Đời Sống

Trí tuệ của cổ nhân: Quy tắc kết bạn

Người xưa luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chọn bạn để kết giao, họ coi đó là nền tảng xây dựng mối quan hệ lâu dài và chân chính. Từ lời dạy của Khổng Tử về người bạn trung thực, đáng tin cậy, đến quan điểm sâu sắc của Trang Tử về tình bạn quân tử bền chặt như nước, các bậc cổ nhân đều đặt phẩm chất và đạo đức lên hàng đầu. Những câu chuyện minh họa như lòng trung thực, sự nhẫn nại và tinh thần chính trực không chỉ là bài học quý giá mà còn là kim chỉ nam cho việc đối nhân xử thế trong cuộc sống hiện đại.

Người xưa luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chọn bạn để kết giao. (Ảnh minh hoạ: Shutterstock)

Người xưa kết giao

Người xưa rất thận trọng trong kết giao. Khổng Tử đã nhắc nhở các đệ tử của mình rằng: “Người thẳng thắn, người rộng lượng và người hiểu biết sâu rộng là 3 người bạn có lợi. Người giảo hoạt, người a dua và người xu nịnh là 3 người bạn có hại”. 

Ông tin rằng người có phẩm chất chính trực, trung thực, đáng tin cậy và có kiến thức bác đại thì mới đáng để kết giao. Bởi vì họ hành sự trượng nghĩa, luôn vì người khác và luôn lấy nhân phẩm làm trọng. 

Mạnh Tử cho rằng kết bạn là: “Hữu kỳ đức dã, bất khả dĩ hữu hiệp dã” (Bạn bè kết giao vì đức hạnh, không phải vì nhờ cậy điều gì).

Trang Tử lại cho rằng: “Quân tử chi giao đạm nhược thủy, tiểu nhân chi giao cam nhược lễ; quân tử đạm dĩ thân, tiểu nhân cam dĩ tuyệt.” (Người quân tử khi kết giao thì đạm nhạt như nước, còn kẻ tiểu nhân khi kết giao lại ngọt như rượu. Sự kết giao của người quân tử tuy đạm nhạt nhưng lâu dài bền chặt, còn tình cảm của kẻ tiểu nhân tuy ngọt ngào, vồ vập nhưng lại dễ dẫn đến tuyệt giao.)

Vào thời nhà Minh, trong ‘Kê Minh Ngẫu Ký’ ,Tô Tuấn đã đem bạn bè chia thành 4 loại, khuyên người đời nên kết giao với những “úy hữu” – bạn bè giúp nhau trau dồi phẩm hạnh, thẳng thắn khuyên bảo sai lầm, và “mật hữu” – bạn bè kết giao bằng chân tâm, sống chết có nhau. Đồng thời, tránh xa “nật hữu” – những kẻ khéo lời nịnh bợ, chỉ biết ăn chơi hưởng lạc, và “tặc hữu” – những kẻ chỉ chung vui lúc sung túc nhưng lại bỏ mặc hoặc đâm sau lưng khi hoạn nạn. 

Nói là làm, người trung thực mới đáng tin cậy

Theo ‘Úc Ly Tử’ cuốn sách với bút pháp ngụ ngôn của nhà văn Lưu Bá Ôn, có ghi lại một câu chuyện như thế này: Một thương nhân khi băng qua sông thì bị chìm thuyền, trong tình thế nguy cấp không thể làm gì khác nên ông bám vào đám cỏ khô nổi trên sông và kêu cứu. 

Có một người đánh cá lái thuyền đến cứu, nhưng trước khi thuyền đến gần, thương gia vội vàng hứa: “Tôi là nhà buôn lớn ở Tế Âm, nếu anh cứu tôi, tôi sẽ tặng anh một trăm lượng bạc”. Nhưng đến khi người đánh cá cứu được ông vào bờ, thì ông ta chỉ đưa cho người đánh cá mười lạng bạc. 

Lúc ấy người đánh cá hỏi ông ta: “Lúc cứu ông, ông hứa cho tôi một trăm lượng bạc, bây giờ chỉ cho tôi mười lượng, cái này e rằng là không hợp lý?”  Người thương nhân lập tức thay đổi sắc mặt: “Ngươi là ngư dân, một ngày ngươi có thể kiếm được bao nhiêu tiền? Bây giờ lập tức ngươi được mười lượng bạc cùng một lúc, ngươi còn chưa thấy thỏa mãn sao?” nghe xong người đánh cá đành hậm hực rời đi.

Ít hôm sau, người thương nhân nọ lại ngồi thuyền xuôi dòng trên sông, một lần nữa thuyền lại va vào một tảng đá rồi chìm mất. Lúc ấy người đánh cá cũng tình cờ có mặt tại nơi thuyền của ông ta bị chìm. Thấy người đánh cá không nhúc nhích, có người hỏi: “Sao anh không đi cứu ông ấy?” Người đánh cá lúc này khinh miệt đáp: “Đây là kẻ đã hứa cho tôi một trăm lạng bạc nhưng lại nuốt lời”. Anh ta đánh thuyền vào bờ rồi lặng lẽ nhìn người thương nhân vùng vẫy trong nước rồi dần dần chìm xuống sông.

Không giữ lời thì mất chữ tín, giống như thương nhân kia cuối cùng đã đánh mất mạng sống quý giá nhất của mình vì không giữ lời hứa. Người xưa nói: “Lời hứa đáng giá ngàn vàng”. Trung thực và đáng tin cậy là đức tính vô cùng quan trọng. Chỉ những người trung thực và đáng tin cậy mới đáng để kết bạn.

Hành sự thận trọng chắc chắn, không gian xảo mới là người đáng tin cậy

Có một câu chuyện như sau: Một gia đình giàu có thuê hai người thợ xây để sửa lại bức tường. Anh thợ trẻ tuổi làm rất nhanh nhẹn, chỉ mất chưa đầy một ngày đã hoàn thành xong một mặt tường, trong lòng anh còn rất hài lòng về điều đó. Anh ta nói với người thợ xây già: “Nếu ông xây bằng những viên đá to, ông có thể sớm được trả công”. Lão thợ xây nhìn bức tường do người thợ xây trẻ tuổi xây bằng đá lớn, chỗ lồi chỗ lõm thì mỉm cười đầy ẩn ý và nói: “Bức tường này phải được xây dựng vững chắc bằng từng viên đá nhỏ để tạo nên độ bền chắc, mới có thể chống đỡ được những viên đá lớn. Nếu như vì mong muốn sự nhanh chóng mà loại bỏ những viên đá nhỏ, thì những tảng đá lớn sẽ không được kiên cố, không lâu sau sẽ sụp đổ. Tôi muốn xây cho đẹp, chắc và bền nên không quan trọng tốc độ mau chậm”.

Người thợ xây trẻ không coi trọng điều ông lão nói, nghĩ rằng ông đã già nên hóa hồ đồ lẩm cẩm. Nhưng đến đêm hôm đó, trời mưa rất to, những bức tường bằng đá lớn đều đổ sập, chỉ có những bức tường bằng đá nhỏ là vẫn đứng kiên cố giữa trời mưa gió giữ dội. Cuối cùng, người chủ nhà đuổi người thợ trẻ đi, lại còn quay sang khen ngợi tấm tắc tay nghề của ông lão. Cũng nhờ ông sửa lại những bức tường đã đổ với số tiền công rất cao.  

Ông lão thợ xây dùng phương pháp nhìn như là “vụng về” để làm việc, nhưng nội hàm thâm sâu lại chính là sự khéo léo, từng bước một, không những xây được bức tường kiên cố nhất mà còn dành được sự tin tưởng từ người khác. Công phu thực sự chỉ có thể đạt được nếu bạn sẵn sàng làm việc một cách nhiệt tình và nhận thiệt thòi về mình, ấy mới là đáng tin.

Giữ vững được chuẩn mực làm người mới là đáng tin

Nhà triết học Chu Hi thời nhà Tống đã bình luận trong ‘Luận Ngữ Tập Chú’ rằng: “Hữu sở dĩ phụ nhân, bất như kỷ, tắc vô ích nhi hữu tổn”. (Kết giao bạn hữu là để cùng nhau làm những việc nhân nghĩa, nếu như họ không có nhân phẩm thì kết giao cũng vô ích). Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, ôn, lương, cung, khiêm. Trong thời cổ đại người ta lấy lễ, nghĩa, liêm, sỉ làm chuẩn tắc cho “Quốc chi tứ duy”. Chân thành, lương thiện, khoan dung, làm việc gì đều nghĩ đến người khác, không làm tổn thương người chỉ vì lợi ích của mình và biết giữ gìn chuẩn tắc làm người mới đáng tin cậy. 

‘Cảnh thế thông ngôn’ là những câu chuyện dân gian được tác giả Phùng Mộng Long sửa chữa, cũng nói rằng: “Nội hữu quân tử, môn ngoại quân tử chí”. Nghĩa là trong nhà có người quân tử thì ngoài cửa mới có những người quân tử tìm đến. Chỉ cần bạn ngay thẳng nhân nghĩa, bạn sẽ tự nhiên thu hút những người có cùng phẩm chất. Vì vậy, nếu muốn có những người bạn đáng giá, trước tiên bản thân phải là một người đáng giá.

Trúc Nhi

Published by
Trúc Nhi

Recent Posts

Trí tuệ nhân tạo có thể giúp tăng tỷ lệ IVF thành công

Làm IVF thất bại là một nỗi đau lớn đối với các gia đình hiếm…

2 giờ ago

Cựu Chủ tịch tỉnh Bình Thuận lĩnh án 6 năm tù

Bị cáo Lê Tiến Phương cùng các đồng phạm có sai phạm trong việc giao…

2 giờ ago

Nguyên Chủ tịch Tập đoàn dược Bảo Châu bị khởi tố thêm tội danh

Bà Nguyễn Lan Hương bị khởi tố thêm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

4 giờ ago

Hà Nội ban hành công văn yêu cầu xử lý việc thao túng giá bất động sản

UBND TP Hà Nội vừa có công văn số 224 về việc tập trung chấn…

5 giờ ago

Thành lập công ty đòi nợ kiểu khủng bố, hai nghi phạm cưỡng đoạt hơn 300 tỷ đồng

Từ tháng 12/2021 đến nay, 2 công ty đã chi số tiền hơn 110 tỷ…

5 giờ ago

[VIDEO] Tổng thống Mỹ Trump: Thời đại hoàng kim của nước Mỹ bắt đầu từ đây

"Từ ngày này trở đi, đất nước chúng ta sẽ phát triển thịnh vượng và…

5 giờ ago