Cụ bà Trình Ái Vân, 105 tuổi, ở Chiết Giang (Trung Quốc) nhận những ngụm cafe đầu tiên từ người hàng xóm nước ngoài khi mới 5 tuổi và đều đặn uống 1 cốc mỗi buổi chiều cho tới tận ngày nay.
Nắng chiều nhè nhẹ chiếu qua khung cửa sổ căn nhà cổ ở thành phố Lệ Thủy, Chiết Giang soi rõ gian bếp nơi ông Trình Chân Thụ, 84 tuổi đang cẩn thận pha chế cà phê cho mẹ mình. Chiều nào cũng vậy, cụ bà Trình Ái Vân sẽ thức dậy vào lúc 2h chiều, ngồi trên ghế sofa nheo mắt chậm rãi thưởng thức một tách cốc với khuôn mặt đầy mãn nguyện.
“Mẹ tôi biết tới cà phê lúc 4-5 tuổi. Bà đã uống như vậy cả trăm năm rồi. Hiện giờ bà vẫn uống một cốc to sau khi ngủ dậy mỗi buổi trưa”, người con trai duy nhất của cụ Ái Vân nói.
Bà Ái Vân là người gốc ở thành phố Lệ Thủy, sinh ra trong một gia đình khá giả vào thời kì Dân Quốc. Đây là thời điểm có rất nhiều người phương Tây sinh sống và làm ăn tại Trung Quốc. Khu bà ở có khá nhiều người nước ngoài sinh sống, thấy cô bé Trung Quốc dễ thương nên mỗi khi uống cà phê, những người này thường gọi lại cho bà uống thử và khiến bà nhanh chóng yêu thích hương vị của thứ đồ uống mang biểu tượng của văn minh phương Tây này.
Ở Lệ Thủy thời đó không dễ để mua cafe nhưng cha của bà mang chúng về đều đặn mỗi lần ông đi công tác ở Thượng Hải hay Hàng Châu. “Tôi lớn lên trong hương thơm cà phê bố mang về”, cụ nhớ lại.
Sau khi trưởng thành, cụ Ái Vân kết hôn với một nhà buôn giàu có và điều này tiếp tục giúp bà có cơ hội duy trì thói quen uống cafe mỗi ngày. Năm 1949, nội chiến loạn lạc, chồng bỏ nhà đi không chút tin tức khiến bà rất buồn bã, cuộc sống cũng vì thế mà khó khăn hơn. Và thứ đồ uống đặc biệt bao năm đã giúp bà có thêm sự bình tĩnh và mạnh mẽ đối diện với thực tế cuộc sống.
May mắn là cậu con trai duy nhất Trình Chân Thụ rất biết nghe lời và hiếu thảo. Ông sớm tạo dựng sự nghiệp và có cuộc sống sung túc. Hàng chục năm qua, dù bận rộn nhưng ngày nào ông cũng đánh thức mẹ dậy mỗi sáng, cùng vợ chuẩn bị đồ ăn sáng cho mẹ và pha cho mẹ một cốc cà phê tự rang bằng tay mỗi buổi chiều. Nếu đi công tác, ông nhờ vợ pha giùm, không để mẹ một ngày thiếu món đồ uống yêu thích.
Một vài năm trước, cụ Ái Vân bắt đầu sử dụng cà phê hòa tan. “Có thể khẩu vị của mẹ tôi thay đổi, nhưng tôi nghĩ là bà sợ làm phiền con, vì cà phê hòa tan dễ pha hơn nhiều”, người đàn ông 84 tuổi nói.
“Tôi gọi mẹ dậy mỗi sáng. Một người đàn ông ngoài 80 tuổi được đánh thức mẹ hàng ngày là điều hạnh phúc không phải ai cũng có”, ông Trình nói.
Hiện tại, gia đình bốn thế hệ nhà ông Trình sống trong ngôi nhà 4 tầng giữa trung tâm thành phố. Cuộc sống chậm rãi và êm đềm. Ông luôn mong mẹ sống bên con cháu thêm nhiều năm nữa để có thể pha cafe cho mẹ mỗi ngày.
Hoài Anh
Xêm thêm:
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…