Trên sân khấu chính trường của Mỹ, từ thất bại trong cuộc bầu cử năm 2020 đến chiến thắng năm 2024 của Tổng thống Donald Trump, vở diễn về sự thiên lệch, xa rời lập trường trung lập, thậm chí vi phạm đạo đức trong hệ thống báo chí dòng chính đầy quyền lực ở Mỹ, được triển hiện một cách sống động, rõ ràng và minh hiển hơn bao giờ hết. Nhiều kênh truyền thông lớn không còn coi mình là công cụ phục vụ xã hội trong việc cung cấp tin tức, mà vô tình hoặc cố ý tự nhận mình là “người bảo vệ đúng đắn chính trị” và “chiến binh công lý” theo quan điểm riêng của cá nhân họ.
***
Hôm 15/12, tờ Los Angeles Times đã đăng bài viết thảo luận về tương lai của các kênh truyền thông truyền thống. Bài viết đề cập đến phản ánh của chủ sở hữu tờ báo Patrick Soon-Shiong, suy nghĩ lại về lập trường của tờ báo và những điều chỉnh về cơ cấu, trong đó bao gồm cấm ban biên tập xuất bản các bài xã luận ủng hộ các ứng cử viên cụ thể trong cuộc bầu cử Mỹ. Patrick Soon-Shiong chỉ trích tờ báo của chính ông đã trở thành cái loa phát thanh của cánh tả. Gần đây, ông yêu cầu tờ báo duy trì cơ chế trong nội bộ để đánh giá liệu kênh truyền thông có nghiêng về một quan điểm, hay nhóm nào đó khi đưa tin về một vấn đề nào đó hay không.
Quyết định của ông Patrick Soon-Shiong đã châm ngòi cho một loạt quyết định từ chức, bao gồm biên tập viên xã luận Mariel Garza, cùng hai thành viên kỳ cựu của ban biên tập là Robert Greene và Karin Klein. Ông Harry Litman, nhà bình luận lâu năm của Los Angeles Times, cũng đã đệ đơn từ chức vào tháng Mười Hai, cho rằng quyết định này là “sự đầu hàng đáng xấu hổ” trước ông Trump, sau khi ông Soon-Shiong thực hiện các động thái nhằm điều chỉnh lại lập trường của tờ báo, chẳng hạn như mời nhà bình luận bảo thủ Scott Jennings tham gia vào ban biên tập tái cấu trúc.
Trùng hợp là không lâu sau đó, ông Jeff Bezos, chủ sở hữu của một phương tiện truyền thông chính thống khác của Mỹ là Washington Post, cũng tuyên bố trước cuộc bầu cử rằng tờ báo này sẽ không ủng hộ bất kỳ ứng cử viên nào nữa. Tỷ phú Jeff Bezos, chủ sở hữu của tờ báo, đã đích thân hủy bỏ kế hoạch ủng hộ bà Harris của ban biên tập – một thay đổi mang tính bước ngoặt, bởi The Washington Post từng đứng về phía ứng cử viên Đảng Dân chủ trong tất cả các cuộc bầu cử tổng thống kể từ năm 1976, ngoại trừ năm 1988 khi họ không đưa ra sự ủng hộ nào.
Quyết định của ông Jeff Bezos cũng châm ngòi cho làn sóng phản đối, từ liên đoàn của tờ báo đến các nhà bình luận nổi tiếng, trong đó 20 nhà bình luận đã nhất trí cùng nhau ký vào một bức thư ngỏ bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ. Nhiều thành viên ban biên tập đã từ chức, và biên tập viên kỳ cựu Robert Kagan cũng chia tay tờ báo.
The Washington Post cũng chịu tổn thất lớn khi được cho là đã mất 250.000 người đăng ký trả phí, giáng một đòn tài chính nặng nề khác khi tờ báo vốn đã trên đà thua lỗ 77 triệu USD trong năm 2024.
Ông Bezos, trong một bài xã luận đầy tâm huyết, đã bảo vệ quyết định này, viện dẫn cử tri mất lòng tin vào truyền thông đang ngày càng gia tăng.
“Chỉ riêng [quyết định] từ chối ủng hộ các ứng cử viên tổng thống không đủ để nâng cao đáng kể mức độ [công chúng tin tưởng tờ báo], nhưng đó là một bước đi đầy ý nghĩa theo hướng đúng đắn. Tôi ước rằng chúng tôi đã thực hiện thay đổi này sớm hơn, ở một thời điểm cách xa hơn so với cuộc bầu cử và những cảm xúc bùng nổ xung quanh nó. Đó là sự thiếu sót trong kế hoạch, chứ không phải một chiến lược cố ý”, ông viết.
Thực tế là các tổ chức truyền thông lớn ở Washington thời gian qua đã tập trung quá nhiều vào việc thăm dò ý kiến và bình luận chính trị, mà chưa chú trọng lắng nghe tiếng nói thực sự của cử tri. Cựu chủ tịch CBS News là Andrew Hayward, hiện là cố vấn truyền thông, phải thừa nhận rằng: “Nhiệm kỳ tới này [của ông Trump] sẽ không như lần trước tập trung quá mức [vào phong cách cá nhân], việc đưa tin sẽ tập trung nhiều vào giá trị tin tức hơn”.
Những phản ánh và điều chỉnh của ông Patrick Soon-Shiong, ông Bezos và các kênh truyền thông khác, phản ánh một thực tế rằng trong khoảng một thập kỷ qua, việc đưa tin của các phương tiện truyền thông dòng chính của Mỹ đã dần đi chệch khỏi đạo đức báo chí truyền thống, dù là về mặt khách quan, công bằng hay độc lập và trách nhiệm, chất lượng đã giảm sút rõ rệt.
Một trong những câu chuyện truyền thông gây chấn động nhất năm 2024 đến từ ông Uri Berliner, một biên tập viên kỳ cựu tại NPR. Ông Berliner công khai tố cáo, hệ tư tưởng tự do cánh tả đã chi phối hãng tin mà ông làm việc.
Trong một bài luận đầy tâm huyết đăng trên The Free Press vào tháng Tư, ông Berliner đã phơi bày sự thờ ơ của NPR trước vụ bê bối máy tính xách tay của con trai Tổng thống Biden là ông Hunter Biden, quyết định bác bỏ giả thuyết virus COVID-19 rò rỉ từ phòng thí nghiệm, quyết định “né tránh đáng lo ngại” trước làn sóng bài Do Thái gia tăng sau vụ tấn công khủng bố ngày 7/10 tại Israel, và sự sùng bái mà NPR dành cho Dân biểu Adam Schiff (Đảng Dân chủ, California) – coi ông ta là một “[nhân vật] truyền cảm hứng bất tận” trong vụ điều tra cáo buộc thông đồng Trump-Nga ở kỳ bầu cử năm 2016.
Ông Berliner còn nêu bật thực trạng thiếu vắng đa dạng hệ tư tưởng trong đội ngũ biên tập, khi tuyên bố số lượng đảng viên Dân chủ đăng ký áp đảo số lượng đảng viên Cộng hòa tại phòng tin tức Washington, với tỷ lệ chênh lệch đáng kinh ngạc 87-0, dựa trên nghiên cứu của ông về hồ sơ bầu cử. Dẫu vậy, một người phát ngôn của NPR đã phủ nhận cách ông Berliner nhận định tình hình, đồng thời cho rằng phương pháp luận mà ông Berliner sử dụng để đưa ra những kết luận này không đáng tin cậy.
Ban đầu, ông Berliner bị đình chỉ với lý do vi phạm quy định của NPR về việc xin phép trước khi phát ngôn với báo chí. Nhưng sự việc không dừng lại ở đó, ông Berliner đã bị chỉ trích công khai bởi chính Giám đốc Điều hành NPR là bà Katherine Maher, dẫn đến quyết định từ chức của ông.
Từ sau sự kiện đó, ông Berliner đã gia nhập The Free Press với vai trò biên tập viên cao cấp, mở ra một chương mới trong hành trình sự nghiệp làm báo của mình.
Vào ngày 10/9, mọi ánh mắt đều đổ dồn vào ABC News khi mạng lưới này tổ chức cuộc tranh biện tổng thống đầu tiên và duy nhất giữa cựu Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris.
Hai người dẫn chương trình, ông David Muir và bà Linsey Davis, đã kiểm chứng thông tin của ông Trump tới 5 lần, nhưng lại không hề thách thức hay đặt ra bất kỳ câu hỏi nào để kiểm chứng những tuyên bố của bà Harris, gây nên làn sóng phản đối mạnh mẽ.
Cuộc tranh biện các ứng viên tổng thống đó đã bị các nhà phê bình chỉ trích gay gắt, nhận định đó là một màn tranh đấu 3 chọi 1. Thậm chí, các phóng viên có quan điểm cánh tả của chương trình “Saturday Night Live” trên NBC cũng không bỏ lỡ cơ hội chế giễu mạng lưới đối thủ vì sự “thiên vị trắng trợn”.
Ngoài ra, ABC News còn bị buộc phải trả cho ông Trump 15 triệu USD và công khai xin lỗi trong một thỏa thuận phỉ báng được đánh giá là mang tính lịch sử.
Ông Trump đã đệ đơn kiện mạng lưới truyền thông thuộc sở hữu của Disney này đầu năm nay, sau khi người dẫn chương trình George Stephanopoulos có một cuộc đối thoại gây tranh cãi với Dân biểu Nancy Mace (Đảng Cộng hòa, Nam Carolina), trên chương trình tin tức buổi sáng chủ nhật “This Week” vào tháng Ba.
Trong cuộc phỏng vấn, ông Stephanopoulos đã lặp lại tới 10 lần rằng ông Trump “bị quy trách nhiệm về tội hiếp dâm”, trong khi thực tế, bồi thẩm đoàn trong vụ kiện dân sự của bà E. Jean Carroll chỉ kết luận rằng ông Trump chịu trách nhiệm về tội “lạm dụng tình dục”, một thuật ngữ có định nghĩa khác biệt theo luật pháp tiểu bang New York.
Ban đầu, ông Stephanopoulos không chùn bước sợ hãi trước vụ kiện, tuyên bố trong một buổi phỏng vấn trên chương trình đêm khuya với ông Stephen Colbert rằng ông sẽ không “bị đe dọa mà từ bỏ công việc của mình”.
Tuy nhiên, một thẩm phán đã bác bỏ yêu cầu của đài ABC News về việc bác bỏ vụ kiện của ông Trump. Sau đó, theo thỏa thuận, đài ABC News phải chi trả 15 triệu USD dưới hình thức đóng góp từ thiện cho một “quỹ tổng thống và bảo tàng được thành lập bởi hoặc dành cho Nguyên đơn, như các Tổng thống Hoa Kỳ trước đây đã từng thành lập”. Ngoài ra, mạng lưới còn phải chi trả 1 triệu USD phí luật sư cho ông Trump.
Ông Stephanopoulos cùng đài ABC News cũng phải đăng tuyên bố “hối tiếc” dưới dạng ghi chú của biên tập viên ở cuối một bài báo trên trang web của đài này. Ghi chú viết: “ABC News và George Stephanopoulos bày tỏ hối tiếc về những tuyên bố liên quan đến Tổng thống Donald J. Trump được đưa ra trong một cuộc phỏng vấn giữa George Stephanopoulos với Dân biểu Nancy Mace trên chương trình This Week của ABC vào ngày 10/3/2024”.
Ngoài ABC, ông Trump còn khởi kiện một kênh truyền thông lớn khác là New York Times, yêu cầu bồi thường 10 tỷ USD vì bôi nhọ ông một cách sai sự thật.
Trong đó có báo cáo nói rằng ông Trump chỉ là một kẻ thua cuộc may mắn, không phải là một doanh nhân thành đạt, và ông đã phung phí tài sản của cha mình như thế nào. Một bài báo khác nói rằng ông Trump có thể sẽ thực hiện chế độ độc tài.
Bức thư cáo buộc, New York Times cố tình bôi nhọ thương hiệu Trump nổi tiếng thế giới và hình ảnh Trump một cách ác ý, với tư cách là ứng cử viên cho chức lãnh đạo cao nhất nước Mỹ. Tất cả những nhận xét sai trái và phỉ báng này thật đáng hổ thẹn.
Bức thư cũng cho rằng cuộc đời của ông Trump thể hiện một cách hoàn hảo tinh thần “Giấc mơ Mỹ”, và là hình mẫu của những người Mỹ yêu nước.
Bức thư cũng liệt kê các dự án và thương hiệu mà Trump đã thành lập, biến đổi và hồi sinh 50 công ty, đồng thời chỉ ra rằng nhiều tòa nhà nổi tiếng và thành công ở thành phố New York đều có sự nỗ lực và đóng góp của ông.
Ông Trump không chỉ kiện New York Times, mà còn kiện CBS và khoảng 5-6 hãng truyền thông khác.
Ví dụ, sau khi ông Trump bị ám sát, hầu hết các kênh truyền thông và truyền hình dòng chính đều không nói rằng ông bị ám sát. Thay vào đó, họ nói ông bị một giọng nói làm cho giật mình và ngồi xổm xuống, gây ra sự hỗn loạn.
Họ không hề nhắc đến từ “ám sát” hay nói đến tiếng súng. Đây là điều được đưa tin trên trang nhất của hầu hết các hãng truyền thông dòng chính ở Hoa Kỳ, là xuyên tạc trắng trợn sự thật một cách có chủ ý.
Gần đây, trong chưa đây 5 tháng, New York Times đã đăng liên tiếp 9 bài báo phù hợp với chương trình nghị sự của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chống lại Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun của người tu Pháp Luân Công ở Mỹ. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên khi New York Times có lịch sử phớt lờ nhân quyền và ủng hộ các chính phủ toàn trị, từ Đức Quốc xã và Stalin cho đến chế độ Cộng sản Trung Quốc.
Bình luận viên chính trị gốc Hoa, bà Bình Quân, trong chương trình “Diễn đàn Tinh hoa” cho biết, New York Times có truyền thống này. Họ vô cùng hà khắc với các chính trị gia Mỹ và phương Tây, nhưng lại đặc biệt ca ngợi các nhà lãnh đạo của các nước độc tài như Mao Trạch Đông. Cách tiếp cận của New York Times thường thiếu cân bằng một cách có chủ ý. Ví dụ vào những năm 1930, phóng viên tờ New York Times ở Liên Xô đã trực tiếp phủ nhận nạn đói lớn và cuộc đại thanh trừng xảy ra ở nước này. Không phải là ông không biết sự thật rằng người dân ở Liên Xô đang chết đói, mà là cố tình đưa ra những tuyên bố sai sự thật. Lý do rất đơn giản, Đảng Cộng sản Liên Xô đã đón tiếp ông rất long trọng, cung cấp một số thông tin và rất lịch sự với ông. Thậm chí, phóng viên này còn giành được giải Pulitzer vì đưa tin sai sự thật.
Trong thời kỳ Đức Quốc xã, New York Times đã cố tình lảng tránh cuộc đại thảm sát người Do Thái (Holocaust) và hiếm khi đăng các báo cáo về Holocaust trên trang nhất. Nội dung liên quan thường được đặt ở phần kín đáo của tờ báo. Các nhà sử học và nhà phê bình cho rằng tờ báo này đã không cung cấp thông tin đầy đủ cho công chúng về quy mô và mức độ khẩn cấp của vụ thảm sát, cũng như không sử dụng ảnh hưởng của mình để gây áp lực, buộc Chính phủ Hoa Kỳ hoặc các đồng minh phải có hành động mạnh mẽ hơn, nhằm ngăn chặn hoặc ưu tiên giải cứu các nạn nhân. Điều này được xem là một sự thất bại trong nhiệm vụ của giới truyền thông.
Trong phiên bản tiếng Trung của một bài báo gần đây, New York Times đã sử dụng các thuật ngữ như “kiếm tiền”, “tuyên truyền”, “bóc lột” và “cuồng tín”, ngụ ý rằng có một “bí mật đen tối” nào đó trong cộng đồng Pháp Luân Công. Cách viết này, một cách đáng ngạc nhiên, lại giống với các kênh truyền thông Chính phủ ĐCSTQ vào thời kỳ đầu đàn áp Pháp Luân Công.
Trong 25 năm qua, hàng chục ngàn học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại ở Trung Quốc. Cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ bao gồm lao động cưỡng bức, tra tấn, thậm chí là thu hoạch nội tạng. Những tội ác vô nhân đạo này đòi hỏi sự quan tâm của toàn cầu, nhưng New York Times lại phớt lờ, không quan tâm đến việc điều tra những tội ác này. Thay vì quy trách nhiệm cho thủ phạm, New York Times lại dành nguồn lực đáng kể để phỉ báng một nhóm nhỏ học viên Pháp Luân Công ở Hoa Kỳ. Nhiều người trong số họ là những người tị nạn, chạy trốn sự bức hại của chính quyền ĐCSTQ, và nỗ lực của họ là nhằm để vạch trần những vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc.
Không những New York Times không hề vạch trần các cuộc diệt chủng trong lịch sử, trong đó có cuộc “Khủng bố đỏ” nổi tiếng dưới sự cai trị của cộng sản, cũng như những cái chết bất thường của hàng trăm triệu người do xu hướng của tư tưởng này gây ra. Thay vào đó, tờ báo này lại đăng một loạt bài bảo vệ “Thế kỷ đỏ” của chủ nghĩa cộng sản, với những tựa đề như “Làm thế nào để định hình chủ nghĩa cộng sản và tạo ra một nước Trung Quốc mới” của Mao Trạch Đông. Tựa đề này xuất phát trực tiếp từ khẩu hiệu tuyên truyền của ĐCSTQ.
Năm 2018, New York Times cũng đăng một bài xã luận có tựa đề “Chúc mừng sinh nhật, Karl Marx, ông đã đúng”. Học thuyết của Marx đã dẫn đến việc thiết lập chế độ tàn bạo nhất thế giới, nhưng New York Times lại ca ngợi Marx.
Tháng 11/2024, Mark Levin, người dẫn chương trình “Life, Liberty and Levin” của Fox News đã nói rõ nguồn cơn của điều này. Ông nói: “Trên thực tế, New York Times ủng hộ Đức Quốc xã, ủng hộ Stalin, ủng hộ ĐCSTQ ngày nay, bao gồm cả những hành vi vi phạm nhân quyền do các chế độ này gây ra”.
Một tuyên bố từ Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp (Pháp Luân Công) cho biết: “Trong chiến dịch toàn cầu mới nhất của ĐCSTQ nhằm tiêu diệt Pháp Luân Công, họ không thể nghĩ đến một đồng minh nào tốt hơn New York Times.”
Chương trình “60 Minutes” của CBS, với truyền thống phát sóng lâu đời, đã phải đối mặt với một vụ tranh cãi kỳ lạ trong cuộc phỏng vấn với Phó Tổng thống Kamala Harris vào tháng Mười, khi cùng một câu hỏi nhưng trong 2 phiên bản video của CBS công bố người ta thấy bà có 2 câu trả lời khác nhau.
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên kỳ cựu Bill Whitaker, bà Harris được hỏi về lý do Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu dường như không lắng nghe Hoa Kỳ trong bối cảnh leo thang cuộc chiến tại Dải Gaza. Một đoạn trích được phát sóng trên chương trình “Face the Nation” cho thấy bà Harris đưa ra câu trả lời đầy mơ hồ, bị các nhà bảo thủ chế giễu là “một mớ từ ngữ lộn xộn”. Tuy nhiên, trong chương trình đặc biệt phát sóng giờ vàng vào tối hôm sau, lại xuất hiện một câu trả lời hoàn toàn khác biệt.
CBS News không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào cho sự khác biệt này và từ chối công bố đầy đủ bản ghi hình phỏng vấn của bà Harris, khiến nhiều người đặt câu hỏi về tính minh bạch. Cựu Tổng thống Trump thậm chí còn kêu gọi thu hồi giấy phép phát sóng của CBS, đồng thời đệ đơn kiện cáo buộc đài CBS đã can thiệp vào cuộc bầu cử.
Theo một cuộc khảo sát mới của Gallup được công bố vào thứ Hai (14/10), chỉ 31% công chúng Hoa Kỳ nói rằng họ tin tưởng truyền thông đưa tin công bằng và chính xác, một con số thấp kỷ lục. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, số người nghi ngờ truyền thông dòng chính cao hơn số tin tưởng.
Theo dữ liệu tổng hợp của Gallup, nếu như vào năm 2022, khoảng 70% cử tri ủng hộ Đảng Dân chủ cho biết họ tin tưởng vào truyền thông, thì năm nay con số này chỉ còn 54%, về phần Đảng Cộng hòa chỉ còn 12%.
Trong những năm 1970, tỷ lệ dân chúng Hoa Kỳ đặt niềm tin vào truyền thông chiếm khoảng 70%, nhưng đã suy giảm xuống còn khoảng 55% vào cuối những năm 1990 và tiếp tục suy giảm hơn nữa trong hai thập kỷ qua.
Tờ Los Angeles Times đưa tin, ngày nay, khán giả trẻ lấy thông tin qua TikTok, YouTube, hay X của Elon Musk, không mấy quan tâm những cách truyền thống như các chương trình truyền hình cáp và tin tức thời sự buổi tối, đặc biệt là những người trẻ thường không đăng ký mua truyền hình cáp. Sự phổ biến của podcast cũng là nối tiếp xu hướng tin tức trên truyền hình cáp, nơi người xem ưa thích những bình luận viên được công luận coi là “người chuẩn mực”.
Ông Trump phần lớn tránh xa các phương tiện truyền thông dòng chính, thay vào đó, ông ủng hộ các cuộc phỏng vấn dài với các diễn viên hài như Theo Von và Joe Rogan. Podcaster Rogan nổi tiếng cuối cùng đã ủng hộ cựu tổng thống này. Cuộc phỏng vấn của Rogan với Trump đã nhận được gần 40 triệu lượt xem trong 3 ngày đầu tiên phát hành trên YouTube. Trong khi đó, bà Harris hay được giới thiệu trên các podcast nổi tiếng như “Call Her Daddy” do Alex Cooper chủ trì, hay như “All the Smoke” của các cựu cầu thủ NBA Matt Barnes và Stephen Jackson.
Việc sử dụng truyền thông của các ứng viên (giữa Trump và Harris) đã thay đổi đáng kể trong bầu cử tổng thống Mỹ lần này, họ không mấy hăng hái trong xuất hiện trên các kênh truyền thông dòng chính. Joshua Darr, thành viên cấp cao tại ‘Viện Dân chủ, Báo chí và Quyền công dân’ của Đại học Syracuse, cho biết: “Các ứng cử viên có quyền kiểm soát chưa từng có đối với các phương tiện truyền thông truyền thống, họ bỏ qua hoặc giới hạn thời gian phỏng vấn”.
Các công ty truyền thông đang chứng kiến các doanh nghiệp trở nên thận trọng hơn khi đặt quảng cáo trong các chương trình tin tức, do ác cảm với những lời lẽ gay gắt và chia rẽ trong một môi trường chính trị phân cực. Scripps News cho biết đó là một trong những lý do khiến hãng đóng cửa dịch vụ tin tức 24 giờ.
Tuy vậy, hầu hết các kênh tự phát trên mạng xã hội chú trọng vào bình luận và quan điểm cá nhân, họ có có xu hướng đưa tin dựa trên sở thích cá nhân, hay còn gọi là “quan điểm dẫn dắt”, điều này đi ngược lại với các yêu cầu về tính khách quan và chính xác của báo chí truyền thống.
Viện trưởng Neil Brown của Viện Nghiên cứu Poynter lưu ý: “Phương tiện truyền thông truyền thống vẫn quan trọng, kết quả bầu cử này không thay đổi điều đó.”. Vậy nên, vẫn hy vọng rằng các phương tiện truyền thông dòng chính có thể quay trở lại các nguyên tắc cơ bản của đạo đức báo chí và giữ vững sự trung lập, công bằng và chính xác trong việc đưa tin. Chỉ bằng cách này, họ mới có thể duy trì giá trị cốt lõi của mình trong cuộc cạnh tranh khốc liệt của ngành truyền thông trong tương lai, và tiếp tục phát huy vai trò quan trọng đối với sự vận hành của xã hội dân chủ.
Từ tháng 10/2024 đến tháng 12/2024, Nguyễn Văn Đạt đã sản xuất và bán ra…
Thương hiệu mật ong hoa vải “San vlog” của anh cũng đã được khá nhiều…
Từ 15h ngày 23/1, giá xăng RON 95 giảm 80 đồng xuống 21.140 đồng/lít.
Vị khách mời đầu xuân năm nay, Nghệ sĩ piano Phương Thảo - Giảng viên…
Chợ Tết dù giá giảm mạnh nhưng vẫn vắng người mua. Người thì chờ thưởng,…