Ngay sau khi Pháp chiếm thành Gia Định năm 1859, các cuộc khởi nghĩa ở Nam bộ lần lượt nổ ra. Nếu như cuộc khởi nghĩa của Thủ Khoa Huân là tiêu biểu cho nhà Nho yêu nước, thì cuộc khởi nghĩa Trương Định lại đại biểu cho tướng lĩnh kháng lệnh Triều đình cùng dân chống Pháp.
Trương Định người làng Tư Cung, phủ Bình Sơn, Quảng Ngãi (nay là xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi). Cha ông là Lãnh binh Trương Cầm, từng là Hữu thủy Vệ uý ở Gia Định dưới thời vua Thiệu Trị.
Năm 1844, Trương Cầm lãnh chức Vệ úy Gia Định. Ông cùng con trai là Trương Định và gia đình vào nam. Sau đó Trương Định kết hôn với Lê Thị Thưởng, con gái một hào phú ở huyện Tân Hòa (Gò Công Đông ngày nay).
Năm 1850, Khâm sai Tổng đốc Quân vụ Đại thần Nguyễn Tri Phương khuyến khích dân chúng lập đồn điền, khai khẩn đất hoang. Trương Định dùng tiền chiêu mộ dân chúng lập đồn điền ở Gia Thuận (Gò Công), vì thế Triều định bổ nhiệm ông làm Quản cơ nơi đây, hàm chánh lục phẩm. Ông sống gần gũi với người dân nên dân chúng thường thân mật gọi ông là Quản Định.
Tháng 2/1859, quân Pháp tiến đánh và chiếm được thành Gia Định. Ngay sau đó các nhóm nghĩa quân liên tục bất ngờ tấn công quân Pháp. Trương Định cũng đưa quân của mình đến Thuận Kiều (Gia Định) tham gia đánh Pháp và có những trận thắng lớn ở Cây Mai, Thị Nghè, v.v..
Tháng 2/1861, quân Pháp tiến đánh Đại đồn Chí Hòa, Trương Định đưa quân đến hỗ trợ Nguyễn Tri Phương chống lại quân Pháp.
Đại đồn Chí Hòa thất thủ, Trương Định đưa quân về Gò Công, chiêu mộ thêm 6.000 binh lính. Có 6.000 quân trong tay, Trương Định huấn luyện binh sĩ, sẵn sàng chống Pháp. Tiếng tăm Quản Định vang đến tận Kinh đô, Triều đình phong cho ông là Phó Lãnh binh Gia Định.
“Đại Nam chính biên liệt truyện” mô tả rằng:
“Trương Định am hiểu võ nghệ, dũng cảm, mưu lược. Tự Đức năm thứ 14 (1861), thành Gia Định hữu sự (ý chỉ Đại đồn Chí Hòa thấ thủ), Định hưởng ứng việc nghĩa, chiêu mộ thú dõng được hơn 6.000 người, lại kiêm quản những đầu mục thân hào mộ việc nghĩa, dồn lập 18 cơ quân, luôn chống đánh người Pháp, thu được súng ống khí giới và đúc chế thêm để dùng, được bạt bổ làm Quản cơ lĩnh Phó Lãnh binh Gia Định”.
Tháng 4/1861, Pháp tiến đánh Tân Hòa (Gò Công), Tri huyện Tân Hòa là Đỗ Trình Thoại vì để mất thành nên bị cách chức. Nhưng Trình Thoại quyết lập công chuộc tội, đêm 22/6/1861 cho quân tấn công quân Pháp đồn trú ở Gò Công khiến Trung úy Vial bị trọng thương, một số quân Pháp tử trận. Tri huyện Đỗ Trình Thoại cũng hy sinh trong trận này. Gò Công bị quân Pháp chiếm.
Trương Định cho quân tiến đánh quân Pháp nhiều trận, lớn nhất là trận Cần Giuộc làm nức lòng dân chúng, tạo thanh thế lớn.
Năm 1862 khi lực lượng đã mạnh, Trương Định đưa quân tiến đánh quân Pháp ở các nơi, liên kết với các nghĩa quân khác cùng chống Pháp. Quân Pháp bị đánh ở nhiều nơi, lâm vào cảnh khốn đốn.
Sau đó Trương Định cho quân hoạt động mạnh ở Chợ Cũ (Mỹ Tho). Quân Pháp nhận thấy không thể cầm cự được với nghĩa quân lâu hơn, nên quyết định rút khỏi Gia Thạch, Kỳ Hôn, Chợ Cũ (Mỹ Tho), Rạch Gầm, Gò Công, Cái Bè. Một số lính Pháp là thổ dân người Philippines đánh thuê đã đào ngũ sang nghĩa quân hoặc bán lại vũ khí.
Sau khi có được chỗ đứng vững chắc, nghĩa quân quyết định tiến xa hơn. Đêm 6/4/1862, Trương Định cho quân đột kích Chợ Lớn, tấn công quân Pháp dọc rạch Tàu Hủ tới đồn Cây Mai, các đồn Pháp nơi đây bị đốt cháy. Sau đó Pháp cho quân tuần các nơi nhưng không dám tiến đánh vào căn cứ Gò Công của nghĩa quân.
Cuốn sách “Suvernir de l’expédition de Cochinchine 1861 – 1862” xuất bản tại Paris năm 1865 mô tả quân của Trương Định như sau:
“Họ đánh theo kiểu du kích, làm chủ nông thôn. Khi cần tiêu diệt một cứ điểm nào thì họ tập trung lại. Khi tấn công cũng như khi rút lui, họ biết lợi dụng vô số những chướng ngại vật tự nhiên của xứ họ. Một xứ có nhiều sông rạch, rừng bụi, đồng lúa, đầm lầy. Họ kín đáo lánh mình, thình lình xuất hiện, nổ súng tấn công… Làm cho đối phương luôn luôn ở trong thế đề phòng, mệt mỏi, kiệt sức, cuối cùng phải bỏ cuộc chịu thua”.
Năm 1862, Triều đình nhà Nguyễn ký Hòa ước Nhâm Tuất nhượng 3 tỉnh Biên Hòa, Gia Định và Định Tường cho Pháp. Trương Định được lệnh bãi binh và đi nhận chức Lãnh binh ở An Giang và Hà Tiên. Các thủ lĩnh nghĩa quân khác là Võ Duy Dương và Nguyễn Hữu Huân tập trung tại Kiến Hòa chờ lệnh.
Nhận được lệnh, Trương Định rất phân vân, ông không biết nên cùng dân chống Pháp hay tuân lệnh Triều đình. Cuối cùng Trương Định quyết định ở lại. Dân chúng vô cùng mừng rỡ, tôn Trương Định là “Bình Tây đại nguyên soái”.
Nhằm giải thích lý do mình kháng lệnh Triều đình, Trương Định đã cho gửi đi lá thư như sau:
“Từ năm thứ 12 của triều vua Tự Đức (1858), bọn man di tây phương đã xâm nhập xứ này. Chúng tiếp tục gây hấn, lần lượt chiếm ba tỉnh Gia Định, Định Tường và Biên Hoà. Dân ba tỉnh này đã nếm qua mọi tai ương. Sau đó, một hoà ước đã ký kết với Nguyễn triều chỉ gây thêm lòng phẩn nộ và niềm thất vọng của nhân dân ba tỉnh. Nhân dân ba tỉnh này thiết tha muốn khôi phục địa vị cũ bèn tôn chúng tôi làm lãnh tụ. Vậy chúng tôi không thể dừng làm điều chúng tôi đang làm. Cho nên chúng tôi sẵn sàng chiến đấu ở miền Đông cũng như miền Tây. Chúng tôi sẽ đề kháng, chúng tôi sẽ xông pha và sẽ phá tan lực lượng quân địch… Dân chúng đã đã nói: Chúng ta chết chứ không chịu làm tôi tớ cho giặc…”
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…