Ngày xưa, trẻ bị đánh mắng không ít – nhưng vì sao hiếm ai trầm cảm đến mức tự tử? (Ảnh minh họa: Shutterstock)
Ngày nay, trẻ em đối mặt với nhiều áp lực từ học tập, kỳ vọng gia đình và xã hội khiến tỉ lệ trầm cảm và tự tử ở lứa tuổi này ngày càng gia tăng. Thế nhưng, nếu nhìn lại quá khứ, dù trẻ em thời xưa cũng thường xuyên bị la mắng, đánh đập, nhưng ít ai rơi vào tình trạng trầm cảm nặng nề đến mức không thể vượt qua. Vậy đâu là sự khác biệt giữa những thế hệ trước và bây giờ? Liệu có phải là cách giáo dục, môi trường sống hay sự thay đổi trong cách nhìn nhận về vấn đề tinh thần của xã hội hiện đại đã tác động đến sức khỏe tâm lý của trẻ em ngày nay?
Trong một video lan truyền trên mạng, hình ảnh một đứa trẻ chân tay lấm lem bùn đất, trông như một “chiến binh đất nung biết đi” đã khiến nhiều người bật cười thích thú.
Hóa ra, cậu bé này đang “chiến đấu với bùn” trên ruộng lúa cùng chị gái. Hai chị em ném bùn vào nhau, đứa này né, đứa kia ngã – những bước chân loạng choạng rồi lại lấm lem bùn đất. Chỉ trong chốc lát, cả hai đã trở thành “chiến binh bùn” giữa cánh đồng. Từ nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt các em có thể thấy rõ niềm vui hồn nhiên trọn vẹn.
Thấy con mình “hoang dã” như vậy, cha mẹ hai đứa trẻ vẫn thản nhiên. Họ chỉ mỉm cười nói: “Cứ để bọn trẻ chơi thoải mái! Chỉ cần chúng vui là được. Có người lớn ở đây rồi, không sao đâu”.
Thật ra, những hình ảnh như vậy không hề hiếm. Một lần, trời mưa khiến sân nhà đọng đầy nước. Đám trẻ con liền reo hò nhảy xuống chơi trò té nước đến ướt sũng. Mẹ tôi đứng ngay cạnh mỉm cười và giơ điện thoại lên chụp ảnh. Bà nói: “Trẻ con đứa nào chẳng thích chơi dưới nước, nên tôi để chúng chơi một lát cho thỏa thích. Hãy để các con được trải nghiệm niềm vui tuổi thơ”.
Hãy nhìn hai cậu nhóc kia – đá nước tung tóe lên trời, té nước vào nhau, chạy nhảy khắp nơi rồi ngồi bệt luôn xuống vũng nước… Trông thật hồn nhiên và rộn rã.
Cuốn sách ‘Bạn là món đồ chơi tốt nhất của con mình’ có viết: “Trẻ em có một loại phép thuật có thể biến những góc khuất bình thường thành những sân chơi kỳ diệu”. Đừng bao giờ đánh giá thấp một đứa trẻ có thể say mê chơi trong vũng nước hay bùn đất mà quên hết mọi thứ xung quanh. Những đứa trẻ biết chơi là những đứa trẻ biết tự tạo niềm vui, đồng thời học cách giải tỏa cảm xúc. Và đó cũng chính là một trong những lý do khiến trẻ em ngày xưa dù bị đánh mắng vẫn ít khi gặp các vấn đề tâm lý.
Có người từng nói: “Những đứa trẻ biết chơi thường học giỏi hơn và đạt thành tích tốt hơn”. Nhiều người đồng tình với nhận định này. Thế nhưng trong thực tế, không ít trẻ em phải dành gần như cả ngày để học ở trường hoặc làm bài tập ở nhà, hiếm khi có thời gian để thư giãn, vui chơi đúng nghĩa.
Có lần, một cậu bé đã gọi đến trung tâm tư vấn tâm lý cho trẻ em để xin vài lời an ủi. Trong nước mắt, cậu bé kể rằng mẹ sẽ đánh mỗi khi thấy cậu không học bài. Ngay cả sau khi đã hoàn thành hết bài tập về nhà, mẹ vẫn bắt cậu tiếp tục đọc và học không ngừng nghỉ. Cậu bé rơi vào trạng thái trầm cảm, đau khổ, bị dồn nén tâm lý đến mức suy nhược thần kinh. Cuối cùng, cậu đã gọi cảnh sát cầu cứu, nói: “Cháu muốn rời xa mẹ mãi mãi”.
Khi trẻ em bị quá tải bởi việc học, chúng không còn thời gian để “thở”, không có không gian để giải tỏa cảm xúc, và vì thế rất dễ gặp phải các vấn đề về tâm lý.
Kaikai, một học sinh lớp 1 trong chương trình tạp kỹ Dear Little Desk đã sớm gặp phải nhiều vấn đề như thiếu tập trung, khó hòa nhập và mặc cảm tự ti. Khi quan sát cuộc sống thường ngày của em, dễ dàng nhận ra rằng hầu hết các hoạt động ngoại khóa của Kaikai đều xoay quanh việc học. Em không có thời gian chơi với bạn bè, cũng không có cơ hội giao lưu với những người cùng trang lứa.
Chỉ trong một kỳ nghỉ, mẹ của Kaikai đã giao cho em tới 376 bộ bài tập, đăng ký ba lớp học năng khiếu, và liên tục kể về những đứa trẻ “gương mẫu” trong gia đình đã dành trọn mùa hè để học nhằm thúc ép em noi theo. Ngoài đời, có rất nhiều đứa trẻ giống như Kaikai.
Các em đến trường từ 7 giờ 30 sáng, học đến 5 giờ 30 chiều, rồi lại làm bài tập đến tận 11 hoặc 12 giờ đêm. Thứ Bảy và Chủ nhật cũng không được nghỉ ngơi, vì lịch học thêm và các lớp kỹ năng đã kín cả ngày. Trong suốt 12 năm liền, các em phải sống trong guồng quay học tập nặng nề như vậy. Liệu có bao nhiêu đứa trẻ thực sự có thể tận hưởng một môi trường giáo dục áp lực cao kéo dài quanh năm?
Tôi thường thấy nhiều người than phiền trên mạng rằng trẻ em ngày nay quá mong manh, dễ tổn thương. Chúng không thể bị la mắng hay đánh đòn, và chỉ cần không vừa ý là sẽ dọa tự tử. Nhưng thử nghĩ xem, trẻ em ngày xưa không phải đối mặt với quá nhiều bài tập hay kỳ thi như trẻ em hiện tại, và cũng không bị cha mẹ cằn nhằn hay chỉ trích liên tục. Dù có bị mắng hay đánh, trẻ em ngày xưa vẫn có thời gian ra ngoài chơi, và một khi được vui đùa, mọi lo lắng dường như tan biến.
Trên mạng xã hội từng có một câu hỏi: Ngày xưa trẻ con cũng thường bị la mắng, thậm chí bị đánh, vậy tại sao chúng không bị trầm cảm hay nhảy lầu?
Hàng ngàn câu trả lời đều quy về một điểm chung: trẻ em ngày xưa dù chịu áp lực từ người lớn vẫn có nhiều cách để giải tỏa cảm xúc. Ngoài việc học, các em còn có giặt giũ, nấu ăn, trông em, chạy nhảy ngoài trời… Cuộc sống không chỉ xoay quanh sách vở.
Thật vậy, tuổi thơ cần có niềm vui, vận động và sự sống động. Những đứa trẻ được vận động nhiều hơn, sống hòa mình với thiên nhiên và cuộc sống xung quanh sẽ có nội tâm mạnh mẽ và trái tim sáng rõ hơn.
Thế nào là một tuổi thơ thực sự hạnh phúc đối với trẻ em? Một tiến sĩ giáo dục cho biết: “Ngủ đủ giấc giúp cơ thể phát triển tốt; có nhiều hoạt động đa dạng như chạy nhảy tự do, tập thể dục vui vẻ, quan sát thiên nhiên, chơi cùng bạn bè hay đơn giản là thư giãn và mơ mộng… Cuộc sống như vậy sẽ khiến trẻ phấn chấn mỗi ngày, cảm nhận được niềm vui sống và kích thích sức sống bên trong”.
Nhưng trẻ em hiện nay có cuộc sống rất đơn điệu: dù sau “kép giảm” (giảm bài tập và giảm học thêm), phần lớn các em vẫn chỉ xoay quanh hai điểm là trường học và gia đình. Cách giải trí cũng khá nghèo nàn: điện thoại, máy tính, tivi – mà những thứ này lại thường bị phụ huynh xem như cái gai trong mắt. Hơn nữa, số lượng con cái trong mỗi gia đình hiện nay ít hơn trước, nên cha mẹ càng dễ dồn toàn bộ sức lực vào việc dạy dỗ.
Dưới áp lực từ cả hai phía, trẻ em hiện nay phải chịu nhiều tổn thương. Nếu không đạt điểm cao, chúng sẽ ám ảnh bởi sự chỉ trích của cha mẹ; nếu chơi điện thoại quá nhiều, chúng lại cãi vã và thậm chí bỏ nhà đi khi bị mắng.
Thực ra, không phải trẻ em muốn gây rắc rối, mà là thế giới của chúng quá nhỏ khiến những vấn đề nhỏ bé bỗng trở nên to lớn và khó giải quyết.
Ngược lại, trẻ em biết chơi lại có cách khác. Chúng biết cách giải trí, và dù vấn đề có lớn đến đâu chúng cũng không dễ dàng bị đánh bại.
Có một cậu bé rất thích chơi bóng rổ. Cậu nói: “Không có vấn đề gì không thể giải quyết được bằng một trận bóng rổ. Nếu một trận không hiệu quả thì chơi thêm một trận nữa”.
Cậu đã không làm tốt trong bài kiểm tra cơ bản, vì vậy đã chơi bóng để giải tỏa căng thẳng và cảm thấy tốt hơn. Mặc dù bị bố mẹ mắng cậu vẫn ra ngoài chơi bóng mà không nói một lời. Khi quay lại, mọi người đều đã bình tĩnh hơn. Năm ngoái, khi cậu là học sinh năm nhất trung học cậu bắt đầu sống trong ký túc xá. Các thầy cô lo lắng rằng cậu sẽ không quen với việc sống chung với bạn cùng phòng lần đầu tiên. Tuy nhiên, cậu đã chơi hai trận bóng rổ với bạn cùng phòng, và họ đã trở thành bạn thân. Cậu sống một cuộc sống đầy đủ, viên mãn và có trái tim mạnh mẽ.
Stuart Brown, bác sĩ người Mỹ, đã dành 42 năm theo dõi và phỏng vấn 6.000 người, phát hiện rằng những đứa trẻ không được vui chơi tự do khi còn nhỏ sẽ gặp khó khăn trong việc thích nghi với môi trường mới khi lớn lên.
Trẻ em được vui chơi tự do sẽ phát triển kỹ năng xã hội, khả năng chịu đựng căng thẳng và khả năng giải quyết vấn đề tốt hơn khi trưởng thành. Những đứa trẻ biết chơi thường có tính cách thoải mái, cởi mở và hành vi tự nhiên.
Chúng sẽ không cảm thấy lo lắng hay bị sa lầy vào những vấn đề học hành, kỳ thi hay trầm cảm tuổi dậy thì. Chúng sẽ không bị mắc kẹt trong lối mòn và có khả năng thích nghi tốt hơn với sự phức tạp của cuộc sống.
Vì vậy, nếu con bạn thích chơi đùa và tạo ra tiếng ồn, miễn là không vi phạm nguyên tắc, hãy để bé làm như vậy! Một đứa trẻ có thể nhảy nhót, cười đùa và tạo ra âm thanh sẽ mạnh mẽ hơn rất nhiều so với một đứa trẻ yếu đuối bên trong.
Mỗi năm sau khi có kết quả thi đại học, mọi người thường nhận thấy rằng những học sinh có điểm cao không chỉ là những người chăm chỉ học mà còn biết cách tận hưởng cuộc sống và vui chơi.
Một ví dụ điển hình là Trương Dao, một sinh viên xuất sắc đến từ Sơn Đông nổi tiếng với bộ “Tài liệu ôn tập Bát Quái”, và gần đây đã được nhận vào Khoa Y của Đại học Phục Đán.
Trong kỳ nghỉ hè sau kỳ thi tuyển sinh đại học, cô đã học bơi và luyện đàn guitar. Cô muốn thử sức với mọi thứ từ văn học đến thể thao. Trong những kỳ nghỉ trước đó, thay vì chỉ ở nhà học cô còn dành thời gian luyện thư pháp, học Sanda (một môn võ), và thậm chí tham gia các hoạt động phát biểu. Thỉnh thoảng, cô cũng chơi đồ chơi và xem phim khoa học viễn tưởng. Ngay cả trong năm cuối cấp 3, dù công việc học rất căng thẳng cô vẫn không từ bỏ sở thích và niềm vui của mình, thậm chí còn dành thời gian làm trợ lý giảng dạy ở trường trung học trong nửa tháng.
Ban đầu, bố của cô lo lắng rằng việc chơi quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến học tập của con, nhưng cô giáo đã khuyên ông: “Hãy để con thoải mái, đừng can thiệp quá nhiều vào lịch học của con”. Cuối cùng, ông đã yên tâm khi thấy kết quả học tập của con gái mình không bị ảnh hưởng.
Cô hiệu trưởng chia sẻ rằng Trương Dao rất tập trung khi học. Một khi bắt đầu, cô có thể đắm chìm hoàn toàn vào việc học, nhờ đó nhanh chóng nắm bắt được mọi kiến thức. Cô đã chứng minh rằng: “Hãy vui vẻ và sống một cuộc sống tuyệt vời”.
Có nhiều ví dụ chứng minh rằng trẻ em biết chơi thường có thành tích học tập tốt hơn. Một nghiên cứu ở Georgia, Hoa Kỳ cho thấy trẻ em được vui chơi tự do có khả năng phát triển tư duy sáng tạo cao gấp ba lần so với trẻ em bình thường. Đồng thời, những trẻ vui chơi thường xuyên cũng đạt điểm cao hơn về tính đa dạng của các giải pháp được đưa ra.
Tầm quan trọng của việc vui chơi đối với trẻ em là điều không thể phủ nhận.
Học tập là hoạt động tiêu tốn nhiều năng lượng, trong khi vui chơi lại giúp nuôi dưỡng não bộ và phát triển tư duy. Khi trẻ cảm thấy mệt mỏi vì học, cha mẹ có thể đưa trẻ ra ngoài để chơi thể thao, chơi cờ hoặc chỉ đơn giản là trò chuyện cùng trẻ. Những hoạt động này giúp trẻ thoát khỏi không khí căng thẳng của việc học và có thời gian nghỉ ngơi. Chỉ khi kết hợp hài hòa giữa công việc và nghỉ ngơi trẻ mới có thể đạt được thành công lâu dài.
Vương Vũ Hằng, một “siêu học giả” nổi tiếng trong chương trình “Siêu trí tuệ”, khi còn nhỏ đã thường xuyên đi du lịch và vui chơi cùng cha mẹ. Anh ít khi học hành chăm chỉ nhưng luôn nằm trong top ba của mọi kỳ thi.
Sau đó, anh trúng tuyển vào Học viện Mỹ thuật Đại học Thanh Hoa và trở nên nổi tiếng qua bộ phim “Bộ não”.
Khi con gái ra đời, Vương Vũ Hằng đã truyền lại thói quen vui chơi, chạy nhảy của mình cho con. Anh tự tay tạo ra một thế giới thu nhỏ dưới nước cho con gái, giúp cô bé học về sự đa dạng sinh học trong khi vui chơi. Anh cũng thường xuyên đưa con gái ra ngoài trồng hoa để cô bé tận mắt chứng kiến “mùa hoa nở” như trong sách vở.
Anh nhận ra rằng kiến thức từ sách vở có giới hạn, vì thế anh đã trao đổi với giáo viên để con gái chỉ học nửa thời gian ở trường, nửa thời gian còn lại sẽ ra ngoài chơi cùng anh. Vào các ngày cuối tuần, anh “mất liên lạc” cả ngày, dành thời gian chơi xích đu với con, ngắm sứa tại thủy cung và chơi với cá heo Baiji…
Anh Vương tin rằng nếu một đứa trẻ không được chơi thì làm sao nó có thể học? Mỗi khi có thời gian rảnh anh lại đưa con gái chạy nhảy trong thiên nhiên và khám phá những điều kỳ diệu của thế giới. Anh hiểu rằng thế giới của trẻ em không chỉ cần có sách giáo khoa và vở viết, mà còn phải có cây xanh và những trải nghiệm phong phú.
Chơi cũng là một hình thức giáo dục kết hợp giữa học hỏi và giải trí, giữa việc học và niềm vui. Trẻ em sẽ học được nhiều hơn khi được khám phá thế giới xung quanh với thái độ vui tươi thay vì chỉ ghi nhớ kiến thức một cách máy móc. Khi trẻ được chơi và chạy nhảy một cách thoải mái, chúng sẽ cảm thấy vui vẻ hơn rất nhiều so với việc ngồi vào bàn học và lo lắng về bài vở. Cuộc sống không chỉ gói gọn trong sách vở mà còn có một thế giới rộng lớn hơn bên ngoài. Và chơi chính là một cách để trưởng thành. Cha mẹ chính là người bạn chơi tuyệt vời nhất và là người bạn học đáng tin cậy nhất của con cái.
Trúc Nhi biên dịch
Theo Secretchina
Nếu không tính giao dịch thỏa thuận, thanh khoản trên HOSE giảm nhẹ so với…
Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư Tô Lâm ký, xác…
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam nằm trong số 6 nước được…
TP.HCM ưu tiên chuyển đổi các trụ sở công dôi dư sau sáp nhập thành…
Động thái mua trước chuẩn bị của giới doanh nghiệp là dấu hiệu lạc quan…
Tỷ phú Warren Buffett đã lên tiếng chỉ trích chính sách thương mại của Tổng…