Cuộc sống viên mãn không phải là sự hoàn hảo tuyệt đối, mà là sự cân bằng giữa các yếu tố tưởng chừng như đối lập. Công thức “3+7=0” ẩn chứa một triết lý sâu sắc: từ bỏ để nhận lại, mơ hồ để tỉnh táo, kỳ vọng để buông bỏ. Vậy làm thế nào để áp dụng tỷ lệ 3+7 này vào cuộc sống giúp bạn có thể đạt được hạnh phúc trọn vẹn?
Người xưa có câu: “Làm người, ngốc một chút, khờ khạo một chút mới là hạnh phúc. Nghĩ quá nhiều, tâm trạng dễ phiền muộn; quan tâm quá nhiều, dễ mẫn cảm đa nghi; bận tâm quá nhiều, dễ nghĩ đến được mất. Đây đều là nền tảng giúp con người ta kéo dài tuổi thọ”.
“Kẻ ngốc có phúc của kẻ ngốc”, khờ khạo một chút, cũng không phải thể hiện rằng chỉ số thông minh thấp, hoặc là người chậm hiểu, mà là đối với nhân sinh có một phần thấu hiểu, một phần thản nhiên.
Cũng giống như nấu cháo cần ba phần gạo bảy phần nước, uống rượu cần ba phần say bảy phần tỉnh. Quá đầy thì thiếu, quá tràn thì đổ, mọi thứ vừa đủ sẽ là tốt nhất.
Cuộc đời cũng vậy, nếu quá dễ dàng thì cái được chẳng bù cho cái mất, còn quá thiếu thì lại không đủ chín muồi. Vậy nên tỷ lệ ba bảy có lẽ sẽ là lý tưởng nhất.
Tục ngữ có câu: “Bỏ lớn được lớn, bỏ nhỏ được nhỏ, không bỏ thì không được.” Mọi việc trên đời, phải biết buông bỏ đúng lúc thì mới có thể đạt được. Bỏ là nhân, được là quả. Nếu không chịu buông bỏ bất cứ điều gì, làm sao có thể nhận lại được điều gì đó?
Cũng giống như câu: “Tái ông mất ngựa, chưa hẳn là chuyện xấu!” Vào năm Khánh Lịch thứ năm đời Tống Nhân Tông, Cựu Tể tướng nhà Tống Phạm Trọng Yêm vì đề xướng cải cách mà bị giáng chức xuống Đặng Châu. Mặc dù phải chịu đòn giáng mạnh về mặt chính trị, nhưng ông không chán nản buông xuôi hay a dua với thế lực tà ác, mà ngược lại, đã để lại bài ca ngàn đời: “Lo trước nỗi lo của thiên hạ, vui sau niềm vui của thiên hạ.”
“Mất ở rừng dâu, được ở bờ đông.” Đôi khi, học cách buông bỏ một cách hợp lý, ta lại dễ dàng nhận được những bất ngờ thú vị mà cuộc sống mang đến. Con người sống trên đời vốn luôn song hành với được và mất, không thể mãi mãi chỉ được mà không mất, cũng không mãi mãi chỉ mất mà không được. Sự “buông bỏ” đúng lúc chắc chắn sẽ mang lại niềm vui của “được”.
Có câu chuyện:
Trong một ngôi làng nhỏ, có một ông lão sống lặng lẽ trong căn nhà nhỏ ven sông và kiếm tiền bằng nghề sửa chữa đồng hồ cho dân làng. Ông có một chiếc đồng hồ bỏ túi cũ kỹ, được người cha quá cố của mình để lại. Chiếc đồng hồ này đã không còn hoạt động, nhưng ông vẫn giữ nó như một báu vật, hy vọng một ngày nào đó có thể sửa được.
Một ngày nọ, một cậu bé đến nhờ ông sửa chiếc đồng hồ đeo tay của mẹ. Cậu bé kể rằng đó là món quà cuối cùng mẹ cậu tặng trước khi qua đời, và cậu rất muốn nó hoạt động. Ông lão xem kỹ chiếc đồng hồ, nhận ra rằng nó cần một bánh răng đặc biệt mà ông không có. Sau khi suy nghĩ, ông nhìn sang chiếc đồng hồ cũ của mình.
Ông biết, nếu lấy bánh răng từ chiếc đồng hồ cũ, cậu bé có thể giữ lại kỷ vật của mẹ. Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc ông sẽ mãi mãi không thể sửa được chiếc đồng hồ của cha mình. Sau một đêm trăn trở, ông vẫn quyết định từ bỏ hy vọng của mình để giúp cậu bé.
Khi cậu bé nhận lại chiếc đồng hồ đã hoạt động như mới, ánh mắt cậu sáng lên đầy biết ơn. Cậu nói trong hạnh phúc rằng hứa sẽ giữ gìn nó suốt đời. Từ ngày đó, mỗi khi nhớ lại ánh mắt vui tươi của cậu bé, ông lão nhận ra rằng niềm vui lớn nhất không phải là giữ lại những điều mình yêu quý, mà là trao đi để mang lại hạnh phúc cho người khác.
Trong ‘Hán thư · Đông Phương Sóc truyện’, có câu: “Nước quá trong thì không có cá, người quá xét nét thì không có bạn”. Cuộc sống là vậy, cần 3 phần mơ hồ, 7 phần tỉnh táo. Giữ 7 phần tỉnh táo để sống, giữ 3 phần mơ hồ để tránh diệt vong.
Từng có một câu chuyện thế này:
Có một vị khách ngồi thuyền qua sông, trên thuyền ông dùng một chiếc cốc màu vàng óng để uống rượu. Người lái thuyền tưởng rằng đó là cốc vàng, nên nảy sinh ý đồ xấu, muốn chiếm làm của riêng. Nhưng thực chất, chiếc cốc ấy chỉ được làm bằng đồng thau, chẳng đáng bao nhiêu.
Ánh mắt của người lái thuyền đã để lộ suy nghĩ của mình, vị khách nhìn thấu nhưng không vạch trần. Khi con thuyền lắc lư, vị khách cố tình làm rơi chiếc cốc xuống nước. Người lái thuyền tỏ ra tiếc nuối vô cùng. Lúc này, vị khách bình thản nói: “Đó chỉ là một chiếc cốc đồng, chẳng có gì đáng tiếc cả”. Nghe vậy, người lái thuyền mới từ bỏ ý đồ, an tâm đưa vị khách đến bờ bên kia an toàn.
Vị khách hiểu rõ tâm ý của người lái thuyền, nhưng không vạch trần. Nếu ông ta thẳng thắn chỉ trích, e rằng sẽ khiến người lái thuyền thẹn quá hóa giận. Tuy nhiên, bằng cách giả vờ “mơ hồ” và không nói rõ sự thật, ông vừa làm người lái thuyền từ bỏ ý định, vừa bảo toàn tính mạng của mình.
Sự khôn ngoan trong cuộc sống nằm ở chỗ: trong lòng hiểu rõ nhưng biết che giấu trong sự mơ hồ. Tục ngữ có câu: “Nhìn thấu nhưng không nói thẳng” hay có câu “Biết rõ một người hà tất phải vạch trần họ”. Có những việc cần giữ lại 3 phần mơ hồ. Làm người giữ 3 phần mơ hồ, có thể hiểu thấu nhiều chuyện; giữ lại 7 phần tỉnh táo, mới nắm bắt được những điều quan trọng hơn.
Nhà văn Mã Đức từng viết: “Tôi dần hiểu ra tại sao mình không hạnh phúc, bởi vì tôi luôn mong đợi một kết quả”.
Đọc một cuốn sách, tôi kỳ vọng nó khiến mình sâu sắc hơn. Chạy bộ một lát, tôi kỳ vọng mình sẽ gầy đi. Gửi một tin nhắn, tôi kỳ vọng sẽ được hồi âm. Đối xử tốt với người khác, tôi mong nhận lại sự tốt đẹp tương xứng…
Nếu những kỳ vọng này được đáp ứng, tôi sẽ thở phào nhẹ nhõm. Nhưng nếu không được đáp ứng, tôi lại tự trách mình trách người. Trong cuộc sống, chúng ta thường đặt quá nhiều kỳ vọng vào một việc hoặc một người. Và khi kỳ vọng không được đáp ứng hoặc bị từ chối, chúng ta dễ rơi vào cảm giác thất vọng, buồn bã, và tâm trạng đi xuống.
Nhà triết gia Socrates từng nói: “Chỉ khi kỳ vọng một chút, mới có thể tiến gần đến hạnh phúc cao nhất”. Nếu chúng ta luôn đặt kỳ vọng quá cao vào mọi việc, điều đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tâm trạng của mình. Nhưng nếu hạ thấp kỳ vọng và học cách buông bỏ, dù kết quả không như ý, chúng ta vẫn có thể tìm thấy niềm vui từ đó.
3 phần buông bỏ, 7 phần nhận lại, để trong mắt có niềm vui, trong tim có tình yêu; 3 phần mơ hồ, 7 phần tỉnh táo để thấu hiểu mọi sự và tu dưỡng tâm hồn; 3 phần kỳ vọng, 7 phần buông bỏ để không vướng bận tâm trí và học cách sống bình thản.
Nếu phải dùng thước đo để đo lường cuộc đời, tỷ lệ 3+7 là hợp lý nhất, nhưng cũng không hoàn toàn thiếu sót. Vạn vật cuối cùng đều quay về con số 0. Mà số 0 chính là sự viên mãn của đời người. 3+7=0, đây chính là công thức cho một cuộc sống trọn vẹn.
Chúc cho cuộc đời của mỗi chúng ta đều đạt được tỷ lệ 3+7
Trúc Nhi t/h
Dòng họ Nguyễn Giáp làng hành thiện có truyền thống về khoa bảng và hành…
Trong cuốn Tam Quốc Chí có ghi lại một chuyện thú vị về tài giải…
Bộ Ngoại giao Brazil hôm thứ Sáu (27/12) cho biết, chính quyền Brazil đã đình…
Chuyện hài hước về người được mệnh danh “cha đẻ của nhạc giao hưởng”.
Một nghiên cứu mới phát hiện ra rằng, thời lượng tiếp xúc với ánh sáng…