Tổng hợp 8 cách tẩy não và kiểm soát người dân dưới thời Mao Trạch Đông

Dưới thời Mao Trạch Đông nắm quyền cai trị, xã hội và người dân Trung Quốc chịu sự khống chế vô cùng chặt chẽ. Nếu như tổng hợp các phương thức kiểm soát và tẩy não này lại, thì có thể khiến người ta phải giật mình kinh sợ.

Sau đây là 8 hình thức tẩy não và kiểm soát người dân Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông:

  1. Hạn chế thông tin

Trong thời đại Mao Trạch Đông, giao lưu quốc tế bị hạn chế tối đa. Các tin tức quốc tế đều do Tân Hoa Xã phát hành. Cơ quan này thường có xu thế chọn lọc và giải thích thông tin theo định hướng nhất định (dựa theo nhu cầu chính trị trong nước để lựa chọn các tin tức quốc tế cho phù hợp). Các báo khác dựa trên Tân Hoa Xã mà nhất loạt đưa tin theo, thống nhất văn phong, nên hầu như toàn bộ dư luận xã hội đều hình thành hiệu ứng “tam nhân thành hổ”, nghĩa là: Ba người nói có cọp, thiên hạ cũng tin có cọp thật.

Thêm nữa, khi đưa tin tức quốc tế thì truyền thông Trung Quốc chỉ đưa những tin xấu mà không đưa tin tốt. Trái lại, tin tức trong nước lại chỉ đưa tin tốt mà bỏ qua tin xấu.

Vấn đề tài vụ, phát hành, và ngay cả việc đọc báo cũng có đơn vị quản lý sắp xếp. Mỗi buổi tối sẽ có 2 tiếng học tập chính trị và đọc báo.

Chính vì độc giả thông thường không có sự so sánh hay chọn lựa thông tin, nên họ đều tin vào những gì mình đọc. Vì vậy, người dân vẫn cho rằng “trên thế giới còn có 3/4 số người đau khổ đang chờ chúng ta đến giải phóng cho họ”, cuộc sống người dân ở châu Âu, châu Mỹ khổ hơn chúng ta rất nhiều. Từ đó họ cảm thấy thật sự hạnh phúc, mãn nguyện. Nhưng giai cấp thượng tầng của ĐCSTQ có thể thông qua các văn kiện hay tài liệu báo cáo mà hiểu được tình huống thực tế.

Thông qua phương pháp này, nhóm thống trị sẽ hình thành lợi thế không cân xứng về mặt thông tin: Bên trên biết bên dưới, nhưng bên dưới không biết bên trên; bên trong biết bên ngoài, nhưng bên ngoài không biết bên trong.

Một điểm đáng chú ý là, so với thời đại của Mao Trạch Đông, thông tin ở Trung Quốc hiện nay đã mở hơn khá nhiều. Mặc dù có Vạn lý tường lửa, và nhiều mạng xã hội quốc tế vẫn bị cấm ở nước này, nhưng các phần mềm vượt phong tỏa đã giúp nhiều người Trung Quốc biết được nội tình thực sự. Người Trung Quốc cũng lan tỏa những bất mãn của họ trên chính những mạng xã hội trong nước.

  1. Kiểm soát hành chính

Kiểm soát hành chính xã hội là cách thức giúp đạt được mức độ kiểm soát chặt chẽ nhất.

Ở xã hội cổ đại, cơ cấu chính quyền chỉ đến mức huyện, chứ không đến cấp thôn xã. Ở Việt Nam ta thường có câu “phép Vua thua lệ làng”, là để nói về tình huống này.

Đến thời Cách mạng Văn hóa Trung Quốc, quyền lực hành chính thông qua các “đơn vị” đã đạt đến mức độ kiểm soát từng ngóc ngách trong đầu não mỗi người.

Dù là công nhân, nông dân, thương nhân, học sinh hay binh lính, người dân cả nước đều quy về tổ chức “đơn vị” nào đó, chẳng hạn như nông dân thì có công xã quản. “Đơn vị” này không chỉ kiểm soát mỗi người về mặt kinh tế (nông dân thì chia sản lượng, công nhân thì chia tiền lương…) mà còn kiểm soát về mặt hành chính (bất kỳ ai muốn xuất ngoại, kết hôn ly hôn, di cư chuyển nhà, điều động công tác, bồi dưỡng nghiệp vụ… .đều cần phải có sự phê chuẩn của “đơn vị”). Về mặt tư tưởng chính trị thì “đơn vị” cũng kiểm soát với từng cá nhân (như học tập chính trị, báo cáo tư tưởng, đặc biệt là những hồ sơ bí mật cá nhân).

Đáng chú ý hơn nữa, “đơn vị” khi kiểm soát mỗi cá nhân, còn đi sâu đi sát hơn vào phương diện trị an và hình sự. Tổ chức Đảng ủy cấp huyện đoàn có quyền xử lý chính trị với các nhân viên công tác (mức độ nhẹ thì từ những lời phê bình đấu tố của các nhân viên khác mà tiến hành “ẩu đả” một nhân viên nào đó; mức độ trung bình thì tiến hành các “lớp học tập” – một nhà tù biến tướng do đơn vị thành lập; còn nặng thì “chụp” cho người ta cái mũ “kẻ thù giai cấp”, liệt vào danh sách những kẻ nguy hiểm và không còn quyền đảm bảo sinh tồn).

Bởi toàn xã hội thống nhất hành chính hóa cao độ, nên cho dù người ta đến từ địa phương nào, thì đều có “đơn vị” đứng ra quản lý, cho dù người ta thay đổi bao nhiêu “đơn vị”, thì đều có “đơn vị” quản lý cao độ đồng nhất tiếp quản.

  1. Đấu tranh giai cấp

“Giai cấp vô sản chuyên chính”, theo đúng tên gọi của nó, chính là giai cấp này trấn áp giai cấp kia.

Giai đoạn đầu của giải phóng, cải cách ruộng đất là một cuộc đấu tranh giai cấp đúng nghĩa. Sau này phong trào “trấn phản” trên toàn quốc đã giết hại hàng triệu người, cũng chính là mở rộng áp dụng đấu tranh giai cấp hơn nữa.

Lúc này, “kẻ thù giai cấp” tương đối đơn giản, chỉ cần là địa chủ phú nông, tư bản giàu có thì đều là kẻ thù chính trị của chính quyền mới (những người cốt cán trong chính quyền cũ đều bị coi là phần tử phản cách mạng).

Sau này, các tội danh tăng lên ngày càng tùy tiện, phạm vi của “kẻ thù giai cấp” cũng ngày một rộng hơn.

Năm 1951, khi Hồ Phong bị Mao Trạch Đông phê phán là “tập đoàn phản động Hồ Phong”, những ai mà hình thái ý thức không theo kịp tư tưởng “tối cao” của Mao sẽ bị quy vào “phần tử phản động”. (Hồ Phong, một học giả và là một nhà phê bình văn học, đã phản đối chính sách văn học cằn cỗi của ĐCSTQ. Ông bị khai trừ ra khỏi Đảng năm 1955 và bị kết án 14 năm tù).

Từ khi “sự kiện Cao Nhiêu” bắt đầu, Đảng lại quy kết những người thất bại trong tranh đoạt quyền lực thành “phần tử phản Đảng”. (Cao Cương và Nhiêu Sấu Thạch là hai Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ. Sau khi bị thất bại trong cuộc tranh giành quyền lực năm 1954, cả hai bị buộc tội là âm mưu chia rẽ Đảng và sau đó bị khai trừ ra khỏi Đảng).

Từ năm 1957 khi phong trào “phản hữu” bắt đầu, tất cả những người trí thức có tư tưởng đối lập hoặc vô ý nhận định đúng sai, đều bị gán nhãn là “phe cánh hữu”.

Từ năm 1958 khi phong trào “phản hữu khuynh” bắt đầu, Đảng coi những ai có quan điểm bất đồng thành “phần tử cơ hội chủ nghĩa hữu khuynh”.

Từ những năm 1960, sau khi đề xuất khẩu hiệu “không bao giờ được quên đấu tranh giai cấp”, bất kỳ ai có tư tưởng bất mãn với Đảng, với Mao Trạch Đông hay quan chức các cấp, hay những người dân phổ thông nào bất mãn với hiện thực xã hội, thì đều bị quy kết thành “phần tử hoạt động phản cách mạng”.

Những người dân mà tác phong sinh hoạt bị coi là không đúng đắn (như ngoại tình, không tuân thủ kỷ luật…) thì bị quy kết là “phần tử xấu”.

Đến thời Cách mạng Văn hóa thì càng hỗn loạn hơn, các phe phái khi đấu đá lẫn nhau sẽ gọi đối phương là “phần tử tam phản” (nghĩa là: phản Đảng, phản chủ nghĩa xã hội, phản tư tưởng của Mao Trạch Đông).

Trước giải phóng, những ai từng tham gia công tác hoặc làm binh lính cho một tổ chức Đảng khác bị gán nhãn là “kẻ phản bội, gián điệp.”

Thời kỳ đầu Cách mạng Văn hóa, đại đa số các cán bộ lãnh đạo bị quy kết là “đi theo tư bản chủ nghĩa” và bị đánh ngã tơi tả.

Hàng triệu người nằm trong Hồng vệ binh và phái tạo phản trong Cách mạng Văn hóa sau đó lại cũng bị bắt giữ với tội danh “phần tử 516”.

Tóm lại, “đấu tranh giai cấp” càng ngày càng biến ảo khôn lường. Tuy nhiên dưới ngọn cờ đấu tranh giai cấp, một cuộc trấn áp quy mô lớn sẽ xảy ra, vừa có thể ra tay trấn áp; lại vừa có thể đưa ra một bộ lý luận cơ bản; đồng thời còn có thể khiến những người dân chịu bần cùng khốn nạn cho rằng cảnh lầm than mà mọi người phải gánh chịu là do “kẻ thù giai cấp” gây ra.

  1. Vận động quần chúng

Đấu tranh giai cấp chính là dùng hình thức “vận động quần chúng” mà tiến hành, thông thường chia làm 4 giai đoạn:

1/ Giai đoạn động viên

Đầu tiên những người nắm quyền (gồm lãnh đạo đơn vị hoặc cấp trên tại nơi công tác), sẽ tiến hành đại hội tuyên giảng, ban hành các tài liệu học tập, từ đó quần chúng học tập thảo luận biểu thị sự ủng hộ, sau đó thống nhất tư tưởng, đồng thời khoanh vùng đối tượng (những cá nhân nào phản đối có thể bị xử lý áp chế trước nhất).

2/ Giai đoạn kiểm tra

Mỗi người trong quần chúng đều phải viết báo cáo gửi cho cấp trên, trong đó thú nhận những lời nói hay hành động sai lầm của mình, đồng thời cũng chỉ ra những sai sót trong hành động ngôn từ của đồng nghiệp xung quanh. Nói cách khác, người người đều phải tham gia “đấu tố” chỉ ra sai lầm của người khác, người người đều phải chịu người khác “đấu tố”, bao gồm cả việc động viên con cái đấu tố cha mẹ, vợ đấu tố chồng… Nói theo cách ôn hòa thì kiểu tố cáo này gọi là “phê bình và tự phê bình”, còn nói một cách thẳng thắn thì kiểu tố cáo này gọi là “đấu tranh giai cấp mọi lúc mọi nơi”.

3/ Giai đoạn đấu tranh

Những người cầm quyền căn cứ vào báo cáo của quần chúng và những thông tin nắm bắt được, tiến hành phân loại quần chúng (nghĩa là xác định đối tượng có thể dựa vào được, đối tượng đoàn kết, hay là đối tượng tiến hành đả kích), và sau này khi cơ cấu lại thì sẽ tiến hành phê bình đấu tố. Theo cách này thì về bản chất là người lãnh đạo nắm quyền kiểm soát tất cả, nhưng trên biểu hiện bề mặt thì quần chúng là chủ lực của đấu tranh. Những ai tại cuộc họp mà phát ngôn phê phán, xuất thủ đánh người, phá cửa tịch thu nhà… thì đều được xem là phần tử tích cực trong quần chúng. Thậm chí, đội ngũ phần tử tích cực này còn được gọi là “đội quần chúng chuyên chính” (trong khi đó, cơ quan công an chuyên nghiệp thường không xuất đầu lộ diện, chỉ đóng vai trò là lực lượng răn đe).

4/ Giai đoạn xử lý

Kết quả cuối cùng của vận động chính là đưa ra một người để phán xét, rồi tiến tới xử lý cá nhân này (kết quả có thể bị chụp mũ, bị khai trừ và kết tội).

Nói tóm lại, chiêu thuật này nhằm “khuấy động cho quần chúng đấu quần chúng”, “lấy quần chúng trị quần chúng”. Tạo ra mâu thuẫn, lợi dụng mâu thuẫn từ đó phân ra để trị, để tiết chế. Từ sau sự kiện “chỉnh đốn tác phong” ở Diên An, thường gọi tắt là “chỉnh phong Diên An”, chiêu thuật này càng dùng càng linh nghiệm.

Với người nắm quyền và quần chúng mà nói, chiêu thuật “Vận động quần chúng” có những đặc điểm sau:

Thứ nhất, “vận động quần chúng” khiến người người đều cảm thấy bầu không khí không an toàn, từ đó khiến người ta sinh ra mong muốn tự bảo vệ mình, đề phòng lẫn nhau, theo dõi lẫn nhau, phát hiện ra thông tin gì liền báo cáo để được lòng lãnh đạo. Tất cả những điều này hình thành nên một mạng lưới giám sát và kiềm chế lẫn nhau, khiến cho ai cũng cảm thấy bản thân “chỉ có thể tuân theo quy củ, không dám loạn ngôn loạn động”.

Thứ hai, mỗi lần vận động sẽ sinh ra một người phải chịu phê phán đấu tố, đồng thời sinh ra kẻ đi phê phán được hưởng lợi, cái lợi ích này phát ra từ nội tâm độc ác, lấy việc công báo thù riêng, cũng là lập công để được tiến cử gia nhập Đảng. Thêm nữa còn có một chính sách riêng quy định rằng, nếu như tra xét ra rằng người bị hại là oan uổng, thì sau đó sẽ cố gắng hết sức để giải oan cho họ, nhưng để “bảo vệ tính tích cực của những phần tử tích cực đấu tranh”, thì không thể nào truy cứu những lời cáo buộc sai sự thật.

Thứ ba, những phần tử tích cực mong “trị” được nhiều người, đã thỏa mãn nội tâm độc ác, lại còn mang đến cho họ “cơ may đổi mệnh”, những người này hy vọng khi “trị” được nhiều người thì sẽ có thể lập công giảm phạt, trong số những người có thể bị đưa ra phê phán thì áp lực của mình xem ra sẽ nhẹ hơn chút ít. Cách thức này đã vô hình kích phát mặt ác trong nhân tính của con người.

Vào thời kỳ vận động “Phản hữu”, quần chúng còn chưa hình thành thói quen tấn công lẫn nhau, cấp trên các đơn vị phải áp đặt chỉ tiêu, quy định số lượng người bị đưa ra đả kích, nếu không đạt chỉ tiêu thì những người lãnh đạo sẽ phải thế tên vào danh sách này. Cứ mỗi 10 năm, Mao Trạch Đông lại tiến hành vận động một lần, đến thời Cách mạng Văn hóa, người dân Trung Quốc đã hình thành thói quen tự nhiên, lệnh hô hào vận động vừa phát ra, quần chúng theo thói quen liền lập tức tấn công lẫn nhau.

Do đó, đối với Cách mạng Văn hóa, nhiều người năm đó tích cực đấu tranh đã hát ca ngợi rằng “Đấu với người khác vui làm sao!”

  1. Hình thành giai tầng “tiện dân”

Trong các cuộc vận động, những ai kém may mắn có thể bị chụp mũ và trở thành một “phần tử” nào đó trong xã hội, chẳng hạn như phần tử phản cách mạng, phần tử cánh hữu, phần tử phản bội, gián điệp, hay đi theo tư bản chủ nghĩa. Thời kỳ đầu giải phóng còn có “phần tử địa chủ, phú nông”. Nếu một người không may bị liệt vào danh sách này, thì những người thân cùng huyết thống theo chính sách “Thuyết huyết thống” cũng sẽ bị liên đới, trở thành một nhóm người trong xã hội bị kỳ thị, và cuối cùng thành giai tầng “tiện dân”.

Lúc đó giai tầng này thường được gọi là nhóm “5%”. Kỳ thực, nếu cộng thêm những người thân cùng huyết thống theo “Thuyết huyết thống” thì giai tầng này chiếm tỷ lệ khoảng 20% dân số.

Những thành viên trong giai tầng tiện dân này sống trong hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt. Họ không được Đảng cho phép gia nhập, không được làm quan chức, không được đi học đại học. Về công việc thì phải làm những việc nặng nhọc mệt mỏi nhất, trong khi thu nhập lại là thấp nhất. Những người khác có thể ngang nhiên bắt nạt họ, thậm chí là đánh chết mà không có ai bênh vực hay bảo vệ. Mỗi lần vận động bắt đầu, không cần biết có lý hay phi lý, họ đều bị bắt quỳ thành một hàng ở trước hội trường.

Sự tồn tại của giai tầng tiện dân được cho là “có tác dụng đảm bảo hiệu quả cho sự an định của xã hội” theo định hướng của Đảng. Với Đảng mà nói, việc phát động nhóm “95%” trấn áp “5%” sẽ đạt được những hiệu quả như sau:

  1.     “Hiệu ứng chuyển hướng chú ý”: Khi các cơ quan quản lý hành chính gây ra tội lỗi nào đó thì có thể đổ lên đầu của nhóm “5%” này, chuyển hướng chú ý của toàn bộ nhóm 95% còn lại.
  2.     “Hiệu ứng kênh giải tỏa stress:” Khiến nhóm 95% thông qua quá trình khinh miệt trút giận giai tầng tiện dân mà đạt được tâm thái cân bằng.
  3.     “Hiệu ứng giết gà dọa khỉ”: Giữa hai nhóm 95% và 5% này gần như không có một khoảng cách nào, nên các cấp huyện đoàn Đảng ủy có quyền “chụp mũ” cho bất kỳ ai, đẩy những người từ nhóm 95% xuống nhóm 5%. Chính vì vậy mà những người trong nhóm 95% luôn cảm thấy không an toàn, luôn lo sợ sẽ bị đẩy vào nhóm 5% kia. Do vậy họ sẽ luôn cố gắng tuân theo luật chơi của ĐCSTQ, “không loạn ngôn loạn động” và công khai bài xích nhóm 5% để có thể giữ vững vị trí của mình. Đôi khi, ngay cả lãnh đạo tối cao quốc gia, chủ tịch nước, bí thư Đảng, những công thần của Đảng, lãnh đạo tỉnh, giáo sư đại học…. cũng có thể bị hạ bệ xuống nhóm 5% một ngày nào đó.
  4.     “Hiệu ứng so sánh địa vị”: Khi hình thành “giai tầng tiện dân”, thì một nhóm công nhân và nông dân sẽ có thể tiến nhập lên địa vị cao hơn một chút. Giả sử là một người lao động phổ thông, vậy thì, khi đưa mắt nhìn xuống dưới mà so sánh, sẽ có thể hình thành một cảm giác hài lòng hơn hẳn; khi bắt nạt người khác có thể quên đi cảm giác ưu phiền dẫn đến mệt mỏi. Nhờ đó mà tâm thái của nhóm người này trở nên cân bằng, tự biết hài lòng với bản thân bất chấp sự mệt mỏi nghèo khó.

Thực tế là còn có một số nhóm người dù không phải là giai tầng tiện dân nhưng cũng bị đối xử tệ bạc không kém gì giai tầng này: nhóm phần tử trí thức bị liệt vào phần tử “phản hữu”; những người bị phê phán trong Cách mạng Văn hóa bị gọi là “xú lão cửu” hay “đối tượng bị cải tạo”; những binh sĩ, cảnh sát, nhân viên của chính phủ cũ; những người phát ngôn bất mãn với chính trị hay xã hội; kể cả những người mà thân phận không rõ ràng…

  1. Kết cấu nhị nguyên thành thị – nông thôn

Thời bao cấp, cư dân có hộ khẩu ở thành thị khi mua hàng phải sử dụng các loại tem phiếu, như phiếu mua gạo, phiếu mua vải, phiếu mua thịt, phiếu mua dầu, phiếu mua xà phòng, phiếu mua củi, phiếu mua đường, phiếu mua thuốc lá… con số lên đến khoảng 80 loại phiếu khác nhau. Trên thị trường, những vật dụng sinh hoạt cơ bản không thể dùng tiền để mua, mà phải có tem phiếu, lượng hàng hóa cung ứng theo định lượng. Mỗi hộ gia đình ở thành thị sẽ được phát số tem phiếu nhất định.

Nông dân thì không có đặc quyền này, tức là không được phát tem phiếu. Do đó, nếu họ bỏ làng bỏ đất đi nơi khác thì không thể sinh tồn và gần như bị trói buộc tại nơi định cư. Nếu nông dân mà rời làng ra tỉnh, thì bị gọi là “lưu manh”, sau khi bị đưa trở lại quê cũ, sẽ bị công an địa phương bắt giữ để “cải tạo” và giấy phép “tạm trú” sẽ không được cấp nữa.

Ngược lại, người ở thành phố nếu không được phê chuẩn, cũng không được tùy ý di cư đi nơi khác (bởi vì tem phiếu do đơn vị ở địa khu này phân phối, sẽ không sử dụng được ở địa phương khác). Thành ra họ cũng bị trói buộc trong một đơn vị nhất định. Trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, các xí nghiệp và trường học đều thực hành quân đội hóa biên chế: “tổ chức quân sự hóa, hành động chiến đấu hóa, tư tưởng cách mạng hóa và lãnh đạo nhất nguyên hóa”, sự quản chế của bên trên đối với bên dưới do vậy mà càng trở nên cực đoan hơn.

Với ĐCSTQ mà nói, điều này có tác dụng lớn trong việc quản lý nhân khẩu lưu động, và cũng để hạn chế nguồn tin tức truyền miệng từ nơi này sang nơi khác, thuận tiện cho cơ quan truyền thông trung ương thỏa sức đưa thông tin một chiều.

  1. Phân phối kiểu “cái nồi cơm lớn”

Về vấn đề kinh tế và thu nhập thì ĐCSTQ rao giảng cái gọi là “bình quân đẳng cấp”.

Theo mô hình kinh tế kế hoạch, việc phân phối tài sản xã hội cũng được hành chính hóa. Các cấp bậc quan chức chiểu theo nguyên tắc xây dựng kim tự tháp về thu nhập kinh tế thống nhất trên toàn quốc. Thu nhập kinh tế và đẳng cấp chính trị có quan hệ chặt chẽ với nhau. Quan càng lớn thì tiền càng nhiều, quan càng nhỏ thì tiền càng ít. Từ lịch sử Trung Quốc mà nói, sự kết hợp giữa quyền lực và tiền bạc xưa nay chưa từng chặt chẽ đến như vậy.

Theo lý thuyết này thì nếu ở cùng một đẳng cấp, cho dù tại khu vực nào trên toàn quốc, cơ bản là đều có mức thu nhập tương đồng.

Nhưng nói về sự bất bình quân giữa các đẳng cấp khác nhau trong thời Mao Trạch Đông, thì xưa nay chưa từng phân hóa sâu sắc đến như vậy, ngay cả nếu so sánh với thời kỳ mở cửa hiện nay. Dưới thời đại của Mao, chỉ xét đến tiền lương, thì sự chênh lệch giữa mức cao nhất và thấp nhất giữa các đẳng cấp khác nhau lên đến hơn 30 lần.

Hơn nữa, các khoản tiêu dùng cá nhân “hô biến” trở thành các chi phí công vô cùng lớn, còn chi phí mang đúng danh nghĩa cá nhân lại hết sức ít ỏi. Nói một cách khác thì quyền lực càng lớn, các khoản chi tiêu công hợp pháp càng lớn, mà những khoản chi này thực tế là dành cho mục đích cá nhân và gia đình.

Nói về phân hóa xã hội, những người giàu có bậc nhất Đại Lục thì gia sản lên đến hàng trăm triệu nhân dân tệ, có du thuyền riêng, có máy bay riêng… Còn một người công nhân phổ thông (thường được ĐCSTQ tung hô là “giai cấp lãnh đạo”), thì tiền lương hàng tháng vào khoảng 30-40 nhân dân tệ, tiền tiết kiệm được vào khoảng 200 nhân dân tệ, thiết bị gia dụng sở hữu chỉ có một chiếc đèn pin.

Trong khi đất nước trải qua thời kỳ khó khăn, một nhóm cán bộ có thể bí mật tiến hành phân chia vài bao tải lương thực và nửa con lợn, số lượng thức ăn đủ để sinh tồn qua một nạn đói. Còn có những thành viên trong hợp tác xã mà cả gia đình bị đói mà không hề được phân chia chút lương thực nào. Trên lý thuyết thì cán bộ được phân chia nhiều hơn xã viên một bao gạo, nhưng chênh lệch thực tế thì không phải như vậy.

Trong xã hội Trung Quốc hiện nay, cuộc sống của người dân đã thay đổi nhiều, ai cũng có cơ hội trở nên giàu có. Nếu nói về chênh lệch giàu nghèo, thì người nghèo cũng có những giới hạn nhất định, không đến mức phải chết vì bị đói.

Tuy vậy, sự phân phối không đồng đều, ưu tiên cho gia đình quan chức được thấy là vẫn không hề thay đổi trong các đợt phong tỏa thành phố do virus Vũ Hán đang diễn ra ở Trung Quốc. Lương thực được cấp cho quan chức và người thân rất đầy đủ, trong khi người dân chỉ nhận được tối thiểu hoặc không có gì, dẫn đến nhiều câu chuyện đau lòng.

Rõ ràng là dù quá khứ hay hiện tại thì cũng không có cái gọi là bình quân đồng dạng mà ĐCSTQ rao giảng. Trong quá khứ người dân ít bất bình hơn, bởi vì họ cũng biết ít thông tin hơn. Lượng thông tin tỷ lệ thuận với cấp bậc hành chính và thu nhập kinh tế. Người dân phổ thông chỉ có thể đọc các loại báo tuyên truyền cũng như các báo cáo tình hình do đơn vị chỉ định, đó thực sự không phải là tin tức, chỉ là tuyên truyền. Thêm nữa còn có vấn đề như ở phần trước đã đề cập đến, đó chính là sự không cân xứng thông tin “bên trên biết bên dưới, bên dưới không hề biết bên trên”. Lãnh đạo cấp càng cao thì càng có nhiều bí mật “cấp quốc gia” cần che giấu, không để dân thường được biết.

Có câu nói rằng: “Người giàu thường biết ai nghèo hơn mình, còn người nghèo không biết ai giàu hơn mình”. Do đó, cả người giàu và người nghèo đều tự cảm thấy đầy đủ sung túc. Nếu đưa cho người ta một cái gọi là “bình quân giàu nghèo”, thì người ta sẽ không bất bình vì cái gọi là phân hóa giàu nghèo nữa. Nhờ vậy, mà xã hội sẽ trở nên vận động theo định hướng của Đảng.

Hơn nữa dưới thời Mao Trạch Đông còn đề xuất cái gọi là tinh thần “không theo đuổi tiền”, sống đơn giản, ai mà tiêu nhiều tiền sẽ bị chụp mũ là “chạy theo lối sống của giai cấp tư sản”. Điều này cũng khiến ĐCSTQ trấn an lòng dân. Một quy tắc mà ai cũng được tiêm nhiễm vào đầu khi đó là “Vinh hoa phú quý là thuộc về giai cấp bên trên, còn gian khổ chất phác là từ bình dân phát sinh”.

  1. Sùng bái cá nhân

Để huấn luyện người dân Trung Quốc sùng bái bản nhân, Mao Trạch Đông huy động toàn bộ các lĩnh vực văn hóa (bao gồm tin tức, nghệ thuật, giáo dục, lịch sử, triết học và khoa học xã hội) suốt thời gian dài nhắm vào hai chủ đề: thần thánh hóa Mao, và phỉ báng địch thủ của Mao.

Hình thức của sùng bái cá nhân cũng có nhiều kiểu, như “sáng thăm hỏi chiều báo cáo”, học theo lời Mao “sét đánh cũng không động”, mỗi ngày đều học tập chính trị, sáng tác các ca khúc thì cả trăm bài đều ca ngợi Mao, sách giáo khoa tiểu học đến trung học đều ca tụng Mao, văn nghệ hay báo chí cũng ngập tràn những lời tán tụng… Thậm chí nhiều bài báo còn trích dẫn nhiều lời nói trong Mao Ngữ lục. Khi Mao ban hành một chỉ thị mới, các đơn vị sẽ khua chiêng gõ trống khắp nơi hô vang khẩu hiệu “bốn vĩ đại”.

“Mao Chủ tịch Ngữ lục” được coi là “chỉ thị tối cao”, vượt trên cả hiến pháp.

“Thân cha thân mẹ không bằng thân Mao Chủ tịch”, “Ba trung thành, bốn tuyệt đối”, “Học thuyết của Mao, một ngày không học đi xuống dốc, hai ngày không học phát sinh nhiều vấn đề, ba ngày không học không cách nào sống được”… khi tuyên truyền đều tiêm nhiễm vào đầu óc người dân những quan niệm này.

Khi trẻ bắt đầu đi học, chữ đầu tiên phải viết là: Mao Chủ tịch vạn tuế! Chữ tiếp theo là: ĐCSTQ vạn tuế! Viết tên của mình không phải chuyện quan trọng.

Các cơ quan ngôn luận còn được chỉ thị: “Sự thật cần phải vì chính trị mà phục vụ, lịch sử và tin tức, không được nói chân thực, chỉ nói những gì mang tính khuynh hướng.” Nếu như chỉ trích hay có ý kiến bất đồng với Mao, thì có thể tính là đại tội và liệt vào phần tử “phản cách mạng”.

Tất cả những điều này khiến trong đầu người dân Trung Quốc hình thành một suy nghĩ: Nếu như tôi sống khốn khổ khốn nạn, hay gặp cảnh suy bại, thì chính là tại quan chức địa phương không làm tròn chức trách, hoặc là do thế lực phản động nước ngoài phá hoại. Nhưng với người dân thì sẽ luôn có một “vị cứu tinh”, đó chính là Mao Chủ tịch…

Hồng Ngọc (biên tập)

Hồng Ngọc

Published by
Hồng Ngọc

Recent Posts

Tiêm kích Nhật Bản xuất kích chặn máy bay trinh sát H-6, Y-9 của Trung Quốc

ĐCSTQ điều động một máy bay ném bom và máy bay trinh sát bay qua…

35 phút ago

Năm chủ điểm thách thức lớn nhất đe dọa liêm chính bầu cử Hoa Kỳ 2024

Hoa Kỳ đang gặp phải rất nhiều thách nghiêm trọng liên quan đến tính liêm…

36 phút ago

Trung Quốc và Ấn Độ đạt thỏa thuận bố trí tuần tra quân sự khu vực biên giới tranh chấp

Ấn Độ cho biết đã đạt được thỏa thuận với ĐCSTQ về việc bố trí…

58 phút ago

Dự án Luật Điện lực (sửa đổi): Phát triển điện hạt nhân, do Nhà nước độc quyền đầu tư, vận hành

Phát triển điện hạt nhân được "thể chế hóa" trong Luật Điện lực (sửa đổi),…

58 phút ago

Colombia áp thuế thép Trung Quốc do lo ngại mất việc làm

Colombia đã trở thành quốc gia Mỹ Latinh mới nhất áp thuế đối với thép…

1 giờ ago

Những bài học thực sự của giải Nobel hoà bình

Đấu tranh cho một thế giới không còn bị đe doạ bởi hiểm hoạ hạt…

1 giờ ago