Trong cách đối nhân xử thế, nếu người đối với ta không tốt, ta cũng đối xử không tốt với người, thậm chí còn muốn hơn thua, thế thì chỉ khiến đôi bên cùng bị thương tổn. Mâu thuẫn gay gắt rồi thì trong tâm sẽ nảy sinh oán hận, ngày càng gay gắt, khó có thể giải quyết. Mối quan hệ giữa mẹ chồng và con dâu – hai người không cùng huyết thống, sống ở hai thế hệ khác nhau trong cùng một gia đình – lại càng như thế.
Chuyện kể rằng có một người chồng lấy được một cô vợ xinh đẹp, tính tình vui vẻ, giỏi nội trợ gia đình, chỉ hiềm là có đôi chút ương bướng. Vì vậy, trong cuộc sống hàng ngày, mẹ chồng và con dâu thường hay xảy ra mâu thuẫn với nhau.
Mỗi lần khi người chồng trở về nhà, mẹ và vợ lại thay nhau kể những việc xảy ra trong ngày trước mặt anh. Mẹ chồng nói con dâu bất hiếu, trong khi con dâu lại nói mẹ chồng gay gắt khó tính. Cả hai bên, bên nào cũng cho rằng mình mới là đúng. Điều này khiến cho người chồng rơi vào tình thế rất khó xử. Nhưng người chồng biết rõ vợ mình có đôi chút ương bướng, thường không chịu nhún. Vì thế, anh liền suy nghĩ cách thuyết phục vợ.
Một hôm, khi vợ bắt đầu kể rằng mẹ không tốt ra sao, người chồng liền an ủi vợ: “Mẹ đã già nên thường hay dài dòng, anh cũng biết thế. Anh đã suy nghĩ kỹ rồi, anh muốn dẫn em ra ngoài sống riêng. Chỉ là bây giờ chúng ta lại đột nhiên rời bỏ mẹ mà đi nơi khác sống sẽ khó tránh khỏi sự chỉ trích của mọi người. Cho nên em tạm thời nhẫn nại một, hai tháng. Trong thời gian này, em nhất định phải chịu khổ một chút, tận tâm phụng dưỡng mẹ, để cho bạn bè người thân đều biết được rằng em rất hiếu thuận, chỉ là mẹ không chấp nhận em, rồi sau đó chúng ta sẽ chuyển ra ngoài sống. Như thế là có thể tránh được dị nghị.”
Người vợ nghe xong vẫn biểu lộ vẻ mặt khó chịu. Người chồng lại nói: “Chúng ta sẽ tìm nơi khác sống rất nhanh thôi, trong thời gian này, em cứ coi như mẹ là khách của chúng ta mà tiếp đãi ân cần nồng hậu, có gì khó xử đâu?”
Thế là người vợ đồng ý với chồng, từ hôm đó tự coi mẹ như là khách trong nhà, đối xử với mẹ rất vui vẻ hòa nhã, chiều theo ý bà mà phụng dưỡng.
Người mẹ thấy tính tình con dâu thay đổi, trong lòng có chút xấu hổ, cũng liền nhìn nhận lại mình. Từ đó bà thông cảm với con dâu, còn tỏ ra bao dung hơn cả con. Kết quả những xô xát hàng ngày trước đây không còn nữa mà thay vào đó là sự hòa thuận.
Trải qua một chút thời gian, người chồng hỏi vợ: “Mẹ với em thế nào rồi?”
Người vợ trả lời: “Bây giờ mẹ đối đãi với em rất tốt, em không muốn rời khỏi nhà đi chỗ khác ở nữa.”
Người chồng nói: “Trước đây, em phàn nàn với anh rằng mẹ hay dài dòng, khó phụng dưỡng, kỳ thực đây là em không mở lòng chiếu cố mối quan hệ với người già. Anh không thể nói với mẹ là mẹ khó tính quá, làm con thì không được thế, hơn nữa người già chính là như vậy. Khi em nổi giận, trong tâm chỉ biết người khác không đúng, không chút nào nghĩ đến chỗ sai của mình. Anh nếu như nói em không đúng, em nhất định cũng sẽ không chịu thừa nhận. Yêu cầu em đối xử tốt với mẹ thì lại càng là điều em không làm được. Anh không thay đổi được mẹ và em, nhưng mẹ và em đều đã tự thay đổi rồi. Thật là tốt quá.”
Có một người con dâu được khen là hiếu thuận từng nói: “Với mẹ chồng, tôi chỉ là ‘thuận theo’ mà thôi. Chỉ cần mẹ chồng dạy bảo và sai khiến, tôi đều sẽ thuận theo. Cho dù đó là việc không phù hợp lễ pháp hay là việc mà phụ nữ không thể làm nổi, thì tôi cũng tạm thời không từ chối. Thời điểm ấy qua đi rồi, tôi sẽ tìm cơ hội mà giải thích với bà. Khi tôi giải thích thì dùng thái độ phải bình tĩnh, dung hòa, bởi vậy thường thường lời tôi nói ra thì mẹ chồng đều sẽ nghe và hiểu.”
Khi đứng trước mâu thuẫn, nếu có thể không quản đối phương đúng hay sai, bản thân sẵn sàng nhường nhịn, sẵn sàng chịu thiệt, thì ít nhất sẽ có thêm một khoảng hòa hoãn, không khiến mâu thuẫn gay gắt hơn. Có rất nhiều khó khăn hay mâu thuẫn trong cuộc đời, quay đầu nhìn lại thì chẳng qua chỉ là một cơn gió thoảng. Để cho bản thân một khoảng lùi, để cho người khác một khoảng suy tư, thậm chí vấn đề sẽ được giải quyết mà không cần dùng lời nói.
Cổ nhân giảng: “Mình thương người ta thì người ta thương lại mình, mình kính trọng người ta người ta kính trọng lại mình”, cho nên đứng trước mâu thuẫn nếu có thể bình tĩnh, dùng thiện tâm thiện ngữ thì cho dù một người ngang ngược cũng sẽ không thể làm sự tình trầm trọng hơn lên. Thậm chí sức mạnh của tình yêu thương, sức mạnh của “Thiện” và “Nhẫn” có thể hóa giải rất nhiều ân oán.
Người xưa nói: “Biết làm con dâu sẽ không có mẹ chồng ác”, thật sự là hết sức sâu sắc. Câu nói ấy không phải để đẩy lỗi cho con dâu trong mâu thuẫn, mà chính là hướng dẫn cách đối nhân xử thế của con dâu với mẹ chồng. Người xưa nói vợ chồng coi nhau là khách, “tương kính như tân”, thì gia đình sẽ an vui. Con dâu nếu có thể kính trọng mẹ chồng như một người khách già trong gia đình, thì tự nhiên cũng sẽ làm được hiếu thuận, xây dựng được tình cảm mẹ con ấm áp.
Khi gặp mâu thuẫn, nếu như ai ai cũng đều tìm lỗi sai ở đối phương, thì sẽ khiến mâu thuẫn càng lớn hơn, gay gắt hơn, khoảng cách giữa hai người cũng xa hơn. Người xưa đặc biệt chú ý đến việc tự tìm lỗi của bản thân mà bao dung lấy người khác, lấy tâm trách người mà trách mình, lấy tâm bao dung mình mà bao dung với người. Con người “hữu tắc cải chi, vô tắc gia miễn”, tức là có lỗi thì phải sửa, không có lỗi phải cố gắng thêm. Đó mới là cách đối nhân xử thế phù hợp nhất giữa mẹ chồng với con dâu và cũng là cách đối nhân xử thế giữa người với người trong toàn xã hội.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…