Năm vừa qua, trong nước có một nhân vật nói tự tu theo hạnh Đầu Đà, tự nhận mình không thuộc Phật giáo, và tự tu tập theo Phật Thích Ca Mâu Ni, được đông đảo người dân ngưỡng mộ, quý mến và trở thành một hiện tượng. Nhiều người nói rằng nhờ sự nổi tiếng của người này mà họ mới biết có thể tu luyện mà không cần phải gia nhập vào một tôn giáo nào đó, và họ lờ mờ phân biệt được như thế nào là chân tu, như thế nào là giả tu. Trí Thức VN đã phỏng vấn một học viên Pháp Luân Đại Pháp (Pháp Luân Công) về câu hỏi này.
HỎI: Theo giáo lý của Pháp Luân Đại Pháp thì tu luyện là gì và như thế nào là chân tu?
ĐÁP: Xin có 3 ý như sau.
Thứ nhất, “tu tâm” là từ bỏ tâm chấp trước, thất tình lục dục, dần dần trở nên thanh tịnh. Làm được vậy thì gọi là “chân tu”.
Trong bối cảnh Việt Nam, người ta thường lấy pháp môn Giới-Định-Huệ mà Đức Phật Thích Ca truyền xuất ra hơn 2.500 năm, gần 2.600 năm trước làm tham chiếu, cho nên có cách hiểu “chân tu” nghĩa là trì giới một cách nghiêm túc.
Hòa thượng trì giới nghiêm túc thì là chân tu, mà phạm giới thì là giả tu. Đương nhiên không thể quá tuyệt đối. Chẳng hạn nhỡ làm gì đó không đúng, thì chẳng lẽ liền bảo là tu sai? Không quá gay gắt như thế, sửa lại là được rồi.
Người tu theo hạnh đầu đà là trì giới rất nghiêm, khắc khổ một cách đáng kể nếu so với việc chỉ thực hành bộ giới luật dành cho một hòa thượng thông thường. Trong Phật giáo mà nói thực hành hạnh đầu đà, thì là ngầm hiểu đã thực hành đủ bộ giới luật hòa thượng rồi, và thêm lên đó là hạnh đầu đà. Người ta hiểu hạnh đầu đà như là phiên bản cường hóa, thêm vào bộ giới luật cụ túc của người xuất gia.
Ở Việt Nam ngày nay, nói chung sẽ không nói hạnh đầu đà là điều gì đó tách khỏi bối cảnh tu theo Giới-Định-Huệ của Đức Phật Thích Ca.
Bởi vì, xét cho cùng, trì giới chỉ là một phần của pháp tu Giới-Định-Huệ. Nói cách khác, nếu chỉ trì giới mà không đọc Kinh học Pháp, không trường kỳ tham thiền nhập định, thì việc trì giới đó không còn ý nghĩa. Đây là tu luyện, để đạt được thăng hoa tâm linh, chứ đây không phải là hành hạ thân xác bản thân mình.
Đương nhiên, ai nếu đã bước vào cửa tu theo Đức Phật Thích Ca, thì người đó tự nhiên hiểu đạo lý ấy. Đức Phật Thích Ca cũng không hề dạy rằng hành xác là tương đương với tu luyện. Trái lại, Ngài phản đối điều đó.
Trong Kinh Phật có đoạn kể rằng có người nói tôi đời này phát tâm sống như chó, có người nói tôi đời này phát tâm sống như ngựa, và hỏi Đức Phật Thích Ca rằng phải chăng đời sau sẽ lên cõi trời. Sau khi im lặng, nhưng vẫn tiếp tục bị hỏi vậy, thì Đức Phật Thích Ca trả lời rằng đời sau họ có thể sẽ chuyển sinh thành chó, thành ngựa.
Đó là giáo lý rất cơ bản trong pháp môn của Phật Thích Ca. Cho nên nói chung người ta đều hiểu việc này.
Do đó, trong bối cảnh tu theo Đức Phật Thích Ca, nếu ai đúng là thực hành được chuẩn theo hạnh đầu đà, thì được nhìn nhận là chân tu. Dù có gia nhập tôn giáo hay không thì cũng giống nhau.
Sư phụ của Pháp Luân Đại Pháp đã viết “giữ gìn giới luật có thể đạt tiêu chuẩn người tu luyện” (trích “Tinh Tấn Yếu Chỉ”).
Tuy nhiên có sự khác biệt giữa các pháp môn tu luyện khác nhau.
Pháp Luân Đại Pháp là tu theo đặc tính vũ trụ Chân-Thiện-Nhẫn, chứ không lấy Giới-Định-Huệ làm tôn chỉ.
Tiêu chuẩn người chân tu trong Pháp Luân Đại Pháp là được hiểu là thường hằng tinh tấn, từ bỏ tâm chấp trước: Mỗi khi gặp sự việc hay mâu thuẫn nào đó, thì người tu cần buông bỏ các tâm danh lợi hay xúc động tình cảm, và biết dùng Chân-Thiện-Nhẫn đề đo lường các việc, từ đó quyết định tự mình ứng xử thế nào. Làm được vậy, thì được tính là tinh tấn, là đang tu.
Buông bỏ các chấp trước, dần dần đồng hóa với đặc tính vũ trụ Chân-Thiện-Nhẫn là một quá trình dần dần. Cũng không thể quy định là phải làm được cụ thể thế nào về hành động. Ngoài ra, tu càng lên cao thì tiêu chuẩn tâm tính cũng tăng dần, vậy cũng không có tiêu chuẩn mang tính cố định. Miễn tinh tấn thực tu thì được hiểu là người chân tu.
Ví dụ, khi gặp mâu thuẫn, người tu Pháp Luân Đại Pháp được yêu cầu là trước hết phải tự xét mình trước. Nhất định phải xem bản thân mình có gì chưa đúng với tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn. Nếu thấy sai thì phải sửa. Hiển nhiên không được đặt tâm vào việc coi xem người khác sai ở đâu. “Hướng nội tu” được Sư phụ Pháp Luân Đại Pháp giảng là một “pháp bảo” của tu tâm.
Tu theo đặc tính vũ trụ, ắt phải lấy việc thay đổi tâm tính của mình cho phù hợp với vũ trụ. Chứ không phải lấy mình làm trung tâm, biến mọi thứ phải theo ý mình. Ví như một công dân tốt là công dân tôn trọng luật pháp, hòa đồng với cộng đồng, chứ không phải chỉ vì lợi ích cá nhân mà tìm cách lách luật, hoặc thậm chí vi phạm luật, hoặc ngông cuồng hơn nữa là tìm cách thay đổi luật.
Trong Pháp Luân Đại Pháp giảng “vị tha”, khi có mâu thuẫn thì nghĩ cho người khác trước. Cũng giảng rằng căn bản của vũ trụ là “vị tha”, chứ không phải “vị tư”. Người Việt chúng ta có câu, “ông Trời có đức hiếu sinh”, tức là sự tồn tại của chúng sinh là do ông Trời có tâm từ bi đối với chúng sinh. Người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp được yêu cầu tu tâm “vị tha”, buông bỏ lối tư duy “vị tư” ích kỷ.
Cho nên, một người tu Pháp Luân Đại Pháp mà chân tu thì nói chung là khi nói chuyện, khi hành động, khi suy nghĩ, thì thường có biểu hiện là vì tốt cho người khác, tốt cho cộng đồng, thay vì là chỉ để tốt cho bản thân mình.
Trong giáo lý của môn phái, Sư phụ của Pháp Luân Đại Pháp cũng yêu cầu đệ tử của mình phải biết nghĩ cho người khác trước. Tiêu chuẩn đạo đức là để dành cho mình chứ không phải để áp chế người khác: Nghiêm khắc với mình, khoan dung với người.
Đã tu tâm là được nhận thức như vậy, thì trong Pháp Luân Đại Pháp sẽ khó nói người này chân tu người kia giả tu. Tại sao? Bởi vì vào một thời điểm này, người đó có thể thực hành đúng tiêu chuẩn người tu luyện, nhưng một thời điểm khác thì không. Cho nên, khái niệm người chân tu và giả tu là có tồn tại trong môn phái, nhưng không có thể dễ dàng định ra được.
Ngoài ra, tâm là điều không dễ nhìn thấy được, dù có là chân tu hay không cũng không dễ dàng nhìn ra được từ bề ngoài. Có người trong đầu toàn nghĩ thứ xấu, nhưng mà hành động bề ngoài thì không xấu tệ thế, vậy người đó là tu tốt hay là tu không tốt đây?
Kỳ thực, Phật giáo cũng là hiểu buông bỏ tâm chấp trước là tiêu chuẩn giống như thế, và việc trì giới cũng có mục đích là thông qua từ bỏ các thứ vật chất hay hành động mà buông bỏ cái tâm, đạt được tâm thanh tịnh.
Trong Kinh Phật có đoạn kể rằng khi gặp người chuẩn bị sát nhân, Đức Phật Thích Ca bảo người kia buông đao xuống. Người đó buông đao xuống. Đức Phật lại bảo “buông xuống”. Người đó không hiểu, bởi vì đao kia buông rồi mà. Đức Phật lại nói “buông xuống”, và người đó ngộ ra rằng đây là phải buông cái tâm sát sinh. Trì giới là phương tiện để tu tâm. Cái đích trong Phật giáo cũng đồng dạng là tu tâm. Đây cũng là khái niệm rất cơ bản trong Phật giáo.
Dù là trong Phật giáo hay trong Pháp Luân Đại Pháp, hay trong các môn tu luyện chính phái cũng thế, tiêu chuẩn chân tu hay không, là nhìn vào người ấy tu tâm thế nào, có thường hằng tinh tấn buông bỏ chấp trước hay không. Đều giống nhau.
Đó là tiêu chuẩn chung.
Riêng Phật giáo, bởi vì tu theo Giới-Định-Huệ, lấy trì giới làm phương tiện tu tâm, cho nên người ta lấy việc ai có thực hành đúng bộ giới luật không làm thước đo chân tu hay không.
Đó là nói về tu tâm. Ý thứ hai, là nói về tu luyện.
Tu luyện tuy lấy tu tâm làm căn bản, nhưng mà, tu luyện không chỉ là tu tâm.
Tu luyện, điều được coi là thần bí ở xã hội trong suốt chiều dài lịch sử, đã từng được các cao nhân truyền ra xã hội nhân loại tại các thời điểm khác nhau. Đức Phật Thích Ca, Đức Lão Tử, v.v. là các ví dụ như thế.
Trong Pháp Luân Đại Pháp, ngoài nhân tố tu tâm, còn có nhân tố luyện thân, nên cũng gọi là “tính mệnh song tu”.
Tu tâm đồng thời với luyện mệnh, hai điều cùng tiến hành, có tính bổ trợ cho nhau.
Cho nên, trong Pháp Luân Đại Pháp, kỳ thực, khái niệm “chân tu”, khái niệm “tinh tấn”, là gồm cả việc tu tâm được tốt và luyện công được tốt.
Tu luyện không phải là khái niệm của riêng môn phái nào. Năm xưa Đức Phật Thích Ca cũng từng giảng rằng tu Phật có tám vạn bốn nghìn pháp môn.
Vũ trụ này là có tiêu chuẩn cho các chúng sinh tại các tầng các giới. Lục đạo luân hồi trong Tam giới mà Đức Phật Thích Ca giảng năm xưa, cũng là ý tứ rằng các tầng các giới có tiêu chuẩn tâm tính của riêng mình. Bên ngoài Tam giới, thì còn có các tầng trời cao hơn, cũng có các tiêu chuẩn cao hơn.
Tu luyện là để tu tới các tầng thứ như vậy. Nếu tạm hiểu tiêu chuẩn các tầng các giới ví như bảng điểm của trường học, thì các phương pháp tu luyện là các giáo trình mà học sinh học theo để đạt được mục đích thi đỗ theo bảng điểm đó. Tiêu chuẩn của vũ trụ là duy nhất, nhưng mà, phương pháp để đạt được tiêu chuẩn đó, thì có thể có nhiều.
Đương nhiên, khi một môn tu luyện được truyền ra xã hội rộng lớn, thì có người tin và có người không tin. Dù sao thì ngay cả khái niệm Tam giới và các tầng các giới cũng là khái niệm mà có người tin và có người không tin. Cho nên, trong nhiều trường hợp người ở xã hội sẽ coi môn tu luyện nào đó như một môn tín ngưỡng.
Người ta sẽ đánh giá môn tu luyện là tốt hay không là dựa vào “tín ngưỡng” đó hiệu quả có tốt không, ảnh hưởng tới đạo đức xã hội sẽ tốt không, v.v. Điều đó là thích đáng, không sai. Nhưng mà, bản thân người tu luyện thì coi đó là cách nhận thức của xã hội mà thôi. Người tu luyện là có con đường của mình.
Trong giới tu luyện, không phải phần nào của tu luyện cũng thích hợp phổ cập rộng rãi. Tại sao? Bởi vì có những con đường tu luyện chính là không thích hợp phổ cập.
Một ví dụ điển hình nhất là “nam nữ song tu”. Môn nào thuộc loại này nếu triển khai phổ cập thì sẽ gây rối loạn xã hội, biến thành tà pháp. Họ là tu bí mật, là một loại mật tu.
Trong giới tu luyện, kỳ thực, các môn được phổ cập ra xã hội chỉ là một lượng nhỏ mà thôi. Những năm khí công lên thành cao trào cuối thế kỷ trước, rất nhiều môn phái tu luyện đã cử đệ tử của mình đem phần luyện khí đưa ra phổ cập ở công chúng, tạo thành cao trào khí công. Phần luyện khí là phần thấp nhất trong tu luyện của các môn ấy mà có thể phổ cập và cũng dễ phổ cập.
Cao trào khí công những năm đó là một lần mà giới tu luyện đã xuất thủ ở xã hội nhân loại. Chứ không phải ngẫu nhiên mà xuất hiện hàng trăm, thậm chí cả ngàn khí công sư một cách trùng hợp như vậy. Nhưng mà, sau khi cao trào qua đi, thì thử hỏi có bao nhiêu môn phái mà thật sự đã đem phần tu luyện đích thực của mình truyền ra công chúng? Họ chỉ truyền cách thức luyện khí thôi. Hỏi bao nhiêu môn dạy người ta chân chính thực tu lên tầng cao hơn? Giảng về Pháp lý tại cảnh giới cao hơn?
Cho nên mới nói, giới tu luyện vẫn luôn là điều thần bí của xã hội. Chỉ một phần nhỏ các phương pháp tu luyện chân chính của giới tu luyện là được truyền ra xã hội mà thôi.
Nói về hạnh đầu đà trong bối cảnh Phật giáo. Năm đó Đức Phật Thích Ca khi soạn ra bộ giới luật và truyền cho tăng chúng, đã không đưa hạnh đầu đà vào đó. Đệ tử Ma Ha Ca Diếp của Đức Phật Thích Ca là thực hành theo hạnh đầu đà này. Đại Thừa Phật giáo nhìn nhận ông là người đứng đầu trong thập đại đệ tử của Đức Phật Thích Ca. Nhưng không phải đại đệ tử nào cũng thực hành hạnh đầu đà.
Như vậy, ngay cả trong phạm vi các hòa thượng đã xuất gia, thì hạnh đầu đà rất có thể không được Đức Phật Thích Ca xếp vào loại phương pháp nên phổ cập. Huống là nói đến phạm vi những người tu tại gia, hòa đồng trong xã hội ở quy mô lớn hơn.
Pháp Luân Đại Pháp là được truyền ra như một môn có thể phổ cập xã hội. Các giáo lý của môn phái là được viết rõ thành văn bản hoặc băng thu hình thu âm, công khai trên các phương tiện phổ cập như Internet hay ấn phẩm. Các nhóm luyện công tập thể vẫn thực hành môn này ở các điểm luyện công công cộng hàng chục năm qua. Toàn cầu hiện có hàng trăm triệu người theo thực hành Pháp Luân Đại Pháp. Có thể nói đây là điều hy hữu trong giới tu luyện.
Ý thứ ba, nói về một hiện tượng của năm 2024, xuất hiện người theo hạnh đầu đà ở Việt Nam.
Như tôi được biết, ông ấy phát tâm thực hành như một vị đầu đà, và tuyên bố không tham gia hệ thống nhà chùa của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Về lý mà nói, thực hành tu theo Đức Phật Thích Ca không bắt buộc phải theo tôn giáo. Một người tu nếu cảm thấy nương theo hệ thống tôn giáo sẽ có lợi cho đường tu của mình, thì theo. Nếu không, thì thôi.
Trong lịch sử Phật giáo, có hòa thượng Tế Công, vì tình cảnh trong chùa đấu đá ghê quá, cho nên ra tu ở bên ngoài, và sau đó được nhìn nhận là đã tu thành. Câu chuyện hòa thượng Tế Công là một trong những chủ đề được biết đến rộng rãi cả trong lịch sử tôn giáo và văn hóa dân gian.
Đương nhiên, một hòa thượng rời chùa và sau đó tu thành, thế thì chẳng phải sẽ khiến uy tín của nhà chùa bị ảnh hưởng? Nhưng mà, câu chuyện chính là diễn ra trong lịch sử như vậy.
Theo tôi được biết, Pháp Luân Đại Pháp yêu cầu người tu luyện ngay trong hoàn cảnh sinh sống mà bản thân đang có. Tức là vẫn sinh sống trong hoàn cảnh xã hội này. Vẫn lập gia đình, đi làm ở công sở, giữ nguyên các quan hệ xã hội, v.v.
Còn nếu người đó trước đó đã xuất gia, và muốn tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, thì không bắt buộc phải hoàn tục. Lựa chọn hoàn tục hay không đều được. Tùy duyên thôi. Nếu lựa chọn tu luyện Pháp Luân Đại Pháp theo hình thức xuất gia, thì đã là người xuất gia, sẽ cần thực hành một số điều như một người tu theo hình thức xuất gia, tức là nói chung vẫn trì giới theo giới luật cho người xuất gia.
HỎI: Báo Lao Động hôm 28/12 cho biết Bộ Nội Vụ đã có phản hồi về việc “tỉnh Nghệ An đề nghị Bộ Nội Vụ tham mưu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan báo cáo kết quả thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo Kết luận số 122/TB-VPCP ngày 10/8/2018 về vấn đề Pháp Luân Công”. Theo Bộ Nội Vụ, Pháp Luân Công là môn tu luyện “thân tâm” (sức khỏe và tinh thần) dựa trên sự kết hợp của nhiều môn, nhiều trường phái luyện tập liên quan đến sức khỏe và tinh thần (khí công, thiền, yoga, vũ đạo…); Pháp Luân Công không phải tôn giáo (Pháp Luân Công cũng không nhận mình là tôn giáo). Là người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, anh thấy nhận định này thế nào?
ĐÁP: Nhìn chung thì tôi không cảm thấy khúc mắc gì, và chỉ muốn bình luận 2 ý như sau.
Thứ nhất, Pháp Luân Đại Pháp không phải là sự kết hợp của các môn pháp nào đó khác. Các pháp môn tu luyện, dưới con mắt của ngoại giới, nhiều trường hợp là có nhiều điểm giống nhau, cho nên, khó tránh khỏi có nhận định rằng môn này có liên hệ nào đó với môn kia. Nhưng mà thực tế thì không nhất định là như vậy.
Đương nhiên, nếu không phải là người tu luyện, thì hiểu không chính xác lắm như thế cũng không sao. Cho nên tôi cho rằng nhận định đó của Bộ Nội vụ Việt Nam về Pháp Luân Đại Pháp hẳn sẽ không tạo thành vấn đề gì lớn. Làm một người tu theo Pháp Luân Đại Pháp, tôi chỉ là muốn thanh minh một chút như vậy.
Thứ hai, về vấn đề tôn giáo. Hiện nay Pháp Luân Đại Pháp không có hình thành bất kỳ nhân tố nào có tính chất tôn giáo ở Việt Nam: Không có chùa chiền, không có chức sắc, không giảng nghi lễ, v.v. Pháp Luân Đại Pháp hoạt động theo hình thức như một phong trào khí công quần chúng. Cho nên, tôi cũng thấy rằng nhận định đó của chính phủ, rằng Pháp Luân Đại Pháp không phải tôn giáo, là nhận định thích đáng.
Tuy nhiên, do đặc điểm của cách thức quản lý nhà nước, khi một nhóm người đông lên, và nếu nhóm người đó có ảnh hưởng xã hội, thế thì, sẽ xuất hiện rằng cần quản lý như thế nào về hoạt động như vậy ở xã hội.
Theo tôi, nhà nước chúng ta xây dựng trên nền tảng là nhà nước pháp quyền, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Trong luật cũng là cho phép tự do tín ngưỡng. Vậy thì đối đãi với các thành viên Pháp Luân Công theo tiêu chuẩn công dân là được. Người học Pháp Luân Đại Pháp cũng có đủ quyền lợi và trách nhiệm như bất kỳ một công dân Việt Nam nào.
Từ tháng 10/2024 đến tháng 12/2024, Nguyễn Văn Đạt đã sản xuất và bán ra…
Thương hiệu mật ong hoa vải “San vlog” của anh cũng đã được khá nhiều…
Từ 15h ngày 23/1, giá xăng RON 95 giảm 80 đồng xuống 21.140 đồng/lít.
Vị khách mời đầu xuân năm nay, Nghệ sĩ piano Phương Thảo - Giảng viên…
Chợ Tết dù giá giảm mạnh nhưng vẫn vắng người mua. Người thì chờ thưởng,…
Bộ Nội vụ đề xuất không tổ chức HĐND cấp quận, phường để giảm đầu…