Đời Sống

Tiếp xúc quá sớm với 3 loại vận động này có ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ?

Việc lựa chọn các môn thể thao phù hợp cho trẻ luôn là mối quan tâm lớn của các bậc phụ huynh. Một số quan điểm cho rằng các vận động như chạy đường dài, tập tạ, hoặc khiêu vũ có thể gây tác động tiêu cực đến chiều cao của trẻ. Vậy thực hư ra sao? Làm thế nào để trẻ vừa phát triển thể chất toàn diện, vừa đảm bảo an toàn và tăng trưởng chiều cao tối ưu? 

3 loại vận động này có ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ?
(Ảnh minh họa: Shutterstock)

Quan điểm này có cơ sở khoa học không?

Hiện tại, chưa có bằng chứng nghiên cứu khoa học nào ủng hộ quan điểm này.

Dù là chạy đường dài, tập tạ, khiêu vũ hay các môn thể thao khác, miễn là hoạt động được thiết kế hợp lý, phù hợp với độ tuổi, thể lực và kỹ năng của trẻ, thì thông thường sẽ không gây hại cho sức khỏe hay ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ.

Ví dụ, các nghiên cứu chất lượng cao đã phát hiện rằng các bài tập kháng lực được thiết kế hợp lý (chẳng hạn như tập tạ) không ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao, sụn tăng trưởng (sụn tăng trưởng giúp xương dài ra cho đến khi trẻ đạt chiều cao tối đa, sau đó sẽ được thay thế bằng mô xương), hoặc sức khỏe hệ tim mạch của trẻ.

Năm 2019, một nhóm nghiên cứu tại Brazil đã công bố một tài liệu tổng quan về ảnh hưởng của vận động đến sự phát triển của trẻ em. Kết luận đề cập: Dựa trên các bằng chứng hạn chế hiện có, không có phát hiện nào cho thấy việc vận động gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự tăng trưởng chiều cao của trẻ.

Quan điểm lan truyền trên mạng còn đề cập rằng khiêu vũ đòi hỏi các động tác uốn lưng, xoạc chân, dễ gây nguy hiểm; chạy đường dài có thể làm tổn thương khớp gối, v.v. Thực tế, bất kể là môn thể thao nào, nếu vượt quá khả năng thể lực hoặc kỹ năng của trẻ, hoặc thiết kế của môn thể thao không hợp lý, hoặc không phù hợp với độ tuổi của trẻ, thì xét từ góc độ an toàn, không nên để trẻ tham gia. Điều này không phải vì lý do “ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ” như nhiều người nghĩ.

Trẻ vận động cần chú ý điều gì?

Vận động nhằm thúc đẩy sức khỏe, nhưng nếu việc tập luyện dẫn đến chấn thương cho trẻ thì sẽ phản tác dụng.

Thông thường, với trẻ dưới 3 tuổi, chỉ cần đảm bảo môi trường hoạt động an toàn thì hầu như không cần lo lắng về nguy cơ chấn thương do vận động. Ở độ tuổi này, các hoạt động của trẻ phần lớn diễn ra dưới sự giám sát của phụ huynh, và thường chỉ là những trò chơi trong khả năng của trẻ như chạy nhảy, leo trèo.

Tuy nhiên, đối với trẻ lớn hơn, đặc biệt từ 3-8 tuổi, cách vận động, môi trường hoạt động, và kỹ năng vận động của trẻ sẽ phức tạp hơn. Lúc này, phụ huynh cần chú ý đến an toàn khi vận động, nên tìm hiểu trước và chủ động phòng tránh những nguy cơ có thể xảy ra.

Để phòng tránh chấn thương khi trẻ vận động hoặc tai nạn trong quá trình chơi thể thao, cần chú ý 3 khía cạnh sau đây:

Đối với cơ thể

  1. Chọn các môn thể thao phù hợp với thể lực và tình trạng cơ thể của trẻ. Khi đăng ký các hoạt động, hãy kiểm tra kỹ độ tuổi phù hợp và yêu cầu kỹ năng.
  2. Khi rèn luyện sức mạnh cơ bắp, nên sử dụng trọng lượng cơ thể của trẻ, ví dụ như tập xà đơn hoặc các hoạt động nhảy.
  3. Nếu hoạt động yêu cầu thiết bị bảo hộ, cần sử dụng đúng cách theo quy định của môn thể thao.
  4. Trang bị sẵn chai nước cho trẻ, nhắc nhở trẻ uống nước đầy đủ trước, trong và sau khi vận động.
  5. Khuyến khích trẻ khởi động trước khi vận động và thực hiện các động tác giãn cơ đơn giản sau khi vận động để cơ thể phục hồi dần dần.
  6. Quan sát dấu hiệu do vận động quá sức ở trẻ, chẳng hạn như mệt lả, đau nhức hoặc không phục hồi sức lực sau khi chơi thể thao. Nếu có, cần điều chỉnh cường độ và thời lượng vận động trong lần tiếp theo.

Môi trường

  1. Chọn địa điểm phù hợp và an toàn, đảm bảo không có vật sắc nhọn hay dụng cụ thể thao bị hỏng.
  2. Khi bơi lội, tránh để trẻ ngâm mình quá lâu trong nước lạnh.
  3. Tránh cho trẻ vận động ngoài trời trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như nắng nóng gay gắt.

Hoạt động

  1. Khuyến khích trẻ tham gia nhiều loại hoạt động khác nhau như các bài tập aerobic, rèn luyện sức mạnh cơ bắp hoặc trò chơi vận động đối kháng.
  2. Không nên để trẻ ở độ tuổi nhỏ (khoảng 3-8 tuổi) tham gia vào các chương trình huấn luyện thể thao chuyên sâu với cường độ cao.
  3. Tránh để trẻ chỉ tập trung vào một môn thể thao duy nhất trong thời gian dài, mà nên khuyến khích trẻ tham gia đa dạng các hình thức vận động.
  4. Tìm hiểu trước nội dung và quy tắc của hoạt động hoặc môn thể thao mà trẻ sẽ tham gia.
  5. Hướng dẫn trẻ luyện tập trước các kỹ năng cần thiết cho hoạt động như leo trèo, giữ thăng bằng, hoặc bắt và ném bóng.
Chạy đường dài, ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Những môn thể thao nào hỗ trợ tăng chiều cao?

Mục đích thực sự của vận động là để cải thiện sức khỏe toàn diện, ví dụ như duy trì cân nặng hợp lý, bảo vệ thị lực v.v. Đối với trẻ từ 1-5 tuổi, khuyến nghị mỗi ngày nên vận động ít nhất 3 giờ. Với trẻ từ 5-12 tuổi, cần ít nhất 1 giờ vận động ở cường độ trung bình đến cao mỗi ngày. Lượng vận động này không nhất thiết phải hoàn thành trong một lần mà có thể chia nhỏ nhiều lần trong ngày.

Một số hoạt động như leo trèo, nhảy, chạy, kéo co, chống đẩy, v.v. có thể rèn luyện cơ bắp và xương tốt hơn, từ đó có thể hỗ trợ tăng chiều cao. Phụ huynh có thể khuyến khích trẻ tham gia các môn này, ví dụ dành 3 ngày mỗi tuần để thực hiện các bài tập kéo giãn, nhảy, và rèn luyện sức mạnh.

Tuy nhiên, khi nói đến chiều cao của trẻ, chúng ta cần nhìn nhận một cách thực tế, bởi phần lớn chiều cao được quyết định bởi yếu tố di truyền. Để trẻ phát huy tối đa tiềm năng chiều cao do gen quyết định, ngoài việc vận động tích cực, cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng cân đối và giấc ngủ đầy đủ. Những điều này cũng là một phần của lối sống lành mạnh mà trẻ cần duy trì suốt đời.

Trúc Nhi biên dịch
Theo Aboluowang

Trúc Nhi

Published by
Trúc Nhi

Recent Posts

Dự án siêu thị ở Hậu Giang: Bắt thêm cựu Phó chủ tịch HĐND tỉnh

Ông Nguyễn Văn Tiến bị điều tra về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn…

2 giờ ago

Cá sấu Indonesia bắt chước cảnh người chết đuối để dụ ‘người cứu hộ’

Một cư dân mạng chia sẻ clip viết: “Cá sấu nước mặn ở Indonesia đã…

5 giờ ago

Chính thức chuyển giao bắt buộc GPBank cho VPBank và DongA Bank cho HDBank

Sau khi được chuyển giao bắt buộc, GPBank và DongA Bank sẽ là các ngân…

5 giờ ago

Nên rửa mặt bằng nước nóng hay nước lạnh? Bạn đã thực hiện đúng cách?

Rửa mặt là bước quan trọng trong việc chăm sóc da, nhưng bạn có chắc…

6 giờ ago

Việt Nam sắp có nhà máy vắc-xin 2.000 tỷ đồng

Nhà máy sản xuất vắc-xin của VNVC tại Long An do Tập đoàn Rieckermann (Đức)…

6 giờ ago

Cựu PGĐ Sở KH&ĐT TP.HCM bị đề nghị thêm 7-8 năm tù trong vụ án thứ hai

HĐXX nhận định hành vi của hai bị cáo Trần Thị Bình Minh và Phan…

7 giờ ago