Nhiều bạn trên mạng bày tỏ băn khoăn thậm chí giễu cợt chuyện anh Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch Alphabooks chia sẻ đã đọc 1000 cuốn sách.

Các huynh đệ này bảo như thế là nói phét, người chứ có phải máy đâu mà đọc được như vậy. Một số huynh đệ khác lại bảo đọc thế thì đọc lấy nhiều thấm được là bao.

Tuy nhiên, với tôi một người thích đọc sách thì tôi thấy anh Cảnh Bình “khoe” như thế là khiêm tốn hoặc anh chỉ muốn nói ước lệ.

Anh Bình sinh năm 1972 hơn tôi 10 tuổi, tức là năm nay 52 tuổi. Giả sử anh Bình đọc sách từ năm 7 tuổi thì anh có 45 năm đọc sách. Lấy 1000/45 sẽ được con số hơn 22 cuốn/năm. Một năm có 12 tháng, một năm đọc 22 cuốn như vậy tính ra một tháng 30 ngày đọc non 2 cuốn.

Quá ít!

Thực tế tôi nghĩ anh Bình trong 45 năm đã đọc ít nhất gấp 4-5 lần con số trên.

Đơn giản vì với một người sáng lập một công ty sách rồi làm chủ tịch và cũng là tác giả, dịch giả, đọc là công việc thường ngày của anh. Tức là anh có thể (và phải) đọc sách tám tiếng mỗi ngày bằng nhiều cách thức khác nhau: đọc để duyệt bản thảo, đọc để biên tập, đọc để nắm tình hình xuất bản, đọc để viết, đọc để dịch, đọc để giải trí…

Tôi cũng vậy, khi còn làm cho công ty Quảng Văn – Ehomebooks, bàn tôi lúc nào cũng chất chồng bản thảo đủ loại. Tôi phải đọc hết chỗ đó vì được trả lương để đọc. Ngoài ra tôi phải đọc thứ tôi muốn dịch, đọc sách tôi thích để giải trí, đọc sách ngoại văn để kiếm sách hay giới thiệu cho nhà sách, nhà xuất bản.

Một ngày cho dù tôi không đọc gì thì cuối cùng tối đến ít nhất tôi cũng phải đọc tầm 2-5 cuốn sách tranh cho các con của tôi.

Có lẽ nhiều người ngạc nhiên, nghi ngờ vì ở Việt Nam trung bình mỗi người chỉ đọc 0,8-2 cuốn/năm. Quá ít! Vì thế nghe ai nói đọc 1000 cuốn thì choáng. Nhưng thực sự con số đó cũng chẳng có gì là to tát cả. Tôi có đọc sách của một nhà văn Nhật ông cho biết các nhà văn Nhật đọc rất nhiều, có người đọc 300-500 cuốn/năm. Tôi không nghi ngờ điều này vì trải nghiệm của tôi ở Nhật củng cố điều đó, hơn nữa với vô số nhà văn viết được 200-250 cuốn tiểu thuyết ở đây, tôi tin họ đọc rất nhiều.

Có bạn sẽ dẫn ra câu nói của Lý Tiểu Long rồi bảo đọc nhiều ích quái gì, loạn đầu, quan trọng là đọc một vài cuốn nhưng đọc kĩ. Điều này đúng khi muốn nói đọc kĩ, đọc sâu là quan trọng. Nhưng lấy nó để biện hộ rằng cả đời chỉ cần đọc một vài cuốn sách là đủ thì tôi thấy không thuyết phục. Trên thực tế tôi từng được nhiều người giới thiệu rằng họ biết có cuốn sách nọ sách kia cực hay, cực kì hấp dẫn chỉ cần đọc nó là có đủ mọi chân lý này kia nhưng tôi không tin điều đó.

Thời cổ đại khi chữ viết mới được dùng để ghi lại ý nghĩ con người, sự lan truyền tri thức chưa rộng và mạnh, ta có thể tin rằng có một vài người, một vài cuốn sách nắm giữ nhiều chân lý hay một số chân lý mà người khác không có, không thể tiếp cận. Tuy nhiên từ thời cận đại, khi đại học xuất hiện khắp nơi, máy in chữ rời ra đời, tôi không tin một ai đó hay một vài cuốn sách nắm giữ được hết chân lý dù là chân lý tương đối.

Trong thời đại internet phổ cập và phương tiện in ấn hiện đại như hiện nay điều trên càng giống như huyền thoại.

Điều đó nói lên rằng đọc rộng và đọc sâu có mối quan hệ với nhau. Muốn hiểu sâu một vấn đề gì thì cần phải đọc rộng. Và trong quá trình đọc rộng thì người ta sẽ có nền tảng, nội lực để đi sâu vào chủ điểm, chủ đề, vấn đề họ quan tâm.

Đọc một hai cuốn mà nắm được vấn đề gì đó rất sâu, tôi nghĩ đó là chuyện… hoang đường.

Tất nhiên, khi đọc sách, nhất là khi mới đọc, nội lực còn non, phương pháp chưa tốt thì không nên ham chạy theo số lượng, nên đọc từ từ, chậm rãi, bền bỉ. Tốc độ đọc sách và khả năng bao quát sẽ tăng dần theo tháng năm. Đừng ngại mù mờ, lung tung lúc ban đầu. Khắc đi khắc đến. Cứ đọc dần dần sẽ tìm ra cách phù hợp và biết sắp xếp lại mọi thứ.

Tất nhiên, có ai đó giỏi hơn, có kinh nghiệm hơn trợ giúp hay tìm đúng sách hay, hấp dẫn, sách có thể gợi mở hướng dẫn cũng quan trọng, nó giúp bạn tiết kiệm thời gian và công sức.

Bể học mênh mông. Cứ nhảy xuống rồi bơi thôi vì bây giờ sách rất nhiều. Nghèo cũng có thể đọc được đầy sách. Đơn giản nhất là vào hiệu sách đọc cọp hoặc làm cái thẻ thư viện công đọc mệt nghỉ.

Sợ nhất là lười. Khi đã lười người ta sẽ lấy mọi lý do để biện minh và chính đáng hóa cho sự lười đọc của chính mình.

Nguyễn Quốc Vương

Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời xem video:

Nguyễn Quốc Vương

Published by
Nguyễn Quốc Vương

Recent Posts

Nước giải khát có đường dự kiến chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 10%

Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…

27 phút ago

Một huyện của tỉnh Quảng Nam công bố dịch bệnh chó dại

Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…

1 giờ ago

Hiện tượng hiếm: Nước biển dâng cao tràn vào nội thành tại nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc

Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…

2 giờ ago

Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM bị khởi tố

Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…

2 giờ ago

Vụ án UFO lớn nhất Trung Quốc: 3 lần mất tích bí ẩn

Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…

2 giờ ago

Ông Kim Jong Un cáo buộc Hoa Kỳ gây căng thẳng, cảnh báo về chiến tranh hạt nhân

Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…

2 giờ ago