Trong suốt mấy ngàn năm lịch sử, các bậc thánh hiền nhiều vô kể, người tài giỏi có khả năng đặc biệt lại càng nhiều không kể xiết. Nhắc đến những người này, không thể không thể kể đến “thần cơ diệu toán” Lưu Cơ (Lưu Bá Ôn).
Lưu Cơ tự là Bá Ôn, sinh năm 1311 tại thôn Dương Võ, huyện Thanh Điền. Ông là nhà mưu lược quân sự kiệt xuất cuối nhà Nguyên đầu nhà Minh. Ông vừa là nhà chính trị, tác gia và nhà tư tưởng, thông kinh sử hiểu thiên văn, tinh binh pháp, là khai quốc công thần triều Minh.
Ông có công phò tá Chu Nguyên Chương hoàn thành đế nghiệp, luôn tận tâm tận lực giữ cho quốc gia được yên bình. Do ông nổi danh thiên hạ, nên người đời sau thường so sánh ông với Gia Cát Lượng.
Thuở nhỏ, Lưu Bá Ôn thông minh khác thường, thiên phú cực cao. Ông ham học, suy nghĩ sâu xa, thích đọc sách, vô cùng thích đọc kinh điển Nho gia, sách “Chư tử bách gia”. Đối với thiên văn, địa lý, binh pháp, thuật số ông đều dốc lòng nghiên cứu và rất tâm đắc. Trí nhớ của ông vô cùng tốt, ông đọc sách đọc như gió, xem qua một vài lần là thuộc. Ngoài ra ông có cách hành văn rất đặc sắc, cách viết văn không giống người bình thường khác.
Lưu Bá Ôn là người tinh thông mệnh lý học. Trong dân gian cũng có truyền thuyết kể ông là Thần tiên hạ phàm đến để trợ giúp Thái tổ thành tựu đại nghiệp. Trong các câu chuyện dân gian và trong các tác phẩm văn học, ông thường được nhắc đến với tài thần cơ diệu toán, biết trước tương lai, nhìn thấu kim cổ. Hơn nữa, ông còn có tài hô phong hoán vũ, thần thông quảng đại.
Cha của Lưu Bá Ôn là Lưu Dược. Tương truyền rằng cha mẹ của Lưu Bá Ôn là những người có tâm địa vô cùng tốt. Một ngày, có một vị Bạch hạc tiên sư hóa thành một người ăn mày chốc đầu bẩn thỉu đến nhà Lưu Dược ăn xin. Hai vợ chồng họ không những không chê bẩn thỉu mà còn cho người ăn mày ấy ăn cơm. Hơn nữa, họ còn lên núi hái cây thảo dược về chữa trị cho người ăn mày này.
Bạch hạc tiên sư cảm động trước tấm lòng lương thiện của hai vợ chồng họ nên muốn đền đáp cho họ. Bạch hạc tiên sư bảo vợ chồng họ sau này hãy chôn cất hài cốt tổ tiên ở dưới chân núi Ngũ Phong sơn, ngày sau tất sẽ sinh được nhân tài. Về sau, Lưu Dược đã nghe theo lời chỉ bảo của người ăn mày này. Ba năm sau thì vợ chồng Lưu Dược đã sinh được một người con trai, đó chính là Lưu Bá Ôn.
Lúc vừa chào đời, Lưu Bá Ôn không khóc như những đứa trẻ bình thường khác, giống như một người bị câm vậy. Ngay lúc cha mẹ của Lưu Bá Ôn đang rất lo lắng thì Bạch hạc tiên sư lại xuất hiện, vẫn với thân phận là người ăn mày năm xưa. Bạch hạc tiên sư nói với hai người họ rằng: “Đứa trẻ này mi thanh mắt tú, thiên đình đầy đặn, địa các vuông tròn, ngày sau tất sẽ thành người tài.”
Nói xong, Bạch hạc tiên sư đưa tay sờ lên yết hầu của đứa trẻ, rồi vỗ vỗ lên ngực mấy cái, thoáng chốc đứa trẻ há miệng phát ra tiếng khóc. Bạch hạc tiên sư lập tức từ biệt hai vợ chồng họ mà rời đi.
Ngay từ thuở nhỏ, Lưu Bá Ôn đã rất thông minh, có bản sự hơn người, những gì đã nhìn qua là không quên, đọc sách một lần là có thể thuộc. Cho nên, Lưu Bá Ôn được các thầy dạy học hết sức khen ngợi và tán thưởng.
Năm 22 tuổi, Lưu Bá Ôn thi đỗ tiến sĩ. Nhưng Khi làm quan cho triều Nguyên, ông liêm khiết chính trực, hết mình phụng sự việc công, sau vì tố giác quan Giám sát Ngự sử không làm tròn chức trách mà bị cách chức về quê ẩn cư.
Trong thời gian Lưu Bá Ôn về ở ẩn, ông đã lên núi tìm ẩn sĩ tiên đạo. Tương truyền rằng, Lưu Bá Ôn đã gặp được tiên nhân Hoàng Thạch Công – người am hiểu thâm sâu về thần tiên chi đạo, tinh thông Chu dịch, am hiểu thuật nhân tướng. Cuối cùng, Lưu Bá Ôn có được năng lực tiên đoán, biết trước tương lai, thấu tỏ việc cổ kim.
Về chuyện Lưu Bá Ôn gặp được tiên nhân Hoàng Thạch Công, dân gian lưu truyền câu chuyện kể rằng: Vào một buổi sáng sớm sau khi Lưu Bá Ôn nhận được một cuốn “thiên thư” ở Bạch Viên động, đã cầm cuốn “thiên thư” ấy lên vách núi cao mười trượng ngồi đọc.
Đột nhiên ông nghe thấy có một tiếng động như tiếng nổ lớn, sau đó vách đá từ từ được mở ra. Lưu Bá Ôn tiến đến xem xét thì thấy một căn phòng bằng đá. Sau đó ông nhìn thấy ở đằng sau vách tường đá trắng tinh như ngọc có khắc hình hai vị thần tiên, đứng nhìn về cùng một hướng. Bốn tay của hai vị thần tiên cùng cầm một tấm kim bài, trên tấm kim bài có ghi: “Mão kim đao, trì thạch xao”.
Lưu Bá Ôn vốn có tài năng thiên phú nên tự nhiên lĩnh ngộ được ý nghĩa của lời này. Ông lập tức cầm lên một tảng đá lớn rồi gõ vào vách tường đá ấy. Một lúc lâu sau, bức tường đá tự mở và để lộ ra một chiếc hộp đá. Trong chiếc hộp đá này có chứa bốn cuốn binh thư.
Lưu Bá Ôn vô cùng mừng rỡ, cầm bốn cuốn binh thư ấy rồi quay đầu bước đi. Khi ông vừa ra ngoài thì vách tường đá lại tự động đóng lại như cũ.
Lưu Bá Ôn trở lại chỗ ẩn cư và lấy bốn cuốn binh thư ra đọc nhưng không hiểu trong đó có điều bí ẩn gì. Đợi đến lúc trăng sáng, Lưu Bá Ôn dậy lấy cuốn “thiên thư” ra xem thì chỉ thấy trong cuốn “thiên thư” hiện lên bốn chữ “nhân ngoại hữu nhân”.
Lưu Bá Ôn hiểu rằng, bốn chữ này là khuyên bảo ông hãy đi tìm cao nhân. Vì vậy, Lưu Bá Ôn đi khắp danh sơn đại xuyên để tìm kiếm cao nhân chỉ dạy. Cuối cùng, ở trên đỉnh ngọn núi cao sừng sững, chạm đến cả mây, Lưu Bá Ôn đã gặp được vị đạo trưởng có “tiên phong đạo cốt”. Vị đạo trưởng này đưa cho Lưu Bá Ôn một quyển sách dày hai tấc và nói: “Nếu đến ngày mai có thể học thuộc được cuốn sách này thì ta sẽ chỉ điểm cho ngươi.”
Với tư chất thông minh và trí nhớ siêu phàm, đến nửa đêm hôm ấy, Lưu Bá Ôn đã học thuộc được cuốn sách này. Vị đạo trưởng thấy vậy cảm thán, nói: “Quả thực là một thiên tài!” Rồi đạo trưởng thuận tay mở một căn phòng đá ra và dẫn Lưu Bá Ôn đi vào trong. Lưu Bá Ôn nhìn thấy trong căn phòng ấy có đủ các loại sách nên trong tâm vô cùng kích động.
Sau đó, vị đạo trưởng đã giảng giải cho Lưu Bá Ôn về nội hàm của bốn cuốn binh thư lúc trước. Sau khi được đạo trưởng dốc lòng truyền giảng, Lưu Bá Ôn đã biết được những ý chính của bốn cuốn binh thư ấy. Trước khi Lưu Bá Ôn xuống núi, vị đạo trưởng nói rằng, ông chính là Hoàng Thạch Công – người đã trao cuốn binh thư cho Trương Lương đời nhà Hán.
Vào những năm cuối triều nhà Nguyên, quần hùng khởi nghĩa. Khi Chu Nguyên Chương khởi binh, Lưu Bá Ôn thuận theo thiên ý xuống núi trợ giúp Hoàng đế thành đại nghiệp.
Lưu Bá Ôn là người có năng lực tiên đoán các việc tương lai. Thời Chu Nguyên Chương làm Ngô vương, ở địa phận Giang Nam xảy ra một trận hạn hán lớn. Lúc bấy giờ Lưu Bá Ôn quản việc thiên văn. Chu Nguyên Chương hỏi ông về nguyên nhân khiến Trời giáng đại hạn là gì, làm sao mới có thể cầu Trời cho mưa xuống.
Lưu Bá Ôn nói: “Trời không có mưa là bởi vì trong ngục có giam giữ người bị oan khuất.” Chu Nguyên Chương nghe Lưu Bá Ôn nói như vậy liền phái ông đến xem xét tình hình phạm nhân trong nhà ngục. Lưu Bá Ôn vừa xem xét một chút thì phát hiện quả nhiên có không ít người bị oan khuất. Sau khi tấu trình lên Hoàng đế Chu Nguyên Chương, Lưu Bá Ôn sửa lại án oan và thả họ về nhà. Mấy ngày sau, Trời đã cho mưa xuống, cứu được muôn dân trăm họ.
Một lần khác, vào buổi sáng một ngày năm 1368, Chu Nguyên Chương đang ăn cơm, trong đó có món bánh nướng rất phổ biến. Vừa cắn một miếng thì thái giám truyền báo có Lưu Bá Ôn cầu kiến. Chu Nguyên Chương đột nhiên nhớ đến Lưu Bá Ôn đã trợ giúp mình tranh đấu giành thiên hạ, chế định sách lược, dùng binh như thần, cho nên đã nảy sinh ý định thử Lưu Bá Ôn một chút.
Thế là, Chu Nguyên Chương cắn một miếng bánh nướng rồi giấu ở dưới bát, sau đó mới truyền mời Lưu Bá Ôn vào. Sau khi Lưu Bá Ôn đã ngồi vào chỗ, Chu Nguyên Chương mới hỏi rằng: “Tiên sinh thâm hiểu lý số, vậy có thể biết ở trong bát của ta có vật gì không?”
Lưu Bá Ôn bấm tay tính toán một lúc, rồi nói: “Nửa tựa mặt trời nửa mặt trăng, vừa bị Kim Long cắn một miếng, là cái bánh nướng.”
Chu Nguyên Chương thán phục, liền hỏi tiếp: “Việc trong thiên hạ sẽ ra sao? Thiên hạ của Trẫm có được lâu dài hay không?”
Lưu Bá Ôn đáp: “Số trời mênh mông, ta là chủ vạn con vạn cháu, hà tất phải hỏi”. Lời tiên đoán này có ý rằng: Giang sơn triều Minh sẽ truyền tới Hoàng đế Sùng Trinh, tức Vạn Lịch Hoàng đế rồi dừng.
Điều khiến mọi người kinh ngạc là tất cả những lời tiên đoán của Lưu Bá Ôn liên quan đến giang sơn khi ấy, từng lời từng lời đều chuẩn xác với thực tế xảy ra sau này.
Gần cuối đời, Lưu Bá Ôn cáo lão về quê. Do tính tình cương trực, liêm chính, sẵn sàng trừng trị thẳng tay bất cứ gian thần nào. Lưu Bá Ôn đã bị một số đại thần lúc đó là Lý Thiên Trường và Hồ Duy Dung thù oán.
Chu Nguyên Chương mặc dù là một vị quân chủ siêng năng nhưng lại không được như minh quân nhà Đường trọng dụng hiền tài. Vì thế, Chu Nguyên Chương đã nghe lời gian thần mà đối đãi không tốt với hiền thần, còn cắt bỏ hết bổng lộc của Lưu Bá Ôn. Lưu Bá Ôn sau khi bị hãm hại đã đến kinh thành thỉnh tội, Chu Nguyên Chương lúc ấy không trách tội Lưu Bá Ôn nữa, thậm chí còn phái người hộ tống ông hồi hương. Lưu Bá Ôn lúc này đã bị bệnh. Hồ Duy Dung lại cho người hạ độc ông.
Về đến quê nhà, Lưu Bá Ôn đã nói với con trai rằng: “Hiện giờ triều đình nên tu sửa đức chính, giảm thiểu hình phạt, đáng tiếc là hiện giờ Hồ Duy Dung đang nắm quyền nên việc này vô dụng. Tương lai, sau khi Hồ Duy Dung bại vong, Thái tổ sẽ nhớ tới cha, con phải truyền lại những lời này của cha đến Hoàng thượng.”
Lưu Bá Ôn nói thêm: “Nếu tiên đoán của cha không chính xác, mới là phúc phận của dân chúng trong thiên hạ.” Một tháng sau Lưu Bá Ôn mất, thọ 65 tuổi. Về sau, Hồ Duy Dung lên làm tể tướng, làm quá nhiều việc ác, kế mưu phản bại lộ nên bị xử tử. Sự thật lại một lần nữa chứng minh tiên đoán của Lưu Bá Ôn vô cùng chuẩn xác.
An Hòa (biên dịch theo sự cho phép của tác giả)
Xem thêm:
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…