Có rất nhiều việc bố mẹ thực hiện mà không hề biết điều đó gây nên những tổn thương, để lại di chứng trong suốt cuộc đời con trẻ, làm cho chúng bị méo mó trong nhận thức và không thể hoàn thiện về nhân cách. Trong số những hành vi sai, tôi chọn hành vi đổ thừa để nói đến đầu tiên bởi đây là hành vi rất phổ biến, nhiều bố mẹ lặp đi lặp lại và nó gây hại rất nhiều.
Chúng ta thường thấy bố mẹ Việt hành xử như sau:
Con chập chững đi, vấp ngã, ông bà bố mẹ thường chạy lại đỡ, xuýt xoa, “Ối ối, cục đá này làm con mẹ ngã này, đánh chừa cục đá này.” Họ đổ lỗi cho một cục đá vô tri và dạy trẻ con đổ thừa cho hoàn cảnh, cho một thứ khác. Họ không dạy trẻ tự đứng lên và học cách quan sát, học cách tránh hòn đá hoặc nhặt (giúp con nhặt) hòn đá bỏ vào lề.
Họ luôn nghĩ rằng một đứa trẻ mới chập chững thì sẽ không hiểu, không nhận thức được những điều họ nói, việc họ làm. Họ không hiểu rằng con người là một động vật bắt chước hành vi. Một đứa trẻ từ khi mở mắt nhìn được, tai nghe được là đã luôn quan sát và bắt chước những hành động, lời nói của người xung quanh. Chúng chưa hiểu toàn bộ ý nghĩa của lời nói, hành động, nhưng lời nói và hành động đã đi vào não trẻ, được tiếp nhận và lặp lại.
Họ dạy trẻ bài học đổ thừa cho vật không thể phản bác, cho người yếu thế hơn. Họ cũng tước đoạt của trẻ tư duy suy luận logic: cục đá không có chân, cục đá không thể tránh, cục đá chỉ nằm im một chỗ, cục đá chỉ di chuyển khi có một lực đủ lớn tác động. Con có chân, con có thể di chuyển, con có thể tránh cục đá vật cản, con có thể di chuyển cục đá, con có thể dẹp gọn cục đá để người khác không phải vấp.
Bố mẹ thường đổ thừa, con cái cũng sẽ luôn đổ thừa. Không có việc bố mẹ thường đổ thừa mà con thì lại tự biết chịu trách nhiệm. Đó là điều không thể xảy ra cho đến khi đứa con trưởng thành, học hỏi qua sách vở hoặc qua người khác, biết rằng đổ thừa là xấu, con tự sửa tính. Việc tự sửa này rất gian nan vì trải qua nhiều năm việc đổ thừa đã thành thói quen mất rồi.
Bố mẹ thấy con điểm kém, la mắng, con đổ thừa tại cái này, bị cái kia, chứ không bao giờ nhận do lười học, bố mẹ càng tức giận và bảo rằng con không biết tự chịu trách nhiệm. Họ đòi hỏi một đứa phải chịu trách nhiệm nhưng họ không hề nghĩ rằng con như thế là do con bắt chước chính họ. Con đã thấy bố mẹ đổ thừa cho hòn đá khi con té. Con đã thấy bố mẹ đổ thừa cho người khác, cho hoàn cảnh, cho mọi thứ khác trừ bản thân. Họ đổ thừa cho con họ bởi chính những sai lầm trong giáo dục của họ. Họ đã không biết rằng họ chính là nguồn cơn và họ cần phải tự sửa trước để dạy con. Một đứa trẻ sẽ rất hoang mang, mâu thuẫn bởi bố mẹ không hề nhất quán: Tại sao bố mẹ luôn miệng đổ thừa mà con thì lại không được? Tại sao con phải chịu trách nhiệm trong khi bố mẹ có bao giờ chịu trách nhiệm việc gì đâu?
Vợ bảo chồng, “Dạo này anh ăn nhậu nhiều quá không để ý đến gia đình con cái gì cả.” Anh chồng thường sẽ có câu trả lời, “Tại bạn bè rủ rê nhiều quá. Tại công việc làm ăn phải giao tiếp. Do có khách…” hàng tỉ lý do được đưa ra, hiếm có ông nào bảo, “Ừ, anh hư, anh ham chơi, ham vui, ham nhậu quá, anh xin lỗi em và các con.” Ở chiều ngược lại, cô vợ cũng sẽ viện đủ cớ để đổ thừa cho mọi thứ. Trong một hoàn cảnh như thế, một đứa trẻ sẽ giống như thế: Tiếp nhận, bắt chước, không tư duy.
Tôi nhớ, hồi bé, tôi thường chui vào trong chiếu, cuộn tròn lại, tấm tức khóc một mình vì cảm thấy uất ức mỗi khi bị đổ thừa cho một việc gì đó.
Tôi rửa bát làm vỡ thì bị mắng do tôi làm ăn không cẩn thận, mẹ rửa bát làm vỡ thì bởi do xà phòng trơn tay. Tại sao lại có sự mâu thuẫn và phân biệt cho cùng một việc?
Cái radio mọi ngày vẫn phát, mình cũng bật lên như ba mẹ bật, thì gặp ngay lúc nó hỏng, thế là bị ăn mắng: “Con Voi làm hư cái radio.” Tôi cãi, “Con có phá nó đâu.” Thì tiếp tục ăn mắng: “Con phải làm gì nó mới hỏng chứ sao tự nhiên nó hỏng được?” Cái đứa trẻ tôi đã rất hoang mang không hiểu tại sao bởi mình không hề nghịch phá gì nó cả và khi không giải thích được vì sao cái radio hỏng thì đứa trẻ tôi nghĩ hay là mình đã làm hỏng nó thật!?
Tôi nghi ngờ bản thân, tôi tự đổ lỗi cho chính mình vì một việc tôi bị người khác đổ thừa. Việc đó vô tình được lặp đi lặp lại đủ nhiều, nó hình thành nên một sự méo mó trong tôi: Hay tự trách bản thân, dù trong nhiều việc tôi chẳng có lỗi gì. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không hiểu tại sao hồi đó ba mẹ, anh chị đã không dạy tôi rằng cái radio dùng lâu ngày thì đến một lúc nó hỏng vì đứt mạch, vì đứt dây… và con vô tình đã sử dụng nó đúng lúc nó hỏng. Họ đã không hề dạy tôi sự thật và cách để nhìn nhận sự việc, tư duy đúng.
Bây giờ kể lại, ta có thể phì cười, nhưng với một đứa trẻ đó không phải là việc để đùa. Cho đến tận bây giờ, dù đã có sự hiểu biết, nhưng tôi vẫn không thoát được việc tự đổ lỗi cho chính mình. Do có sự hiểu biết, tôi nhận thức được rằng tôi không thể đổ lỗi cho người, cho vật, cho hoàn cảnh bởi đó là điều không đúng, thế thì tôi chỉ còn biết tự trách bản thân.
Ta thấy, việc đổ thừa hình thành hai lối suy nghĩ ở những người khác nhau:
-Nhóm 1: Lặp lại hành vi đổ thừa.
-Nhóm 2: Tự đổ thừa bản thân.
Khi trưởng thành thì không thể hoặc khó có thể suy luận khách quan, logic.
Chúng ta cần hiểu được rằng chúng ta phải hết sức cẩn thận trong việc dạy bảo con mình. Những điều cần tránh, cần sửa thì chúng ta nhất quyết phải sửa phải tránh để con cái không bị những tổn thương do chính chúng ta gây ra.
Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng có chỉnh sửa dưới sự cho phép của tác giả
Xem thêm cùng tác giả:
Mời xem video:
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…