Mỗi người trong chúng ta đều có thể học được bài học quý giá từ sự hào phóng của những người nghèo và trải nghiệm niềm hạnh phúc khi cho đi của họ.
Câu chuyện xảy ra từ ba thập kỷ trước, lúc đó tôi đang học cấp ba nhưng nó vẫn còn sống động trong tâm trí tôi. Khi đó, chúng tôi đã thực hiện một chuyến “trải nghiệm văn hóa”, dành vài ngày sống tại một ngôi làng hẻo lánh ở miền trung Ấn Độ để tìm hiểu về cuộc sống làng quê. Ngôi làng không có gì đặc sắc, đó là quần thể những túp lều được xây bằng bùn và được bao quanh bởi những cánh đồng lúa mì. Đối với một người lớn lên ở thành phố Bombay hiện đại thì đó thực sự là một trải nghiệm đáng nhớ.
Sau khi được trưởng làng chào đón, tôi đang đi dạo quanh làng thì một cụ bà với nụ cười rạng rỡ vẫy tay gọi tôi. Bà lão trông ít nhất 70 tuổi với mái tóc hoa râm và dáng người gầy gò. Bà có dáng vẻ của một người đã làm việc đồng áng cả đời. Túp lều của bà rất đơn giản, nó được xây từ bùn và phân bò, mái lợp bằng tranh và chỉ có một phòng duy nhất. Khi tôi lén nhìn vào bên trong, nó chỉ có một chiếc giường charpai (một chiếc giường dệt truyền thống của Ấn độ), một vài cái nồi và chảo trong góc, một vài thùng đựng thực phẩm dự trữ và một đống củi đang cháy ở giữa lều.
Tất cả mọi thứ bà cụ sở hữu có thể dễ dàng xếp chồng lên nhau trên chiếc giường charpai mà vẫn còn thừa nhiều chỗ trống. Mặc dù ngôi nhà sơ sài và ít tài sản, khuôn mặt bà vẫn sáng lên với nụ cười rạng rỡ và hiếu khách nhất. Bởi vì tôi không thể hiểu ngôn ngữ của bà nên bà ra hiệu cho tôi ngồi lên giường charpai. Bà đưa cho tôi một ly trà nóng và một đĩa thức ăn. Sau khi tôi ăn hết, bà lại lấy thêm đồ ăn cho tôi và không chấp thuận câu trả lời “không”.
Tôi đã cảm thấy bối rối. Đây là một bà cụ nghèo không đủ ăn, vậy mà bà đã mời tôi ăn, một người hoàn toàn xa lạ, phần lớn những gì bà có. Ở một góc độ đối ứng, tôi chưa gặp sự hào phóng nào như thế trước đây và cả sau này. Hơn thế nữa, lời đề nghị của bà đã được thực hiện một cách kiên quyết và với bản chất hoàn toàn tốt đẹp chứ không mong đợi nhận lại bất cứ điều gì.
Lý do trải nghiệm này luôn sống động trong tâm trí tôi suốt những năm sau đó là vì có một câu hỏi đã hình thành trong đầu tôi lúc bấy giờ. Đây là câu hỏi mà cho đến nay tôi vẫn chưa tìm thấy câu trả lời thỏa đáng:
Làm thế nào mà một người nghèo túng, có rất ít tiền bạc và tài sản lại vẫn rất hạnh phúc, tự tin, vui vẻ, hào phóng, và sẵn sàng chia sẻ như vậy?
Có nhiều bài học để học hỏi từ người phụ nữ lớn tuổi này về ý nghĩa của hạnh phúc, về cách để sống một cuộc đời có ý nghĩa và coi nhẹ tiền bạc và vật chất. Tuy nhiên, bài học mà tôi muốn nói đến ở đây là mối quan hệ giữa việc ‘có’ và ‘cho đi’.
Bà lão này không phải là người khác thường. Câu chuyện chỉ ra rằng những người có ít hơn thường cho đi nhiều hơn. Trong một bài báo, các nhà tâm lý xã hội học đã so sánh các cá nhân thuộc tầng lớp xã hội thấp và cao với nhau. Tầng lớp xã hội được xác định theo ước tính về thứ hạng kinh tế xã hội dựa trên các tiêu chí: giáo dục, thu nhập và tình trạng nghề nghiệp so với những người khác trong cộng đồng. Các nghiên cứu cho thấy những người ở tầng lớp xã hội thấp hào phóng hơn và tin rằng họ nên dành nhiều thu nhập hàng năm cho từ thiện (4,95% so với 2,95%). Họ cũng có nhiều khả năng tin tưởng người lạ hơn và thể hiện nhiều hơn hành vi giúp đỡ đối với người gặp khó khăn. Ngược lại, kết quả nghiên cứu khác đã phát hiện ra rằng các cá nhân thuộc tầng lớp xã hội cao hơn lại có tâm tính thấp hơn. Họ có nhiều khả năng lấy những thứ từ người khác, nói dối và lừa lọc nhiều hơn.
Tại sao những người nghèo lại cho đi nhiều hơn? Một phần lý do nằm ở chỗ họ có lòng thương người hơn và nhạy cảm với nhu cầu của người khác hơn. Các nhà tâm lý học cho rằng lối suy nghĩ của họ có “khuynh hướng theo bối cảnh”, được thể hiện ở sự tập trung vào hoàn cảnh bên ngoài, vào những gì đang diễn ra trong môi trường xung quanh họ và những người khác. Trái lại, những người thu nhập cao lại có xu hướng tự cho mình là trung tâm với “khuynh hướng duy ngã”, thể hiện ở sự tập trung vào trạng thái nội tâm, mục tiêu, động lực và cảm xúc của chính họ.
Hai tầng lớp này cũng khác nhau về mục tiêu thời gian. Những người nghèo hơn thường tập trung vào hiện tại trong khi những người có thu nhập cao lại thường suy tính nhiều hơn cho tương lai. Giống như bà lão, những người nghèo có thể chọn cách cư xử hào phóng của họ ngay tại thời điểm đó thay vì suy nghĩ nhiều về những tác động của hành động ‘cho đi’ đó tới tương lai.
Nhiều người có thể sẽ coi sự hào phóng của bà lão là không cần thiết vì nó có thể mang tới cho bà những khó khăn. Tuy nhiên, khi tôi nhớ lại biểu cảm của niềm hạnh phúc thuần khiết trên gương mặt bà, tôi không thể không cảm thấy ghen tị với bà theo cách mà tôi chưa bao giờ cảm thấy ghen tị với bất kỳ ai khác.
Vâng, có tiền và địa vị xã hội cao chắc chắn là một điều tốt trong nhiều khía cạnh. Tiền mang đến sự thoải mái và bảo đảm, và việc thiếu nó có thể tạo ra những khó khăn thực sự. Nhưng một khi nhu cầu cơ bản của chúng ta và thậm chí một số tiện nghi đã được đáp ứng thì nó có mang lại trải nghiệm giá trị như việc thể hiện lòng tốt và sự hào phóng với người khác không? Hãy thử hành xử như bà lão Ấn Độ nghèo khó ở ngôi làng kia ít nhất một lần.
TS. Utpal Dholakia (Ngọc Chi biên dịch)
Xem thêm:
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…