Tọa lạc ở phố Tràng Tiền, trung tâm sầm uất của thủ đô Hà Nội, Nhà hát lớn trở thành biểu tượng gắn liền với thủ đô trong suốt chiều dài hơn một thế kỷ.
Nhà hát lớn Hà Nội được người Pháp xây dựng vào năm 1901 tại một vùng đầm lầy thuộc làng Thạch Tần và Tây Luông, giáp gianh với làng Cựu Lâu, thuộc tổng Phúc Lân (hay tổng Hữu Túc), huyện Thọ Xương. Sau 10 năm xây dựng, nhà hát hoàn thành và hoạt động từ năm 1911.
Nhà hát lớn có chiều dài 87 mét, bề ngang trung bình 30 mét, phần đỉnh mái cao nhất cao 34 mét so với nền đường, diện tích xây dựng khoảng 2.600 mét vuông.
Nhà hát mang đậm kiến trúc tân cổ điển của Pháp. Theo đánh giá thì kiến trúc nhà hát hoàn hảo và có sự thống nhất cao, tiếp nối của kiến trúc tân cổ điển và kiến trúc tân Baroque, không giống bất kỳ một tòa nhà nào khác ở Việt Nam, Đông Dương hay châu Âu. Trải qua thời gian lâu dài, đến nay người ta đã không rõ Tổng công trình sư là ai dù đã tìm hết cả tài liệu của Việt Nam và Pháp.
Ngay khi đi vào hoạt động, Nhà hát lớn trở thành trung tâm văn hóa của thủ đô, nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động văn hóa và biểu diễn nghệ thuật.
Ban đầu các chương trình biểu diễn chủ yếu phục vụ cho quan lại người Pháp và giới hào phú người Việt. Sau đấy một số nghệ sĩ người Việt đến đây biểu diễn với mục đích từ thiện như quyên góp cứu nạn các vùng lụt lội, xây dựng nhà tế bần, v.v.. Từ năm 1940, nhiều đoàn kịch Việt Nam đã thuê nhà hát để biểu diễn, nên nhà hát không chỉ dành cho người Pháp, tầng lớp thị dân và giới trí thức Việt Nam đã biến nơi đây thành nơi sinh họa nghệ thuật dành cho cả người Việt.
Từ sau năm 1964, nhà hát không được sửa chữa nên xuống cấp nghiêm trọng.
Để chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh Pháp ngữ diễn ra năm 1997, vào năm 1995 chính phủ đã chi 156 tỷ đồng từ ngân sách để trùng tu lại nhà hát lớn Hà Nội, giao cho kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính chủ trì công việc này.
Cũng năm 1995, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính có mời một kiến trúc sư người Việt mang quốc tịch Pháp là Hồ Thiệu Trị giúp mình cùng phục hồi lại nhà hát lớn.
Kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị trở về Pháp tìm đến Viện lưu trữ Đông Dương tìm tài liệu về Nhà hát lớn Hà Nội để có thể cải tạo phục dựng nhà hát về nguyên gốc.
Sau đó ông Trị mang các mẫu vật phẩm của nhà hát khi xây dựng thuở đầu như đá, rèm màu, gạch, v.v. về Việt Nam, lên phương án trùng tu rồi trình bày và được Bộ Văn hóa Thể thao chấp thuận.
Những vật liệu của nhà hát có thể thay mới, nhưng riêng phần mái nhà hát được lợp bằng ngói chẻ (đá vùng Ardoise, Pháp) thì rất khó kiếm, phải mua ở nước ngoài với chi phí đến 2 triệu đô la và thời gian gia công rất lâu. Vấn đề này khiến nhóm các kiến trúc sư mệt mỏi không biết giải quyết thế nào.
Theo thói quen, kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị hay đến quán cóc uống trà ở bờ hồ Hoàn Kiếm. Một lần có bà cụ ở quán cóc nói rằng loại ngói này ở Lai Châu có rất nhiều, còn khẳng định là giống y như thế.
Ông Hồ Thiệu Trị cho người đến Lai Châu tìm hiểu thì thấy ở Lai Châu quả là có loại đá này thật, chất lượng lại rất tốt. Đây là đá Slate Lai Châu, loại đá này mang vẻ đẹp trầm mặc, cổ kính với màu sắc tự nhiên tinh tế, độ bền lại vượt trội. Loại đá này có cấu tạo đặc biệt, không thấm nước, không rêu mốc, không phai màu, khả năng chịu nhiệt cao.
Thời gian đã chứng mình, sau khi dùng loại đá này, đến nay đã trải qua mấy chục năm mà phần mái vẫn giữ nguyên màu sắc và chất lượng.
Sau 2 năm dưới sự giám sát của kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị cùng công sức lao động của khoảng 100 nhân công, công trình cải tạo nhà hát lớn Hà Nội đã hoàn thành.
Các công trình bên trong cũng như bên ngoài, các hoạ tiết trang trí cùng các thành phần kiến trúc hình khối đặc trưng đều được tu sửa phục chế trả lại vẻ đẹp vốn có.
Phần mái ngói Nhà hát lớn dùng đá Slate Lai Châu, phục chế chi tiết từng đường viền trang trí các vòm nóc và hình con sư tử huyền thoại bằng kẽm giống như bản gốc. Đại sảnh và cầu thang được nâng cấp bằng đá hoa nhập từ Ý. Sau khi được cải tạo, Nhà hát lớn Hà Nội có diện mạo đẹp hơn nhưng vẫn giữ được nét cổ kính.
Ngày nay Nhà hát lớn Hà Nội không chỉ là nơi biểu diễn, mà còn là điểm đến của du khách, cũng là nơi chụp ảnh lưu niệm trước ngày cưới của các đôi uyên ương.
Nhà hát lớn là hình tượng của thủ đô Hà Nội, là biểu tượng gắn bó cùng thủ đô qua chiều dài lịch sử hơn một thế kỷ, là công trình lớn nơi trung tâm văn hóa của thủ đô.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video “Thông minh vĩnh viễn không bù đắp được thiếu hụt đạo đức”:
Nhà Hậu Trần giằng co cản bước quân Minh nam tiến sau khi Trương Phụ…
Ba vị đồ đệ trong Tây Du Ký có pháp danh lần lượt là Tôn…
Các sợi lông lỏng lẻo trên bề mặt vải có thể dễ dàng được loại…
Tổng thống đắc cử Donald Trump trong quá trình tranh cử đã nhiều lần chỉ…
Ông Matt Gaetz hôm thứ Năm (21/11) đã tuyên bố rằng ông sẽ rút lui…
Có hơn 1.000 cây guitar acoustic và guitar điện không có chữ ký của ông…