Tôi là ai? Liệu cái thể xác này, trái tim, bộ óc hay những thứ trừu tượng như lý trí, nhận thức, và suy tưởng mới là tôi thực sự?
Trong suốt cuộc đời, con người chúng ta trải qua những thay đổi kỳ diệu. Về mặt thể xác, chúng ta bắt đầu từ một thân thể nhỏ bé cao khoảng 50 cm, mũm mĩm và đáng yêu. Sau khoảng 90 năm ta trở thành một thân thể già lão, xám xịt, làn da đồi mồi với chiều cao khoảng gấp chừng hơn 3 lần. Trong quá trình trung gian, mọi tế bào trong cơ thể chúng ta đều được thay thế, hết lần này đến lần khác và chúng ta đã trải qua vô số trải nghiệm mà có thể gần như không để lại dấu vết gì trong ký ức. Một người 25 tuổi khó có thể nhớ được nhiều những gì họ cảm giác thấy hồi 5 tuổi. Một người 67 tuổi chỉ còn nhớ lờ mờ trong đầu về những gì họ đã trải qua hồi 30 tuổi. Chúng ta mang một tên gọi trong suốt cuộc đời và chúng ta tự nhiên ro rằng mình là một thực thể ổn định và không thay đổi.
Nhưng thực sự chúng ta có đúng là cùng một người? Dưới lăng kính triết học, vấn đề về bản sắc cá nhân nổi lên phức tạp hơn nhiều so với hình dung ban đầu của chúng ta. Theo cách nào mà ta có thể nói rằng bản thân ta tồn tại liên tục trong suốt khoảng thời gian ta sống? Điều gì có thể đảm bảo rằng chúng ta có thể nghĩ về mình như một cá nhân thống nhất trong suốt cuộc đời? Vậy rốt cuộc cái tôi cá nhân ấy nằm ở đâu?
Một quan điểm phổ biến là thân thể của chúng ta là thể hiện cho sắc thái cá nhân của chúng ta. Đây là giả thiết cho rằng thành phần cốt lõi khiến tôi là “tôi” đó là tôi ở trong một cơ thể giống hệt tôi, tuy nhiên các nhà triết học muốn mở rộng giả định này một chút. Giả sử nếu toàn bộ tóc trên đầu tôi rụng xuống. Liệu tôi có còn là tôi không? Có chứ, chắc chắn rồi. Nếu tôi mất một ngón tay? Có chứ! vậy nếu mất một chân thì sao? Đương nhiên. Vậy nếu bây giờ một con quỷ dữ xuất hiện và bảo chúng ta phải bỏ đi tất cả các bộ phận trên cơ thể và chỉ được giữ lại một thứ…vậy thứ nào sẽ được giữ lại? Rất ít người trong chúng ta có thể sẽ muốn giữ lại khuỷu tay hay lỗ rốn. Nhưng hầu hết chúng ta đều muốn giữ lại bộ não và điều này tiết lộ một điều thú vị.
Giả thuyết này là có một số bộ phận trên cơ thể của chúng ta gần gũi với cốt lõi của bản sắc cá nhân hơn các bộ phận khác, và bộ phận trọng yếu là bộ não. Thiên chúa giáo có hẳn một phiên bản về thí nghiệm tư duy này; chúng ta còn được hỏi điều gì sẽ xảy ra sau khi chết và tưởng tượng sự phân ly của thân thể và một bộ phận có vẻ khiêm tốn, không đáng kể nhưng quý báu, bất diệt và còn tồn tại mãi – nó được gọi là linh hồn. Còn có một phiên bản khác của thí nghiệm tư duy này mà hai người yêu nhau có thể cùng chơi. Vào thời kỳ đầu của tình yêu, khi hai người lần đầu ngủ chung, họ có thể hỏi nhau: “Anh/ em thích điều gì nhất ở em/anh?” Nếu trả lời là “em có vòng một thật quyến rũ” hay “anh có đôi bắp tay thật săn chắc tuyệt vời” thì bạn nhầm rồi. Vòng một hay ngực không phải là câu trả lời thỏa đáng để thấy mình là mình. Dường như chúng ta muốn được yêu bởi cái gì đó gần gũi với cái tôi thực sự của chúng ta, tâm hồn hay trí tuệ chẳng hạn.
Bây giờ hãy đẩy thí nghiệm tư duy này xa hơn một chút: bộ phận nào của bộ não đóng vai trò quan trọng nhất trong việc định hình “cái tôi”. Hãy tưởng tượng rằng tôi bị một khối u ở một bộ phận của bộ não khiến tôi mất khả năng chơi bóng bàn. Liệu tôi vẫn là tôi chứ? Phần lớn chúng ta sẽ trả lời “ Có chứ, chắc chắn rồi”. Nhưng nếu trước đây tôi nói tiếng Latinh rồi mất khả năng đó, hoặc quên cách nấu măng tây với mayonnaise ít béo, vậy tôi có còn là tôi nữa không? Có chứ. Nói cách khác, những khả năng về kỹ thuật có vẻ không thật sự gần với cốt lõi của bản sắc cá nhân.
Vậy còn những kiểu ký ức khác thì sao? Thứ mà định hình phần lớn cái tạo nên “tôi” có xu hướng là phần lưu trữ những ký ức của tôi. Tôi nhớ tấm thảm trong phòng ngủ mà tôi đã lớn lên hoặc cô gái mà tôi đã yêu thời còn học đại học, hay thời tiết ở Sydney ngày mà chúng tôi đặt chân đến đó trong chuyến du lịch Úc đầu tiên. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu tất cả những ký ức này cũng biến mất? Liệu tôi còn là tôi nữa không?
Có một quan điểm là: Cũng có thể. Chừng nào vẫn còn lại một yếu tố nào đó mà có thể gọi là tính cách của tôi. Nói cách khác, nếu cách thức đặc trưng mà tôi phản ứng với hoàn cảnh, chừng nào vẫn giữ ý thức của tôi về điều gì đó là hài hước, khôn ngoan, thú vị hoặc quan trọng, thì về căn bản, tôi vẫn có thể tuyên bố rằng tôi vẫn là con người đó. Sự lưu trữ ký ức về cảm xúc hay hành vi có thể mất đi nhưng tôi vẫn có thể đảm bảo mình vẫn có cảm giác và cư xử như tôi trong tương lai. Khi đó, những người quanh tôi sẽ cần phải liên tục nhắc nhở tôi về những gì đã xảy ra, nhưng họ vẫn nhận ra đó là tôi.
Từ đây, một quan sát hấp dẫn hơn xuất hiện: bản sắc cá nhân, cái tôi đó có vẻ không chỉ là sự sinh tồn về mặt thể xác. Tôi có thể ở trong thể xác của người khác, hoặc sống trong một cái lọ mà vẫn là tôi. Bản sắc cá nhân cũng không phải là sự tồn tại của ký ức; tôi có thể quên hết mọi thứ mà vẫn là tôi. Nhưng sự tồn tại của cái gọi là “cá tính”, đây là khái niệm gắn liền với nhà triết học người Anh – John Locke, ông nổi tiếng với câu : “Bản sắc cá nhân được tạo nên bởi”, cái mà ông gọi là “sự đồng nhất về ý thức”.
Nếu một con quỷ bảo chúng ta lựa chọn giữa được phép nhớ tất cả nhưng sẽ mất cảm nhận và đánh giá, hoặc giữ lại cảm nhận và đánh giá như cũ nhưng không nhớ gì cả, thì hầu hết chúng ta, theo Locke gợi ý, sẽ chọn phương án thứ hai. Do vậy, bản sắc cá nhân chung quy về mặt cốt lõi nó xoay quanh các giá trị, khuynh hướng và tính khí.
Bây giờ hãy nghĩ về cái chết cùng với những khái niệm này. Quan điểm chung về cái chết thường là buồn vì nó có nghĩa là sự chấm dứt bản sắc của chúng ta. Cụ thể nó không có nghĩa là sự chấm dứt nếu chúng ta xác định được bản sắc gắn với sự tồn tại của thể xác chúng ta hoặc sự tồn tại những ký ức của chúng ta. Nhưng nếu chúng ta suy nghĩ về chúng ta là ai theo nghĩa rộng hơn: về những giá trị của chúng ta, tính cách, yêu và ghét, thì khi đó, về mặt cốt lõi, chúng ta có được ban cho một dạng thức bất diệt đơn giản thông qua thực tế rằng những đặc tính trên sẽ mãi tiếp diễn trong toàn bộ loài cư trú ở đây hay ở kia, ngoài chỗ ở hiện tại.
Có thể những gì chúng ta đã được học về “cái tôi” mới chỉ là một điểm nghỉ chân tạm thời cho một loạt những ý niệm và xu hướng còn xa xưa hơn và lâu dài hơn cả thể xác của chúng ta… chúng ta có thể cố gắng bớt đau buồn về cái chết bằng cách buông bỏ ý niệm rằng chúng ta là một chòm sao đặc biệt về những đặc điểm thể xác. Theo một ý nghĩa thì chúng ta còn trường tồn lâu dài hơn, trải qua hàng thế hệ với tư cách là tập hợp những ý niệm và khuynh hướng. Chúng ta sẽ tiếp tục ươm mầm và sinh tồn bất cứ nơi đâu mà những ý niệm đó định hình phần lớn cá tính của chúng ta được thể hiện giống như cách nó phải như vậy trong những thế hệ tiếp theo. Việc tập trung vào những câu hỏi về bản sắc cá nhân sẽ đem lại hiệu ứng trái ngược và có phần vui vẻ vì nó giúp ta ta bớt trói buộc vào những chi tiết nhỏ nhặt không đáng kể của bản thân. Nó giúp ta tự tin hơn rằng những điều thực sự quan trọng về con người chúng ta trước giờ sẽ tồn tại theo một cách thức lâu dài hơn nhiều, kể cả sau khi thân thể chúng ta đã trở về với cát bụi và mọi ký ức đều đã bị xóa đi.
The Book of Life
Diệp Sam dịch
Xem thêm:
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…