Tại thung lũng sông Vajont, dưới chân núi Monte Toc cách thành phố Venice nước Ý khoảng 100km về phía Bắc có một con đập cũ bị bỏ hoang không còn sử dụng nữa….
Bức tường trắng mênh mông được xây dựng trên hẻm núi hẹp cao vút để khai thác thủy điện từ một con sông nhỏ nhằm cung cấp năng lượng và thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của miền Bắc nước Ý sau chiến tranh. Tuy nhiên, các kỹ sư và nhà địa chất học đã bỏ qua những dấu hiệu được cảnh báo từ sớm về sự nguy hiểm chết người phát sinh từ con đập này, hậu quả dẫn đến một thảm họa kinh hoàng.
Đập Vajont được xây dựng từ năm 1956 đến năm 1960. Đây là một con đập liên vòm nằm trên cao khoảng 262m so với bề mặt thung lũng và có khả năng giữ 168 triệu mét khối nước. Vào thời điểm khánh thành, nó là con đập cao nhất thế giới được xây dựng theo kiến trúc này.
Trong quá trình xây dựng, người ta nhận ra rằng sườn dốc của Monte Toc không ổn định như những đánh giá ban đầu. Điều này được xác nhận trong một cuộc khảo sát. Người ta phát hiện sườn núi được kết cấu từ các khối đất lở trầm tích thời cổ đại chứ không có đá rắn. Tuy nhiên, các kiến trúc sư đã kết luận khả năng xảy ra một vụ lở đất sâu là cực kỳ hy hữu.
Vào tháng 2 năm 1960, con đập bắt đầu chứa nước. Đến tháng sau, mực nước hồ chứa đã đạt tới 130m so với mực nước sông khi vụ sạt lở đầu tiên xảy ra. Do tính chất vụ lở đất không nghiêm trọng, các hoạt động lấp đầy hồ chứa vẫn được tiếp tục sau đó, và bất cứ dấu hiệu dịch chuyển nào của hai bên bờ đất đều được giám sát chặt chẽ. Vào tháng 10 năm 1960, khi độ sâu hồ chứa lên đến 170m, một vết nứt dài 2km xuất hiện và một vụ lở đất khác có nguy cơ cao sẽ xảy ra. Đến tháng 11, một phần đất của ngọn đồi với thể tích khoảng 700.000 mét khối tách ra và rơi xuống hồ tạo thành một làn sóng cao 2m tràn ra cả hồ chứa.
Các nhà thiết kế nhận ra mực nước dâng cao đang khiến độ dốc của ngọn núi bị ảnh hưởng và kết quả mực nước trong hồ sau đó đã được người ta giảm xuống còn 135m. Nhiều thử nghiệm đã được tiến hành và dựa trên các kết quả thực tế, họ kết luận bằng cách tăng mực nước hồ lên một cách từ từ, các chuyển động địa chất trong sườn núi có thể sẽ chậm lại. Chiến lược này đã thành công và trong 3 năm tiếp đó, độ sâu của hồ chứa được đặt trong tầm kiểm soát. Trong khoảng thời gian này, chuyển động trong sườn dốc không khi nào vượt quá 1cm/ngày.
Mùa hè năm 1963 là một mùa hè ẩm ướt chưa từng thấy. Những cơn mưa lớn khiến mực nước hồ dâng cao đến gần 250m, cao hơn 30m so với độ sâu khuyến nghị. Chỉ còn vỏn vẹn 15m bê tông của đập chứa ngăn không cho nước tràn qua. Sự dịch chuyển của sườn núi bên cạnh được ghi nhận lên tới 3,5cm mỗi ngày. Vào cuối tháng 9, mực nước hồ đã giảm nhưng tốc độ dịch chuyển của sườn dốc vẫn tiếp tục tăng vụt một cách đáng lo ngại.
Thị trưởng của Erto, một ngôi làng nằm dưới chân đập Vajont bắt đầu lo lắng và đưa ra thông báo kêu gọi dân làng sơ tán, nhưng rất ít người nghe theo lời cảnh báo. Thị trưởng của làng Casso cũng ban hành lệnh sơ tán và đăng thông báo dự đoán về một trận lở đất sẽ kéo theo một thác nước khổng lồ tuôn trào từ trên đập chứa, đe dọa đến an toàn của cư dân dưới thung lũng.
Ngày 9 tháng 10 năm 1963, nước trong đập dâng lên đến 235m. Khi này, tốc độ dịch chuyển của sườn núi chạm mốc báo động 20cm/ngày. Tối cùng ngày, để đề phòng tai nạn xảy đến, hoạt động giao thông trên các con đường bên dưới đập đã bị đình chỉ. Tuy vậy, không có một cảnh báo đáng chú ý nào được công bố thêm. Tin nhắn trên điện thoại còn đảm bảo rằng: “Có thể chỉ có một ít nước tràn qua đập đêm nay.”
10:39 tối hôm đó, sườn dốc Monte Toc đổ nhào. Trong vòng 30 đến 40 giây, ước tính 260 triệu mét khối đất và đá đã lao vun vút xuống hồ chứa. 115 triệu mét khối nước trong hồ trước áp lực cực mạnh ấy đã tuôn trào khỏi đập Vajont và đổ xối xả xuống thung lũng Piave đông đúc dân cư phía dưới. Một đợt sóng cao 240m đã dâng lên với sức hủy diệt thảm khốc. Chỉ trong vòng chưa đầy 15 phút, vô số nhà cửa bị vùi lấp và hơn 2.000 người đã tử vong.
Micaela Colletti, một nạn nhân sống sót qua thảm họa Vajont ở làng Longarone, một trong những ngôi làng bị tàn phá nặng nề nhất, hồi tưởng lại đêm kinh hoàng khi con sóng khổng lồ cướp đi sinh mạng của bà, cha mẹ và chị gái mình.
“Cha tôi đi làm về như bình thường nhưng cha không vào nhà mà nán lại ô tô trong phút chốc, trước đây chưa từng thấy ông như vậy. Chừng 5 phút sau, tôi nghe thấy một âm thanh xé trời như sấm vang chớp giật. Bà tôi đi vào phòng tôi và nói bà phải đi đóng tất cả các cửa lại vì có lẽ một cơn bão đang đến.
Ngay sau đó tất cả đèn điện vụt tắt và tôi nghe thấy một âm thanh, tôi không biết phải diễn tả nó như thế nào. Lần gần nhất mà tôi nghe thấy tiếng động như vậy là khi một tấm cửa chớp kim loại lăn xuống và đóng sập lại, nhưng điều này còn tồi tệ hơn gấp cả triệu lần.
Tôi cảm thấy chiếc giường của mình sụp xuống, như thể có một cái lỗ mở ra bên dưới và một lực không thể cưỡng lại hất tôi văng ra. Tôi không thể làm bất cứ thứ gì và không biết chuyện gì đang xảy ra.”
Micaela Colletti, khi ấy 12 tuổi, bị ném lên cao hơn 350m trong không khí. Cô được tìm thấy dưới đống đổ nát ngày hôm sau.
Vết tích của thảm họa đêm hôm đó vẫn tồn tại đến ngày nay. Vụ sạt lở đã chặn vĩnh viễn hẻm núi ngay phía sau con đập, nhưng kỳ lạ là con đập vẫn còn nguyên vẹn và đứng vững cho đến ngày nay, trong hồ chứa hoàn toàn không còn nước. Ngôi làng Longarone và nhiều ngôi làng khác cùng chung số phận sau đó đã được xây dựng lại.
Năm 2008, UNESCO đã miêu tả thảm kịch Vajont như “một ví dụ kinh điển cho thấy sự thất bại của các kỹ sư và các nhà địa chất học trong việc hiểu rõ bản chất vấn đề mình đang đối mặt.”
Nhà địa chất học David Bressan viết trên tờ Scientific American:
“Việc các nhà chức trách, công ty điện lực và chính phủ liên tục bác bỏ kịch bản tồi tệ nhất về một vụ lở đất khổng lồ cũng là một phần kết quả của việc thiếu nghiên cứu về những trận lở đất lớn như vậy.”
Ngoài những nguyên nhân trên, xung đột về chính trị và tài chính cũng là một yếu tố góp phần dẫn đến thảm kịch. Đập Vajont là một khoản đầu tư kếch xù với tham vọng đem đến năng lượng cho các thành phố lớn và các ngành công nghiệp địa phương. Nhiều chính trị gia của Ý đã tham gia vào việc xúc tiến và hỗ trợ kế hoạch triển khai thi công đập này. Vào thời điểm vụ sạt lở chết người xảy ra, dự án đang ở giai đoạn cuối và không một ai dám hủy bỏ nó.
Đập Vajont hiện đang được sở hữu bởi một công ty tư nhân, và kể từ năm 2002, người dân có thể đi bộ quanh đỉnh đập cũng như khám phá khu vực đầy đất đá khô cằn đằng sau mà đã từng là một hồ chứa nước.
Theo Kaushik Patoway, Amusing Planet
Hoa Minh biên dịch
Xem thêm:
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…