(Ảnh ghép minh họa)
Ngày 20/5, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc hiếm hoi công bố thông báo trên trang web chính thức, chỉ trích 7 tỉnh thành bao gồm Giang Tô, Chiết Giang, cùng 3 cơ quan trực thuộc Quốc vụ viện như Bộ Khoa học Công nghệ vì tồn tại các vấn đề như làm giả số liệu thống kê, can thiệp vào công tác thống kê… đồng thời yêu cầu các đơn vị liên quan nộp báo cáo khắc phục trong vòng 3 tháng. Thông tin này ngay lập tức thu hút sự chú ý mạnh mẽ từ ngoại giới.
Việc làm giả số liệu thống kê ở Trung Quốc không phải là điều mới mẻ, nhưng lần này việc chủ động công bố với giọng điệu cứng rắn từ trung ương, lại nhắm vào các tỉnh ven biển trọng yếu, khiến nhiều học giả và nhà quan sát cho rằng đây không đơn thuần là một cuộc kiểm toán kỹ thuật mà phản ánh sự tái phân chia quyền lực và đấu tranh chính trị giữa trung ương và địa phương.
Theo thông báo của Cục Thống kê Trung Quốc, từ cuối tháng 11/2024 – 12/2024, có 10 tổ kiểm tra thống kê đã đến các địa phương như Sơn Tây, Liêu Ninh, Giang Tô, Chiết Giang, Hải Nam, Trùng Khánh, Ninh Hạ cùng 3 cơ quan trung ương để thực hiện kiểm tra định kỳ.
Từ ngày 7/5 – 20/5/2025, các tổ này đã phản hồi nhận xét, chỉ ra nhiều vấn đề như làm giả số liệu kiểu ẩn và mới, địa phương can thiệp vào công việc thống kê, dữ liệu của doanh nghiệp hoặc dự án không đúng thực tế…
Trong đó, Giang Tô bị đánh giá là nghiêm trọng nhất. Báo cáo nêu rõ tỉnh này “vẫn còn tình trạng can thiệp vào việc báo cáo số liệu, chỉ đạo hoặc yêu cầu các đơn vị điều tra cung cấp dữ liệu không trung thực.“
Đầu năm 2025, Cục Thống kê Giang Tô từng công bố GDP năm 2024 đạt 13.700 tỷ nhân dân tệ (1,9 tỷ USD), tăng trưởng 5,8%, từng làm dấy lên làn sóng “Giang Tô vượt Quảng Đông”, nhưng lần này lại trở thành mục tiêu bị xử lý nặng nề.
Nhiều người cho rằng chiến dịch “chỉnh đốn số liệu” này là một hình thức gây áp lực từ trung ương với địa phương và phản ánh sự phản tỉnh về thể chế. Tuy nhiên, chuyên gia về vấn đề Trung Quốc, ông Vương Hách cho rằng sự thật không đơn giản như vậy.
Ông nói: “Mỗi đợt kiểm tra, kiểm toán đều là biểu hiện của thủ thuật chính trị. Việc chọn địa phương nào làm ‘vật tế thần’, xử lý theo từng đợt, thực hiện có chọn lọc đều mang tính toán chính trị cao.”
Ông Vương Hách phân tích: “Từ nội dung báo cáo, mức độ truyền thông cho đến việc có trở thành tiêu điểm truyền thông hay không, tất cả đều do Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo. Lần này truyền thông trong nước đưa tin rầm rộ là có sự chỉ đạo từ cấp cao, mục đích không phải là xử lý vấn đề dữ liệu giả, mà là để phục vụ lợi ích chính trị và tái phân phối quyền lực.”
Ông nghi ngờ việc này cho thấy có xáo trộn trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ): “Trung ương chọn một số tỉnh làm ví dụ, đánh mạnh vào Giang Tô, Chiết Giang vốn là đại bản doanh của phe Tập Cận Bình.”
Ông Lý Cường từng giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Giang Tô, Chủ tịch tỉnh Chiết Giang, và bản thân ông Tập Cận Bình cũng từng giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Chiết Giang.
“Điều này rất có thể cho thấy vị thế chính trị của ông Tập đang bị thách thức, dấu hiệu quyền lực bị xói mòn ngày càng rõ.”
Nhà kinh tế học Davy J. Wong cho biết, việc “tự vạch áo cho người xem lưng” lần này thực chất là một cách trút bỏ trách nhiệm có chọn lọc.
Ông cho rằng: “Từ lâu làm giả số liệu thống kê đã không còn là vấn đề kỹ thuật, mà là công cụ chính trị. Trung ương muốn đẩy một phần khó khăn kinh tế sang địa phương, đặc biệt là những nơi có mức độ tự chủ kinh tế cao.”
Ông cho rằng Giang Tô là trung tâm sản xuất và xuất khẩu, vốn có khả năng tài chính độc lập khá mạnh. “Việc bị trung ương gọi tên lần này có thể là dấu hiệu mất kiên nhẫn, thậm chí là biểu hiện của cuộc đấu đá nội bộ.”
Trong nhiều năm, thể chế của ĐCSTQ đã khiến việc làm giả dữ liệu trở thành bình thường hóa. Mỗi năm Trung ương đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5%, 6% hay thậm chí 7%, khi địa phương không thể đạt được thì bắt đầu làm giả. Ông Vương Hách dẫn chứng việc gắn trợ cấp và thuế với sản lượng ảo để khiến dữ liệu đạt chuẩn.
Ông nói: “Nếu không làm giả, các chỉ tiêu của trung ương sẽ thành trò cười. Sự mặc định hai chiều này biến việc làm giả số liệu thành một màn diễn mang tính hệ thống.”
Quan điểm này cũng được Giám đốc Hiệp hội Khuyến học Đài Loan, ông Lai Vinh Vĩ ủng hộ. Ông cho rằng trong thể chế áp chế cao độ của ĐCSTQ, quan chức các cấp buộc phải “bịa số liệu” để bảo vệ con đường thăng tiến.
Ông Davy J. Wong bổ sung số liệu thống kê của Trung Quốc có phân loại: Dùng cho tuyên truyền đối ngoại và quản lý nội bộ. “Chính quyền địa phương thường xuyên ‘tô hồng’ khi báo cáo lên cấp trên.”
Tiến sĩ Vương Quốc Thần tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung Hoa – Đài Loan, đặt ra câu hỏi đáng lưu ý: Mặc dù GDP Trung Quốc 2 năm qua tăng trưởng trên 5%, nhưng thu ngân sách lại giảm.
Ông nghi ngờ: “Tại sao GDP tăng 5%, nhưng thu ngân sách lại giảm? Tại sao kinh tế dường như tăng trưởng, mà thâm hụt tài chính lại ngày càng lớn?”
Vào tháng Ba năm nay, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc ĐCSTQ đã phê duyệt ngân sách tài chính năm 2025. Theo ngân sách, tổng thu ngân sách hàng năm của Trung Quốc (bao gồm cả chính quyền trung ương và địa phương) là 24.000 tỷ nhân dân tệ (khoảng 3.342 tỷ USD), giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, chi tiêu tài chính cả năm dự kiến sẽ đạt gần 30.000 tỷ nhân dân tệ (khoảng 4.164 tỷ USD), tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả là thâm hụt ngân sách hàng năm đạt 5.660 tỷ nhân dân tệ (785 triệu USD), tăng 1.600 tỷ nhân dân tệ (khoảng 222 triệu USD) so với cùng kỳ năm trước.
Từ năm 2018, Trung ương ĐCSTQ đã bắt đầu trao quyền cho Cục Thống kê thực hiện kiểm toán. Nhiều chính sách đã được đưa ra như “Giám sát toàn diện” (năm 2021), “Kiểm tra lại” (năm 2022), “Hành động chuyên đề” (năm 2023) và “Ý nghĩa trọng đại của giám sát” (năm 2024)…
Ông Vương Hách nhận định các biện pháp này chỉ là bề ngoài: “Không có cải cách thể chế thật sự, cải cách thống kê hay hệ thống giám sát chỉ là công cụ chính trị để trút trách nhiệm và đấu đá quyền lực.”
Ông nói: “Dù chiến dịch phơi bày tiêu cực lần này trông giống như cải cách chống tham nhũng, nhưng nếu chỉ dừng ở việc nêu tên một số địa phương và làm rùm beng truyền thông, thì cuối cùng cũng chỉ là một màn trình diễn chính trị.”
Các nhà quan sát cho rằng chỉ cần logic cai trị của ĐCSTQ không thay đổi, chủ nghĩa thành tích và sùng bái dữ liệu vẫn là tiêu chuẩn đánh giá quan chức, thì dù cơn bão lần này có lắng xuống, vòng lặp làm giả dữ liệu sẽ lại tái diễn trong tương lai không xa.
Hơn 20 nghìn khách hàng đưa người nhà tới hỏa thiêu tại Đài hóa thân…
Nghiên cứu cho thấy việc làm cha mẹ với nhiều thử thách có thể giúp…
Đại học Harvard đã đệ đơn kiện chính quyền tổng thống Trump về quyết định…
Nga và Ukraine mỗi bên đã tiến hành thả 390 người về nước trong đợt…
Người khiêm tốn nhất trong chúng ta thường chính là những nhà lãnh đạo vĩ…
Nhiều người sau khi nhiễm COVID-19 ở Trung Quốc đã xuất hiện triệu chứng mắt…