Khi an ủi người khác, đừng phủ nhận hay cố lái cảm xúc của họ
- Christopher Bergland
- •
Khi gặp nhiều thất vọng trong cuộc sống, bạn thường làm gì? Đa phần chúng ta sẽ tìm đến ai đó để “trút bầu tâm sự” phải không? Và đó hẳn phải là một người đủ sâu sắc lẫn hiểu biết, có khả năng an ủi bạn giữa lúc khó khăn.
Nhưng có khi nào bạn gặp những người mà buổi tâm sự giữa bạn và họ thường xuyên trở thành những buổi chất vấn lúc nào không hay? Bạn có thấy những câu nói này quen thuộc không? “Ai bảo bạn làm thế?”, “Thôi nào, đừng suy nghĩ theo hướng đó nữa.”, “Đáng lý ra bạn không nên như vậy.”, “Bạn phải như thế này này.”… Người ấy đang thật sự lắng nghe câu chuyện của bạn chăng, hay chỉ đang cố bày tỏ quan điểm của họ? Có thể là cả hai. Có những phân tích và định hướng thật sự hữu ích, cũng có những lúc chỉ làm bạn thấy mệt mỏi hơn thôi. Xoay ngược lại, có bao giờ bạn nhận ra, rất nhiều khi bản thân mình cũng chính là “người ấy” khi ai đó tìm đến, có phải bạn cũng thường xuyên cho họ những lời khuyên bất tận dựa trên cách nhìn của mình không?
Có khi nào vấp phải nhiều thất vọng trong cuộc sống và bạn gặp một người; có lẽ họ không được “sắc sảo” cho lắm, họ cũng không đào sâu câu chuyện của bạn đến từng chi tiết, chỉ thỉnh thoảng gật gù, nhưng bạn cảm thấy mình được lắng nghe thật nhiều. Người ấy cũng chỉ cho bạn những lời khuyên ngắn gọn nếu bạn cần, nhưng bạn lại không hề cảm thấy họ thiếu kiên nhẫn. Ở bên cạnh người ấy câu chuyện căng thẳng của bạn bỗng hóa vu vơ lúc nào không hay. Bỗng nhiên bạn nhận ra, tất cả những câu chuyện tủn mủn trên cuộc đời này vốn cũng chỉ có nhiêu đó mà thôi. Thay vì mải mê chiến đấu với cái đúng, cái sai chi bằng để mặc cảm xúc của mình trôi qua. Bên cạnh người này thật nhẹ nhàng, thanh thản, bình yên… Xoay ngược lại, bạn có muốn mình trở thành một người như thế không?
Các nhà nghiên cứu của Đại học Bang Pennsylvania, Hoa Kỳ gần đây đã phát hiện rằng, việc chỉ cần lắng nghe và thừa nhận cảm giác đau khổ của ai đó đã là cách hỗ trợ tốt nhất, mang lại sự thoải mái cho họ trong những hoàn cảnh căng thẳng rồi. Quá trình an ủi người khác chỉ đơn giản vậy thôi. Thật ra những người tìm đến bạn trong lúc khó khăn vốn đã nhận thức rất rõ về tình huống của bản thân họ rồi, có lẽ họ cũng đã phần nào hình dung được cách giải quyết vấn đề, chỉ là cảm xúc ngay lúc ấy rất khó vượt qua mà thôi.
Vậy họ tìm đến bạn phải chăng để nghe thêm họ đã sai lầm thế nào, yếu đuối ra sao và cần phải mạnh mẽ đến đâu? Mỗi cảm xúc người đó bộc lộ trước mặt bạn lúc ấy là vì họ cần nhận được từ bạn một thông điệp rằng, họ đã được bạn lắng nghe và những cảm xúc của họ đã được bạn công nhận. Họ cần sự sẻ chia.
Tuy nhiên phần nhiều trong chúng ta lại có một loại tâm lý, chúng ta rất hay “nôn nóng” muốn làm người tốt. Nhưng có bao giờ bạn tự hỏi bản thân, những gì bạn sẵn sàng cho đi có chắc là những gì người khác thật sự cần? Một thiền sư đã từng thuyết nói: “Khi bạn cho ai đó một thứ gì và được họ nhận lấy, thì bạn cần cảm ơn người đó.” Trong lý thuyết về Marketing hiện đại, người ta cũng đã chứng minh được rằng, các công ty bán những gì khách hàng cần thường có doanh thu cao hơn các công ty chỉ bán những gì họ có khả năng sản xuất.
Quay trở lại bài học về nghệ thuật an ủi, khi nghe một câu chuyện nào đó từ người khác, chúng ta thường có thói quen ngay lập tức gắn nội dung câu chuyện đó với hoàn cảnh của chính mình rồi đưa ra những lập luận và hướng giải quyết dựa trên kinh nghiệm cũng của chính mình trong quá khứ. Nhưng chúng ta quên mất một điều, câu chuyện đó là của người khác, tình huống cụ thể hiện tại của họ có lẽ cũng khác và mức độ chịu đựng của mỗi người lại không như nhau. Kết quả là thay vì đặt mình vào trong hoàn cảnh người đó để cảm nhận và sẻ chia, chúng ta lại thao thao bất tuyệt về những lý lẽ của mình. Rốt cuộc là dù có an ủi bao nhiêu người đi nữa, kỳ thực bạn vẫn đang xoay quanh chính mình mà thôi. Sự đồng cảm hời hợt trên bề mặt này đôi lúc không những không có tác dụng an ủi mà lại khiến người khác cảm thấy khó chịu hơn.
Cô Xi Tian – trợ lý cao học tại bộ môn Khoa học và nghệ thuật giao tiếp, Đại học Bang Pennsylvania đã đề xuất một giải pháp: “Mọi người nên tránh sử dụng những từ ngữ mang tính kiểm soát người khác hoặc tranh đấu. Ví dụ, thay vì bảo ban một người đang rất đau khổ cần phải cảm thấy thế nào bằng những câu như: “Đừng có nặng nề vậy chứ.” hay “Đừng nghĩ về điều đó nữa.”, bạn có thể khuyến khích họ bộc bạch cảm xúc và suy nghĩ chân thật, để từ đó họ có thể đi đến kết luận riêng và tự lựa chọn cách họ thay đổi cảm xúc hoặc hành vi của mình.”
Làm thế nào mà những thông điệp có vẻ như “nuông chiều” cảm xúc lại tạo nên sự khác biệt trong khi những thông điệp nhằm cố gắng giảm thiểu sự tiêu cực lại có xu hướng thất bại?
Mục tiêu của các nhà nghiên cứu chính là giải mã những cơ chế ngầm đằng sau phản ứng của người nghe trước những nỗ lực an ủi từ người khác. Giáo sư Denise Solomon – người đứng đầu bộ môn Khoa học và nghệ thuật giao tiếp, Đại học Bang Pennsylvania và các cộng sự đã kết luận rằng, các thông điệp an ủi nếu chỉ tập trung vào sự việc và hướng giải quyết vấn đề mà quên mất yếu tố con người thường không thể làm cho tình huống dịu đi. Ngược lại, các thông điệp nhắm thẳng vào tình cảm con người lại có tác dụng tốt nhất trong việc giảm bớt cường độ của cảm xúc.
“Tôi rất đồng cảm khi bạn thấy buồn về điều này.” là một ví dụ cho thông điệp lấy con người làm trung tâm. Và “Thật không đáng để buồn về nó.” hay “Đừng quá xúc động.” là những thông điệp phản ánh một mức độ sẻ chia thấp. Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những người được an ủi thậm chí còn phản ứng một cách tức giận và chống đối khi nhận được những thông điệp thuộc loại thứ hai, vì họ nhận thức được một mối đe dọa về tâm lý và quyền tự do của mình.
Một lời khuyên khác được đưa ra từ nghiên cứu đó là, các thông điệp tập trung vào cảm xúc con người không chỉ có tác dụng trong những hoàn cảnh đau khổ mà còn phát huy hiệu quả trong những giao tiếp hằng ngày. Bạn hãy thử thực hành những câu như: “Tôi lấy làm tiếc khi bạn phải trải qua việc này. Chắc hẳn bạn đang cảm thấy rất khó khăn” hay “Cảm giác áp lực của bạn cũng là điều dễ hiểu.” Chìa khóa để có thể đưa ra những thông điệp tích cực là bạn cần biết cách công nhận cảm xúc của người khác mà không cho thêm quá nhiều chủ kiến của mình vào và không cố gắng thuyết phục ai đó phải cảm thấy khác đi về sự đau khổ của họ.
Cuối cùng, sẽ thật lãng phí nếu bạn chỉ biết áp dụng nghệ thuật tinh tế này với người khác mà quên đi chính mình. Bất cứ khi nào rơi vào hoàn cảnh khó khăn và bất hạnh, hãy nhớ tự an ủi bản thân, đừng phủ nhận hay cố lái cảm xúc của mình mà hãy nhẹ nhàng gọi tên và bình thản nhìn chúng phai đi.
Đỗ Hoàng dịch theo Christopher Bergland
Xem thêm:
Từ khóa Tâm lý học nghệ thuật giao tiếp làng nghề chia sẻ nghệ thuật an ủi An ủi