Trong cuộc sống hằng ngày, tôi tiếp xúc và làm việc với nhiều người, tôi rất thường vấp phải những người nói và làm việc không có tư duy logic, không thể giải quyết vấn đề kể cả vấn đề đơn giản nhất. Đó là do họ không được học, hay tìm hiểu về phương pháp tư duy.
Khi được học, được tìm hiểu phương pháp tư duy con người sẽ biết suy nghĩ và lập luận có logic, làm việc có sự hiểu biết và tính toán để đạt được hiệu quả cao nhất trong công việc của mình chứ không chỉ làm theo kiểu “monkey see monkey do” bắt chước. Từ việc có thể sắp xếp một cách khoa học để làm tốt công việc cá nhân người ta mới có thể tiến tới dễ dàng khi làm việc nhóm.
Tôi gặp rất nhiều người trẻ làm việc kiểu thiên lôi ai sai đâu đánh đó, chỉ chờ đợi sự sai khiến chỉ bảo thì mới biết phải làm gì. Và khi được sai khiến làm một công việc đơn giản thì họ cũng mất nhiều thời gian để hoàn thành một công việc.
Ví dụ, tôi nói, “Cháu à, hôm nay chúng ta sẽ làm cỏ vườn.” Người có phương pháp tư duy sẽ biết suy nghĩ liên hệ:
– Làm cỏ vườn cần những dụng cụ gì?
– Những dụng cụ nào mình đã có, những dụng cụ nào chưa có, cần mua cái gì?
– Mình chưa từng làm cỏ vườn, mình không biết gì về công việc này vậy mình sẽ phải hỏi để biết công việc cần làm gì và cần dụng cụ gì, làm như thế nào?
Và khi ra vườn làm cỏ người đó sẽ đem theo: găng tay, dao rựa, liềm… hoặc cắt bằng máy thì đem theo xăng, dụng cụ để lau chùi bugi hoặc sửa máy…
Người không biết phương pháp tư duy sẽ không suy nghĩ gì cả và họ sẽ chỉ vác cái thân ra vườn và nhìn coi ai làm sao mình làm vậy “monkey see monkey do”. Đến lúc đó mới hỏi loạn lên để kiếm cái liềm, cái dao và phải chạy về nhà để lấy, thậm chí là tìm không ra và lại chạy ngược ra để hỏi cái liềm ở đâu cái rựa ở đâu. Mất thời gian, mất việc, hiệu quả công việc không có.
Người có phương pháp tư duy khi làm việc trong một nhóm (từ hai người trở lên) sẽ biết cách tổ chức chia công việc ra để làm nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
Ví dụ: Để lắp đặt một hệ thống nước tưới, những người có phương pháp tư duy sẽ:
– Chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ cần thiết cho việc lắp ống nước.
– Chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ để làm thành hệ thống tưới nước: ống nước, béc phun, keo dán,…
– Khi làm việc sẽ biết chia công việc ra: người thì cưa cắt ống, người thì đem ống đã cắt ra vị trí cần lắp, người thì dán kéo, người thì lắp ống béc phun, người thì lắp hệ thống bơm… để khi một người xong việc thì những người kia cũng xong hoặc sắp xong, chỉ còn khâu hoàn thiện cuối cùng, kiểm tra, cho chạy là xong. Công việc đạt hiệu quả rất cao. Bốn hoặc năm người có thể lắp đặt một hệ thống cho 3 ngàn mét vuông đất trong một buổi sáng.
Nếu có một, hai người trong nhóm không biết phương pháp tư duy thì anh ta sẽ không mang theo đồ nghề, không mua đủ đồ đề lắp đặt, khi đến nơi mới vội vã chạy đi mua làm người khác khi xong việc phải ngồi chờ anh này thì mới làm tiếp được. Hoặc giả người ta cưa ống thì anh ta không biết đem ống đi đặt ra vị trí cần đặt mà lại kiếm cái cưa để cùng ngồi cưa ống. Thấy người ta dán keo cũng ngồi dán keo chứ không biết gắn ống vào hoặc đi đấu đầu béc phun… Công việc bị đình trệ, đợi sai khiến chỉ bảo, cầm tay chỉ việc từng chút và thậm chí la mắng thì họ mới làm nhưng lòng luôn mang ấm ức nghĩ người ta bắt nạt hà hiếp mình chứ không chịu hoặc không biết cần phải học phương pháp tư duy.
Chúng ta vẫn thường phàn nàn rằng người Việt rất khó có thể làm việc nhóm và thậm chí năng suất lao động của người Việt thấp hơn các nước khác trong khu vực. Tôi đọc được rất nhiều lời phàn nàn, chê bai, chỉ trích nhưng ít có người hiểu nguyên nhân tại sao để đưa ra giải pháp mang tính khả thi. Người ta đổ thừa cho dân tộc tính, cho cái tôi quá lớn của người Việt, cho sự lười nhác… Theo tôi nghĩ, chẳng qua là bởi người Việt rất ít được học phương pháp tư duy.
Nếu được học phương pháp tư duy, người Việt sẽ biết phân tích, liên hệ giữa kinh nghiệm và thực tiễn cái mới để thực hiện công việc chứ không chỉ dựa vào kinh nghiệm hoặc chỉ dựa vào kiến thức mới mà phủ nhận các kinh nghiệm đã được đúc kết, sẽ biết đặt câu hỏi để đào sâu nhìn rõ bản chất thực sự của một vấn đề chứ không chỉ hiểu ở bề nổi, sẽ biết phân biệt phải trái, đúng sai, nhận định thấu đáo và rõ ràng rành mạch các giá trị đạo đức, văn hóa, xã hội, sẽ biết phẫn nộ trước cái sai cái xấu và biết ủng hộ khuyến khích điều tử tế, sẽ biết tôn trọng kiến thức, tôn trọng ý kiến trái chiều, không vội vàng phán xét ẩu và chỉ trích, sẽ biết đấu tranh cho các quyền của mình và biết trách nhiệm của mình với bản thân và xã hội, cộng đồng, gia đình… Từ đó, công việc, cuộc sống đều hiệu quả và nhất quán, lời nói đi đôi với việc làm, các phát minh sáng kiến mới có cơ hội ra đời, xã hội mới phát triển.
Chúng ta thấy rất rõ xã hội Việt hiện nay không có phát minh gì, vắng bóng các sáng kiến, hầu như chẳng có sáng tạo mặc dù đã đào tạo ra mấy chục ngàn tiến sĩ, giáo sư. Trí thức im lặng trước các vấn đề của xã hội, khi lên tiếng thì họ cũng lại không nhìn ra được bản chất của vấn đề mà ngu ngu ngơ ngơ nói ra những câu ngớ ngẩn. Mấy chục ngàn tiến sĩ – tạm gọi là trí thức – so với hơn 90 triệu dân là con số không nhiều, họ đúng lý ra là người phải dẫn đạo tư duy cho đám đông, ấy thế nhưng xin lỗi, tôi hồ nghi trong số họ chẳng có bao người biết phương pháp tư duy là gì. Và đó là điều đau đớn cho dân tộc bởi họ còn không hiểu phải làm gì để dẫn đạo tư duy cho đám đông.
Qua tìm hiểu, tôi được biết, ở các nước tiên tiến người ta dạy cho con người biết phương pháp tư duy từ nhỏ. Do đó, xã hội người ta mới có nhiều phát minh, sáng kiến đóng góp lớn cho toàn nhân loại. Người ta làm việc rất khoa học bởi họ biết cách tổ chức công việc sao cho đạt hiệu quả cao nhất.
Ở Việt Nam chỉ có một số ít trường đại học có giáo trình dạy sơ sơ qua một chút về phương pháp tư duy. Tại sao việc dạy cho con người phương pháp tư duy lại không được chú trọng tại trường, tại gia đình và trên các phương tiện truyền thông?
Nếu một người biết phương pháp tư duy thì người đó sẽ giỏi trong công việc cũng như lý luận, nếu xã hội có nhiều người biết phương pháp tư duy nghĩa là có nhiều người giỏi thì những người giỏi này sẽ không thể nào chấp nhận được sự tụt hậu, trì trệ, tham nhũng, lạm quyền, bất công, ngu dốt. Họ sẽ tìm cách phản kháng và thay đổi điều đó.
Người giỏi thực sự sẽ không chấp nhận sự chỉ đạo thiếu hiểu biết. Có thể vì cơm áo gạo tiền hoặc điều gì đó họ có thể chấp nhận tạm thời, nhưng chỉ trong ngắn hạn, sau đó họ luôn luôn tìm các thay đổi để tìm tự do và phát triển chứ không thể nào mãi cúi đầu chịu nhục. Con người vốn không nên phục tùng mù quáng.
Nhà trường không dạy thì chúng ta tự học thôi.
Nguyễn Thị Bích Ngà
Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng có chỉnh sửa dưới sự cho phép của tác giả
Xem thêm cùng tác giả:
Mời xem video:
Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…