Trong suốt thời kỳ tồn tại của NATO, Liên Xô không có một cuộc tấn công nào vào các quốc gia thuộc khối. Nhưng các nước không thuộc NATO đã thường xuyên bị Liên Xô và nước Nga của ông Putin tấn công.
Cả NATO và Nga đều đang đặt mắt chú ý vào một hòn đảo dài 175km thuộc Thụy Điển, nằm chính giữa Biển Baltic. Đảo Gotland.
Hòn đảo từng là nơi sinh sống của tộc người Viking thiện chiến và vẫn còn đó những di tích thời Trung cổ và các pháo đài phòng thủ. Gotland đã có tầm quan trọng chiến lược ngay từ thế kỷ thứ tám, và còn rõ ràng hơn trong bối cảnh hiện đại.
Hòn đảo nằm tại tuyến đầu của NATO ở châu Âu; đồng thời nó cũng án ngữ trên con đường thủy duy nhất mà Nga có thể tiếp cận trực tiếp với phương Tây.
Thế nhưng Gotland chỉ là một phần nhỏ mà NATO có thể hưởng lợi, nếu Thụy Điển và Phần Lan trở thành thành viên của khối.
Và mọi chuyện có vẻ như đang diễn ra theo chiều hướng này: Cả 2 nước Bắc Âu đã chính thức nộp đơn gia nhập NATO mới đây, sau nhiều năm trung lập trong liên kết quân sự. Một quyết định được thúc đẩy trực tiếp từ cuộc chiến của Nga tại Ukraine.
“Mọi thứ đã thay đổi khi Nga xâm lược Ukraine,” Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin cho biết hồi tháng 4. “Suy nghĩ của người dân ở Phần Lan, cũng như ở Thụy Điển đã thay đổi và thay đổi rất đáng kể.”
Vì sao Thụy Điển và Phần Lan không gia nhập NATO sớm hơn?
Và sẽ thế nào nếu đơn gia nhập khối của 2 nước này được phê duyệt? Tất nhiên, đang có một số vướng mắc nhất định về phía Thổ Nhĩ Kỳ về những cáo buộc rằng, Phần Lan che chở cho các nhóm vũ trang người Kurd mà Ankara coi là tổ chức khủng bố; và để gia nhập NATO thì cần có được sự đồng thuận của tất cả 30 thành viên.
Chúng ta hãy nhìn lại một chút về lịch sử.
Trong khi các nước Bắc Âu khác như Na Uy, Đan Mạch và Iceland đều là thành viên đầu tiên của liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương, thường gọi là NATO như chúng ta vẫn quen thuộc, thì Thụy Điển và Phần Lan đã không tham gia hiệp ước này vì lý do lịch sử và địa chính trị.
Chính sách trung lập của Thụy Điển đã có từ đầu thế kỷ 19, khi Vua Charles XIV chính thức áp dụng quy chế này vào năm 1834, đặt Thụy Điển đứng ngoài mọi cuộc xung đột tại châu Âu.
Trong Thế chiến thứ 2, Thụy Điển tuyên bố chính sách gọi là “không hiếu chiến”, cho phép quân đội Đức Quốc xã đi qua lãnh thổ của mình vào Phần Lan, đồng thời lại chấp nhận người tị nạn Do Thái.
Sau khi chiến tranh kết thúc, Thụy Điển chọn duy trì tình trạng trung lập, từ chối liên kết quân sự với Liên Xô hay Hoa Kỳ.
Còn về Phần Lan, sự trung lập của nước này trong lịch sử đã tỏ ra khó khăn lớn, vì có chung một biên giới rộng lớn với một siêu cường độc tài – Liên Xô cộng sản. Phần Lan đã tuyên bố độc lập khỏi Nga vào năm 1917 sau cuộc cách mạng Bolshevik.
Một hiệp ước giữa nước này và Liên Xô được gọi là Hiệp định Hữu nghị, được ký kết vào năm 1948 và gia hạn vài lần trong nhiều thập kỷ, đã cấm Phần Lan tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào được coi là thù địch với Liên Xô hoặc cho phép phương Tây tấn công Liên Xô thông qua lãnh thổ Phần Lan.
Để giữ hòa bình, người Phần Lan đã áp dụng một quy trình mà sau này được gọi là “Phần Lan hóa”, trong đó các nhà lãnh đạo đôi khi phải tuân theo các yêu cầu của Liên Xô. Thuật ngữ “Phần Lan hóa”, nghĩa là “để trở nên giống như Phần Lan”, được đặt ra trong Chiến tranh Lạnh và áp dụng cho nhiều quốc gia khác, nói về quá trình trong đó một siêu cường kiểm soát các nước láng giềng nhỏ hơn, đồng thời cho phép nước nhỏ giữ được nền độc lập và hệ thống chính trị của riêng mình.
Cùng với sự sụp đổ của Liên Xô và hệ thống cộng sản Đông Âu, chính sách trung lập của Phần Lan và Thụy Điển cũng dần thay đổi.
Hai nước đã cùng nhau gia nhập Liên minh châu Âu (EU) vào năm 1995 và từng bước điều chỉnh các chính sách quốc phòng của họ với phương Tây, trong khi vẫn né tránh việc gia nhập NATO.
Mỗi quốc gia có những lý do khác nhau cho việc né tránh này.
Đối với Phần Lan, nó mang tính chất địa chính trị nhiều hơn. Mối đe dọa của Nga là rất rõ ràng do đường biên giới chung dài đến 830 dặm giữa hai nước; có lẽ tốt hơn là tránh khiêu khích. Tránh voi chẳng xấu mặt nào.
Còn với Thụy Điển, chính sách trung lập của nước này đã có lịch sử gần 200 năm; nó gần như là một truyền thống. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Stockholm quyết định rằng chiến tranh đã là dĩ vãng.
Chính phủ Thụy Điển đã loại bỏ gần như tất cả lực lượng của mình khỏi đảo Gotland, và cắt giảm lực lượng lục quân khoảng 90%, hải quân và không quân khoảng 70%. Đó là một quyết định mà một đại tá đã nghỉ hưu, Mats Ekeroth, người điều hành một bảo tàng quân sự ở Gotland, cho là “hoàn toàn ngu ngốc.”
Lần cuối cùng Gotland bị xâm lược là vào năm 1808 – bởi chính người Nga. Thụy Điển đã đánh bật quân Nga khỏi hòn đảo sau một tháng. Sáu năm sau, vào năm 1814, Thụy Điển đã tham gia cuộc chiến cuối cùng của mình với Na Uy.
Hiện tại, trung đoàn Gotland của Quân đội Thụy Điển đang thực hành cách sử dụng tên lửa chống tăng hạng nhẹ NLAW do chính Thụy Điển thiết kế. Vũ khí này đang tỏ ra rất hiệu quả ở Ukraine.
Trong một cuộc tính toán lại tình hình an ninh quốc gia, Thụy Điển cho thấy họ đang xác định lại cách để trở thành một cường quốc quân sự.
Nhưng vì sao lại phải gia nhập NATO?
Lý do hầu hết các nước gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương được cho là vì Điều 5 của khối này.
Điều 5 quy định rằng tất cả các thành viên NATO coi một cuộc tấn công vào một nước thuộc khối là cuộc tấn công chống lại tất cả. Điều khoản này đã là nền tảng của NATO kể từ khi liên minh được thành lập vào năm 1949 với tư cách là một đối trọng với Liên Xô cộng sản.
Điểm đáng lưu ý của Hiệp ước và Điều 5 là nhằm ngăn chặn Liên Xô tấn công các nền dân chủ tự do vốn thiếu sức mạnh quân sự; điều vốn đã xảy ra nhiều lần trong thực tế.
“Chúng ta thấy rằng, trong suốt thời kỳ tồn tại của NATO, Liên Xô không có một cuộc tấn công nào vào các quốc gia thuộc NATO. Ngay cả dưới thời của Brezhnev hay thậm chí là Stalin. Nhưng những quốc gia không thuộc NATO đã thường xuyên bị Liên Xô và nước Nga của ông Putin tấn công.
Đó là những Tiệp Khắc, Hungary, hay đó là mối đe dọa đối với Ba Lan, hay là cuộc xâm lược vào Afghanistan, cuộc xâm lược vào Gruzia, Crimea, Donbass, Ukraine, hay sự hiện diện của quân Nga ở Moldova, hay một cuộc tấn công của Moscow ở Syria.
Có một sự khác biệt rõ ràng. Nếu bất kỳ quốc gia nào nằm trong NATO thì đó là sự đảm bảo an ninh và hòa bình. Nếu quốc gia này không thuộc NATO, khả năng rất cao có thể bị Nga của ông Putin tấn công”, Tiến sĩ Andrei Illarionov, cựu cố vấn kinh tế của Tổng thống Nga Vladimir Putin nói trong chương trình phỏng vấn Former Putin Adviser Andrei Illarionov: Inside the Mind of Vladimir Putin, đăng trên kênh American Thought Leaders của thời báo The Epoch Times, Hoa Kỳ, ngày 05/05/2022.
Điều 5 của NATO đảm bảo rằng nguồn lực của cả liên minh – bao gồm cả quân đội khổng lồ của Hoa Kỳ – có thể được sử dụng để bảo vệ bất kỳ quốc gia thành viên nào. Điều này đặc biệt có ý nghĩa với một số các quốc gia nhỏ, vốn sẽ không thể tự vệ nếu không có đồng minh. Ví dụ như Iceland không có quân đội thường trực.
Các nhà phân tích cho rằng, việc bổ sung Phần Lan và Thụy Điển cũng sẽ có lợi cho NATO, điều này sẽ khiến Nga thất vọng. Khả năng phòng thủ của khu vực Baltic sẽ được tăng cường đáng kể, làm giảm cơ hội phiêu lưu và tấn công theo cách tích hợp trên không, trên đất liền và trên biển của quân đội Nga.
Để hiểu rõ hơn, chúng ta hãy nhìn vào địa lý và khả năng quân sự của hai nước.
Vị trí của cả Thụy Điển và Phần Lan có nghĩa là NATO sẽ có nhiều đất hơn đáng kể ở phía đông của Châu Âu.
Lấy ví dụ về Phần Lan. Nước này có biên giới dài 830 dặm với Nga; nhưng khi nhìn kỹ hơn một chút, chúng ta có thể thấy rằng dải biên giới này toàn là những hồ và đầm lầy, chỉ có rất ít tuyến đường đắp cho các phương tiện quân sự như xe tăng có thể di chuyển. Những điều kiện này sẽ có lợi cho NATO nếu xảy ra bất kỳ cuộc chiến tiềm tàng nào với Nga.
Một khu vực rất quan trọng đối với Moscow là Bán đảo Kola. Đây là nơi chính quyền Putin triển khai các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo và tích trữ vũ khí hạt nhân.
Hiện tại, quốc gia NATO duy nhất giáp khu vực này là Na Uy, nhưng các nhà phân tích cho rằng nếu Phần Lan tham gia khối, điều này sẽ làm tăng áp lực đáng kể lên Kola.
Việc kết nạp Phần Lan và Thụy Điển cũng sẽ giúp NATO gia tăng sự hiện diện tại Bắc Cực. Hai quốc gia này đều là thành viên của Hội đồng Bắc Cực – một tổ chức giám sát phần cực bắc của thế giới, với 8 thành viên, trong đó có cả Nga, Mỹ.
Bắc Cực là một khu vực quan trọng đối với nền kinh tế và chiến lược của Nga. Đường bờ biển của nước này chiếm 53% đường bờ biển Bắc Băng Dương; và dân số của Nga trong khu vực khoảng 2 triệu người. An ninh tại Bắc Cực vì thế cũng sẽ trở thành ưu tiên trong chương trình nghị sự của Nga, nếu 2 nước Bắc Âu trở thành thành viên của NATO.
Riêng về phía Thụy Điển, Đảo Gotland có tầm quan trọng chiến lược đối với quân đội Nga, bởi vì nó có thể là một căn cứ để bảo vệ lực lượng hải quân ở Biển Baltic. Gotland có thể được sử dụng làm cơ sở hoạt động cho các cuộc tấn công đổ bộ, tấn công trên bộ, tấn công hải quân và tấn công bằng không quân.
Năm 2017, NATO và Thụy Điển đã làm việc cùng nhau trong một nhiệm vụ mô phỏng một cuộc tấn công ở Biển Baltic, trong đó Gotland là một phần trung tâm của bất kỳ chiến lược xâm lược nào.
Tuy nhiên theo các nhà phân tích, việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO cũng mang theo một số yếu điểm phòng thủ vào cho khối, đặc biệt ở khía cạnh phòng không.
Hệ thống phòng không của NATO, đặc biệt là ở phía đông, được cho là rất yếu, và một lần nữa, đây là một sự thiếu hụt năng lực lớn mà NATO đang cố gắng giải quyết.
Phản ứng của Nga là gì?
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu thông báo rằng Moscow sẽ thành lập 12 đơn vị và sư đoàn quân sự mới ở khu vực phía tây của đất nước, với lý do NATO có thể mở rộng và các mối đe dọa quân sự mới nổi khác. Hơn 2.000 thiết bị và khí tài quân sự sẽ được bổ sung cho quân đội trong thời gian tới.
Trong khi đó, có một sự trầm tĩnh đáng kinh ngạc về phía Tổng thống Nga Vladimir Putin trước viễn cảnh Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO. Ông Putin nói rằng, “Nga không có vấn đề gì với các quốc gia này”, và việc mở rộng NATO “không gây ra mối đe dọa trực tiếp đối với Nga”.
“Nhưng việc mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự vào lãnh thổ này chắc chắn sẽ gây ra phản ứng của chúng tôi,” ông Putin nói thêm tại Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể ở Moscow. “Chúng tôi sẽ xem nó sẽ như thế nào dựa trên các mối đe dọa sẽ được tạo ra cho chúng tôi.”
Trước khi đưa quân vào Ukraine, Tổng thống Putin đã nói rõ niềm tin của mình rằng NATO đã tiến quá gần Nga và nên rút lui về biên giới của những năm 1990, trước khi Liên Xô tan rã. Đây là thời điểm một số quốc gia láng giềng của Nga hoặc là các quốc gia thuộc Liên Xô cũ chưa tham gia liên minh quân sự này.
Việc Ukraine muốn gia nhập NATO, trong tư cách là một đối tác NATO – được coi là một bước trên con đường trở thành thành viên đầy đủ cuối cùng – là một trong số rất nhiều những bất bình mà ông Putin nêu ra trong nỗ lực biện giải cho cuộc xâm lược của Nga đối với nước láng giềng.
Điều trớ trêu là cuộc chiến ở Ukraine, về mặt phản ứng, đã mang lại cho NATO một mục đích mới.
Cựu Thủ tướng Phần Lan Alexander Stubb nói trong một cuộc phỏng vấn với CNN trước cuộc chiến rằng,
“Điều 5 đã quay trở lại cuộc chơi và mọi người hiểu rằng chúng tôi cần NATO vì mối đe dọa tiềm tàng từ Nga.”
Nhưng một số nhà phân tích cũng tin rằng, việc gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan có thể phù hợp với một kế hoạch rộng lớn hơn của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Phong Vân (t/h)
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…