Người dân tại 21 quốc gia trên toàn thế giới ăn gì trong đêm Giao thừa? (P.1)
Vào dịp năm mới, mỗi một quốc gia trên thế giới lại có món ăn đón Giao thừa hoàn toàn khác biệt. Ví dụ như: người Thổ Nhĩ Kỳ thích thưởng thức quả lựu, trong khi đó người Nhật lại thích ăn mì Soba.
Cùng điểm qua những món ăn đặc biệt mà người dân tại 21 quốc gia trên thế giới dùng để chào đón năm mới:
1/ Hy Lạp: Bánh vasilopita
Đây là một loại bánh cà phê thường được làm với hạnh nhân, được nướng theo kiểu truyền thống bằng cách đặt một đồng xu nhỏ vào trong lòng bánh. Tương truyền rằng vào thời khắc ngay sau khi chuyển giao sang năm mới hoặc vào ngày đầu tiên của năm mới, khi các thành viên trong gia đình cùng nhau cắt bánh, nếu người nào tìm thấy đồng xu này trong phần bánh của mình thì người đó sẽ may mắn trong cả năm đó.
2/ Nhật Bản: Mì Soba
Mì soba được xem là món ăn chính thức trong đêm giao thừa tại xứ sở Phù Tang, món này có tên gọi đầy đủ là toshikoshi soba, nghĩa là năm cũ đã qua. Sợi mì được làm bằng bột kiều mạch, thân mì thuôn dài tượng trưng cho cuộc sống trường thọ. Chính vì điều đó, khi người Nhật dùng mì soba, họ không bao giờ cắt đứt sợi mì, mà ăn bằng cách húp sợi mì cho đến hết chiều dài thì mới thôi.
3/ Mexico: Bánh Rosca de Reyes
Bánh Rosca de Reyes là món bánh truyền thống của Mexico, được nướng với dạng hình vòng như chiếc nhẫn, và phủ trên nó là các loại kẹo trái cây. Ngoài ra, người ta còn đặt trong nhân bánh một món trang sức nhỏ hoặc một đồng xu. Ý nghĩa của món trang sức giấu trong chiếc bánh chính là hình ảnh chúa Hài đồng Jesus được sự trợ giúp của Ba người thông thái, đã trốn thoát khỏi sự truy sát của vua Heroid. Vậy nên, bất cứ ai tìm thấy món đồ này trong phần bánh của mình, người ấy sẽ được may mắn trong năm đó.
4/ Ai-len: bánh mì phết bơ
Nhiều nhà sử gia nói rằng người Ai-len thường bỏ những ổ bánh mì phết bơ trên bậc cửa ngoài nhà trong dịp năm mới, để trẻ em tại địa phương có thể đến và nhặt mang về. Người ta tin rằng miếng bánh mì để ngoài cửa tượng trưng cho một ngôi nhà không có sự nghèo đói, và chủ nhân của ngôi nhà sẽ có một năm mới no ấm sung túc đang chờ đón.
5/ Nam Mỹ: Đậu mắt đen
Đậu mắt đen được ví như những đồng xu nhỏ, tượng trưng cho của cải sung túc đang chờ đón trong năm mới. Một giả thuyết khác cho rằng đậu mắt đen được ví như sự may mắn, bởi nó là cây trồng duy nhất mà những người lính Liên Bang Miền Bắc không thèm ăn trong cuộc nội chiến Mỹ, có nghĩa rằng cây đậu mắt đen là thứ đã nuôi sống những người lính thuộc phe Liên Minh Miền Nam.
6/ Thụy Điển và Na-uy: Bánh pudding gạo
Thông thường, người Thụy Điển và người Na Uy thường hay đặt một hạt hạnh nhân trong bánh pudding gạo, nếu ai tìm được nó thì được cho là năm mới sẽ thịnh vượng.
7/ Argentina: Đậu
Người Argentina tin rằng ăn đậu vào những ngày đầu năm mới sẽ giúp họ có công việc ổn định hoặc tìm được một công việc khác tốt hơn.
8/ Hàn Quốc: Canh bánh gạo (tteokguk)
Loại canh năm mới này được nấu với bánh gạo, nước xương, thịt, hành hoa và một số loại rau khác. Trong ngày đầu năm, cả gia đình người Hàn Quốc sẽ cùng nhau quây quần và thưởng thức món canh này, họ tin rằng nó sẽ mang lại may mắn và sức khỏe dồi dào. Đối với người Hàn Quốc, dịp năm mới cũng quan trọng như ngày sinh nhật, thế nên người ta cũng tin rằng món canh này sẽ đem đến thêm một năm tuổi thọ cho bất cứ ai ăn nó.
9/ Đức: Bánh Berliner
Món bánh donut biến thể phiên bản Đức này được biết với tên gọi là Berliner hoặc Krapfen. Người Đức thường ăn bánh này vào đêm Giao thừa, bánh được phủ bởi một lớp bột đường và có nhân mứt trái cây. Tuy nhiên trong ngày lễ này, nhiều người với khiếu hài hước của mình đã bày trò ‘chơi khăm’ bằng cách mời bạn mình những chiếc bánh bơm đầy nhân mù tạt.
10/ Iran: Faloodeh
Món tráng miệng này được làm từ bún dai và si-rô ngọt, nước hoa hồng hoặc nước chanh, được dùng trong nhiều dịp lễ tại vùng đất cổ Ba Tư, trong đó có dịp lễ năm mới.
11/ Cộng hòa Bê-la-rút: Bắp
Những phụ nữ chưa kết hôn tại Bê-la-rút sử dụng hạt bắp để xem ai sẽ là người đi lấy chồng trong năm tới. Mỗi người đặt một đống hạt bắp trước mặt mình và cùng nhau đợi cho người ta thả con gà trống ra. Nếu con gà trống đến và mổ đống bắp của ai trước thì người đó sẽ là người đầu tiên đi lấy chồng.