Τạp chí Bách Khoa số 87 ra ngày 15.8.1960 có thuật lại buổi nói chuyện về “Saigon năm xưa” của ông bạn Vương Hồng Sển tại Câu lạc bộ Văn hóa, chiều thứ sáu 29 tháng 7 năm 1960. Bài lược thuật này khá đầy đủ, mặc dầu có mấy điểm thiếu sót mà chúng tôi xin phép được bổ chính như sau:
Về danh xưng Phù Nam, chúng tôi xin nêu lên rằng tài liệu xưa nhất của Trung Hoa nói về xứ này là quyền “Sử ký” của Tư Mã Thiên (1), một sử gia trứ danh đời Tây Hán. Trong quyển Sử ký, có đoạn nói như sau:
“Chu Thành Vương tân mão lục niên, Giao Chỉ nam hữu Việt Thường thị, trùng tam dịch nhi lai hiến bạch trĩ… Sứ giả mê kỳ qui lộ, Chu công tích dĩ bình (biền) xa ngũ thặng, giai vi chỉ nam chi chế; sứ giả tái chi, do Phù Nam Lâm Ấp hải tế, ky (cơ) niên nhi chí kỳ quốc”
(Đời Chu thành Vương, năm tâ mão thứ 6 (1110 trước T. L.), ở phía nam Giao Chỉ có nước Việt Thường, qua ba lần thông dịch tiếng nói, đến dâng chim trĩ trắng… Sứ giả không nhớ đường về, nên Chu công cho họ năm chiếc xe chỉ nam; Sứ giả ngồi trên những xe ấy, do đường bờ bể Phù Nam, Lâm Ấp, đi một năm thì về đến nước họ).
Như thế là nước Phù Nam không phải chỉ xuất hiện từ đầu Công nguyên, mà từ trước Công nguyên ít nhất là 11 thế kỷ, trái với những lập luận thông thường của những nhà khảo cổ Tây phương chẳng hạn như:
Theo các từ điển Trung Hoa và theo nhà bác học Mã Đoan Lâm, người đời Tống (960 1280), đồ đệ của Chu Hy, và là tác giả bộ sách “Văn Hiến thông khảo”, hai chữ Phù Nam không viết tới ý nghĩa Phù là nổi và Nam là miền Nam, mà lại viết Phù (bên thủ, bên phu) = có nghĩa là giúp đỡ (phù trì phù hộ), và cũng có nghĩa là hai cây mọc dựa với nhau (có ý nương dựa nhau) như phù tang, phù trúc; Còn Nam là phương Nam. Vậy Phù Nam có nghĩa là: “giúp đỡ miền Nam” hoặc là “miền Nam có những thứ cây mọc đôi, mọc bụi để nương tựa nhau”, đại loại cây dâu, cây trúc.
Nhưng đây cũng chỉ là một giả thuyết, Phù Nam, mà Tây phương viết là Founan, chỉ là phiên âm của một danh xưng địa phương tối cổ, mà nhà cổ học George Coedès cho là Phnom, tiếng Chân Lạp có nghĩa là núi. Chúng ta không nên nhầm lẫn như Phnom này với chữ Phnaur, có nghĩa là cái gò.
Chính chữ Phnom đã cho ta chữ non, và chữ Phnaur đã cho ta chữ nõng (gò đất, tumulus).
Theo Mã Đoan Lâm, xứ Phù Nam xưa kia có bà chúa Liễu Diệp (Lieou Yé), dõng mãnh hơn nam nhi, nhưng khi giao chiến với Hỗn Hội (Kaundinya), một tướng Sĩ của nước Khích (Mã Lai), ở phía nam Phù Nam, đã bị thất trận và đành phải làm vợ của Hỗn Hội. Thấy Liễu Diệp lõa thân và để tóc dài, Hỗn Hội buộc Liễu Diệp phải che thân với một tấm vải cắt một lỗ để cho lọt cái đầu vào; đồng thời Hỗn Hội cũng buộc vợ mình phải vấn tóc lại.
Hỗn Hội chết đi, con cháu kế nghiệp được mấy đời tại Phù Nam; khi người sau cùng là Hỗn Bàn Huống mất đi thì nhân dân Phù Nam bèn cử viên thượng tướng Phạm Sử Mang (Fan Che Man) lên làm vua. Phạm Sử Mang đánh đông dẹp bắc, mở mang bờ cõi cho đến 5, 6 ngàn lí. Ông ta tự xưng là Phù Nam Đại vương.
Phạm Sử Mang vừa mất đi thì Phù Nam phải chịu một thời kỳ hỗn độn; sau cùng có viên tướng Phạm Tầm (Fan Siun) lên nắm chính quyền. Những sự kiện này xảy ra vào thời nhà Ngô (222-265) và nhà Tấn (265-420).
Theo Mã Đoan Lâm, thì xứ Phù Nam là một “hòn đảo lớn” có nhiều núi, thung lũng và đồng bằng – khí hậu, sản vật và phong tục cũng gần giống như Lâm Ấp. Phù Nam có nhiều thành trì và điện đài nguy nga. Điện nhà vua có hai tầng. Những đồn ải đều có hàng rào bao bọc. Người ta lợp nhà lá với một thứ cây mọc ven bờ biển. Nhưng lá này dài đến 6, 7 xích và hình thù giống con cá (Có lẽ là cây dừa nước, palmier d’eau).
Sở dĩ Mã Đoan Lâm nói rằng Phù Nam là một hòn đảo lớn, là vì thuở xưa kia, có lẽ biển Nam Hải ăn sâu vào tận Tonlé Sap, do đó một phần lớn Việt Nam bây giờ chỉ là một cái vịnh, lần hồi đã được phù sa của sông Mékong (sông mẹ) lấp dần. Như vậy, Phù Nam ngày xưa có nước bao bọc ba bốn phía, và nếu Phù Nam chưa phải là hòn đảo thì ít nhất cũng là một bán đảo (2).
Như trên kia đã nói, Phù Nam xuất hiện từ ngàn xưa cho đến thế kỷ thứ VI thì không thấy nói đến nữa mà lại bắt đầu nghe nói đến một xứ khác là Chân Lạp, gồm có Lục Chân Lạp, (Chen La terrestre) và Thủy Chân Lạp (Chen La maritime).
Thủ đô của Thủy Chân Lạp là Prei Nokor. Prei có nghĩa là rừng. Nokor là xứ, kinh đô, vương quốc (ville royale, royaume), chứ không phải là gòn. Nokor, theo Linh mục Tandart, lấy gốc ở chữ pali Nagara, Nagaram là xứ, thành, vương quốc (cité, ville, forteresse).
Chính chữ Prei đã sinh ra chữ rẫy, còn Nokor đã sinh ra chữ nước, mà nhiều nơi ở xứ ta còn đọc là “Nác”. Ngoài ra, chúng ta còn thấy danh từ Nagar trong Poh Nagar, có nghĩa là Bà Chúa Xứ, tức là vị nữ thần Bhagavati, dưới hình dáng của nữ thần Uma (Ngu Ma), vợ (cakti) của thần Civa, còn thờ tại Tháp Bà Nha Trang.
Vì những lẽ trên Prei Nokor có nghĩa là Rừng Vương Quốc, Rừng của vua, mà Emile Aymonier dịch là “Forêt royale” trong quyền “Le Cambodge” do Emest Leroux xuất bản tại Ba lê năm 1900. Nhưng Linh mục Tandard, trong cuốn tự điển “Dictionnaire Cambodgien Français” đã dịch là “Ville de la forêt” (Lâm thành).
Nhà cổ học Moura là người đầu tiên đã ghi chép danh xưng Prei Nokor, trong quyển sách “Le Royaume du Cambodge” do Ernest Leroux xuất bản năm 1883 tại Ba lê. Trong quyển này, tập I, trang 59, có một đoạn rất quan trọng, vì có liên hệ đến nước ta, mà chúng tôi xin chép ra đây:
“En l’an 2167 de l’ère bouddhique. 1623 de l’ère chrétienne, un ambassadeur du roi d’Annam apporte au roi du Cambodge Preas Chey Chesda une lettre dans laquelle le roi d’Annam exprime de désir: « d’em prunter au Cambodge le pays de Pret Nokor et Kas Krobey pour y installer ses. bureaux des douanes. Preas Chey Chesda, après avoir consulté ses ministres, donne une suite favorable à la demande du roi d’Annam et envoie à ce dernier une lettre lui faisant connaître qu’il accepte de lui donner ce qu’il demande. Le roi d’Annam ordonne alors à ses fonctionnaires des douanes de s’installer à Prei Nokor et Kas Krobey, et, à partir de ce moment, de procéder à la perception des taxes douanières”.
(Năm 2167 Phật lịch, tức là năm 1623 Công nguyên, một sứ giả của vua An Nam đã dâng lên vua Câm Bốt Préas Chey Chesda một phong thư trong đó vua An Nam ngỏ ý “mượn” của nước Câm Bốt xứ Prei Nokor và xứ Kas Krobey, để đặt làm nơi quan thuế. Preas Chey Chesda, sau khi đã tham khảo ý kiến của đình thần, đã chấp lời yêu cầu trên và đã phúc thư cho vua An Nam biết. Vua An Nam bèn ra lệnh cho quan chức đặt sở quan thuế tại Prei Nokor và Kas Krobey, và từ đó, bắt đầu thâu quan thuế).
Tài liệu này còn giữ tại Văn khố của nước Câm Bốt (Annales manuscrites du Cambodge, Collection de la Bibliothèque royale Fonds Cambodgien Règne de Préas Chey Chesda, trang 369).
Sở dĩ vua Chân Lạp đã nhượng cho nước ta hai địa điểm trọng yếu nói trên, là vì muốn được lòng Chúa Sãi đã gả công chúa Ngọc Vạn cho mình, và đồng thời cũng muốn tìm hậu thuẫn để chế ngự tham vọng của người Xiêm về phía Tây.
Do tài liệu lịch sử trên kia, chúng ta thấy: sau danh xưng Prei Nokor, lại xuất hiện thêm danh xưng Kas Krobey. Danh xưng này gồm có chữ Kas, có nghĩa là tiền (monnaie) và Krobey (Krabey) có nghĩa là trâu. Vậy Kas Krobey có nghĩa là tiền trâu, nghĩa là nơi buôn bán và thâu thuế trâu, một gia súc rất cần cho xứ Thủy Chân Lạp là nơi bùn lầy nước đọng.
Theo Malleret viết trong bài “A la recherche de Prei Nokor” đăng trong tạp chí của Hội Nghiên cứu Đông dương năm 1942, đệ nhị tam cá nguyệt, thì Prei Nokor là Sài Côn xứ, tức là vùng Cây Mai. Chợ lớn ngày nay. Bản đồ của Trần văn Học về 1815 cũng có ghi ba chữ “Sài Côn xứ” tại vùng này. Còn trong danh xưng Kas Krobey chúng ta thấy đã có sẵn chữ Krobey là trâu làm cho ta liên tưởng đến xứ Bến Nghé, tức là Ngưu Tân theo Trịnh Hoài Đức phiên nghĩa, trong “Gia Định thành thông chí”, để chỉ định chỗ Rạch Bến Nghé (Ngưu chử hà) chảy ra sông Tân Bình (sông Saigon), mà xưa kia người ta gọi là vàm Bến Nghé. (Chữ vàm do chữ péam: cửa biển, cửa sông mà ra).
Theo Trịnh Hoài Đức, người thổ trước thường xưng đất Bà rịa Phiên An là Bến Nghé, cũng như xưng Biên Hòa là Đồng Nai, xưng Saigon Định Tường là Vũng Cù, v.v.. (Xem Gia Định Thành Thông chí, quyền 2, trang 19)
Sông Tân Bình ở địa hạt phủ Tân Bình, trước thành Gia Định, tục danh Sông Bến Nghé, rộng 1 trăm 42 tầm, sâu 10 tầm. Sông này sâu rộng mà trong, tàu buôn và ghe thuyền người bản quốc và ngoại quốc đến neo đậu, trông thấy cột buồm liên lạc, làm thành chỗ đại đô hội.
Bến đò trước thành uốn quanh lên phía tây, trải qua sông Bình Đông đến sông Băng Bột, ngược giòng lên Thủ sở Tầm phong tích, đến thác lớn Bương Đàm là chỗ cùng trạch, dài 462 dặm.
Bến đò trước thành quanh qua phía Bắc, vòng xuống phía đông, đến Tam giang khẩu (Nhà Bè) hiệp làm sông Phước Bình, chảy ra biển Cần Giờ, dài 142 dặm rưởi, 2 bên có nhiều sông nhánh.
Phía tây nam con sông này thuộc về giới hạn trấn Phiên An, phía đông bắc sông này thuộc về giới hạn trấn Biên Hòa (Xem Gia Định thành thông chí, quyền 2 trang 22 và 23).
Cũng theo Trịnh Hoài Đức, chúng ta thấy danh từ Sài Côn đã xuất hiện từ 1674:
Tháng 2 năm Giáp Dần, đời vua Thái Tôn Hiếu Triết Hoàng đế (1674), tên Nặc Đài ở Cao Miên đuổi vua nước y là Nặc Ông Nỗn, Ông Nỗn chạy qua cầu cứu vua ta; vua ta bèn khiến quân Khâm mạng Thái Khương Dinh (tức trấn Bình Hòa tỉnh Khánh Hòa bây giờ) là Dương Lâm Hầu (Nguyễn Dương Lâm) làm Thống suất cùng Tham mưu Trưởng Diên Phái Hầu (Nguyễn diên Phái), hiệp lý biên vụ đem binh vào Nam. Tháng 4 quân ta chiếm được 3 lũy Sài Côn (nay là địa hạt Phiên An), Gò Bích (La Bích, khu Bích, Lovek) và Nam Vinh (Phnom Penh). Nặc Đài bỏ chạy rồi chết.
Khi ấy Nặc Thu đến bái hàng. Tháng 6, báo thiệp lên vua. Triều nghị xét Nặc Thu là phái đích bèn phong làm Chính quốc vương Cao Miên ngự trị tại thành Vương luôn (Oudong), còn Nặc Ông Nỗn làm Phó quốc vương ngự trị tại thành Sài Côn (Xem Gia Định thành thông chí, quyển 3, trang 4).
Danh xưng Sài Côn mà Trịnh Hoài Đức dùng đây đáng lẽ phải viết Sài Gòn, nhưng vì chữ Hán không có chữ Gòn, hoặc một chữ gì có nghĩa là Gòn, nên Trịnh Hoài Đức phải viết chữ Côn nhưng mà ta phải đọc là Gòn. Như vậy danh xưng Sài Gòn đã xuất hiện ít nhất là từ năm 1674, khi quân Việt tiến vào Nam để lập lại trật tự ở xứ này.
Xin nhắc lại danh xưng xưa nhất của Bến Nghé là Kompong Krabey (Kom pong = bến; Krabey = trâu). Chữ Kom pong đọc lanh thành ra K’pong, Pong và người Việt đã phiên âm là vũng; cũng như địa danh Kompong Thom, mà chúng ta đã phiên âm là Vũng thom, rồi được dịch ra Hán Việt là Hương Úc, mặc dầu chữ Thom của người Miên không có nghĩa là hương thơm mà có nghĩa là to lớn. Do đó Kompong Thom có nghĩa là vũng lớn, bến lớn.
Cũng như danh xưng Prei Nokor, người ta đọc lanh thành ra Prei N’kor, rồi còn lại Prei Kor, có nghĩa là Rừng gòn (3). Danh xưng Prei Kor đã được sử gia Adhémard Leclère ghi chép lần đầu tiên trong bài Sdach Kan, đăng trong tạp chí của hội Nghiên cứu Đông dương năm 1910, đệ nhị bán niên, trang 26.
Theo ông này, thì Prei Nokor và Prei Kor cũng chỉ là một địa điểm. Theo ông Malleret, thì Prei Kor có thể dịch là Rừng Bò (forêt des boeufs) hơn là Rừng Gòn. Lập luận của ông Malleret hoàn toàn sai, là vì trong Miên ngữ, chữ Kou mới là bò; Ông Malleret đã nhầm lẫn hai chữ Kou và Kor.
Trong Nam, còn có một danh xưng rất xưa trong đó có tên con bò là Kompong Kou, mà người Việt phiêm âm là Vũng Gù (Tân An), còn Đại Nam Nhất Thống Chí (quyền Gia Định) thì gọi là Cù Úc (Vũng Cù).
Cũng theo Đại Nam Nhất thống chí, danh xưng Bến Nghé có lẽ là cái bến xưa kia có rất nhiều cá sấu kêu “nghé, nghé” như trâu con, nên gọi là Bến Nghé, nhưng theo tôi thì đây có lẽ là một sự lầm lẫn giữa hai âm Krabey (con trâu) và Krapeu (con cá sấu). Điều đáng chú ý nhất vẫn là những tài liệu cổ kính còn tàng trữ tại Thư viện Hoàng gia Cao Miên, đã ghi rõ chữ Krobey là con trâu chứ không phải Krapeu là con cá sấu vậy.
Một ông bạn đã lăn lộn nhiều tại miền Nam này đã đưa ra một giả thuyết là Sài Côn không phải do danh xưng Prei Nokor hay là Prei Kor mà ra, mà chính là do danh xưng Prek Angkar, có nghĩa là Rạch Gạo. Chính chữ Prek của Chân Lạp đã cho ta chữ Rạch (lạch) cũng như chữ Xuyên của Trung Hoa đã cho ta chữ Sông vậy.
Tôi không đồng ý với ông bạn về giả thuyết Prek Angkar, là vì ông bạn đã lầm lẫn Angkar với Angkor, mà Angkor cũng đồng nghĩa với Nokor, là thành phố, là xứ, do chữ pali nagara mà ra. (Xem Henri Parmentier viết trong “Guide d’Angkor”, trang 49: … Angkor, déformation du mot nagara, la ville, terme qui se retrouve également dans Vat Nokor).
Còn về danh xưng Đê Ngạn (đê: bờ đất đắp đê ngăn nước, ngạn = bờ sông dốc cao), nó chỉ xuất hiện vào năm 1778, sau khi người Hoa Kiều của Trần Thượng Xuyên và Trần An Bình di cư từ Biên Hòa về Sài Côn (Chợ Lớn bây giờ) để tránh nạn chiến tranh giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh. Bọn Hoa kiều này đã phiên âm hai chữ Sài Gòn bằng hai chữ Đê Ngạn mà họ đọc Thầy Ngồn (giọng Quảng Đông), còn Sài Côn họ cũng viết là Tây Cống để mà độc là Xì Cúng.
Vì lẽ danh xưng Sài Côn xuất hiện trước danh xưng Đề Ngạn hơn 100 năm (1674, 1778), chúng ta không thể nào chủ trương rằng Sài Côn hay Sài Gòn đều do Đề Ngạn mà ra, mà trái lại chúng ta phải theo thứ tự thời gian của mỗi danh xưng để nhận định danh xưng nào có trước và những danh xưng nào đã đến sau.
Còn hai chữ Sài Gòn mà người Tây Phương viết dính lại là Saigon, chỉ xuất hiện từ năm 1784 trong một bức thư của André Ton, đề ngày 1 tháng 7 năm 1784 (Nouvelles lettres édifiantes et curieuses, Edition Ad. Lechère, 1821, tome VII).
Nói tóm lại các danh xưng của Saigon có thể xếp theo thứ tự thời gian như sau:
Như vậy, chúng ta có thể quá quyết rằng tất cả các danh xưng về thủ đô miền Nam đều bắt nguồn ở danh xưng tối cổ của Chân Lạp để lại là Prei Nokor hoặc là Prei Kor.
Tại xứ này, trên bờ sông Tân Bình, có một địa điểm ngày xưa gọi là Kompong Luông (Kompong = bến; Luông = vua) có nghĩa là ở “bến nhà vua” hay là “bến ngự” Theo Pétrus Ký viết trong Souvenirs historiques sur Saigon et ses environs, (1885), Kompong luông là bến Thủ Thiêm ngày nay. Nơi này, trước kia có một thủy các và một lương tạ xây trên những bè tre nổi, để vua ra hóng mát và tắm gội.
Hình như bạn Vương Hồng Sển có nói rằng Kompong Luông sau được Việt Nam – hóa thành ra Tầm Phong Long, rồi rút ngắn lại là Tân Long. Về điềm này, tôi xin trình bày rằng Kompong Luông đã thuộc về xứ An Nam (Srock luồn, SócDuồng) từ năm 1623 do sự nhân nhượng hai xứ Prei Nokor và Kas Krobey, như trên kia đã nói, hay là ít nhứt vào năm 1674, với sự chiếm đóng thành Sài Côn. Còn như đất Tầm Phong Long là do Trương Phúc Du và Nguyễn Cư Trinh tiếp nhận của Chân Lạp vào năm Đinh Sửu 1758, nghĩa là gần 100 năm sau, ở miền Hậu Giang, thuộc vùng Châu Đốc (An Giang) ngày nay.
Miền này có lẽ là trung tâm của Phù Nam ngày xưa. Theo Mã Ðoan Lâm, Phù Nam ngày xưa có một giống diều hâu lớn khi lao mình xuống biển thì hóa ra một thứ rùa mà dân Phù Nam lấy thứ đồi mồi gọi là Kha, dùng để làm những đồ trang sức. Sự kiện này làm cho ta liên tưởng đến xứ Hà Tiên là nơi sản xuất nhiều đồi mồi từ thời đại Phù Nam cho đến ngày nay.
Mã Đoan Lâm lại kể thêm rằng vua xứ Phù Nam thường hay “nửa nằm nửa ngồi”, nghĩa là nằm dựa trên những cái gối, một chân co lại, một chân duỗi thẳng.
Đây không phải là thứ vua “Ngoạ Triều”, mà có thể nói là điệu bộ nghỉ ngơi của một vài vị Thần thánh của phương Đông, như ta thấy ở Thái Lan, có tượng ông Phật nằm (Sleeping Buddha) thờ trong một ngôi chùa ở Vọng Các. Trái lại, ở làng Vọng Thê (4), quận Núi Sập, tỉnh An giang, còn thờ một tượng đá thần Vishnu. Tượng này người ta tìm thấy ở núi Ba Thê (Ba Sré), cao 3m35, đến khi đồng bào ta chở về thờ ở Vọng Thê, cách đó chừng 2 cây số, thì họ chôn bức tượng mất phía dưới, chỉ còn thấy phần trên, trông như ngồi vậy và họ nhầm lẫn là tượng Phật, nên gọi là “Prah Thê”.
Ba Thê là một địa điểm thần linh quan trọng của xứ Phù Nam. Cho đến ngày nay, các nhà cổ học cũng chưa có thể xác định rõ ràng thời đại và biên giới của xứ Phù Nam xưa kia. Theo Remusat, Phù Nam là Bắc Việt (Nouveaux mélanges asiatiques. 9 1, trang 77). Theo Klaproth, Phù Nam là miền giữa hai xứ Bengale và Pégou (Tableaux historiques de l’Asie, Atlas, pl.). Deguignes cho rằng Phù Nam là một hòn đảo ở phía tây Xiêm La (Histoire des Huns, 9 1 tr. 173). Linh mục Gaubil cho là Câm Bốt (Notice historique sur la Cochinchine, trang 7). St Julien lại bảo là nước Xiêm La (Mélanges de géographie asiatique, tr. 150, 159 và tiếp theo). Pauthier cho là xứ Barmanie và Pegou (Mélanges sur l’Orient). Về sau, ông De Rosny trong thiên khảo cứu “Etude sur les peuples orientaux connus des anciens Chinois” đã mở rộng biên cương xứ Phù Nam cho đến nước Lào, trung tâm Cao Miên trung tâm Miến Điện, cho đến tận biên giới Bắc Việt và Vịnh Xiêm La, nghĩa là giáp giới Mã lai.
Còn kinh đô xưa kia của Phù Nam, người ta cũng chưa biết rõ là nơi nào. Người ta ước đoán là thành phố Óc Eo, ở gần núi Ba Thê nói trên. Xưa kia, Óc Eo có lẽ là một hải cảng, sau lần lần bị đất phù sa lấp mất, cho đến năm 1940 1941 nhà cổ học Malleret mới đào thấy.
Một điều chắc chắn là từ đầu Công nguyên, xứ Phù Nam đã có giao thiệp với Đế quốc La mã, vì người ta đã đào thấy ở Óc Eo tấm huy chương có tạc hình và ghi tên vua Antonin Le Pieux (152 sau Công nguyên), cũng như xưa hơn, xứ Giao Chỉ nói chung và Ái châu (Thanh hóa) nói riêng đã có giao thiệp với Đế quốc Hy Lạp, vì người ta đã tìm thấy trong những ngôi có mộ đời nhà Hán, ở lưu vực sông Mã, có chôn tượng thần Dionysos quỳ chân cầm đèn, để soi sáng con đường cho những kẻ đi qua bên kia thế giới.
Giữa hai xứ Phù Nam và Giao Chỉ lại còn có Lâm Ấp, là nơi mà cũng vào những thế kỷ đầu của Công nguyên, đã có sự giao thiệp với văn minh Hy Lạp: bằng chứng là pho tượng Phật đồng đen vô giá tối cổ tìm thấy ở Đông Dương (Indrapura) trung tâm xứ Amaravati, một linh địa của Lâm Ấp, mà các nhà cổ học cho là rất giống thần tượng Apollon của Hy Lạp, qua nghệ thuật Gandhara ở phía tây Ấn Độ, là nơi mà ngày xưa bộ đội của Alexandre le Grand đã dừng chân và truyền bá kỹ thuật điêu khắc qua phương Đông, tức là Ấn Độ, Trung Hoa và miền Đông Nam Á chúng ta vậy (5).
Gia Định, ngày 31 tháng 8 năm 1960
Thái Văn Kiểm
“Nhân buổi nói chuyện về ‘Sài Gòn Năm Xưa’ của ông Vương Hồng Sển”
Đăng lại từ Fanpage Thú Chơi Sách
Mời độc giả ghé thăm
Chú thích:
(1) Tư Mã Thiên, tự là Tử Trường, người ở Long môn, đời Tây Hán. Cha là Tư Mã Đàm làm chức Thái sử công, cho nên ông đã nổi nghiệp. Khi Lý Lăng đầu hàng Hung Nô, vua Hán Võ đế (140 88 trước Tây lịch) giận lắm; Nhưng Tư Mã Thiên hết sức bênh vực Lý Lăng, cho Lăng là người trung. Vua càng thêm giận bèn ghép Thiên vào tội hủ hình (cắt bộ sinh dục). Ông bèn khởi sự viết quyển Sử ký, kể từ thời vua Hoàng đế cho đến đời Xuân Thu, khi nước Lỗ săn được con lân dưới đời vua Ai Công năm 14, tức là năm Canh thân đời vua Chu Kính Vương năm thứ 49 (Trước Tây Lịch).
(2) Các nhà địa lý học ước lượng rằng sông Cửu Long mang đất phù sa ra bể phỏng chừng một nghìn triệu thước khối một năm. Nhờ đất phù xa này mà bờ biển Nam Việt, nhất là ở vùng Cà Mau, thêm rộng ra 80 thước mỗi năm, nghĩa là 80 cây số mỗi ngàn năm.
(3) Cây Gòn: faux-cotonnier, grand cotonnier, ouatier, kapokier, fromager (ériodendrum orien-tale anfractuosum).
(4) Vọng Thê có nghĩa là “bắt thang” nhìn để đào kênh Thoại Hà.
Tổng thống đắc cử Donald Trump đã chọn ông Howard Lutnick, giám đốc điều hành…
Các tổ chức nhân quyền phương Tây đã lên án Tổng thống Hoa Kỳ Joe…
Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega đã đề xuất cải cách hiến pháp nhằm mở rộng…
Lão hóa là một phần không thể tránh khỏi trong quy luật tự nhiên, nhưng…
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân đã từ chối cuộc gặp với Bộ…
Tổng thống đắc cử Donald Trump hôm thứ Tư (20/11) đã chọn luật sư Matthew…