Categories: Chuyên đề

Viết từ Luân Đôn: 17 năm thắp sáng ngọn nến chính nghĩa

Trái Đất không ngừng quay, thế giới thay đổi từng ngày, lòng người và suy tư đều đang thầm lặng thay đổi. Thế nhưng, tại một góc nhỏ ở Luân Đôn, hơn 17 năm qua có những ngọn nến đã được bền bỉ thắp sáng vì chính nghĩa mặc cho nước chảy mây trôi, vũ trụ xoay vần. Nơi đó có những con người thầm lặng đã viết nên một câu chuyện phi thường…

Luân Đôn những ngày cuối tháng 12, không khí Giáng sinh tràn ngập trên phố Regent. Con phố được trang hoàng lộng lẫy bởi hàng trăm thiên sứ với đôi cánh bạc lấp lánh. Những cửa hiệu sáng rực rỡ ánh đèn vàng chào đón hàng ngàn người dân và du khách. Giáng sinh và năm mới đã gần kề, như một mốc thời gian để mọi người ôn cố tri tân, hướng về người thân và cùng hy vọng những điều tốt lành cho năm mới.

Trái ngược với sự sôi động ấy là sự tĩnh lặng ở phố Portland dù chỉ cách phố Regent vài trăm mét. Đây là nơi đặt các đại sứ quán, trụ sở báo BBC và Viện Kiến trúc Hoàng gia Anh. Năm 1875, Từ Hy Thái Hậu đã mua một văn phòng trên con phố này, nơi đây sau đã trở thành Đại sứ quán Trung Quốc.

Cách đây hơn 17 năm, ngày 5/6/2002, một nhóm người xuất hiện phía bên kia đường của Đại sứ quán ấy. Họ cùng thắp lên ngọn nến nhỏ, ngồi tĩnh tọa trong yên lặng, bên cạnh là tấm bảng ghi dòng chữ to bằng hai thứ tiếng Anh – Trung: “Chấm dứt bức hại Pháp Luân Công”.

Kể từ ngày hôm đó, họ thay phiên nhau ôn hoà kháng nghị suốt ngày đêm, 24/24 giờ không nghỉ dù ngày lễ hay ngày thường, dù mưa hay nắng. Mặc cho bão tuyết giá băng của những đêm đông tịch mịch, ngọn nến nhỏ ấy đã được thắp lên trong suốt hơn 17 năm qua.

Những con người đặc biệt đó là ai? Đối diện với chính quyền Trung Quốc quyền lực, họ đang làm gì? Điều gì khiến họ có thể kiên định đến vậy?

Cao Úc Đông là người điều phối chính của hoạt động kháng nghị đối diện Đại sứ quán Trung Quốc vào 17 năm trước. Cô là người gốc Hoa, chuyển đến Anh Quốc vào cuối những năm 90. Cả gia đình cô gồm chồng và con trai đều tu luyện Pháp Luân Công – một môn khí công được truyền xuất tại Trung Quốc từ năm 1992 và trở nên rất phổ biến nhờ các tác dụng tích cực trong việc nâng cao sức khoẻ và đạo đức cho con người. Có thời điểm tại Trung Quốc, truyền thông nhà nước ghi nhận có đến gần 100 triệu người tu luyện Pháp Luân Công. Tuy nhiên, vì sợ hãi và đố kỵ, người đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lúc bấy giờ là ông Giang Trạch Dân đã ra lệnh tiến hành cuộc đàn áp tàn bạo mong xóa sổ và tiêu diệt đức tin của những người tu luyện.

“Những học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc đã bị chính quyền ĐCSTQ đàn áp suốt ngày đêm từ năm 1999 đến nay. Họ bị giết để lấy nội tạng chỉ vì họ muốn trở thành người tốt. Rất nhiều người không biết về việc này, trong khi các chính phủ và truyền thông thì im lặng. Vậy chúng tôi không nên liên tục trực 24h sao?”, cô Cao giải thích. Sau khi chuyển đến Anh Quốc, cô vừa đi làm, vừa dành thời gian kêu gọi chấm dứt đàn áp Pháp Luân Công.

“Chúng tôi sẽ còn ở đây cho tới khi cuộc đàn áp tại Trung Quốc chấm dứt,” cô Cao khẳng định.

Cô Cao cho biết, thử thách lớn nhất của cô là làm thế nào chia ca trực để đảm bảo việc thỉnh nguyện không bị gián đoạn vào bất cứ lúc nào, bởi hầu hết mọi người đều đi học, đi làm, có công việc riêng. Cô thường nhận trực vào buổi đêm, sáng hôm sau chỉ rửa mặt và đi thẳng tới chỗ làm. Ngoài ca trực của riêng mình, nếu các khoảng thời gian khác không có ai trực, cô Cao sẽ thu xếp để trực ca đó.

Tại nơi kháng nghị, các học viên Pháp Luân Công có 1 quầy nhỏ để tài liệu, cũng là nơi thu thập chữ ký thỉnh nguyện chấm dứt mổ cắp nội tạng; 1 tấm bảng hai mặt với hình ảnh và các dòng thông tin được viết lớn; và 1 tấm đệm nhỏ để tĩnh tọa. Tối đến, họ thắp nến và bật đèn trên quầy, đảm bảo việc kháng nghị luôn được người đi đường nhìn thấy.

Không chỉ đối diện ĐCSTQ, địa điểm này còn gần đèn giao thông. Mỗi ngày, các phương tiện dừng chờ đèn giao thông đều nhìn thấy việc kháng nghị và đọc các nội dung trên bảng thông tin. Nhiều người đã đến trò chuyện để hiểu thêm, nhiều người đã ký tên ủng hộ. Những cảnh sát khu phố hay những người lái xe buýt đã trở nên quen thuộc với hình ảnh kiên định của những học viên Pháp Luân Công, đôi khi còn bảo vệ họ trước sự tấn công của kẻ xấu.

Một người khác cũng thường xuyên nhận trực ca đêm là bà Lý Dũng, tới từ vùng Đông Bắc Trung Quốc, đến Anh theo dạng tị nạn do bị bức hại vì tu luyện Pháp Luân Công.

Bà Lý kể về thời gian bị giam ở trại Mã Tam Gia (tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc), bị bức thực hàng ngày, “họ ghì tôi xuống và xuyên cái ống vào mũi tôi xuống tới dạ dày, sau đó họ hỏi ‘mày còn tập Pháp Luân Công nữa không?’ ‘Có’ – tôi nói với họ. ‘Giỏi, vậy thì cứ để cái ống ở đây’. Tôi không dám di chuyển, nếu không cái ống sẽ rung và làm đau dạ dày. Cảm giác đó đối với một người bình thường còn tồi tệ hơn cái chết.”

Năm 2001, sau khi bị tra tấn gần chết, cảnh sát thông báo với gia đình bà Lý Dũng đưa bà về lo hậu sự, nhưng họ không ngờ sức khỏe của bà lại có thể hồi phục chỉ bằng việc tập luyện. Sau đó, bà có cơ hội đến Anh và nói với mọi người sự thật về cuộc đàn áp.

“Tôi thường dậy lúc 4h sáng và bắt đầu đi khỏi nhà lúc 4h30, đi bộ khoảng 1 tiếng là tới. Thời tiết lạnh nhất lúc 5h tới 7h, đôi khi có băng và tuyết. Tôi cố hết sức để tới vào giờ đó, đôi khi đến sớm hơn một chút để người khác có thể về nhà nghỉ ngơi. Khổ thế này không đáng là bao so với bị bức hại trong tù. Tôi cảm thấy vui khi ở đây vì đó là cơ hội để cất lên tiếng nói vì các học viên khác còn đang bị bức hại,” bà Lý Dũng cho biết.

Lâm Tiểu Long làm nghề hướng dẫn viên du lịch tại Luân Đôn. Chàng trai trẻ gốc Hoa thường nhận ca trực vào tối thứ Sáu hàng tuần.

“Các ngày tối thứ Sáu, công việc kết thúc, cảm giác bạn cần được nghỉ ngơi, phải không? Nhưng bạn cần tới ca trực vào 10h tối, và đứng ra giữa trời. Đặc biệt là vào mùa đông, ra khỏi cửa đã rùng mình vì lạnh. Nhưng ở Trung Quốc, các học viên đang phải chịu bức hại trong tù. So sánh với điều đó, thật sự không là gì ….”

“Bạn không tới, thì người khác sẽ phải thay bạn, như cô Cao. Nhiều người nói cô ấy rất mạnh mẽ, có thể chịu khổ, nhưng dù gì cô ấy cũng là con người, là phụ nữ, là một người mẹ, người vợ. Khi tôi nghĩ như vậy, tôi thấy rằng tôi nên tiếp tục kiên định làm việc này,” anh Lâm Tiểu Long chia sẻ.

Ngày 5/6/2002, khi các học viên Pháp Luân Công bắt đầu ca trực đầu tiên ở phía đối diện Đại sứ quán Trung Quốc, có lẽ họ không ngờ là việc này sẽ kéo dài suốt hơn 17 năm. Và cả khi bài viết này được đăng lên, khi bạn đọc được nó, thì cuộc kháng nghị vẫn đang diễn ra.

Thế giới đang thay đổi, cuộc sống vẫn trôi qua, lòng người và suy tư đều đang thầm lặng thay đổi. 17 năm, khoảng thời gian đủ để cho nhiều điều trong cuộc sống mỗi người không còn như xưa. Nước chảy mây trôi, chỉ có những con người và công việc thầm lặng đó, vẫn cứ kiên trì trụ lại.

Chu Bảo Sinh, một nhân viên đang làm cho Chính phủ ở Luân Đôn, đã tham gia vào ca trực từ những ngày đầu, cho biết làm vài ngày thì dễ, nhưng làm nhiều năm đến vậy không phải điều dễ dàng. Nhất là vào buổi tối, không còn nhiều người qua lại, nhân viên Đại sứ quán cũng về, ông thường nghĩ “làm gì có ai biết chúng tôi ở đây.

Thế nhưng, một ngày ông đã thay đổi suy nghĩ khi kết thúc ca trực buổi tối và trên đường lái xe về nhà. Khi bật radio, ông nghe được đoạn hội thoại của 2 người dẫn chương trình, trong đó 1 người hỏi người kia có biết toà nhà nào đẹp nhất Luân Đôn không, nhưng người kia không trả lời được. Người này mới nói rằng, đối với tôi đó là tòa nhà Đại sứ quán Trung Quốc, nơi có các học viên Pháp Luân Công đối diện bên đường.

Ông Chu hồi tưởng lại, nói rằng ông rất bất ngờ khi nghe điều này. Vào lúc nửa đêm, một đài radio lại đang nói về Pháp Luân Công và cuộc kháng nghị.

“Người dẫn chương trình đó lại nói tiếp: có nhiều cuộc biểu tình và kháng nghị mỗi ngày, nhưng đó là cuộc kháng nghị vừa an hoà vừa kiên định, nó là mạnh mẽ nhất. Anh ta nói chính xác như vậy, ‘mạnh mẽ nhất’, rất khó để có thể tả được cảm xúc của tôi khi đó,” ông Chu nói, và cho biết ông cảm thấy việc mình làm rất đáng giá, đó là công việc kêu gọi lương tri và chính nghĩa của mỗi người.

Tiến sỹ Trương Chi Nghị, nhà nghiên cứu cao cấp tại Đại học Luân Đôn (UCL) và là một người từng tham gia nhiều buổi kháng nghị, cho biết trong thời gian ở đó, ông đã gặp và trò chuyện với nhiều cảnh sát, phóng viên. Có một phóng viên nổi tiếng đến từ Hồng Kông đã ký thỉnh nguyện và hỏi ông Trương rằng không biết chính quyền Anh có hành động gì đối với việc này không, bởi nước Anh có làm ăn với Chính phủ Trung Quốc. Đáp lại, ông Trương nói cho dù chính quyền có quyết định thế nào thì những học viên cũng không lo lắng, quan trọng là mỗi người qua đây đều có cơ hội để hiểu rõ sự thật và biểu lộ thái độ về việc này.

Rất khó cho người dân Trung Quốc có thể hiểu sự thật về cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Đối với họ, nguồn thông tin duy nhất họ có là từ những tuyên truyền phỉ báng và kích động thù hận của ĐCSTQ, trong đó mô tả môn tập an hoà này như tà đạo. Không chỉ có vậy, ĐCSTQ còn âm thầm giam giữ và mổ cướp nội tạng hàng ngàn học viên Pháp Luân Công để thu lợi bất chính. Chân tướng về việc này đã được nhiều chính phủ, tổ chức nhân quyền, luật sư, và nhiều kênh truyền thông báo cáo. Mới đây, ngày 17/6/2019, Tòa án Độc lập tại Anh đã ra phán quyết tuyên bố chính quyền Trung Quốc thu hoạch nội tạng, phạm tội ác chống lại loài người.

Tòa án độc lập tại Anh đã ra phán quyết tuyên bố chính quyền Trung Quốc thu hoạch nội tạng, phạm tội ác chống lại loài người. Ảnh: Thành viên Ban bồi thẩm đoàn tòa Regina Paulose (trái), chủ tọa tòa án độc lập ngài Geoffrey Nice (giữa) và thành viên Ban bồi thẩm đoàn Nicholas Vetch trong phiên làm chứng tại Luân Đôn hôm 6/4/2019 (Ảnh: Simon Gross)

Thế nhưng, thông tin đến được với người dân Trung Quốc – những người bị đầu độc thâm sâu nhất và thậm chí đang gián tiếp tiếp tay cho tội ác của chính quyền ĐCSTQ – lại vẫn rất hạn chế.

Chính vì vậy, dù chỉ đóng góp một phần nhỏ, nhưng quầy thông tin đứng đối diện Đại sứ quán Trung Quốc đã giúp nhiều người Trung Quốc khi có việc ghé qua đây biết được sự thật về Pháp Luân Công và cuộc đàn áp. Nhiều người Trung Quốc rất quan tâm đến đạo đức và lương tâm, khi họ hiểu ra mức độ nghiêm trọng của sự việc, họ đã lên tiếng.

Một cựu sinh viên họ Lục (giấu tên) là trường hợp như vậy. Anh Lục cho biết một ngày khi anh tới Đại sứ quán Trung Quốc để gia hạn hộ chiếu, anh đã rất ngạc nhiên khi nhìn thấy quầy của Pháp Luân Công. Nhiều câu hỏi xuất hiện, đặc biệt khi nước Anh là một quốc gia tôn trọng pháp luật, nhưng lại để cho một nhóm người đứng ngay trước cổng Đại sứ quán với những thông tin đối lập với chính quyền Trung Quốc thì hẳn là có nguyên nhân đặc biệt.

Anh Lục đã gặp và trò chuyện với cô Cao Úc Đông. Cô Cao đã giải thích cho anh Lục nguyên nhân của việc đàn áp, sự thật về vụ tự thiêu ở Thiên An Môn. Sau khi xem xong đĩa DVD phân tích những điểm dàn dựng của vụ tự thiêu, anh Lục hiểu rằng sự việc đã được sắp đặt để đổ tội cho Pháp Luân Công.

“Đó là cú sốc đối với tôi … tôi nhận ra Pháp Luân Công đã bị bôi nhọ và bị Đảng bức hại. Tôi đã đọc thử Chuyển Pháp Luân (cuốn sách chính của Pháp Luân Công) và thấy những điều được dạy trong sách đều là dạy người ta làm việc tốt theo Chân – Thiện – Nhẫn, rất chân chính,” anh Lục chia sẻ. Sau đó, anh đã quyết định nói với những người Trung Quốc khác về sự thật này.

17 năm qua, quầy thông tin đã được các học viên Pháp Luân Công duy trì thường hằng, thắp sáng ngọn nến vì chính nghĩa, có thể không đủ để xoá đi màn đêm đen mà những học viên tại Trung Quốc vẫn đang phải gánh chịu, nhưng đủ để lan tỏa hơi ấm tới những người họ tiếp xúc, đủ để lan tỏa ánh sáng và ngọn lửa của sự thiện lương tới nhiều nơi trên thế giới.

Hơn 100 người đã luân phiên trực ở đây, trong số đó không chỉ có người gốc Hoa, mà nhiều học viên Pháp Luân Công phương Tây cũng kiên trì tham gia kháng nghị.

Anthony Archer, một giáo viên về hưu, nhìn nhận đây là cuộc bức hại tới giá trị phổ quát của con người: Chân – Thiện – Nhẫn. Nếu những giá trị đó của con người bị đàn áp, có nghĩa là nó ảnh hưởng tới tất cả mọi người.

Bắc Kinh đã tìm mọi cách để ảnh hưởng của Pháp Luân Công giảm đi trên trường quốc tế, nhưng khắp thế giới, không chỉ ở Luân Đôn, những người ủng hộ càng kiên định hơn để bảo vệ đức tin của họ. Ở nhiều điểm du lịch trên thế giới, bạn có thể nhìn thấy họ. Ở sân khấu, trong triển lãm ảnh, qua nghệ thuật truyền thống, bạn sẽ bắt gặp họ bằng cách này hay cách khác đang cố gắng bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc của mình. Đối với họ, những cố gắng đó không chỉ để chấm dứt bức hại, mà còn để bày tỏ niềm tin của họ vào giá trị bất biến: Chân – Thiện – Nhẫn.

Họ là ai? Họ là những con người nhỏ bé nhưng nghị lực đã viết nên một câu chuyện phi thường, rằng bất cứ ai dù vô danh với cuộc đời này cũng có thể đứng lên làm điều chính nghĩa. Đối với họ, khó khăn có thể rèn luyện nhân cách con người, làm phong phú thêm trải nghiệm và nâng cao đạo đức. Nó cũng tương tự như các nguyên lý của tu luyện. Họ có thể từ bỏ cuộc sống thoải mái cùng lợi ích cá nhân để làm điều nhân nghĩa cho người khác.

Mọi cố gắng rồi cũng sẽ được đền đáp. Có thể chúng ta không nhìn thấy điều đó ngay bây giờ, nhưng nó sẽ đến sau nhiều năm nữa. Khổng Tử từng dạy về chính nghĩa, chúng ta nên làm điều đúng đắn kể cả có thành công hay không, làm nó toàn tâm toàn ý sao cho xứng đáng với lương tâm của chúng ta. Dù kết quả có ra sao, chúng ta sẽ không phải hổ thẹn với lương tâm và đạo đức của chính mình.

Xuân An

Xuân An

Published by
Xuân An

Recent Posts

Hà Nội: 150 bộ hài cốt được phát hiện khi cải tạo hệ thống thoát nước

Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…

20 phút ago

Nghiên cứu: Kẽm giúp chống lại tình trạng kháng kháng sinh ở vi khuẩn

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…

45 phút ago

Tổng thống Putin cảnh báo sẽ trả đũa các quốc gia cung cấp vũ khí tấn công Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…

1 giờ ago

Ông Trump chọn bà Pam Bondi là ứng cử viên mới cho chức tổng chưởng lý Hoa Kỳ

Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…

2 giờ ago

Gia Lai: Hiệu trưởng nhiều ngày không đến trường, giáo viên huyện biên giới bị chậm lương

Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…

2 giờ ago

Tiệm vàng tại Nghệ An mở sổ tiết kiệm như ngân hàng

Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…

2 giờ ago