Có vài lần tôi nghĩ đến câu hỏi này, khi đối mặt với những tình huống lắt léo đến mức thử tưởng tượng bản thân lọt vào đó cũng làm tôi bối rối.
Một nhân vật trong bài viết đón tôi vào nhà em trong con hẻm tìm mãi không ra với một mớ số lằng nhằng. Câu chuyện vì sao họ ở một cái ngõ sâu sâu và rắc rối như thế kể cũng thiệt kỳ. Mẹ của cô gái không thích người con trai mà em yêu. Em kể: “Mẹ thường nói mày mà theo thằng đó thì đừng nhìn mặt tao nữa.” – Và em có bầu. Em bán hàng online, không dư dả quá nhiều, nhưng đủ tiền sữa tã và chăm sóc bé. Không quá vất vả. Người yêu và em chia tay sau vài tháng sinh. Em không trách cứ gì số phận khiến mình làm mẹ mà không có người đàn ông bên cạnh giúp đỡ, mà giờ chỉ bận lòng nhất là kiếm sống và chăm con. Nhưng em không trở về nhà và cũng không trông đợi sự giúp đỡ của gia đình.
Em nói em không thể cãi nhau và làm mẹ buồn vì cuộc sống em không như ý mẹ. Em không thể chọn khác đi. Em cũng không thể về nhà quỳ gối để xin mẹ tha thứ gì. “Em không có lỗi,” – Em nhún vai. Mẹ em nói nếu muốn về nhà thì trả con cho chàng trai. Em chọn đứa bé – và không chọn mẹ.
Sẽ thế nào nếu ta bị gia đình “tống tiền” buộc phải chọn điều gì đó? – Câu trả lời bị treo trên cao, gãy vụn. Tôi không biết thế nào là sai hay đúng.
Một cậu trai khác tôi quen trong lớp dạy viết lại có sự bấp bênh khác. Cậu không muốn về lại nhà vì không thể để cha thấy cậu đang theo đuổi một điều chẳng thành công gì lắm (theo ý hướng của cha). Cậu không muốn ông buồn. Cậu không muốn cha thấy mình là một khối thể thất bại. Tôi hỏi: “Làm sao em biết cha em sẽ thất vọng? Có khi cha chỉ cần em về thôi mà.” – Cậu đáp: “Chị chẳng biết gì về cha em đâu. Cha em từ nhỏ luôn nói với em là đàn ông mà không thể bằng anh bằng em thì chắc phải chui đầu xuống đất cho bớt nhục. Em mà về thì cha sẽ phải chui đầu xuống đất. Em còn thua cả em trai của em nữa.” – Cậu không thành công khi kết thúc thời gian đại học, và vẫn đang tìm hướng đi trong sự mù mờ vất vả. Nhưng không thể nói với cha rằng con chưa biết phải làm gì cả.
Khi nào nhà không còn là nơi để về? – Điều đó hiện hữu trong mong đợi được “đánh tiếng” bởi người thân. Mẹ muốn con là người có thành tựu như có chồng, có chồng thành công. Cha muốn con giỏi hơn người hàng xóm. Anh muốn em sẽ mạnh mẽ như anh. Chị muốn em được đi du học như chị. Đứa bé yếu thế trong nhà từ nhỏ bắt đầu tự xây dựng bức tường kỳ vọng trong tâm trí nó. “Tôi phải thế này mới làm cha vui. Tôi phải thế kia mẹ mới hài lòng. Tôi là nỗi nhục của anh chị vì họ giỏi quá.” – Qua thời gian, kỳ vọng hóa thạch tới mức đóng đinh trong tâm thức, quy định một con người phải LÀ GÌ ĐÓ – để DỰ ĐOÁN được niềm vui mình mang lại cho người thân yêu của mình.
Sơ giản hơn, nó giống như cô gái mong chàng trai mình yêu sẽ galant mời mình đi xem phim vì chàng trai có đủ tiền (như vài bạn trai khác trong lớp). Nặng nề hơn, nó giống bức tượng được mẹ tạc trong đầu, người con đứng so và tủi hổ thấy mình không thể làm mẹ vui vì chẳng là gì so với bức tượng đó.
Khi nói điều này, nhiều người xua tay bảo cha có cần gì đâu, mẹ có cần gì đâu, chỉ muốn con sung sướng. Nhưng “sung sướng” là khái niệm mơ hồ khác biệt giữa mẹ và con, hay cha và con, hay anh chị và em. Dùng “sung sướng” của mình để tạc tượng cho giới hạn và cả sự bất an của người yếu thế không khác gì bắt một cậu bé còi cọc mặc áo giáp của dũng sĩ khổng lồ. Họ không thể mang vác được. Họ kiệt sức dần và quên mất bản thân. Họ thấy mình yếu và tồi tệ hơn “bộ giáp” mà người thân yêu kỳ vọng. Trong bất lực, họ bắt đầu tự dự đoán về nỗi thất vọng của người thân yêu.
Và họ sợ hãi mỗi khi nghĩ phải trở về nhà.
Tôi có một người thầy. Ông thường nói, từ khi con gái anh còn rất bé, anh luôn nói con hãy về nhà nếu con đứt tay, nếu con bị bắt nạt, nếu con khóc, nếu con không còn bạn bè, nếu con bị tổn thương. Con về nhà và chơi với bố. Ông và vợ cứ nói lặp đi lặp lại vậy cho đến ngày cô bé đi học xa. Ông không biết điều đó liệu có ích gì trong đời khi cô bé rời nhà ở tuổi 19, nhưng có thể tiềm thức sẽ nhắc nó về câu dặn dò lặp đi lặp lại như chiếc công tắc đèn bật lên, chỉ dẫn nó quay về nếu bất trắc xảy ra.
Khi tôi hỏi về sự dựa dẫm và ỷ lại, ông không nghĩ mái nhà an toàn sẽ khiến con gái èo uột trốn về lười nhác. Sự độc lập của cô bé được ông chỉ dẫn theo từng ngày sống bên nhau: Con tự chăm sóc gà con nếu con nuôi. Con tự xếp lại giường khi ngủ dậy. Con tự tính thời gian chơi điện thoại. Ông nói sự độc lập là rèn luyện, cả người lớn như ông nếu không cố rèn luyện để ngồi đọc sách còn sẵn sàng bỏ dở, có khác gì con nít. Còn ngã xuống, trở về, và được làm lại từ đầu – nó là thứ duy nhất gia đình làm được cho đứa con – để không mất nó vào thời khắc hiểm nghèo nhất của bất trắc.
Nếu mái nhà làm ta hoảng sợ – thì làm sao đủ sức để quay về?
Xem thêm:
Trước tình hình căng thẳng, Hungary đang lên kế hoạch triển khai hệ thống phòng…
Chuẩn Đô đốc Thomas Buchanan tuyên bố rằng Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ khí…
Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…