5/10/2012-5/10/2018: tròn 6 năm ở Nhật.
Mỗi người đều có một câu chuyện riêng. Tôi cũng có câu chuyện nhỏ khi đi du học của mình…
Tôi còn nhớ như in ngày má đưa tôi đi thi vào trường Nhật Ngữ Đông Du ở Đà Nẵng. Trước đó tôi chỉ nghĩ là đi cho biết thôi chứ chắc không có ý định đi Nhật thật đâu. Nghe ba giới thiệu thì đi vậy thôi.
Nhưng khi tới đó, lúc nghe thấy Hiệu Trưởng của trường đứng giảng, nhìn thấy một người bằng tầm tuổi Nội mình nhưng vẫn đầy nhiệt huyết khiến tôi thấy rất cảm động. Và tự nhủ, Thầy đã tầm tuổi đó mà vẫn nhiệt huyết và nhiều ước mơ như vậy, tại sao mình còn trẻ lại không dám ước mơ. Rồi bỗng trong lòng cũng bắt đầu có cảm giác mong muốn du học.
Tôi còn nhớ lúc đó còn chiếu cả video các du học sinh vừa học vừa làm, nhìn họ thật vất vả. Nhưng lạ là sự vất vả đó không làm tôi cảm thấy bỏ cuộc mà lại nghĩ: “Họ làm được thì mình cũng làm được.” Tôi nói với má: “Con đi ạ!”
Rồi sau một năm học ở trường Đông Du, ngày 5/10/2012, tôi cùng hai người bạn sang Nhật. Lúc đó trong tôi ngập tràn hy vọng và ước mơ. Tôi không chắc mình sẽ làm được gì nhưng tôi luôn có niềm tin rằng mình sẽ thành công.
Sang tới nơi, tôi may mắn được nhiều senpai [tiền bối/người học các khóa trước] giúp đỡ nên tìm được việc làm ngay trong tuần đầu tiên. Nhưng cuộc sống vừa làm vừa học nơi xứ người thật không dễ dàng. Tiền lương mấy tháng đầu không hề đủ tiền cho tôi nộp học hàng tháng chứ chưa nói tới những sinh hoạt phí khác. Mỗi ngày đi học đều sợ bị cô gọi xuống bắt nộp học phí. Cũng may mắn là được một vài người bạn đi trước giúp đỡ nên tôi cũng trang trải được sau đó. Nhưng lại nai trên lưng thêm nợ mới mà chẳng biết bao giờ trả được. Tôi nhận thấy cuộc sống vừa làm vừa học không có học bổng rất vất vả nên đã quyết định cố gắng xin học bổng.
May mắn đã mỉm cười với tôi khi cô giáo thông báo tôi đã trúng tuyển học bổng. Tôi đã rất hạnh phúc, thật sự rất hạnh phúc. Các thầy cô lớp khác cũng chúc mừng tôi. Nhưng… mấy tháng sau tôi vẫn chưa nhận được thông tin là bao giờ bắt đầu nhận. Hơi e ngại nhưng tôi quyết định xuống hỏi cô giáo chủ nhiệm:
“Cô ơi, bao giờ em được nhận học bổng vậy cô?”
Cô bảo lại: “Em đợi cô chút nhé! Cô tra lại.“
5 phút, 10 phút sau, cô quay lại bảo với tôi: “Cô biết em là một cô gái mạnh mẽ, nên dù thế nào cũng cố gắng tiếp nhé”.
“Vâng ạ” – tôi biết mình sắp nghe tin không hay.
“Em không được nhận học bổng nữa. Tình hình kinh tế công ty đó đang xấu. Cô xin lỗi.”
Tôi rất thất vọng nhưng vẫn cười bảo cô: “Không sao cô ạ”, rồi chào cô về.
Ra khỏi cửa tôi đã khóc, nhưng tôi chỉ cho phép bản thân mình khóc một chút đó thôi, bởi tôi biết tôi không được phép bỏ cuộc. Tôi động viên mình rằng có lẽ ông trời muốn tôi cố gắng hơn, học hỏi nhiều hơn. Tôi cũng bắt đầu tìm việc mới, tôi làm hai việc và thỉnh thoảng làm thêm ngắn hạn để kiếm tiền.
Nhưng quá lao vào kiếm tiền nên kỳ thi ryu (kỳ thi lấy điểm thi vào đại học) lần một bị thấp hơn rất rất nhiều so với dự tính. Một lần nữa nếm trải mùi vị thất bại. Tôi lại khóc. Nhưng cũng như lần trước tôi nhận ra đi tới đây rồi thì không có đường lùi, chỉ có cố gắng tiếp mình mới có hy vọng. Nên tôi lại lau ngay nước mắt và lên kế hoạch mới cho mình.
Tôi quyết định sẽ chỉ học tiếng Nhật trên trường, hoàn thành bài tập trên lớp, tận dụng mọi thời gian ở nơi làm việc để học tiếng Nhật, vừa làm vừa nghe người Nhật nói chuyện với nhau để luyện nghe, đi đường sẽ nhìn xung quanh để học thêm từ mới. Còn thời gian rảnh ở nhà tôi sẽ dùng toàn bộ để ôn luyện toán, lý, hóa thi đại học.
Rồi cũng tới kỳ thi ryu lần hai. Lần này điểm tôi cao hơn lần trước nhiều và tôi cảm thấy tự tin khi chọn 3 trường đại học Quốc lập để thi vào. Nhưng lúc đó có một vấn đề là dù đã rất tiết kiệm tôi vẫn chưa có đủ tiền để làm kinh phí đi thi. Tôi quyết định xin đi làm thêm vào ban đêm.
Nhớ những ngày vừa đạp xe đi làm quán thứ nhất về, chỉ có đủ 20 phút để nấu ăn, ăn và chuẩn bị đồ đi làm quán thứ hai tới 12 giờ khuya. Lại phải thức trắng đêm ngồi chuẩn bị hồ sơ thi đại học. Rồi ngày tiếp theo lại đi làm quán thứ ba từ 19 giờ tối cho tới 7 giờ sáng ngày kế tiếp, đạp xe về ngủ 1 tiếng rồi lại chạy đi làm quán thứ nhất trở lại. Có một tuần gần như không ngủ, vào lớp chỉ ngủ gật đến mức bị cô nói nhiều lần. Nhưng để có tiền đi thi đâu còn cách nào khác.
Trường đầu tiên tôi thi là ở Kagawa. Kết quả đỗ. Nhưng đây không phải trường nguyện vọng 1 của tôi.
Trường thứ hai là ở Kyushu. Đây là trường nguyện vọng 1. Tôi đã rất kỳ vọng vào nó. Đi tàu, đổi tàu liên tục 7 tiếng để được tới dự thi ở trường nhưng tiếc là tôi bị lạc đường và tới trễ.
Ngày trường Kyushu thông báo kết quả cũng là hạn cuối ngày nộp hồ sơ ở Kagawa. Lúc đầu vì không tìm hiểu kỹ tôi đã nghĩ không sao. Nhưng sau mới biết nếu nộp hồ sơ mà không học thì phải nộp 30 man (tương đương hơn 62 triệu đồng). Nên tôi quyết định xin nghỉ học cầm hồ sơ đi tàu 4 tiếng tới Kagawa, đợi xem kết quả Kyushu. Nếu trượt tôi sẽ nộp hồ sơ, nếu đỗ tôi sẽ mang hồ sơ về. Đáng tiếc là tôi bị trượt và vì để đảm bảo tôi đã nộp hồ sơ nhập học.
Nhưng còn một trường nguyện vọng 2 ở Tokyo, và nếu vào được trường này tôi sẽ có cơ hội nhận học bổng. Nên tôi vẫn muốn thử. Nhưng cô giáo tôi đã phản đối tôi. Cô bảo: “Em trượt Kyushu rồi, em không thể đỗ được trường này đâu! Em cũng không có tiền, em học Kagawa không được sao? Em đỗ trường này thì em có 30 man để nộp cho Kagawa không?”
Tôi không nói lại cô nhiều chỉ bảo: “Em sẽ cố gắng ạ”. Tôi đã cố gắng vậy chẳng lẽ tôi lại có thể bỏ cuộc chỉ vì không có tiền. Đúng là lúc đó tôi chẳng biết mình lấy đâu ra 30 man đó nhưng tôi biết mình không thể bỏ cuộc. Dù còn 1 giây để sống thôi tôi vẫn muốn thử.
Rồi từ đó cho tới ngày thi tôi không liên lạc với cô, cũng không nhờ cô sửa bài gì nữa. Không phải tôi giận cô mà tôi không muốn nhụt chí. Tới ngày đó, tôi cứ cuốn gói mà đi thi. Lúc đó tôi còn chưa viết xong bài dự thi, ngồi trên buýt đêm nước mắt cứ rơi lã chã nhưng vẫn tự nhủ rằng không được bỏ cuộc…
Một tuần trôi qua, hôm đó tôi vẫn đang ngái ngủ. Bạn cùng phòng sang gọi: Trường ở Tokyo có kết quả rồi kìa, mày lên web coi đi. Tôi lọ mọ lên coi, thấy số báo danh của mình mà không tin vào mắt. Tôi gọi cho mọi người, có người khóc, có người hét lên vì vui. Nhưng lúc đó chính tôi chẳng biết nên vui hay nên buồn. Vì tôi vẫn chưa kiếm ra tiền để nộp phạt cho Kagawa. Nhưng tôi cũng không muốn bỏ cuộc.
Lúc đó cô giáo trên trường bảo tôi nói dối đã về nước để khỏi nộp. Nhưng tôi không làm được. Lúc gọi điện từ chối trường Kagawa, tôi cũng nghĩ nếu nói dối mình sẽ được miễn, nhưng tôi đã không làm vậy. Có người bảo tôi ngốc, nhưng tôi mới biết lựa chọn nào mới làm cho bản thân tôi cảm thấy không áy náy.
Rồi có lẽ ông trời thương tôi. Một người quen đã gọi điện và bảo cho tôi vay tiền. Và chẳng ngờ đâu được nhưng tôi đã có tiền để giải quyết. Sau đó tôi lại được nhận học bổng 10 man ở trường tiếng đủ để chuyển nhà lên Tokyo và các phí sinh hoạt khác lúc đó. Sau đó vào đại học dù nhận học bổng tôi vẫn không chủ quan, vẫn làm lụng tối sáng, không ăn chơi lãng phí, tiết kiệm để trả hết nợ sớm nhất có thể. Kết quả trong vòng 2 năm tôi đã làm được điều đó!
Đối với tôi, 1 năm rưỡi đó gần như chiếm hết cả hơn 80% chặng đường 6 năm. Hình ảnh những lúc ngất xỉu vì làm việc quá sức nhưng chẳng ai thèm đếm xỉa, những lúc thèm thuồng đồ ăn dù rất rẻ nhưng cũng không có tiền mua, những lần bị phân biệt đối xử vì là người nước ngoài khiến khóe mắt tôi rưng rưng.
Nhưng thật ra nếu không có những điều đó thì tôi sẽ không mạnh mẽ được như bây giờ. Cuộc chiến đơn độc đó giúp tôi trưởng thành và hiểu được giá trị cuộc sống. Hiểu được rằng tự thân phải luôn cố gắng. Phải buông bỏ sĩ diện bản thân. Dù là công việc nhìn thấp tới mức nào chỉ cần nuôi sống bản thân và không ảnh hưởng tới mọi người thì cũng nên vui vẻ làm.
Tôi cũng biết ông trời sắp xếp như vậy để tôi trưởng thành hơn chứ thật ra ông vẫn luôn cho tôi những kết quả tốt đẹp nhất. Thật sự tôi thấy mình may mắn hơn những người bạn khác rất nhiều. Dù bây giờ cuộc sống tương lai vẫn còn nhiều thử thách, tôi tin chỉ cần tôi luôn sống “Chân”, sống “Thiện”, sống “Nhẫn” với tất cả mọi người, buông bỏ cái tôi, thì những điều tốt đẹp sẽ tiếp tục đến với tôi.
Cảm ơn tất cả bạn bè, thầy cô, người thân thương đã giúp đỡ tôi trong 6 năm qua!
Võ Nguyên Hồng Trang
(*) Võ Nguyễn Hồng Trang tốt nghiệp đại học vào tháng 3/2018, hiện là sinh viên theo học chương trình thạc sĩ tại trường Tokyo University of Agriculture and Technology. Bài viết do tác giả gửi TTVN. Tựa bài do TTVN đặt. Vui lòng xem bài gốc tại đây.
Xem thêm:
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…