Cái vắng lặng của ngôi đền Tử Sĩ giữa buổi trưa cuối tháng 4 không làm tôi rợn người như khi đi vào những nghĩa trang bị quên lãng. Sự hoang lạnh, điêu tàn ở nơi từng cử hành các nghi lễ trọng thể của khu nghĩa trang Biên Hoà chỉ làm lòng người chùng xuống khi chỉ còn vài ngày nữa đã đến dịp 30/4.
Ba chữ Đền Tử Sĩ đã rơi rụng gần hết, hai hàng câu đối “Vì nước hy sinh – Vì dân chiến đấu” cũng không còn, mà ai đó lạnh lùng móc lên cổng tam quan tấm bảng “Cafe Wifi Võng” ô trọc. Ngôi đền là nơi cao nhất của nghĩa trang Biên Hoà, giờ đây ngập trong lá cây rụng, mái ngói đã muốn sập xuống, những cánh cửa long bảng lề và bên trong là bát hương lạnh lẽo, chơ vơ.
Đền Tử Sĩ – địa điểm từng cử hành các nghi lễ quan trọng của khu nghĩa trang quân đội nơi những tử sĩ của quân đội Việt Nam Cộng Hoà được đưa ngang qua trước khi được mai táng ở phía sau. Tôi đi một vòng quanh ngôi đền, cố tưởng tượng ra khung cảnh nơi đây như đã từng được xem trên mạng. Rồi bất lực. Chỉ có điêu tàn đổ nát bị vây quanh bởi những khu nhà dân.
Kể từ sau khi chính quyền VNCH không còn, khu nghĩa trang này được giao cho các đơn vị Quân đội Nhân dân Việt Nam quản lý. Cho đến năm 2006, sau quyết định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì quyền quản lý ở nơi đây được trả lại cho dân sự. Tuy nhiên, muốn vào viếng mộ thì phải để lại Chứng minh nhân dân và khi ra về phải ký vào một bảng khai đầy đủ tên họ địa chỉ.
Được bắt đầu xây dựng năm 1967 và hoàn thành năm 1973, nghĩa trang này từng được quy hoạch cho 30.000 ngôi mộ. Ngoài mộ lính thì có 7 ông tướng cũng được chôn cất tại đây, nhưng hiện tại chỉ còn hai ông nằm lại là chuẩn tướng Nguyễn Văn Phước và thiếu tướng Nguyễn Huy Ánh. Cả hai ngôi mộ này đều đã được sửa sang khang trang nhưng trên bia không còn để cấp bậc. Nhìn những ngôi mộ trong nghĩa trang này có thể đoán được thời điểm tử trận của của người nằm xuống. Trừ những ngôi mộ đã được tu bổ, người tử trận càng gần ngày 30/4 thì càng được chôn cất sơ sài, chỉ là nắm đất sè sè bên đường. Những hàng mộ địa xiêu ngả, có cái không có bia hoang lạnh như vậy đã hàng chục năm bởi thân nhân không còn. Trái ngược với khu Đền Tử Sĩ bị bỏ hoang tàn thì khu vực Nghĩa Dũng Đài, được thiết kế với hình ảnh vành khăn tang quanh lưỡi lê chĩa lê trời, lại được dọn dẹp tử tế. Có bàn thờ để thắp hương, có hoa tươi, được quét tước sạch sẽ.
“Bực mình cái thằng cha bảo vệ này quá, cứ rà xe theo quan sát người ta. Tại lúc nãy mình đưa cái chứng minh nhân dân quân đội nên nó cứ rà rà theo hoài“, ông Thanh một người đi viếng nghĩa trang mà chúng tôi tình cờ gặp, nói. Ông Thanh nguyên là sĩ quan quân đội Nhân dân Việt Nam, nay đã về hưu. Ông cũng đi viếng nghĩa trang này lần đầu tiên. “Nghĩ thấy người nằm dưới mộ cũng là người Việt như mình mà buồn. Đánh nhau cho lắm rồi cũng người Việt chết với nhau, mà đất nước cũng có khá nổi đâu“, còn chút e dè với người lạ nhưng ông bộ đội về hưu vẫn đưa ra nhận xét với tôi.
Trong cái không khí im lặng của nghĩa trang, quả thật tiếng xe gắn máy rè rẹt của người bảo vệ mẫn cán chạy theo chúng tôi nghe rất quái đản. Nó cứ như tiếng mài thanh sắt xuống cạnh xi măng của một ngôi mộ nào đó. Lẽ nào ông ta sợ chúng tôi có thể triệu hồi được đội quân đã chết mấy mươi năm đội mồ làm loạn nghĩa trang?
Nếu nói đến hoà hợp hoà giải dân tộc thì chẳng phải bắt đầu từ chính những người đã nằm xuống hay sao? Việc đầu tiên phải làm là hãy gỡ bỏ những lọn thép gai quân sự trên bờ tường bao quanh nghĩa trang. Giam cầm người chết để làm gì nữa đây. Kẻ sống người chết đã chia biệt rồi nỡ nào còn chặn lại bằng thép gai, cứ chọc vào mắt người đến viếng khiến xót xa.
Tiếp theo là hãy bỏ cái thủ tục quái gở xét CMND và bắt ký bảng khai thông tin đối với người đi viếng. Điều này hoàn toàn đi ngược lại những gì mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký năm 2006 “chỉ đạo việc quản lý khu nghĩa địa Bình An bình thường như các nghĩa địa khác theo quy định của pháp luật.”
Giữa một buổi trưa nắng chang của ngày cuối tháng 4, tôi cứ nghĩ mãi về việc ai mới thật sự là người cần hoà hợp hoà giải. Người chết chắc chắn không cần. Người sống thì hầu hết đã hoà giải với nhau từ lâu. Chỉ còn chính quyền mới cần hoà giải với người Việt ở trong hay ở ngoài nước bởi chính quyền đâu cứ là chính quyền hoài được, lỡ có khi nào đó chính quyền lại về làm dân thì sao. Cuộc binh lửa cũng đã hết 42 năm rồi kia mà, sao giờ đứng giữa nghĩa trang này nghe như mới hôm nào đây.
Nhìn những mộ địa nơi đây dẫu có xiêu vẹo nhưng họ còn được nằm bên nhau. Chứ còn những người lính Nam Việt còn vùi mảnh xương nơi rừng xanh, núi thẳm hơn 40 năm qua thì sao đây? Lính Pháp, lính Mỹ, lính Trung Quốc đều đã được đi tìm đưa về nhà mà sao người lính Nam Việt cứ mãi bơ vơ trên chính đất nước mình? Khi nào những câu hỏi này sẽ được trả lời? Tôi chỉ nghe tiếng gió của buổi trưa tháng Tư luồn qua cành lá, qua những hàng mộ địa.
30/4/2017
Theo Facebook Nguyễn Trung Bảo
Xem thêm:
Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…
Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…