Đời Sống

Tại sao khiêm tốn lại mang đến nhiều lợi ích bất ngờ?

Người khiêm tốn nhất trong chúng ta thường chính là những nhà lãnh đạo vĩ đại, những người thầy tận tâm, người bạn đời lý tưởng hay bậc cha mẹ tuyệt vời.

Những người khiêm tốn nhất trong chúng ta thường là những nhà lãnh đạo, giáo viên, người bạn đời lý tưởng và cha mẹ tuyệt vời nhất. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Đây là phần 12 trong loạt bài “Mỹ đức Y học”

Loại thuốc nào an toàn, hiệu quả, miễn phí và chỉ cần một sự thay đổi tinh tế về góc nhìn là đã phát huy tác dụng? Chúng tôi mời bạn khám phá mối quan hệ thường bị bỏ qua giữa đức hạnh và sức khỏe – ‘Mỹ đức y học’.

Khi còn là một thanh niên, Benjamin Franklin vô cùng say mê các cuộc tranh luận. Với kỹ năng hùng biện sắc sảo, ông rất tự hào về những chiến thắng của mình. Dù có khi về mặt lý thuyết ông sai, nhưng về mặt ngôn từ thì ông luôn đúng. Tuy nhiên, khi trưởng thành hơn, ông nhận ra rằng những chiến thắng đó lại phải trả giá bằng sự xa lánh và thái độ thù địch từ người khác.

Suy ngẫm về thói kiêu ngạo của mình, Franklin đã viết trong cuốn tự truyện rằng “Tôi quyết tâm, cố gắng tự sửa chữa, nếu có thể, những tật xấu hay sự dại dột này”. Bước ngoặt đến khi ông tuân theo một châm ngôn đơn giản: “Hãy noi gương Chúa Jesus và Socrates”.

Franklin đã nỗ lực để thể hiện đức tính khiêm tốn của Chúa Jesus và Socrates. Bằng cách làm mềm mại ngôn từ của mình bằng những cụm từ như “theo tôi thấy“, Franklin đã biến những người đối thoại, thậm chí cả những người từng là đối thủ, thành bạn bè. Chính sự thay đổi trong phong thái của ông đã tạo nên thiên tài ngoại giao mà lịch sử ngày nay vẫn luôn ca ngợi.

Thế nhưng, sức mạnh thầm lặng của đức tính khiêm tốn không chỉ dừng lại ở lĩnh vực ngoại giao. Dữ liệu gần đây cho thấy việc sống khiêm tốn mang lại lợi ích to lớn cho cả cá nhân và cộng đồng, thậm chí còn dẫn đến những thành công vượt trội một cách bất ngờ.

Chấp nhận sự bất định

Sự khiêm tốn bắt đầu bằng việc thừa nhận một cách trung thực về những hạn chế của bản thân – cả về năng lực lẫn kiến ​​thức. Nó đòi hỏi có một cái nhìn chính xác về bản thân, không bị thổi phồng hay khiêm tốn giả tạo.

Thế nhưng, đa số chúng ta đều thất bại trong việc tự đánh giá cơ bản này.

Trong các nghiên cứu, khi được yêu cầu ước tính hiệu suất của mình sau khi trả lời các câu hỏi, ngay cả những người khiêm tốn với sự tự tin thấp vẫn thường đánh giá quá cao bản thân một cách đáng kể. Họ có thể tự nhận đạt tới 70% độ chính xác, trong khi điểm số thực tế chỉ gần 35%.

Mark Leary, Giáo sư Tâm lý học và Thần kinh học tại Đại học Duke, người chuyên nghiên cứu về sự khiêm tốn cho biết, sự tự tin thái quá như vậy không chỉ dành riêng cho những người táo bạo hay kiêu ngạo mà đó là bản chất con người. Do đó, chúng ta cần thích nghi và điều chỉnh theo nó. Mọi chuyện bắt đầu bằng việc thừa nhận – giống như Socrates – rằng: “Tôi biết rằng tôi không biết gì cả”. Các nhà tâm lý học gọi nhận thức về tính dễ sai lầm của bản thân này là “sự khiêm tốn về mặt trí tuệ”.

“Sự khiêm tốn về mặt trí tuệ đơn giản là nhận ra rằng mọi điều bạn tin có thể không hoàn toàn chắc chắn hoặc đúng”, Giáo sư Leary chia sẻ với tờ The Epoch Times và cho biết rằng mặc dù nhận thức này ban đầu có thể gây khó chịu, nhưng nó lại mở ra cánh cửa dẫn đến tiềm năng học hỏi, cải thiện và thành công vô song.

Một loạt các nghiên cứu được công bố trên Learning and Individual Differences (Tập san Học tập và Khác biệt Cá nhân) cho thấy, trong các môi trường phòng thí nghiệm có kiểm soát, những người có sự khiêm tốn về mặt trí tuệ có xu hướng đón nhận thử thách và kiên trì hơn khi đối mặt với thất bại.

Sau đó, các nhà nghiên cứu đã chuyển hướng điều tra sang thế giới thực. Họ đo lường sự khiêm tốn về mặt trí tuệ của học sinh trung học và quan sát cách các em phản ứng với điểm thi môn toán của mình. Những học sinh có sự khiêm tốn về mặt trí tuệ cao hơn đã thể hiện sự kiên cường và tư duy phát triển, bày tỏ: “Đối với bài kiểm tra tiếp theo, em sẽ cố gắng xác định những gì mình chưa hiểu rõ”.

Ngược lại, những học sinh thiếu sự khiêm tốn về mặt trí tuệ lại rơi vào tình trạng bất lực, đồng ý với các tuyên bố như: “bỏ học” và thậm chí là “cố gắng gian lận”.

Điều gì tạo nên sự khác biệt này? Các nhà nghiên cứu cho biết sự tò mò là yếu tố then chốt. Dựa trên các bằng chứng hiện có, họ cho rằng những người có sự khiêm tốn về mặt trí tuệ thực sự yêu thích việc học hành. Họ cũng học được nhiều hơn khi kiểm tra lại các giả định của mình, luôn cởi mở đón nhận lời khuyên và sẵn lòng đối mặt với sự bất định.

Elizabeth Krumrei-Mancuso, Giáo sư Tâm lý học tại Đại học Pepperdine và là nhà nghiên cứu về sự khiêm tốn, cũng tìm thấy những điểm tương đồng trong nghiên cứu của mình. Bà chia sẻ với tờ The Epoch Times rằng: “Chúng tôi phát hiện ra rằng, mặc dù sự khiêm tốn về mặt trí tuệ không liên quan trực tiếp đến chỉ số IQ hay mức độ thông minh của mọi người, nhưng nó lại có mối liên quan với lượng kiến ​​thức mà họ sở hữu”.

Giáo sư Mancuso giải thích cơ chế đơn giản này: “Nếu bạn sẵn sàng thừa nhận với bản thân và với người khác những gì bạn không biết, thì bạn cũng có nhiều khả năng tiếp thu và tiếp nhận thông tin mới hơn”.

Ngay cả những giáo viên dám nói “Tôi không biết” cũng mang lại lợi ích cho cả lớp học. Một nghiên cứu năm 2024 cho thấy rằng khi giáo viên công khai thừa nhận những lỗ hổng trong kiến ​​thức của mình, thừa nhận lỗi sai và học hỏi từ quan điểm của học sinh, các em sẽ cảm thấy được chấp nhận hơn và có nhiều khả năng tham gia vào các cuộc thảo luận trên lớp hơn. Sự thay đổi trong bầu không khí này trực tiếp dẫn đến kết quả học tập tốt hơn – điểm số cải thiện 4% cho mỗi độ lệch chuẩn tăng lên trong sự khiêm tốn của giáo viên.

Tác phẩm “Modesty” (Sự khiêm nhường), bằng đá cẩm thạch, 1866. (Ảnh: Giosuè Argenti/ Wikimedia Commons CC BY-SA 4.0)

Khiêm tốn vượt trội hơn IQ

Vai trò của sự khiêm tốn trong thành tích học tập tương đối dễ hiểu. Vậy còn sự khiêm tốn ở nơi làm việc thì sao?

Theo truyền thống, các chuyên gia công nhận 2 yếu tố dự đoán thành công chính gồm: khả năng trí tuệ – tức trí thông minh, quyết định giới hạn hiệu suất của một người, và sự tận tâm – đạo đức nghề nghiệp, xác định động lực để một người thực hiện công việc. Tuy nhiên, một nghiên cứu được công bố trên Organization Science (Tập san Khoa học về Tổ chức) đã đưa sự khiêm tốn vào phương trình, đo mức độ sẵn sàng thực hiện hành động khắc phục của mọi người sau khi có hiệu suất thực hiện kém.

Nghiên cứu này phát hiện ra rằng, sự khiêm tốn dự đoán hiệu suất tốt hơn cả về khả năng trí tuệ và sự tận tâm. Đáng chú ý, sự khiêm tốn cao có thể bù đắp cho khả năng trí tuệ thấp. Những người có khả năng nhận thức kém hơn nhưng có sự khiêm tốn cao đã đạt được điểm hiệu suất tương đương và trong một số trường hợp còn tốt hơn những người có khả năng nhận thức cao hơn nhưng có sự khiêm tốn thấp.

Các nhà nghiên cứu cho rằng “hiệu ứng bù đắp” của sự khiêm tốn có thể được quy cho sự sẵn lòng học hỏi và trưởng thành từ những sai lầm.

Vậy còn những người ở vị trí lãnh đạo thì sao? Các nhà lãnh đạo thường được ca ngợi là tự tin và có tầm nhìn. Liệu sự khiêm tốn có phải là một bất lợi trong những vai trò đòi hỏi sự chắc chắn không?

Hóa ra những nhà lãnh đạo hiệu quả nhất lại thể hiện một nghịch lý đáng ngạc nhiên.

Những nhà lãnh đạo không phô trương

Jim Collins, nhà nghiên cứu và là tư vấn kinh doanh, cùng nhóm của ông đã nghiên cứu kỹ gần 1.500 công ty, tìm kiếm những mô hình có thể lý giải vì sao chỉ một số ít công ty có thể vượt lên từ mức bình thường thành phi thường. Ông Collins đã ghi lại những phát hiện của mình trong cuốn sách bán chạy nhất “Từ tốt đến vĩ đại”.

Sau nhiều thập niên phân tích dữ liệu, nhóm nghiên cứu chỉ tìm thấy 11 công ty đáp ứng được tiêu chí của họ. Những công ty này không phải là công ty khởi nghiệp hay những gã khổng lồ công nghệ may mắn. Đó là những tập đoàn như Walgreens, Kimberly-Clark và Nucor – những ngành công nghiệp đã âm thầm vượt trội hơn cả Coca-Cola, Intel và General Electric.

Nhóm nghiên cứu đã chuyển hướng chú ý và phân tích các nhà lãnh đạo của những công ty này.

Mỗi một công ty “vĩ đại” này đều có một nhà lãnh đạo sở hữu sự kết hợp hiếm có và nghịch lý: sự khiêm tốn cá nhân xuất sắc và ý chí chuyên nghiệp mạnh mẽ.

Ông Collins gọi họ là những nhà lãnh đạo cấp độ 5.

Các nhà lãnh đạo cấp độ 5 là loại hiếm nhất. Giống như những nhà quản lý khác, họ hiệu quả trong việc tổ chức con người và nguồn lực để đạt được mục tiêu. Điểm khác biệt duy nhất là họ tránh xa ánh đèn sân khấu và nhường công lao cho người khác – họ là những người khiêm tốn.

Khi được yêu cầu nói về bản thân, họ thường nói những điều như: “Tôi không nghĩ mình là người có nhiều công lao. Chúng tôi đã may mắn có được những con người tuyệt vời”.

Khi mọi thứ diễn ra không như ý, họ chịu hoàn toàn trách nhiệm. Khi mọi thứ suôn sẻ, họ chỉ tay ra cửa sổ – không bao giờ nhìn vào gương.

Điều gì đã thúc đẩy những kết quả đáng chú ý này?

Giáo sư Leary giải thích rằng, những nhà lãnh đạo khiêm tốn thúc đẩy người khác đóng góp nhiều ý tưởng hơn, thu thập nhiều quan điểm và bằng chứng hơn trước khi hành động, điều này về lâu dài, cho phép họ đưa ra các quyết định tốt hơn.

Mọi người cũng có xu hướng tin tưởng hơn vào những người thể hiện sự khiêm tốn vì điều đó ngụ ý sự trung thực và không có động cơ vị kỷ. Thậm chí chỉ sau 30 phút trò chuyện, mọi người đã có thể xác định được ai là người khiêm tốn và những cá nhân đó được đánh giá tích cực hơn.

Một nghiên cứu về tổ chức đã so sánh giữa sự khiêm tốn và năng lực ở đồng nghiệp đã phát hiện ra rằng “những kẻ ngốc khiêm tốn” – tức là những người có sự khiêm tốn cao nhưng kỹ năng thấp – được đánh giá là dễ mến hơn so với “những kẻ giỏi nhưng kiêu ngạo” – tức là những người có kỹ năng cao nhưng thiếu khiêm tốn.

Khi được lựa chọn, những người tham gia luôn thích làm việc cùng với những đồng nghiệp ít kinh nghiệm hơn nhưng khiêm tốn hơn thay vì những người có kỹ năng cao nhưng kiêu ngạo.

Ngược lại, trong số hàng trăm công ty mà ông Collins nghiên cứu, nhiều công ty được xác định là “thất bại” lại có những CEO nổi tiếng, mang phong cách người nổi tiếng – những nhà lãnh đạo xây dựng di sản cá nhân của riêng mình mà không nhất thiết là tương lai của công ty.

Ông Collin viết rằng “Điều trớ trêu lớn nhất là những nhà lãnh đạo quyền lực nhất thường lại có vẻ có ít quyền lực nhất. Họ không quá vĩ đại. Trên thực tế, họ thường rất khó nhận ra”.

(Hình ảnh: Auguste Toulmouche/ Wikimedia Commons Public domain)

Ẩn sau ánh hào quang

Có lẽ phép thử thực sự của đức tính khiêm tốn không nằm ở những phòng họp hay lớp học, mà là trong những mối quan hệ thân mật nhất của chúng ta – nơi không có cổ đông nào theo dõi và không có di sản doanh nghiệp nào bị đặt lên bàn cân. Chính trong những khoảnh khắc đời thường này, sự khiêm tốn mới nên nảy nở từ trái tim của mỗi người.

Với Giáo sư Leary, một bài học về sự khiêm tốn đã xuất hiện trong một buổi tối bình thường cùng 2 cậu con trai của ông, khi đó khoảng 8 tuổi và 12 tuổi. Ông nhớ lại rằng mình đã rơi vào 1 tình huống bế tắc quen thuộc: Đã đến giờ đi ngủ nhưng lũ trẻ không muốn tắt TV. Giáo sư Leary cho biết: “Tôi đã ở trong cái tâm lý làm cha mẹ mà nhiều bậc cha mẹ khác cũng mắc phải. Chúng phản đối, và bạn nói, ‘Bố đã bảo các con là phải tắt TV đi cơ mà'”.

Đôi khi các con trai của ông nói rằng chương trình chỉ còn 5 phút nữa là hết và chúng có thể xem nốt. Giáo sư Leary bắt đầu tự hỏi liệu sự khăng khăng của mình có thực sự cần thiết hay không.

Thế là, ông đã thay đổi cách tiếp cận của mình.

“Tôi cho chúng ngồi xuống và nói, ‘Từ giờ trở đi, nếu các con nghĩ rằng bố đang nói điều gì đó sai, các con sẽ có 1 cơ hội để phản đối. Hãy nói cho bố biết lý do tại sao các con nghĩ rằng các con không nên làm như vậy. Bố sẽ lắng nghe. Bố có thể vẫn nói không, nhưng bố cũng có thể thay đổi ý định”.

Đáng ngạc nhiên là ông đã thực sự đã thay đổi ý định – khoảng 20% số lần.

Cách tiếp cận của Giáo sư Leary đã làm giảm bớt xung đột trong gia đình và làm gương cho các con rằng việc nắm quyền không có nghĩa là không bao giờ phạm sai lầm. Giáo sư chia sẻ: “Điều đó cho chúng thấy rằng đôi khi thừa nhận mình sai là điều bình thường”.

Tình bạn cũng tương tự như vậy. Nghiên cứu cho thấy mọi người mô tả những người bạn khiêm tốn của họ là những người dễ gần gũi hơn, đáng tin cậy và đơn giản là thú vị hơn khi ở bên.

Sự khiêm tốn cũng làm phong phú thêm các mối quan hệ lãng mạn – đặc biệt là trong những thời điểm căng thẳng. Một nghiên cứu được công bố trên The Journal of Positive Psychology (Tập san Tâm lý học Tích cực) cho thấy, sau khi sinh đứa con đầu lòng, các cặp đôi mà cả 2 đều thể hiện sự khiêm tốn có điểm số trầm cảm thấp hơn 64% so với các cặp đôi khác. Khi các nhà nghiên cứu yêu cầu các cặp đôi thảo luận về những bất đồng liên tục về công việc nhà, tài chính hay mối quan hệ với bên nội/ngoại, họ phát hiện ra rằng huyết áp thấp hơn 18% ở những cặp đôi có sự khiêm tốn với nhau.

Những người khiêm tốn có nhiều khả năng tiếp nhận các quan điểm trái ngược và “có nhiều khả năng thực sự lắng nghe những gì đối phương muốn nói”, Giáo sư Mancuso cho biết.

Mặt khác, Giáo sư Leary nói thêm, “Sống với một người luôn tin rằng mình đúng về mọi thứ thực sự tạo ra rất nhiều bất đồng”.

Nghiên cứu gần đây nhất của Leary cho thấy rằng, sự khiêm tốn về mặt trí tuệ có liên quan đến sự hài lòng thấp hơn trong các mối quan hệ lãng mạn. Các cặp đôi có sự khiêm tốn về mặt trí tuệ ít có khả năng hạ thấp trí thông minh của đối phương trong các cuộc xung đột, tránh được cái bẫy phổ biến là cho rằng người bất đồng với mình là người bất tài.

Đặc tính đệm của sự khiêm tốn trong bối cảnh này được gọi là “dầu xã hội”. Giống như cách dầu ngăn động cơ quá nóng, sự khiêm tốn được lý thuyết hóa là giúp giảm thiểu sự hao mòn thường do cạnh tranh hoặc xung đột gây ra. Sự hòa nhã trong giao tiếp xã hội này cũng có thể đến từ mối liên quan tích cực của sự khiêm tốn với các đức tính khác như sự đồng cảm, lòng vị tha và lòng nhân từ.

Không bao giờ là quá nhiều

“Bạn sẽ không bao giờ sai lầm khi quá khiêm tốn về mặt trí tuệ. Ngay cả những người khiêm tốn nhất về mặt trí tuệ vẫn tự tin vào bản thân hơn mức họ nên có”, Giáo sư Leary khuyên.

Việc giả định rằng bạn có thể sai lầm mang lại một tấm đệm an toàn. “Lịch sử của bạn với tư cách là một con người cho thấy bạn đã sai rất nhiều lần”, Leary nói. Trong các cuộc xung đột, ông gợi ý nên tự hỏi: “Tôi có chắc mình đúng không? Tôi đã có tất cả các thông tin liên quan chưa? Thông tin của tôi có bị thiên vị không”?

Thực hành lòng biết ơn và tự suy ngẫm cũng nuôi dưỡng sự khiêm tốn. Một cách thực tế hơn, nghiên cứu cho thấy những người trưởng thành viết những suy ngẫm hàng ngày từ góc nhìn của người thứ 3, thoát khỏi quan điểm lấy cái tôi làm trung tâm, đã cho thấy sự phát triển đáng kể về sự khiêm tốn về mặt trí tuệ chỉ sau 1 tháng.

Giáo sư Mancuso tóm lại: “Nếu bạn không nhận thức được rằng mình có thể sai, thì bạn đang đóng cánh cửa đến gần hơn với sự thật”.

“Kiêu ngạo là rào cản và khiêm tốn là con đường”.

Khánh Ngọc biên dịch
Theo The Epoch Times

Makai Allbert

Published by
Makai Allbert

Recent Posts

Trung Quốc lên án Hoa Kỳ chấm dứt chương trình dành cho sinh viên nước ngoài tại Harvard

Chính quyền Trung Quốc hôm thứ Sáu (23/5) đã lên án Hoa Kỳ vì chấm…

9 phút ago

Hà Nội sắp có cảng thủy nội địa tại huyện Mê Linh

TP. Hà Nội sẽ đầu tư xây dựng mới cảng thủy nội địa tại Mê…

28 phút ago

Dự thảo Luật Dẫn độ: Quy định mới về bắt khẩn cấp và từ chối dẫn độ

Cơ quan thẩm tra dự thảo Luật Dẫn độ "cơ bản tán thành" quy định…

53 phút ago

Đài hóa thân ở Nam Định phải hoàn trả gần 11 tỷ đồng tiền “chặt chém”

Hơn 20 nghìn khách hàng đưa người nhà tới hỏa thiêu tại Đài hóa thân…

4 giờ ago

Làm cha mẹ có thể giúp bạn minh mẫn hơn khi về già

Nghiên cứu cho thấy việc làm cha mẹ với nhiều thử thách có thể giúp…

4 giờ ago

Đại học Harvard kiện chính quyền Trump vì lệnh cấm tuyển sinh viên quốc tế

Đại học Harvard đã đệ đơn kiện chính quyền tổng thống Trump về quyết định…

4 giờ ago