Nhà tôi ở vùng Phú Nhuận. Gần nhà, giữa xóm lao động và vài chung cư của công chức có một chợ nhỏ hình thành từ lâu rồi, có đến hơn sáu bảy chục năm. Chợ nhỏ nhưng cũng đủ thứ hàng hoá: trong nhà lồng là những sạp vải vóc quần áo giày dép đồ khô nhang đèn… Bên ngoài, trên bốn con đường nhỏ là khu vực bán đồ tươi sống: thịt cá tôm cua ếch, rau xanh, đậu hũ, rồi người ta dựng thêm hàng dù, dưới đó là mấy hàng quần áo con nít, vớ tất đồ lót, hàng “xuất khẩu”, chén bát bằng nhựa, hàng đồ khô hành tỏi nấm… Mặt tiền chợ là mấy quầy mỹ phẩm, vàng bạc, mấy hàng hoa tươi… rồi những hàng khác theo nhau mọc lên bao quanh nhà lồng, có thêm vài cửa tiệm uốn tóc, cắt may sửa quần áo, tiệm bánh ngọt, nơi rửa xe máy, nơi gửi xe… chợ nhỏ thành “chợ lớn” hồi nào không hay, nhất là vào ngày chủ nhật và lễ tết.
Bình thường chợ chỉ bán vào buổi sáng. Từ khoảng 5 giờ là xe ba gác, xe máy chở thịt cá rau xanh đã chạy ào ào vô chợ. Những nhà quanh chợ hoặc mở cửa hàng, cho thuê mặt tiền cũng lục tục dọn hàng. Đến khoảng 10 giờ sáng thì chợ vắng dần, đến trưa thì tan chợ, chỉ còn mấy quầy mỹ phẩm, quầy vàng bạc (kiêm đổi tiền “chui”) và những nhà bán hàng đồ khô thì mở cửa cả ngày.
Một năm chỉ vài ngày giáp tết là chợ tấp nập suốt ngày, chỗ gửi xe máy đông nghẹt, chờ gửi chờ lấy xe lâu gần bằng đi chợ.
Mấy năm nay được nghỉ tết nhiều hơn mọi năm, chợ tết cũng tấp nập sớm hơn. Từ sáng 28 tết những con đường quanh chợ tết đã không còn chỗ chen chân. Hàng trái cây, rau xanh, hàng đồ gốm, bình bông, tiền vàng mã… Hoa vàng khắp nơi, ừ, Tết phương Nam mà thiếu cúc vàng mai vàng thì cũng giống như Tết miền Bắc mà thiếu cành đào, đâu còn là tết.
Và bánh tét bánh chưng cũng tràn khắp nơi: bánh tét Trà Vinh, Cần Thơ nếp xanh màu lá dứa có trứng vịt muối bùi bùi cùng miếng mỡ mềm rục; bánh chưng Bắc vuông vắn được ép trong nilon hút chân không, để lâu vẫn mềm, không lại gạo không thiu trong tiết trời nắng phương Nam. Giò chả thịt nguội các loại, dưa cải kim chi dưa kiệu dưa món… từng hũ nhỏ lớn xếp cao hình tháp bên cạnh những hũ tôm khô từng con đều nhau đỏ au, nhìn đã thấy những cuộc nhậu tưng bừng.
Đi chợ Tết những bà nội trợ thường đến ngay những quầy hàng quen, mua hàng ngày tết khỏi trả giá, chỉ có hỏi giá, lựa hàng rồi tính tiền. Có than mắc hơn thì cũng nhận được câu trả lời như nhau “tết mà”! Sáng 29 tết còn được dặn, bữa nay chị mua đi, nếu không đặt cọc cho em, chứ tới mai là lên 1, 2 giá nữa đó. Khủng hoảng lạm phát gì không biết, lương chậm thưởng ít đâu không biết, chợ tết vẫn đông nghẹt, vẫn mua bán ào ào… Những gói quà biếu chủ yếu cũng là đồ ăn uống: bánh mứt kẹo rượu cà phê… Đúng là dân Việt mình “ăn tết” thật.
Trưa Ba mươi, chợ vắng dần, chỉ còn mấy anh chị công nhân vệ sinh dọn dẹp hàng đống rác. Chợ sẽ nghỉ ngơi đến sáng mùng Ba sẽ lác đác có người bán hoa, bán thức ăn tươi nấu bữa ăn cúng tiễn ông bà. Gần cổng chợ có đoạn đường xe lửa chạy qua, chiều 30 tết đoàn tàu miệt mài chạy, vẫn còn những hành khách cuối cùng về miền Trung hay ra miền Bắc sum họp với gia đình. Sài Gòn có hơn hai triệu người nhập cư, cũng gần chừng ấy người về quê vào dịp đó, để lại Sài Gòn những ngày vắng vẻ, yên tĩnh hơn, bắt đầu từ khi tàn phiên chợ Tết.
Chợ nhà lồng
Cụm từ “chợ nhà lồng” xuất phát từ Nam bộ (dân gian thường kêu “nhà lồng chợ”), ở Bắc bộ hầu như không sử dụng tên gọi này cho những ngôi chợ xây. Có thể thấy từ này mang ý nghĩa tượng hình cho biết hình thức chợ giống như cái lồng: có giới hạn phạm vi nhưng không bị che kín, rộng rãi, đặc biệt là tuy có mái che nhưng kiến trúc và tổ chức không gian của chợ vẫn thông thoáng. Không gian chợ nhà lồng giới hạn bởi mái cao, gian chợ rộng, có hàng cột bốn phía đỡ mái, nền cao tránh ngập nước cũng là để phân biệt với không gian ngoài chợ. Nhưng không gian trong và ngoài nhà lồng có thể kết nối với nhau và với xung quanh vì chợ Nam bộ thường nằm sát bến sông hoặc gần các ngã đường lớn, dễ dàng tiếp cận.
Các thị tứ, thị trấn Nam bộ thường có các chợ nhà lồng ở khu vực trung tâm của cộng đồng dân cư. Khác với Bắc bộ, chợ quê thường tập trung tại các bãi đất trống ven làng, không có không gian cụ thể và rõ ràng như các chợ nhà lồng Nam bộ. Từ lâu tôi đã nghĩ rằng chợ nhà lồng chắc được người Pháp đưa vào Nam bộ khá sớm, vì có thể nhận thấy các chợ nhà lồng cổ hiện còn có kiến trúc, hình thức, quy mô, thậm chí vật liệu xây dựng cũng khá giống nhau, tức là có cùng một khoảng niên đại.
Những lần có dịp đi Pháp làm việc hay du lịch, tôi thường bắt gặp trong nhiều làng cổ ở Pháp ngôi chợ “nhà lồng” cũng ở trung tâm của làng hay khu vực dân cư tập trung đông. Làng nào cũng có hai công trình công cộng là nhà thờ và chợ, nhưng chợ thì không xây dựng trước nhà thờ hoặc gần các công trình tôn giáo. Qua tìm hiểu, tôi được biết trước đây chợ nhà lồng không chỉ có chức năng mua bán hàng hóa mà còn thêm chức năng thông tin. Ở đô thị các thông tin có thể được chính quyền thông báo tại trụ sở, trung tâm hành chính; còn trong cộng đồng dân cư nhỏ như làng thì thông tin được thông báo bằng văn bản dán hoặc đọc tại các chợ. Những thông tin này liên quan trực tiếp đến đời sống, hoạt động kinh doanh và sinh hoạt của dân cư trong làng. Vì vậy, chức năng thông tin của chợ nhà lồng rất quan trọng.
Tại Pháp công tác bảo tồn những công trình cổ rất tốt, không chỉ gìn giữ lại phần vật chất, thực thể của công trình mà còn duy trì, nuôi sống được cái hồn của mỗi công trình cổ. Những ngôi chợ cổ ở Pháp hiện nay chủ yếu hoạt động trong các ngày lễ hội, cuối tuần và phục vụ trong những thời gian đông du khách như mùa hè. Xưa đây là nơi nhộn nhịp và sinh động nhất trong cuộc sống của người dân tại làng quê Pháp thì nay là nơi họ có thể trưng bày, giới thiệu và bán những sản phẩm thủ công mỹ nghệ hay ẩm thực độc đáo – niềm tự hào của làng quê. Chợ hoạt động phục vụ nhu cầu của dân bản địa và khách du lịch. Loại hình chợ này rất thuận tiện cho mọi người có nhu cầu tham quan, mua sắm thoải mái.
Một điều bất ngờ và thú vị là trong cuốn hồi ký Xứ Đông Dương thuộc Pháp của Paul Doumer, toàn quyền Đông dương 1897 – 1902 đã nói đến vai trò của chợ nhà lồng trong các làng ở Nam kỳ vào cuối thế kỷ XIX. Trong đó Paul Doumer xác nhận rằng ở Nam kỳ chưa có khu chợ nào có mái che trước khi người Pháp đến, ngày xưa chợ họp ngay trong làng hoặc trên mảnh đất rìa làng; sau đó những người bán hàng ở chợ đã được ngồi bên dưới một công trình có mái che như ở Pháp nhưng bốn phía thông thống để gió vào, rất thích hợp với khí hậu ở Nam kỳ; rằng, một trong những cơ sở quan trọng nhất của một làng ở Nam kỳ hiện đại là cái chợ, và làng nào cũng tự hào về chợ làng mình chẳng khác gì tự hào về đình làng vậy. Tuy nhiên lợi ích quan trọng nhất của chợ là làng thu được từ chợ một khoản thuế lớn để làm công quỹ.
Như vậy, chợ nhà lồng ra đời không chỉ là sự thay đổi về hình thức của “chợ quê” mà còn là sự thay đổi một cách thức buôn bán: trong số những người đến chợ mua bán theo kiểu tự cung tự cấp có những người trở thành “chuyên nghiệp” vì buôn bán thường xuyên và cố định trong nhà lồng, họ có nghĩa vụ đóng thuế – chính thức hóa nghề nghiệp. Và nguồn thu từ thuế chợ trở thành một nguồn kinh phí cho hoạt động công ích của làng xã.
Hiện nay rất đáng tiếc là nhiều nơi ở Nam bộ đã phá chợ nhà lồng mà xây nên những “trung tâm thương mại” hoành tráng mà vô hồn, chỉ còn lại một số ít ngôi chợ nhà lồng cổ xưa. Bên cạnh việc bảo tồn “chợ nổi” trên sông nước như một nét độc đáo của văn hóa và du lịch miền Tây thì chợ nhà lồng cũng cần được bảo tồn và duy trì hoạt động vì đã lưu giữ nét “văn hóa thương nghiệp” độc đáo của các thị tứ Nam bộ. Với giá trị lịch sử như vậy chợ nhà lồng hoàn toàn xứng đáng được coi là di sản văn hóa của Nam bộ, cả ngôi nhà lồng và những sinh hoạt chợ truyền thống ở đó.
Chợ nơi đô thị
Chợ là nơi trao đổi buôn bán hàng hóa trong một khu vực địa lý. Ở đô thị ngày nay chợ “truyền thống” là một trong số ít ỏi dấu tích còn lại của những làng xóm xưa, điểm lại các chợ ở Sài Gòn ta nhận ra phần lớn tên chợ lưu lại địa danh quen thuộc một thời nổi tiếng: Đa Kao, Cầu Kho, Tân Định, Xóm Chiếu, Bàu Sen, Bà Chiểu, Thị Nghè, Phú Nhuận, Gò Vấp, Hòa Hưng…
Nam bộ sông rạch nhiều nên đi lại bằng ghe xuồng là chính. Chợ xưa là nơi bến sông ghe xuồng neo đậu trao đổi hàng hóa nông sản. Dần dần trên bờ hình thành thị tứ, có nhà cửa, tiệm chạp pô, tiệm ăn, kho hàng của người Hoa, rồi hàng thịt cá rau trái bày bán giữa đường hay trên các sạp dựng ở lòng đường, dần hình thành một cái chợ… Chợ Bến Thành xưa – nay là Chợ Cũ cũng được hình thành như vậy. Người Pháp mang đến kiến trúc “nhà lồng” cho chợ Bến Thành mới, từ đó “nhà lồng chợ” thường là trung tâm của một thị tứ ở Nam bộ. Người ta đánh giá địa phương đó có trù phú, phát đạt hay không là nhìn vào quy mộ của nhà lồng chợ. Trong cuốn hồi ký của Paul Doumer toàn quyền Đông Dương hồi đầu thế kỷ 20 có nhận xét rằng, một trong những cơ sở quan trọng nhất của một làng ở Nam kỳ là cái chợ, và làng nào cũng tự hào về chợ làng mình chẳng khác gì tự hào về đình làng vậy.
Ở Sài Gòn nhiều chợ có đặc điểm riêng về dân cư và sản phẩm. Đi mỗi chợ có thể nhận biết nhiều điều về nơi ấy: dân cư, ngôn ngữ, sản phẩm, các mối quan hệ xã hội qua xưng hô. Đi chợ hàng ngày là nhu cầu không phải chỉ mua bán mà còn là gặp gỡ, giao lưu, thể hiện các mối quan hệ xã hội. Nghe lời nói thách trả giá mặc cả… biết giá cả chất lượng hàng hóa và còn có thể biết được tình cảm của những người mua bán. Hiện nay chợ truyền thống thường là nhà lồng cao ráo, thông thoáng, sạp hàng bố trí, sắp xếp khoa học, vệ sinh môi trường tương đối tốt, bên cạnh đó là việc giữ gìn “thương hiệu” ngành hàng của những tiểu thương buôn bán lâu năm.
Những chợ hẻm, chợ vỉa hè… mọc lên ở những khu dân cư mới chỉ có siêu thị mà không có chợ. Đó là nhu cầu hàng ngày của phần đông dân cư, bởi vì đâu thể nhốt mọi sinh hoạt thường nhật của người dân vào các trung tâm thương mại hào nhoáng và lạnh lùng. Khi nhà quy hoạch không lưu ý nhu cầu này thì tất yếu sẽ có chợ tự phát, dẫn đến lấn chiếm lòng lề đường, cản trợ giao thông, ảnh hưởng vệ sinh môi trường… Nhưng trong những xóm lao động hay khu công chức lâu đời vẫn còn nhiều chợ hẻm chỉ nhộn nhịp bán mua vào buổi sáng, đến trưa thì chợ đã tan. Hẻm trở lại yên tĩnh thậm chí còn có tiếng gà gáy te te lúc đứng bóng… Bạn tôi làm việc ở Thái Lan, nhà trong một hẻm nhỏ có cái chợ giống hệt như vậy: cũng những xe bán trái cây, rau củ, xe bán thức ăn chín, sạp quần áo treo đồ lên hàng rào, rồi xe nước ngọt siro đá bào, gánh chè, xe hủ tiếu nước lèo thơm phức… Bạn nói, chọn thuê nhà ở đây là vì cái chợ này, ra vô nhìn thấy nó như mình đang ở Sài Gòn.
Hiện nay siêu thị, trung tâm thương mại xây dựng khắp nơi, từ đô thị đến vùng nông thôn. Nhà đầu tư thường chọn ngay vị trí chợ truyền thống hoặc địa điểm công cộng – tức là chiếm đoạt giá trị về ký ức nơi chốn của cộng đồng – để xây dựng những tòa nhà cao tầng, hình thức kiến trúc và nội thất trang trí sắp xếp như nhau. Tên gọi của siêu thị, trung tâm thương mại ít khi mang địa danh truyền thống. Trong đó việc mua bán sòng phẳng, lịch sự, người mua hàng có thể chọn lựa thỏai mái, tự mình quyết định khi mua món hàng nào đó theo giá ấn định sẵn. Siêu thị, trung tâm thương mại phản ánh mối quan hệ của xã hội đô thị hiện đại: coi trọng sự riêng tư, cá nhân, chủ yếu là sự “tương tác” giữa người mua hàng với sản phẩm, quan hệ người mua người bán không còn, “tình cảm” trong việc mua bán nhạt đi, mất đi… Tính chất văn hóa địa phương (đặc sản, ngôn ngữ, xưng hô…) không thể hiện trong siêu thị, trung tâm thương mại mà là ứng xử “văn minh thương nghiệp” phổ biến mọi nơi.
Thành phố dù hiện đại đến đâu cũng cần những ngôi chợ truyền thống, không chỉ phục vụ cuộc sống hàng ngày mà còn là một địa điểm du lịch, bởi vì nó phản ánh văn hóa địa phương qua sản phẩm, ẩm thực, ứng xử giao tiếp của con người… Lưu giữ chợ truyền thống vì hoạt động thương nghiệp của tiểu thương và khách hàng cũng là những giá trị văn hóa. Siêu thị và trung tâm thương mại không thể thay thế hoàn toàn chợ, kể cả chợ bán lẻ và nhất là những chợ đầu mối, bán sỉ và có truyền thống lâu đời.
Bảo tồn chợ truyền thống cần bắt đầu từ việc bảo toàn giá trị ký ức từ địa điểm nơi chốn, bảo toàn giá trị văn hóa qua sản phẩm và ứng xử trong mua bán. Và trước hết, nó phải được bắt đầu từ tư duy và sự hiểu biết của các nhà quản lý và quy hoạch đô thị.
Tùy bút, Nguyễn Thị Hậu
Đăng lại từ trang haukhaoco2010.blogspot.com
TS. Nguyễn Thị Hậu là tác giả được yêu mến của nhiều cuốn sách về Sài Gòn như “Sài Gòn bao giờ cũng thế”, “Nghĩ ngợi đường xa”, “Cách nhau chỉ có một giấc mơ”, v.v.. Mời bạn đọc tham khảo thêm tại đây.
Facebook tác giả: Hậu Kc Nguyễn
Xem thêm:
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…
Đội hình Phalanx gắn liền với những cuộc chinh phục của Alexander Đại Đế.
Phát biểu của bà Zakharova vào thứ Năm (21/11) mô tả Estonia và các quốc…
Xinh đẹp là một loại phúc báo, nhưng nhan sắc là yếu tố bên ngoài…
Nhà Hậu Trần giằng co cản bước quân Minh nam tiến sau khi Trương Phụ…