Chỉ cần một lọ hoa nhỏ cũng có thể làm sáng bừng ngôi nhà của bạn. (Ảnh: Shutterstock)
Chỉ cần một bông hoa nhỏ, bạn có thể khơi dậy cảm hứng làm mới không gian sống một cách nhẹ nhàng và đầy bất ngờ. “Hiệu ứng bông hoa nhỏ” không chỉ khiến căn nhà trở nên gọn gàng, tươi sáng hơn mà còn thúc đẩy bạn thay đổi từ những điều nhỏ nhặt nhất: dọn mặt bàn, gấp chăn gối, cất túi xách đúng chỗ. Khi biết cách tận dụng hiệu ứng này bạn sẽ thấy việc dọn dẹp không còn là gánh nặng mà trở thành một hành trình làm đẹp cho cả ngôi nhà – và chính bản thân mình.
Đối với những ai quan tâm đến việc giữ gìn tổ ấm gọn gàng, ‘hiệu ứng bông hoa nhỏ’ hẳn là một khái niệm không còn xa lạ.
Ngày xưa, có một người đàn ông sống trong cảnh đầu tóc rối bù, nhà cửa thì bừa bộn và dơ bẩn. Một hôm, anh được tặng một bông hoa tươi. Mang hoa về, anh muốn tìm một nơi thật đẹp để cắm nhưng không có lấy một chiếc bình sạch. Thế là anh bắt đầu rửa sạch tất cả các loại bình và lọ trong nhà.
Khi cắm xong hoa, anh đặt bình hoa lên bàn nhưng lại nhận ra mặt bàn đầy bụi bẩn và rác vụn. Anh liền lau dọn bàn thật sạch sẽ. Chiếc bình hoa được đặt ngay ngắn trên mặt bàn sạch bóng khiến anh bất giác để ý đến sàn nhà, tủ, giường và các góc khác – tất cả đều lộn xộn. Thế là anh lại xắn tay lên dọn dẹp toàn bộ nhà cửa, vứt bỏ những thứ không cần thiết. Chẳng bao lâu cả căn nhà trở nên sạch sẽ, sáng sủa như mới.
Anh đưa mắt nhìn quanh, trong lòng tràn ngập sự hài lòng. Đúng lúc đó, ánh mắt anh chợt bắt gặp hình ảnh phản chiếu của chính mình trong gương — và giật mình thảng thốt! “Bông hoa thì đẹp thật đấy, nhưng sao mình lại trông nhếch nhác thế này!” Nghĩ vậy, anh vội vàng đi rửa mặt, tắm rửa, cạo râu, thay bộ quần áo sạch sẽ, chỉnh tề. Chỉ đến khi ấy anh mới cảm thấy mọi thứ xung quanh — và cả bản thân mình — mới thật sự xứng đáng với vẻ đẹp tinh khôi của bông hoa tươi.
Đây chính là “hiệu ứng bông hoa nhỏ”: từ một bông hoa bé xinh, không chỉ khiến căn nhà trở nên sáng sủa, gọn gàng, mà còn khiến con người ta trở thành phiên bản tốt đẹp hơn của chính mình.
Câu chuyện về “hiệu ứng bông hoa nhỏ” mang hai ý nghĩa quan trọng: một là nhận ra, hai là hành động. “Nhận ra” tức là có sự tỉnh thức, ý thức được mong muốn thay đổi; còn “hành động” là bắt đầu biến mong muốn ấy thành hiện thực. Việc nhận thấy sự bừa bộn xung quanh là nhờ vào sự hiện diện của bông hoa tươi đẹp – nó đóng vai trò như một điểm đối chiếu, làm nổi bật những gì chưa phù hợp. Chính vì vậy, khi ta chủ động tạo ra “hiệu ứng bông hoa nhỏ” cho riêng mình, ta sẽ dần nhận ra những điều cần thay đổi, những điều có thể trở nên đẹp hơn.
Có lẽ vì mua một bó hoa, bạn sẽ muốn dọn sạch mặt bàn; có lẽ vì muốn đặt chiếc ly hay bình yêu thích, bạn sẽ vứt bỏ những món đồ lặt vặt chất đầy trong tủ bếp; cũng có thể vì yêu thích khoảng không trống trải sau khi đã dọn dẹp, bạn sẽ tiếp tục dọn thêm nhiều khoảng trống khác nữa.
Nhiều người cảm thấy bất lực trước đống đồ đạc bừa bộn trong nhà, không biết nên bắt đầu dọn dẹp từ đâu. Sống lâu trong môi trường lộn xộn cũng khiến họ khó hình dung ra một không gian sống ngăn nắp, đơn giản và thoáng đãng.
Nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc bắt tay vào dọn dẹp, hoặc thậm chí còn chưa bắt đầu, thì đây là một phương pháp đơn giản, dễ thực hiện: dọn dẹp các bề mặt phẳng.
Hãy thử dọn sạch mọi mặt phẳng trong nhà — bao gồm tủ giày, bàn ăn, giường ngủ, bồn rửa bát, khu vực quanh bếp ga, bàn làm việc, và đặc biệt là sàn nhà, nơi chiếm diện tích lớn nhất. Ngoài một vài món đồ thật sự cần thiết hoặc vật trang trí có chủ đích, hãy tạm thời dọn sạch mọi thứ khỏi các bề mặt này.
Khi các mặt phẳng trở nên gọn gàng, sự tương phản với những khu vực còn bừa bộn sẽ hiện rõ. Chính sự đối lập này sẽ thôi thúc bạn muốn tiếp tục dọn dẹp. Mỗi ngày, bạn chỉ cần dọn dẹp một khu vực – dần dần, điều này sẽ trở thành thói quen: thói quen thu dọn, thói quen yêu thích sự gọn gàng. Từ những bề mặt bên ngoài, bạn sẽ dần có động lực mở tủ sắp xếp cả bên trong — như một hành trình phát triển năng lực tổ chức và gu thẩm mỹ, bắt đầu từ bên ngoài đi vào bên trong.
Ngay cả khi bạn chưa thực sự muốn dọn dẹp kỹ lưỡng, chỉ cần tạm cất đồ vào ngăn tủ hay xếp gọn lại cũng đủ để cảm nhận sự khác biệt. Khi bạn bắt đầu cảm thấy dễ chịu trước một mặt bàn trống trải, sạch sẽ, bạn sẽ “nghiện” cảm giác đó và có thêm động lực để duy trì.
Đây chưa phải là kết quả cuối cùng của một quá trình dọn dẹp hoàn chỉnh — nên không cần đến kỹ thuật phức tạp. Nhưng nó lại chính là bước khởi đầu quan trọng. Nếu bạn đang thiếu động lực và chưa biết nên làm gì trước tiên, hãy bắt đầu bằng cách này.
Việc làm trống nên bắt đầu từ các bề mặt phẳng – bạn có thể chọn những khu vực lớn trước như sàn nhà, mặt bàn, ghế sofa, giường ngủ, cho đến các mặt trên của đồ nội thất. Những bề mặt này vốn dĩ là để đi lại, ngồi, nằm hoặc làm việc – chứ không phải nơi để chất đồ. Nếu bạn có thể hình thành thói quen không để đồ trên các bề mặt đó, dần dần bạn sẽ cảm nhận được những giá trị bất ngờ trong cuộc sống.
Dù là phòng khách, phòng ăn, phòng ngủ hay phòng tắm, hãy đảm bảo không để bất kỳ vật dụng nào trên sàn ngoại trừ đồ nội thất.
Sàn phòng khách là khu vực có diện tích lớn và dễ nhận thấy nhất trong nhà. Vì vậy, việc giữ cho khu vực này luôn gọn gàng, trống thoáng sẽ tạo cảm giác không gian rộng rãi, sạch sẽ và dễ chịu.
– Dọn sạch mọi vật dụng không cần thiết trên sàn như túi xách, giày dép, thùng giấy, vali, đồ chơi trẻ em hay đồ dùng chưa kịp sắp xếp. Mục tiêu là để sàn càng trống càng tốt.
– Sau mỗi lần đi ra ngoài hoặc trở về từ một chuyến đi, hãy dành vài phút để xếp gọn hành lý, cất giày dép đúng chỗ và không để đồ bừa bãi trên sàn. Thói quen nhỏ này giúp phòng khách luôn gọn gàng, không tích tụ đồ đạc dư thừa.
– Sử dụng robot hút bụi để vệ sinh sàn hằng ngày hoặc cách ngày sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian.
Mặt bàn là nơi dễ bị chất đầy đồ đạc linh tinh – từ giấy tờ, hóa đơn, chìa khóa, hộp đựng đồ, chai nước cho đến các vật dụng nhỏ chưa biết để đâu. Tuy nhiên, việc giữ cho mặt bàn luôn trống trải có thể mang lại nhiều lợi ích thiết thực:
– Sẵn sàng sử dụng ngay khi cần: Khi bàn được giữ sạch sẽ bạn có thể lập tức dùng để ăn uống, làm việc, viết lách hay gói quà… mà không cần tốn thời gian dọn dẹp. Điều này giúp tiết kiệm thời gian và tránh cảm giác trì hoãn.
– Khơi gợi động lực dọn dẹp lan tỏa: Một khi bạn bắt đầu dọn dẹp và lau sạch mặt bàn, bạn sẽ dễ dàng nhận ra những khu vực khác cũng đang bừa bộn – như kệ tủ, sàn nhà, ghế sofa… Cảm giác “đã tay” khi dọn bàn thường khiến bạn muốn tiếp tục làm sạch cả căn nhà.
– Giải tỏa tâm lý bận rộn và áp lực: Một chiếc bàn sạch sẽ mang lại cảm giác như vừa được “xóa sạch” tất cả sự hỗn độn và căng thẳng để bạn bắt đầu ngày mới, hoặc tiếp tục công việc với sự nhẹ nhàng và tập trung hơn.
– Dễ duy trì thói quen gọn gàng: Khi bạn đã quen với việc dọn dẹp, bạn sẽ có xu hướng tránh để đồ lung tung, từ đó hình thành thói quen sắp xếp mọi thứ đúng chỗ.
Bắt đầu từ chiếc bàn ăn, bàn làm việc, bàn trà trong phòng khách – hãy thử dọn sạch mọi thứ, lau chùi cho sáng bóng. Bạn sẽ ngạc nhiên vì cảm giác dễ chịu đến từ một thay đổi nhỏ như vậy.
Hãy tập thói quen dọn trống sofa trước khi đi ngủ và dọn trống giường ngay sau khi thức dậy. Đây không chỉ là việc dọn dẹp đơn thuần, mà còn là cách thiết lập một “nhịp sinh hoạt gọn gàng” mỗi ngày.
– Giống như bấm nút bắt đầu và kết thúc cho một ngày: Dọn sạch sofa vào buổi tối giúp bạn kết thúc ngày một cách gọn gàng, còn dọn giường sau khi ngủ dậy là cách bạn “khởi động” một ngày mới đầy năng lượng. Việc này có thể giúp điều chỉnh tâm trạng và duy trì kỷ luật cá nhân.
– Tạo cảm giác được chăm sóc và thư giãn: Khi sofa sạch sẽ, gọn gàng bạn sẽ cảm thấy dễ chịu khi ngồi nghỉ ngơi, đọc sách hay trò chuyện. Tương tự, một chiếc giường gọn gàng giúp bạn thư thái hơn khi trở về phòng sau một ngày dài.
– Phát hiện và cải thiện thói quen sinh hoạt chưa hợp lý: Ghế sofa và giường ngủ thường là nơi chất đống quần áo đã thay, túi xách, khăn, gối dư thừa… Điều này cho thấy bạn chưa có chỗ cất đồ hợp lý cho các vật dụng sử dụng thường xuyên. Khi bạn tập thói quen dọn trống những bề mặt này mỗi ngày bạn sẽ dần nhận ra cần sắp xếp lại không gian sống để tiện lợi và dễ duy trì hơn.
Các mặt phẳng trên như tủ giày, kệ tivi, tủ bếp, tủ đựng đồ, bồn rửa mặt… thường bị tận dụng làm nơi đặt đồ tạm thời, khiến không gian trở nên bừa bộn lúc nào không hay. Vì vậy, hãy cố gắng giữ các bề mặt này trống trải, chỉ để lại vài món đồ thật sự cần thiết hoặc trang trí đơn giản.
– Là bước quan trọng để hướng đến lối sống tối giản: Khi bạn giải phóng những bề mặt này, bạn đang dần tách mình khỏi thói quen tích trữ. Việc không chất đồ lên mặt tủ buộc bạn phải cất chúng vào nơi lưu trữ cố định – từ đó, không gian trở nên rõ ràng, có trật tự hơn.
– Tạo cảm giác rộng rãi và thoáng đãng: Một căn phòng có nhiều bề mặt trống sẽ trông sạch sẽ và nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Mắt bạn sẽ có chỗ “thở”, và tâm trạng cũng vì thế mà bớt áp lực, dễ chịu hơn.
– Giúp bạn trân trọng đồ dùng hơn: Khi chỉ để lại những vật phẩm thực sự yêu thích hoặc cần thiết trên các bề mặt bạn sẽ chú ý hơn đến giá trị của chúng. Điều này cũng giúp bạn giữ gìn đồ đạc sạch sẽ và có ý thức sắp xếp hợp lý hơn trong sinh hoạt hàng ngày.
Trúc Nhi biên dịch
Theo Epoch Times
VKSND TP. Hà Nội đề nghị mức án từ án treo đến 18 năm tù…
Lạm phát tại Mỹ bất ngờ hạ nhiệt trong tháng 4, chỉ tăng 2,3% so…
Giữa cơn mưa lớn, chiếc xe cứu thương chở nam bệnh nhân đang trong tình…
Việt Nam tăng cường kiểm soát hàng giả nhập khẩu tại biên giới, khuyến cáo…
Tổng thống Trump sẽ cử hai đặc sứ cao cấp là ông Steve Witkoff và…
Tổng thống Putin nói rằng Nga sẵn sàng chào đón một số công ty phương…