Lịch sử đường Cổ Ngư: Con đường đẹp và lãng mạn nhất Hà Nội
- Trần Hưng
- •
Người Hà Nội hẳn là quen thuộc với câu hát “Đường Cổ Ngư xưa chầm chậm bước ta về” trong bài “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa”. Đường Cổ Ngư nay là đường Thanh Niên, được xem là con đường đẹp nhất Hà Nội, chỉ dài khoảng 1 km nhưng lại mang trên mình chiều dài lịch sử từ rất xa xưa.
Lịch sử hình thành
Khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư đến Thăng Long đã cho bồi đắp một con đê trên hồ Dâm Đàm (tên gọi của hồ Tây thời ấy). Con đê này trở thành vòng ngoài thành của Kinh thành Thăng Long, gọi là đê Trấn Bắc.
Con đê này nối hai bờ hồ nên rất tiện lại cho việc đi lại, vì thế mà dân chúng hay đi qua đây. Cũng nhờ đó, con đê cứ rộng dần và đến thế kỷ 14 thì hình thành con đường.
Theo sách “Long thành dật sử”, đến năm 1620, ở góc đông nam cá hay tụ tập về đây, nên dân 2 làng Yên Hoa (nay là Yên Phụ) và Yên Quang (nay là phố Quán Thánh) đã đắp một con kè ngăn cá lại rồi đánh bắt và nuôi cá. Vì thế đê được gọi là đê “Cố Ngự”, nghĩa là giữ vững.
Đường Cổ Ngư ngăn hồ Dâm Đàm làm hai, phần hồ nhỏ được ngăn ra chưa có tên riêng nên dân chúng vẫn gọi là hồ Dâm Đàm. Phần hồ ngăn ra ở bên làng Trúc Yên, trồng rất nhiều trúc. Đến thế kỷ 19, chúa Trịnh Giang cho xây một cung điện cạnh hồ gọi là Trúc Lâm. Sau đó Trúc Lâm trở thành nơi giam giữ các cung nữ phạm tội. Các cung nữ ở đây phải tự dệt lụa đem bán để nuôi sống bản thân, lụa của họ rất đẹp và bóng bẩy nên nổi tiếng, được gọi là Lụa Trúc (tiếng Hán là Trúc Bạch). Từ đó phần hồ được ngăn ra này gọi là hồ Trúc Bạch, còn hồ Dâm Đàm xưa kia cũng được đổi tên gọi là hồ Tây.
Đến thời thuộc Pháp, chính quyền cho đấu thầu phá tường thành Hà Nội rồi xây dinh toàn quyền. Khi đắp đê Yên Phụ thì người Pháp cũng cho mở rộng đê Cố Ngự, trồng phượng hai bên đường, có đèn sáng ban đêm. Khi làm bảng tên đường thì những người làm bảng tên thường dùng chữ không dấu, nên dần dần đường “Cố Ngự” được đọc thành “Cổ Ngư”.
Năm 1931, Hội đồng thành phố cho mở rộng đường bằng cách đổ đá hai bên, người Pháp đặt tên cho đường này là Maréchal Lyautey (tên một vị thống chế người Pháp), nhưng người Hà Nội vẫn quen gọi là đường Cổ Ngư.
Đến năm 1957, thanh niên Hà Nội chuyển đất từ sông Hồng đến bồi đắp nên đường Cổ Ngư rộng rãi như ngày nay.
Đến năm 1959, đường Cổ Ngư được đặt tên là đường Thanh Niên, nhưng người dân Hà Nội lúc đó vẫn quen gọi là Cổ Ngư.
Mang trên mình nhiều di tích văn hóa
Ngày nay đường Cổ Ngư chỉ dài khoảng 1km nối Yên Hoa (nay là đầu phố Yên Phụ) đến đền Quán Thánh. Đền Quán Thánh có từ thời vua Lý Thái Tổ, thờ Huyền Thiên Trấn Vũ. Đền được xem là “trấn bắc”, nằm trong “Thăng Long tứ trấn” bảo vệ Kinh thành Thăng Long.
Khu vực trước đền Quán Thánh do nước hồ Tây rút xa, để lại vùng đất lầy lội, được tôn tạo thành một vườn hoa rất đẹp.
Nằm ở phía đông là chùa Trấn Quốc, ngôi chùa cổ kính mà thanh nhã, được xem là linh thiêng, mỗi năm có hàng vạn người đến viếng.
Bên cạnh đường Cổ Ngư là đền Thủy Trung Tiên (tên cũ là đền Cẩu Nhi). Theo truyền thuyết xưa thì khi vua Lý Thái Tổ định dời đô về thành Đại La (sau đổi tên là thành Thăng Long), cho xây dựng sửa sang lại, nhưng thành cứ xây lại đổ. Một hôm nhà Vua thấy một con chó bơi qua sông Hồng, trên lưng có chữ vương (王), con chó đang có chửa, sau khi bơi qua sông thì lên núi Nùng. Vua cho rằng đây hẳn là điềm báo nên quyết định xây thành trên nền thành Đại La cũ, từ đó thành xây được cao mà vững chắc, không bị đổ nữa.
Đến khi thành xây xong, quyết định dời đô thì Vua cho xây đền Cẩu Nhi ở núi Nùng để nhớ tới sự kiện này. Sau này khi dời đô từ Thăng Long đến Phú Xuân (Huế) thì di dời đền Cẩu Nhi đến cạnh đường Cổ Ngư như ngày nay.
Năm 1980, đền Cẩu Nhi bị đập phá để làm cơ sở sản xuất của Hợp tác xã, rồi thành quán ăn Cổ Ngư. May là sau đó đền Cẩu Nhi được phục dựng lại rồi đổi tên thành đền Thủy Trung Tiên. Trong đền còn có tấm bia đá ghi: “Đến năm Canh Tuất có việc dời đô, Cẩu Mẫu, Cẩu Nhi đều hóa, vua nghe chuyện bảo đó là chó thần bèn xuống chiếu cho dựng miếu thờ Cẩu Mẫu trên núi và dựng miếu thờ Cẩu Nhi trong hồ này”.
Đền Thủy Trung Tiên được bao bọc bởi các cây cổ thụ, có một cây cầu đá xanh chạm nổi rồng phượng, hình vòng cung nối liền từ đường Cổ Ngư đến cổng Tam Quan.
Con đường đẹp và lãng mạn nhất Hà Nội
Thời chúa Trịnh, hồ Trúc Bạch bên đường được trồng sen thơm nức cả một vùng. Cảnh đẹp và hương sen đã khiến cho các văn sĩ sáng tác ra các bài phú nổi tiếng một thời như “Tây tụng hồ phú” của Nguyễn Huy Lượng, “Chiến tụng Tây hồ” của Phạm Thái.
Đường Cổ Ngư nổi tiếng bậc nhất thời thuộc Pháp, nằm giữa hồ mát mẻ, có thể ngắm những vì sao trên bầu trời. Con đường cũng rất thơ mộng vào những đêm trăng sáng, hai bên đường rợp bóng cây xanh, hương hoa lan tỏa.
Trên đê cố ngự, nhớ chữ đồng tâm
Hỡi cô đội nón ba tầm
Có về Yên Phụ hôm rằm lại sang
Phiên rằm chợ chính Yên Quang
Yêu hoa, anh đợi hoa nàng mới mua.
Năm 1957, chính quyền cho mở rộng đường Cổ Ngư. Đến năm 1959, người ta muốn đổi tên con đường này, rất nhiều tên được tuyển chọn, cuối cùng quyết định đặt tên cho con đường này là đường Thanh Niên.
Tuy đổi tên nhưng tên gọi “Cổ Ngư” vẫn lưu lại trong tâm thức người Hà Nội. Nó gắn liền với chiều dài văn hóa lịch sử của thành phố, mang theo hoài niệm với những cung bậc của cảm xúc, đúng như câu hát “cái rét đầu đông khăn em bay hiu hiu gió lạnh. Hoa sữa thôi rơi, em bên tôi một chiều tan lớp. Đường Cổ Ngư xưa, chầm chậm bước ta về”.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Hà Nội