Khi nhắc đến hòn đảo nhiệt đới Fiji, người ta ít khi nghĩ đến những chiếc thuyền đôi hay còn gọi là ‘waqa drua’ của người Fiji. Thay vào đó là những người bản địa mặc váy cỏ đeo kèn bằng vỏ ốc xà cừ, hay những bãi biển đầy cát trắng mềm mại dưới những tán cọ đung đưa, vây quanh bởi một đại dương xanh nước biếc lung linh, cùng với hàng loạt các sinh vật biển dưới nước và các rạn san hô khác thường.
Một nhóm người Fiji đang tạo dáng bên cạnh một chiếc thuyền ‘vaka’ truyền thống trước chuyến hành trình xuyên Thái Bình Dương từ Cảng Viaduct tại Auckland, New Zealand. Chỉ sử dụng năng lượng mặt trời và gió, con thuyền khởi hành ngày 16/4 đã vượt qua hành trình 15.000 hải lý đến Hawaii qua đảo Polynesia, Pháp, nhằm mục đích nâng cao nhận thức về các vấn đề môi trường như ô nhiễm tiếng ồn đại dương, axit hóa và các vùng nước thiếu khí, đồng thời tái hiện lại hành trình truyền thống xuyên Thái Bình Dương. Chuyến đi được đặt tên là ‘Te Mana o Te Moana’ có nghĩa là ‘Linh hồn biển cả’’. (Ảnh: Phil Walter / Getty Images)
Đó là hòn đảo thiên đường nhiệt đới xinh đẹp của Fiji nằm ở trung tâm Nam Thái Bình Dương, được bao bọc bởi 300 hòn đảo và cách bờ biển New Zealand khoảng 1.600 km về phía bắc.
Vốn là những người dân đi biển, nên những cuộc hành trình trên những chiếc thuyền truyền thống là một phần cuộc sống của hầu hết các bộ lạc trên các đảo thuộc vùng nhiệt đới Thái Bình Dương từ thuở xa xưa.
Trước khi Fiji bị Cơ đốc hóa vào thế kỷ 19, người Fiji tin vào nhiều vị thần. Trong số các vị thần nguyên thủy có Rokolat, người bảo trợ cho thợ mộc và thợ đóng thuyền. Ông cũng là con trai của Degei, vị thần quan trọng nhất của Fiji.
Đã hơn 5.000 năm kể từ khi những nhà buôn dùng thuyền đến định cư trên đảo. Kể từ đó, thuyền là nguồn sinh kế của cộng đồng. Chúng được sử dụng cho mọi thứ, từ buôn bán, du lịch đến chiến tranh để chống lại các bộ tộc khác.
Bản in theo phong cách cổ điển màu đen trắng, khắc họa một chiếc thuyền đôi của người Fiji, được thiết kế với một cánh buồm hình tam giác, các cửa ra vào để vào mỗi thân thuyền và một số người đàn ông trên boong, được xuất bản trong tập sách của John George Wood có tên “Các chủng tộc thiếu văn minh của loài người ở tất cả các quốc gia thế giới, một bản tường trình toàn diện về cách cư xử và phong tục của họ, cũng như các đặc điểm thể chất, xã hội, tinh thần, đạo đức và tôn giáo của họ”, 1877. (Hình ảnh: Bộ sưu tập Smith / Gado / Getty Images)
Theo cuốn Những Chiếc thuyền của Đại dương Tập 1: Những chiếc thuyền của Polynesia, Fiji và Micronesia, “Chiếc thuyền đôi” (waqa drua trong tiếng Fiji) là con thuyền đi biển lớn nhất và tốt nhất từng được người dân Châu Đại Dương thiết kế và chế tạo trước khi tiếp xúc với người châu Âu.
Chúng là những con thuyền làm từ ván và được đóng rất khéo léo mà không cần kim loại, dài 30 mét và sâu 1,5 mét. Con thuyền đôi này có thể chở 200 người và dễ dàng đi được khoảng 15 hải lý/giờ trong điều kiện gió tốt. Những cánh buồm hình tam giác khổng lồ được làm từ vải dệt từ cây dứa dại làm chiếc thuyền khỏe hơn. Mũi tàu là đầu nào cũng được, do đó để đổi hướng chỉ cần chuyển cột buồm sang đầu đối diện của tàu là xong.
Trên một chiếc thuyền đôi, dầm chính sẽ dài từ 1,8m đến 2,4m, và một người có thể thoải mái đi trong khoang mà không bị chạm đầu vào boong. Người ta kể rằng “Nơi nấu nướng thông thoáng đủ rộng rãi để nướng nguyên một con lợn, thức ăn và nước uống có thể dễ dàng trữ đủ cho những chuyến đi dài ngày”, và “từng có lần, một chiếc thuyền drua đã mang theo 12 con gia súc trong khoang đi từ Vịnh Natewa ở Vanua Levu đến Levuka với quãng đường dài 200km, và một chiếc drua khác đi từ Tailevu đến Suva đã chở số hàng nặng tới 50 tấn.”
Các mái chèo của thuyền drua cũng rất lớn. Một trong những chiếc lớn nhất dài 10m và rộng 0,5m, Trên những chiếc drua lớn, người ta đặt một chiếc mái chèo ở mỗi đầu vì chúng quá nặng không thể chuyển sang phía bên kia trong khi di chuyển.
Ngày nay, cách chế tạo thuyền drua là một nghệ thuật gần như bị lãng quên và nguồn gốc của việc đóng thuyền ở Fiji vẫn là một vấn đề gây nhiều tranh cãi trong những người bản địa trên đảo.
Được gọi là Kalia ở Tonga và ‘Alia ở Samoa’, thuyền hai thân được làm từ vesi loa (Intsia bijuga), một loại gỗ cứng được tìm thấy trên các đảo đá vôi ở nhóm Southern Lau thuộc Fiji. Loại gỗ này thường được ví cứng như titan. Vỏ tàu được ghép từ nhiều tấm gỗ và được buộc lại với nhau bằng magi magi, một loại sợi bện bằng vỏ dừa.
Hiện nay chỉ có hai chiếc drua nhỏ nguyên gốc còn sót lại. Một chiếc có tên Sema Makawa đang nằm ở Bảo tàng Hàng hải New Zealand. Chiếc thứ hai là Ratu Finau nằm tại Bảo tàng Fiji ở Suva.
Ngày nay, một số cộng đồng người bản địa đã quay lại nghề đóng thuyền truyền thống khi chế tạo các phiên bản nhỏ hơn của chiếc thuyền này, chúng được gọi là camakau, chủ yếu được sử dụng để đánh cá.
Gần đây, người ta đã tổ chức các sự kiện Trải nghiệm Drua để giới thiệu con thuyền này tới công chúng. Dưới sự tổ chức của Moala Takouta, Kaiafa Ledua và Setareki Ledua của Quần đảo Lau, sự kiện đã chế tạo một bản sao thu nhỏ, có thể đi biển được của chiếc thuyền Ratu Finau Mara. Mọi người có thể thuê chiếc thuyền bản sao này trải nghiệm du hành trên thuyền drua từ Cảng Suva ở thủ đô Suva của Fiji, tất nhiên là có kèm theo người hướng dẫn.
Dẫu có nguồn gốc ra sao, thì cho tới nay, thuyền drua của người Fiji vẫn được xem là con thuyền đi biển tốt nhất mà người bản địa Châu Đại Dương từng làm được. Văn hóa drua xứng đáng nhận được sự nghiên cứu và đánh giá sâu sắc hơn về kỹ năng đi biển và lịch sử của người Fiji so với những gì tồn tại trong các tài liệu đang có hiện nay.
Quốc Hùng (Theo Vision Times)
Xem thêm:
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…