Trước khi bước vào lớp 1, giai đoạn quan trọng trong sự phát triển của trẻ, mỗi bậc phụ huynh đều mong muốn con mình không chỉ học giỏi mà còn trưởng thành với những phẩm chất tốt đẹp. (Ảnh minh họa: Shutterstock)
Trước khi bước vào lớp 1, giai đoạn quan trọng trong sự phát triển của trẻ, mỗi bậc phụ huynh đều mong muốn con mình không chỉ học giỏi mà còn trưởng thành với những phẩm chất tốt đẹp. Đặc biệt là với con trai, việc dạy dỗ những bài học về trách nhiệm, lòng dũng cảm, tính độc lập và phép lịch sự ngay từ khi còn nhỏ sẽ là nền tảng vững chắc giúp bé trưởng thành tự tin, mạnh mẽ và thành công trong tương lai. Vậy mẹ nên dạy con trai những điều gì trước khi vào lớp 1 để con vững vàng trên con đường phía trước?
Giáo sư Lý, một nhà tâm lý học nổi tiếng từng nói: “Nếu bạn muốn hủy hoại con trai mình, rất đơn giản – chỉ cần luôn nghe theo mọi yêu cầu của con”.
Con trai cần được rèn luyện nhiều hơn để phát triển, và một số phụ huynh đã thực hiện điều này rất tốt.
Có lần, khi đang đi công tác, tôi gặp một người mẹ và cậu con trai rất đặc biệt trên tàu. Cậu bé khoảng 7 hoặc 8 tuổi đang cùng mẹ đi du lịch. Thông thường, chúng ta thường thấy cảnh người mẹ chăm sóc con một cách tỉ mỉ. Nhưng với hai mẹ con này, mọi thứ lại hoàn toàn ngược lại.
“Tiểu Hạo, con lấy giúp mẹ cốc nước nhé!”
“Lấy giúp mẹ cái áo khoác trong túi, mẹ thấy hơi lạnh.”
“Mẹ hơi đói rồi, con chạy ra nhà ăn xem có món gì không nhé!”
Giọng mẹ nhẹ nhàng, còn cậu bé thì nhanh nhẹn, vui vẻ làm theo không chút chần chừ. Nhìn cách cậu bé chăm sóc mẹ – tự nhiên, chín chắn – tôi chợt nhận ra: có lẽ chính sự dạy dỗ từ nhỏ đã giúp cậu trở thành một “người đàn ông bé nhỏ” ấm áp và đáng tin đến vậy.
Nhiều bậc cha mẹ trong chúng ta luôn muốn mang đến cho con cái mình thật nhiều thứ, một cuộc sống vật chất sung túc, sự quan tâm và yêu thương dành cho thế giới nội tâm của con, nhưng dường như chúng ta chưa bao giờ “đòi hỏi” bất cứ điều gì ở con cái mình.
Tôi tin rằng, việc cha mẹ chủ động để con trai học cách quan tâm và giúp đỡ người khác cũng chính là một cách giáo dục hiệu quả. Đó không chỉ là rèn luyện thói quen, mà còn là cách nuôi dưỡng tinh thần trách nhiệm và sự ấm áp từ sớm.
Tôi cho rằng, trong số các nghệ sĩ nữ, người thành công nhất trong việc nuôi dạy con cái chính là Hoắc Tư Yến. Trên màn ảnh hay ngoài đời, cô lúc nào cũng toát lên vẻ ngây thơ, đáng yêu như một cô bé. Ấy vậy mà cậu con trai Tiểu Ân của cô lại vô cùng chững chạc – cậu bé giống như một “người anh trai nhỏ” luôn quan tâm và chăm sóc mẹ một cách chu đáo.
Tiểu Ân luôn thể hiện sự trách nhiệm và ấm áp trong từng hành động. Cậu bảo vệ mẹ, lo lắng cho mẹ, và chẳng ngần ngại thể hiện tình cảm với mẹ ở chốn đông người. Hình ảnh ấy đã khiến rất nhiều cư dân mạng không tiếc lời khen ngợi. Quả thực, người mẹ nào mà không mơ ước có một cậu con trai như vậy?
Khi nuôi dạy con trai, cha mẹ đừng nên quá nuông chiều. Nếu lúc nào cũng bao bọc và đáp ứng mọi yêu cầu của con, rất dễ khiến con trở thành một “cậu bé mãi không chịu lớn” – sống dựa dẫm và thiếu bản lĩnh.
Thay vào đó, hãy chủ động rèn luyện cho con tinh thần trách nhiệm, lòng kiên trì và sự độc lập – những phẩm chất cần có để trở thành một người đàn ông thực thụ.
Có những điều tưởng nhỏ nhưng lại là “bài học vàng” trong hành trình trưởng thành của một bé trai. Mong rằng các bậc cha mẹ sẽ lưu tâm và kiên trì thực hiện để giúp con lớn lên một cách vững vàng và tự tin.
Bài tập đầu tiên: Thực hành trách nhiệm
Ý thức trách nhiệm không phải là thứ bẩm sinh mà có. Khi nuôi dạy con trai, điều quan trọng nhất là giúp con phát triển thành một người có trách nhiệm thay vì trở thành người ích kỷ và phụ thuộc vào người khác.
Nếu muốn con trai trưởng thành và có trách nhiệm, cha mẹ không nên chỉ suy nghĩ về việc “cung cấp cho con cái gì” mà cần chú trọng đến việc yêu cầu con làm những điều gì.
Chúng ta muốn con cái mình tham gia vào công việc nhà để hiểu rằng khi sống trong gia đình, chúng có trách nhiệm chung đối với mọi người. Chúng ta cũng muốn con cái mình chăm sóc cha mẹ khi ốm đau để hiểu rằng sự chăm sóc lẫn nhau là nền tảng của tình yêu thương gia đình.
Bên cạnh đó, trách nhiệm với vợ và con cái sau này cũng là một phần quan trọng trong sự trưởng thành của người đàn ông. Một người đàn ông không chỉ có trách nhiệm với bản thân mà còn phải biết chăm sóc, yêu thương và bảo vệ gia đình mình. Cần phải dạy con trai từ nhỏ rằng, khi có vợ và con, anh ta phải là người đứng ra bảo vệ, hỗ trợ và tạo dựng một mái ấm đầy tình yêu thương và sự tin cậy.
Chỉ khi con cái biết cho đi và làm việc vì người khác chúng mới học được cách yêu thương, chăm sóc gia đình, đồng thời phát triển tinh thần trách nhiệm và trở thành một người đàn ông chính trực. Nếu không, chúng có thể chỉ trở thành những người vô ơn, sống phụ thuộc vào cha mẹ và thiếu đi khả năng đối diện với trách nhiệm trong cuộc sống.
Bài tập thứ hai: Rèn luyện lòng dũng cảm
Người ta thường nói, con trai cần sự đồng hành của người cha nhiều hơn trong quá trình trưởng thành. Sự mạnh mẽ, quyết đoán và tinh thần dấn thân của người cha sẽ ảnh hưởng tích cực đến con, giúp con trai trở nên cứng cáp, can đảm và tự tin hơn. Những trò chơi mạo hiểm, hoạt động ngoài trời, hay những tình huống cần xử lý tình huống cũng là cách tuyệt vời để nuôi dưỡng lòng dũng cảm trong trẻ.
Ngay cả khi người mẹ là người nuôi con một mình thì cũng có thể chủ động tạo môi trường rèn luyện cho con. Mẹ có thể khuyến khích con tham gia các trò chơi khám phá, tập cho con đối mặt với thử thách, hoặc nhờ cậy đến sự hỗ trợ từ người thân, bạn bè nam giới – những người có thể cùng con trải nghiệm những điều mới mẻ và học hỏi tinh thần mạnh mẽ.
Nếu không được rèn luyện, con trai có thể lớn lên với tâm lý yếu đuối, thiếu tự tin và dễ bị phụ thuộc. Khi bước vào các mối quan hệ sau này, những đặc điểm ấy có thể khiến con gặp khó khăn – bởi vì, một chàng trai quá mềm yếu và thiếu bản lĩnh sẽ khó tạo được sự tin tưởng cả trong công việc lẫn trong tình yêu.
Bài tập thứ ba: Mở rộng hiểu biết và tầm nhìn
Những trải nghiệm thuở nhỏ thường ảnh hưởng sâu sắc đến vị trí xã hội và cách nhìn cuộc sống của trẻ khi trưởng thành. Chỉ khi từng tận mắt thấy biển cả mênh mông người ta mới không còn bằng lòng với chiếc giếng nhỏ của riêng mình.
Có rất nhiều cách để giúp con trai mở rộng tầm nhìn, không nhất thiết phải là những chuyến du lịch xa xỉ. Bạn có thể cùng con đi siêu thị, giao cho con lập kế hoạch mua sắm theo ngân sách cụ thể – từ đó dạy con về quản lý tài chính và tư duy chi tiêu hợp lý. Bạn cũng có thể đưa con đến thăm các cơ sở làm việc khác nhau để con hiểu được sự vất vả trong nhiều ngành nghề, và nhận ra rằng cuộc sống tốt đẹp không đến từ may mắn mà là thành quả của sự chăm chỉ.
Một cậu bé từng nhìn thấy nhiều điều, từng suy ngẫm về nhiều cảnh đời sẽ lớn lên với tâm thế rộng mở và khát vọng vươn xa. Đó chính là nền tảng để trở thành một người đàn ông bản lĩnh và có trách nhiệm trong xã hội.
Bài tập thứ tư: Rèn luyện bản lĩnh và sự dày dạn
Giáo sư tâm lý học Lý từng nói: “Một đứa trẻ có ‘làn da dày’ sẽ dễ sống hơn khi lớn lên”.
Ở đây, “da dày” không mang nghĩa tiêu cực, mà là cách nói hình tượng về sự dẻo dai, khả năng chịu đựng áp lực và thất bại. Những đứa trẻ có bản lĩnh như vậy thường không sợ bị chê cười, không dễ bỏ cuộc khi vấp ngã. Thay vào đó, chúng có thể bình tĩnh đối diện với thử thách, kiên cường đứng dậy sau mỗi lần thất bại và tiếp tục cố gắng làm tốt hơn.
Một đứa trẻ “dày dạn” là đứa trẻ đủ mạnh mẽ bên trong, không dễ bị tổn thương bởi ánh nhìn của người khác, và có đủ tự tin để tiến về phía trước.
Nếu cha mẹ muốn con mình trở thành một người như thế, hãy tạo điều kiện cho con bước ra khỏi vùng an toàn: tham gia biểu diễn trước đám đông, kết bạn với nhiều người, thử sức với những công việc khó khăn hơn bình thường. Mỗi lần vượt qua một thử thách là một lần con trưởng thành hơn và dày dạn hơn trước cuộc đời.
Bài tập thứ năm: Rèn luyện tính độc lập
Mục tiêu lớn nhất của việc nuôi dạy con cái là gì? Có lẽ, đó chính là giúp con trở thành một người có thể tự mình đứng vững trong cuộc sống – tự lập, có trách nhiệm và biết chăm sóc cho chính bản thân cũng như những người xung quanh.
Đối với các bé trai, tinh thần độc lập lại càng quan trọng hơn. Ngay từ khi còn nhỏ, con cần được trao cơ hội để học cách tự làm những việc của mình như sắp xếp đồ đạc, chuẩn bị quần áo, phụ giúp việc nhà. Việc này không chỉ giúp con rèn luyện kỹ năng sống mà còn tạo dựng thói quen tự chủ thay vì ỷ lại vào cha mẹ.
Cha mẹ không thể theo con suốt đời. Vậy nên, nếu chúng ta không để con trải nghiệm, va vấp và trưởng thành từng chút một, thì làm sao con có thể vững vàng khi bước ra thế giới?
Bài tập thứ sáu: Thực hành phép lịch sự
Phép lịch sự là “tấm danh thiếp” đầu tiên mà một người gửi đến người khác. Với các bé trai, việc rèn luyện sự lễ phép và biết tôn trọng người khác là nền tảng để hình thành nhân cách tốt đẹp.
Một đứa trẻ lễ phép không tự nhiên mà có – chúng cần được dạy để biết cúi đầu cảm ơn, biết xin lỗi khi mắc lỗi, biết trân trọng công sức của cha mẹ, lễ độ với người lớn tuổi, và biết cách giữ bình tĩnh trước những cảm xúc tiêu cực.
Khi con học được cách cư xử đúng mực, biết yêu thương và tôn trọng người khác thì con cũng đang từng bước học cách làm người tử tế – điều quan trọng hơn bất kỳ kỹ năng nào trong cuộc sống.
Trúc Nhi biên dịch
Theo Aboluowang
Tập đoàn SYRE, công ty con của Tập đoàn may mặc H&M dự kiến đầu…
Thuế quan tác động trực tiếp tới môi trường thu hút đầu tư, ảnh hưởng…
Quân đội Trung Quốc đã đến Việt Nam vào trưa 25/4, cùng quân đội Lào,…
Sự đồng hành trong đời sống tâm linh cùng niềm tin rằng hôn nhân là…
Theo hãng tin Reuters, Bộ Thương mại Trung Quốc đang tập hợp các mặt hàng…
CNN vừa công bố hình ảnh bức chân dung mà Tổng thống Nga Vladimir Putin…