Nhà Phật giảng về “luân hồi”, nói rằng hết thảy sinh mệnh trong một phạm vi nhất định của vũ trụ này đều phải thông qua quá trình luân hồi chuyển sinh giữa cõi Trời, cõi người, và địa ngục. Trong vòng quay ấy, điều nguyên bản trong sinh mệnh sẽ được bảo tồn, nhưng cuộc sống của sinh mệnh sẽ bắt đầu lại mới, với ký ức mới. Trong cuốn “Thanh bại loại sao”, một cuốn sách đồ sộ của Từ Kha thời Thanh, có ghi chép khá nhiều câu chuyện luân hồi chuyển sinh như vậy.
Nạp Lan Tính Đức là con của đại học sĩ Nạp Lan Minh Châu, là một học giả, nhà thơ nổi tiếng thời nhà Thanh. Nạp Lan Tính Đức cùng Cố Trinh Quán người Vô Tích kết bạn.
Lúc mới quen biết Cố Trinh Quán, Nạp Lan Tính Đức đã làm bài từ “Kim lũ khúc”, trong đó có câu rằng: “Nhất nhật tâm kỳ thiên kiếp tại, hậu thân duyên, khủng kết tha sinh lí” (Một ngày hẹn ước ngàn đời mãi, duyên kiếp sau, e vẫn cùng quen biết).
Cố Trinh Quán làm bài từ đáp tặng lại cũng có câu: “Kết thác lai sinh hưu hối” (kiếp sau kết duyên không hối tiếc).
Nạp Lan Tính Đức năm 31 tuổi thì qua đời, Cố Trinh Quán cũng trở về quê nhà ở Vô Tích. Một đêm nọ Cố Trinh Quán mơ thấy Nạp Lan Tính Đức đến và nói: “Văn chương tri kỷ, nỗi nhớ nhung vẫn mang trong lòng, bóng nước thạch quang, nguyện tìm tức nhưỡng”. Cũng đêm hôm ấy cháu trai của Cố Trinh Quán chào đời. Cố Trinh Quán nhìn thấy dung mạo đứa bé trông rất giống Nạp Lan Tính Đức, liền hiểu ra nó chính là Nạp Lan Tính Đức chuyển sinh, ông rất vui mừng.
Khi đứa cháu trai vừa đầy tháng thì bỗng nhiên mắc bệnh. Một buổi sáng sớm khi Cố Trinh Quán hãy còn chưa thức dậy, trong mơ ông thấy Nạp Lan Tính Đức chợt đến chào từ biệt, ông giật mình tỉnh giấc và nghe tiếng khóc vọng tới, hoá ra đứa cháu trai đã chết yểu rồi. Lúc này Cố Trinh Quán mới hiểu ra câu “bóng nước thạch quang, nguyện tìm tức nhưỡng” có ý là: đời này số phận của đứa cháu trai vô cùng ngắn ngủi, nhưng dù ngắn ngủi thế cũng đã kết duyên, xin đời đời gắn bó.
Trước kia Nạp Lan Tính Đức có lưu lại một bức chân dung ở chỗ Cố Trinh Quán, vậy nên Cố Trinh Quán đã đề thơ lên bức họa, trong lời thơ có hàm chứa nội dung về câu chuyện này. Thời ấy rất nhiều nhân vật nổi tiếng cũng đề thơ lên bức hoạ. Về sau bức chân dung ấy được cất giữ ở thảo am Quán Hoa Các trên núi Huệ Sơn.
Tiền Phương Tiêu, người xứ Hoa Đình, cha là Thị lang bộ hình. Nghe nói rằng cha ông cầu tự rất gian nan, đã từng cùng phu nhân đến núi Thiên Đồng ở Ninh Ba cầu tự.
Phụ mẫu Tiền Phương Tiêu nói rõ ý định của mình khi đến đây, đại sư trong chùa đã triệu tập chúng tăng lại hỏi xem có ai muốn đi theo Tiền cư sĩ không. Chúng tăng đều im bặt, duy chỉ có một nhà sư già mở miệng nói muốn đầu thai.
Không lâu sau phu nhân của Tiền cư sĩ quả nhiên sinh được một con trai, ban đầu đặt tên là Tiền Đỉnh Thuỵ, về sau đổi thành Tiền Phương Tiêu. Văn chương của Tiền Phương Tiêu như rồng bay phượng múa, nổi danh khắp Giang Nam.
Năm Khang Hy Bính Ngọ, Tiền Phương Tiêu đỗ Cử nhân trong kỳ thi Hương ở Thuận Thiên và nhận chức quan Trung thư xá nhân (tương đương với Thư ký nội các ngày nay). Nhưng Tiền Phương Tiêu lại không mấy hứng thú với con đường làm quan, chẳng bao lâu sau xin từ chức về quê.
Đến năm Khang Hy Mậu Ngọ, Tiền Phương Tiêu được tiến cử đi thi “Bác học hoành từ” nhưng đúng lúc đó ông lại phải chịu tang mẹ nên không ứng thí được.
Một hôm Tiền Phương Tiêu đang ở thư phòng trò chuyện với khách thì có một vị tăng nhân đến, tay cầm một phong thư, tự xưng là từ núi Thiên Đồng đến. Tiền Phương Tiêu mở phong thư ra xem, không tỏ vẻ kinh ngạc mà chỉ nói: “Sao lại vội vã thế này”.
Sáng hôm sau Tiền Phương Tiêu tập hợp người thân lại để từ biệt, ông viết một câu kệ như sau: “Lai tòng bạch vân lai, khứ tòng bạch vân khứ, tiếu chí Thiên Đồng sơn, thị ngã cựu du xứ” (Đến là từ mây trắng đến, đi là theo mây trắng đi, mỉm cười đến núi Thiên Đồng, đó là nơi ta từng ngao du). Viết xong thì Tiền Phương Tiêu mỉm cười mà mất.
Chu Vu Tất là binh bộ thượng thư thời Thanh, sinh ra vào thời Minh mạt. Lúc nhỏ Chu Vu Tất không nói chuyện được, nhưng theo lời ông kể thì ông còn nhớ mình đời trước từng là người của huyện nào đó, còn nhớ những nơi mình từng ở và đi qua, nhớ rằng trong sân nhà có bày một cái bàn dài, có một bụi hoa tường vi đỏ, trong mơ ông vẫn thường về thăm lại chốn cũ.
Năm bảy tuổi, Chu Vu Tất đang chơi đùa trước cổng nhà thì có một nhà sư đi qua, nhìn Chu Vu Tất nói: “Đứa trẻ này có lai lịch đấy”. Nhà sư vừa dứt lời thì một chuyện thần kỳ đã xảy ra, Chu Vu Tất bỗng mở miệng nói chuyện được. Người nhà vừa kinh ngạc vừa vui mừng, rồi dạy cậu bé đọc sách. Chu Vu Tất vừa nhìn qua là nhớ, lại phảng phất thấy những con chữ này đã học qua rồi, trong vòng mấy tháng mà thông hiểu được Tả truyện, Quốc ngữ, Sử ký, Hán thư.
Năm 14 tuổi, Chu Vu Tất ở trong núi đọc sách. Một buổi hoàng hôn nọ cậu đang ngồi nghỉ trên tảng đá bên bờ suối thì gặp lại vị lão tăng năm xưa. Lão tăng hỏi: “Cậu quên chuyện năm bảy tuổi chúng ta đã gặp nhau trước cổng nhà rồi ư?” Chu Vu Tất hỏi danh tính, ông đáp: “Ta tên Bảo Nhuỵ, là người Phúc Kiến”. Chu Vu Tất giữ Bảo Nhuỵ ở lại, ngày ngày cùng Bảo Nhuỵ đàm luận tượng vĩ luật lịch, lục nhâm đinh giáp, câu cổ động chương, chưa đến nửa năm đã thông hiểu được toàn bộ học vấn mà Bảo Nhuỵ truyền thụ. Lúc sắp rời đi, Bảo Nhuỵ lại truyền cho Chu Vu Tất thuật “Hoàng Hà hải đạo cửu biên”, và nói thêm: “Ta còn mấy loại học vấn chưa truyền cho ai, giờ ta phải đi vân du tứ phương tìm đồ đệ”.
Bảo Nhuỵ còn nói riêng với Chu Vu Tất rằng trong vòng 10 năm nữa thiên hạ nhất định sẽ đại loạn, cậu sẽ là nhân tài của triều đại mới. Khi ấy là năm Sùng Trinh Bính Tý triều Minh, chín năm sau là đến năm Sùng Trinh Giáp Thân, triều Minh quả nhiên diệt vong, mọi chuyện xảy ra đúng hệt như những gì lão tăng Bảo Nhuỵ đã nói. Lúc sắp chia tay, Bảo Nhuỵ có tặng Chu Vu Tất một bài thơ: “Nguyên tịch đăng tiền tầm Giả tử, thu phong đài hạ bái Trâu sinh” (Đêm nguyên tiêu trước đèn tìm con cái họ Giả, gió mùa thu dưới đài bái Trâu sinh). Cậu thường nhẩm đi nhẩm lại hai câu thơ này nhưng không hiểu ý nghĩa của nó là gì.
Vào triều Thanh, qua cuộc thi Minh kinh (cuộc thi chọn người thông hiểu Nho kinh), Chu Vu Tất được chọn làm quan huyện lệnh huyện Phòng Sơn. Nhân Tết Nguyên tiêu, Chu Vu Tất cùng thuộc hạ du ngoạn đến đền thờ Giả công, Chu Vu Tất hỏi ra mới biết đây vốn là ngôi miếu thờ một vị tăng nhân đã hoàn tục thời Đường tên là Giả Đảo. Chu Vu Tất hỏi rằng Giả Đảo có con cháu nào hay không, thuộc hạ đáp có một hậu duệ là Giả Mỗ nhưng do thiếu tiền thuế nên đã bị bắt vào đại lao. Chu Vu Tất vội hạ lệnh thả người, còn thay Giả Mỗ nộp số tiền thuế chưa đóng.
Mùa thu năm ấy Chu Vu Tất được điều sang làm huyện lệnh huyện Bình Cốc. Chu Vu Tất vừa đến nhậm chức đã xuống các thôn làng dò tra việc ruộng đất, đêm đến ông ngủ trong một ngôi miếu cổ nơi sơn dã. Hôm sau trời hửng sáng ông nhìn chiếc biển treo ở cửa miếu mới biết đây là miếu thờ Trâu Diễn, một học giả nổi tiếng thời Chiến Quốc. Chu Vu Tất đến bái Trâu Diễn, lúc ấy mới ngộ ra những lời dự ngôn của Bảo Nhuỵ đều đã ứng nghiệm, bèn đem những học vấn về âm dương thuật số mà Bảo Nhuỵ truyền cấp chỉnh lý lại rồi viết thành 30 quyển.
Theo “Câu chuyện chuyển sinh của Nạp Lan Tính Đức“
Đăng trên ChanhKien.org
Tác giả: Sử Giám
Mời xem video:
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…
Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…
Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…