dân đâm ra la cà, ham chơi, cờ bạc, nhậu nhẹt… Riết rồi quen.
– Để giải thích cái tâm lý sùng bái các ông đạo, tin chuyện huyền bí, có chương sách thứ hai: “Thất sơn huyền bí, cảnh tiên tại thế của các chiến sĩ Cần Vương” ở đây, chuyện tu hành lẫn lộn với chuyện cứu nước. Đã có một thời, nhiều nhân vật yêu nước mượn hình thức tín ngưỡng để che đậy hoạt động kháng Pháp. Quần chúng ủng hộ các ông đạo cũng là một cách chống Tây. Riết rồi quen.
– Để giải thích tâm lý hay kết bạn giang hồ, có chương “Anh em kết nghĩa, hoạn nạn tương cứu, sanh tử bất lý”. Đó là câu chuyện Thiên địa hội thoạt tiên là tổ chức của người Tàu, rồi được người Việt hưởng ứng mạnh mẽ. Tổ chức cũng liên hệ với hoạt động chính trị kháng Pháp, liên hệ ít nhiều, khi gần khi xa.
– Chương sách cuối cùng (không kể phần Phụ lục) tức chương “Những kẻ sĩ hòa mình và đứng về phía bình dân” nhằm chứng minh điểm cá tính sau chót của người miền Nam.
*
Tác phẩm của Sơn Nam đưa ra thật nhiều tài liệu trong đó có lắm tài liệu mới được công bố lần đầu tiên, do đó mà rất quý báu.
Có lẽ vì quá vui mừng trong việc phát giác ấy, cho nên tác giả đã để cho phần tài liệu tràn ngập, áp đảo phần biện giải.
Cá tính miền Nam ra sao? Người đọc ít được giải về chuyện ấy; mà chỉ được nghe nhiều về chuyện mô tả cuộc sống của nông dân miền Nam, về sự thành hình và phát triển của Thiên địa hội v.v.. Nghe nhiều và hào hứng.
Võ Phiến
Cá Tính của Miền Nam – Sơn Nam,
Đông Phố xuất bản năm 1974
Đăng lại từ Fanpage Thú Chơi Sách
Mời độc giả ghé thăm
Xem thêm:
Mời xem video:
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…