Trong thời đại “đánh mất chữ Hiếu” này, làm thế nào để giáo dục con hiếu kính người lớn?

Trong thời đại “đánh mất chữ Hiếu” này, các bậc cha mẹ làm thế nào để giáo dục con cái hiếu kính với người lớn?

Mời các bậc phụ huynh cùng đọc bài viết ý nghĩa của một bà mẹ dưới đây và tìm ra cho mình phương pháp giáo dục con phù hợp:

1. Suy ngẫm từ câu chuyện “2 chiếc đùi gà”

Kì nghỉ hè năm trước, tôi đưa bé Na đến nhà bạn chơi.

Tôi muốn chia sẻ với mọi người việc mà tôi đã nhìn thấy khiến tôi xúc động sâu sắc tại nhà của một người bạn.

Người mẹ đang hầm gà, cậu con trai 3 tuổi ngồi bên cạnh nuốt nước miếng chờ đợi, cuối cùng thịt đã chín, người mẹ gắp hai cái đùi gà lớn để vào chén của cậu bé.

Cậu bé thích thú ra sức thổi, thổi rồi thổi, khi đã khá nguội rồi, người mẹ bước đến và nói “Con trai, con mang 2 cái đùi gà này để vào chén của ông nội và bà nội mỗi người một cái đi nhé”.

Thằng bé nghe xong tỏ vẻ không đồng ý, tay ôm lấy cái chén, mắt long lanh như sắp khóc và nói: “Không, không cho, đây là của con, con cũng muốn ăn”.

Người mẹ nói với con: “Con ạ, ông bà già rồi, răng ngày càng yếu, không ăn được nhiều thứ nữa, con còn bé, sau này còn rất nhiều cơ hội được ăn, vì vậy thứ ngon phải để cho ông bà trước”.

Cậu bé 3 tuổi không thể hiểu được nhiều lý lẽ đến vậy, dù đạo hiếu cao thượng đến đâu cũng không qua được đùi gà hấp dẫn trước mắt.

Tất nhiên cậu bé không chịu, ôm chặt lấy cái chén, nước mắt rơi lã chã: “Con cũng muốn ăn, con cũng muốn ăn”.

Người mẹ không mềm lòng, ánh mắt rất kiên quyết, không thỏa hiệp với con.

Cậu bé vẫn không muốn, nhưng xem ra đã hiểu được ánh mắt của mẹ nên cậu bạn nhỏ 3 tuổi không khóc, cũng không quấy nữa, lau nước mắt đi rồi mang hai cái đùi gà cho ông bà nội.

Bà nội đứng bên cạnh nói: “Thằng bé có một người mẹ như con, sau này lớn lên nhất định sẽ có tương lai”.

(Ảnh minh họa/giadinhvietnam.com)

2. Nghĩ kỹ lại thì thật đáng sợ. Từ bao giờ con tôi lại thiếu giáo dưỡng như thế mà tôi lại chẳng hay biết?

Nhìn thấy hình ảnh đó, khóe mắt tôi cay cay, ngoài việc cảm động, tôi lại càng cảm thấy xấu hổ.

Tôi quay lại nhìn con mình, bé Na hoàn toàn không làm được như thằng bé. Rồi tôi tự nhìn lại bản thân, tôi cũng không làm được như người mẹ kia.

Thường ngày đưa bé Na đến ăn cơm với ông bà, tôi cũng yêu cầu con dù là món thích ăn cũng không được ăn một mình, phải để dành cho ông bà nội ngoại.

Thế nhưng vì sống xa với ông bà nên cưng chiều còn không kịp, còn nói chi đến đến nhường nhịn. Ông bà sẽ phần cho bé Na những món mà con bé thích ăn, thích cái gì, ông bà đều ưu tiên cho con bé.

Tôi cũng thường nói với ông bà rằng đừng quá nuông chiều con bé. Thế nhưng, tôi là con gái của ông bà, tôi cũng là một người mẹ. Bản thân tôi có sự ích kỷ: thương con, muốn cho con những gì tốt nhất. Vì vậy, lần nào cũng chỉ là nói cho qua chuyện, cuối cùng vẫn theo ý ông bà.

Nay suy nghĩ lại, tôi lại chẳng nhớ nổi có lần nào mà bé Na chủ động nhường cho ông bà món mà mình thích ăn nhất.

Nghĩ kỹ lại thì thật đáng sợ. Từ bao giờ con tôi thiếu giáo dục như thế mà tôi lại chẳng hay biết?

Bà ngoại của bé Na cảm thấy tôi cứ chuyện bé xé ra to, bà còn đỡ lời cho nó rằng con bé còn nhỏ, sao có thể mong nó hiểu được đạo lý đối nhân xử thế chứ? Khi ăn, khi chơi còn phải suy nghĩ, nhường người khác nữa sao?

Tôi thật sự chưa từng nghĩ đến. Tôi không sợ con bé không hiểu được lý lẽ cuộc sống, điều tôi sợ đó là con bé căn bản chưa từng nghĩ cho người khác. 

Tôi sợ là con bé không hề biết nhường nhịn.

Đối nhân xử thế là một loại năng lực, con gái tôi lớn lên rồi sẽ dần dần hiểu. Thế nhưng nếu làm bất cứ việc gì mà chỉ biết đến bản thân, không nghĩ đến người khác thì đó là ích kỷ, dù có lớn lên cũng sẽ rất khó mà thay đổi được.

(Ảnh minh họa/mediabakery.com)

3. Đây là thời đại “đánh mất chữ hiếu”

“Kính lão đắc thọ” vốn là đạo lý bất di bất dịch từ bao đời nay, không biết từ khi nào, mọi thứ đã bị biến tướng, chúng ta không còn dành những điều tốt nhất cho ông bà cha mẹ giống như trước kia nữa, mà dành những thứ ấy cho con trẻ.

Ông bà cha mẹ cũng chẳng mấy ai hy vọng con cháu chăm sóc khi tuổi già, chỉ luôn một lòng hy sinh, những gì chưa cho được các con thì sẽ dành cho các cháu.

Còn trẻ em ngày nay cũng không còn hiếu kính với ông bà cha mẹ, khi nổi giận thì sẽ chẳng cần biết ai là trưởng bối, dù cha mẹ muốn giáo dục thì ông bà cũng sẽ “giải vây”.

Các bậc trưởng bối không tính toán với trẻ nhỏ, lại thêm quan niệm “không cần thiết phải làm lớn chuyện gây không vui chỉ vì vài thứ vặt vãnh” nên thường thì kết cục là trẻ nhỏ thật sự không biết tôn trọng người lớn.

Trước kia tôi từng nghĩ rằng đầu tiên phải giảng giải rõ ràng lý lẽ, con đã hiểu thì về sau sẽ luôn làm đúng. Bây giờ tôi lại nghĩ rằng: có những việc từ ban đầu bắt buộc làm phải đúng, lý lẽ thì có thể từ từ hiểu.

Có những chuyện bắt buộc phải làm hoặc không được phép làm: ví dụ như bắt buộc phải tôn trọng người lớn, không được tùy tiện nổi giận với ông bà cha mẹ, nếu trẻ còn quá nhỏ, không hiểu được vì sao phải “bắt buộc” thì không sao cả, trước tiên hãy để trẻ thực hiện, rồi sẽ đến lúc trẻ dần dần hiểu ra.

Thế nhưng nếu từ ban đầu đã không rõ ràng, không đưa ra quy củ thì đến khi trẻ thật sự hiểu được, e là cũng sẽ lười thay đổi hoặc là thói quen đã trở thành tự nhiên nên không sửa được nữa.

(Ảnh minh họa/pixabay.com)

4. Việc cho con rất nhiều tình yêu thương cùng việc giáo dục lễ nghĩa và sự tôn trọng hoàn toàn không xung đột với nhau

Yên con là thiên tính của các bậc cha mẹ, nhất là khi đã về già, tôi tin rằng tất cả ông bà đều nguyện làm mọi việc có thể vì con như thể dù có yêu thương thế nào cũng không đủ.

Thế nhưng thưa các bậc trưởng bối, chúng ta nhất định phải hiểu rằng: một đứa trẻ bị nuông chiều hư hỏng sẽ không được người khác yêu mến, sự nuông chiều đó cũng sẽ không thể đi cùng trẻ đến cuối đời được.

Bây giờ là cháu của ông bà, nhưng sau này sẽ trở thành đồng nghiệp, là chồng, là cha của người khác, rồi ai sẽ nuông chiều trẻ đến cả đời được như ông bà? Nếu người khác không làm được, thì cuối cùng người khổ nhất vẫn là bản thân trẻ.

Còn người làm cha mẹ cũng không nên đổ lỗi sự nuông chiều cháu sinh hư cho ông bà, mà hãy tìm cách hợp lý để can thiệp. Giống như mẹ của cậu bé 3 tuổi trong câu chuyện trên, nếu cha mẹ đã dạy con biết tôn trọng và hiếu kính với người lớn tuổi thì tôi tin rằng dù có được nuông chiều đến đâu thì trẻ cũng sẽ không hư.

Bạn mua 10 thỏi sô cô la mà trẻ thích ăn nhất và nói với trẻ rằng nên dành cho ông bà, cha mẹ mỗi người một thỏi, theo thời gian, trẻ sẽ tự nhiên học được cách chia sẻ và suy nghĩ cho người khác. Việc này mang rất nhiều lễ nghĩa và cũng có rất nhiều tình yêu thương đấy. Tình yêu thương và lễ nghĩa song hành cùng nhau, trẻ sẽ học được lòng biết ơn.

Thế nhưng nếu bạn mua 10 thỏi sô cô la, lần nào cũng cho trẻ hết 10 thỏi, đến một ngày bạn muốn ăn một thỏi, trẻ không biết chia sẻ và tôn trọng người khác, có thể sẽ từ chối không cho bạn. Nếu chỉ có yêu thương mà không có lễ nghĩa, trẻ sẽ chỉ học được sự ích kỷ.

(Ảnh minh họa/pixabay.com)

5. Lịch sự và nhường nhịn để người ngoài xem – đó gọi là sự “tinh đời”, “khôn khéo”, nếu bộc lộ một cách tự nhiên trước mặt người nhà thì mới là phẩm chất đạo đức.

Người khơi nguồn cho việc “đánh mất chữ Hiếu” này chẳng phải là con trẻ, các bé khi sinh ra là một trang giấy trắng, bạn giáo dục trẻ ra sao, trẻ sẽ học theo như thế ấy.

Bạn dạy con hiếu kính cha mẹ, trẻ sẽ không để bạn cô đơn khi về già; bạn dạy con biết quan tâm người khác, trẻ sẽ không ích kỷ chỉ biết mình; bạn dạy con học cách cảm ơn, trẻ sẽ biết ơn bạn v.v…

Nếu bạn không dạy con biết hiếu kính người lớn thì đừng trách vì sao khi bạn muốn con hiếu kính, con lại không làm được.

Tuyệt đối đừng nói rằng đều là người một nhà nên bạn không tính toán nhiều, nếu ngay cả người thân và trưởng bối trong nhà mà còn không tôn trọng được thì sao có thể thật lòng làm được với người ngoài đây?

(Ảnh: mediabakery.com)

6. Là một người mẹ không làm tròn trách nhiệm, tôi đang nỗ lực bù lại từng chút một

Sau khi trở về nhà, tôi đã hiểu rõ ràng sáng tỏ hơn về việc dạy bé Na và cũng có những sự thay đổi.

Mỗi lần mua đồ mới về, tôi sẽ bảo con chủ động cầm đưa cho ông bà cha mẹ ăn trước, khi con lại thất lễ với người lớn, tôi cũng không nhắm mắt làm ngơ nữa.

Đương nhiên là quá trình này không hề dễ dàng. Thế nhưng việc thuyết phục ông bà hợp tác cùng tôi thì lại không khó khăn như tôi nghĩ.

Bởi vì ông bà yêu cháu, thế nhưng cũng muốn có những đứa cháu luôn kính trọng, yêu thương mình. Nếu không thì vì sao khi bà nội của bé Na nhìn thấy con bé chọn một quả đào lớn nhất đưa cho mình, bà lại mỉm cười vui vẻ đến thế chứ? Vì sao khi bà nghe thấy con bé xin lỗi do vừa rồi nổi giận, bà lại hạnh phúc như vậy?

Mong rằng tôi đã không hiểu ra quá muộn, cũng hy vọng bài viết này có thể chia sẻ và giúp ích được cho mọi người.

Ngọc Trúc (sưu tầm và biên dịch)

Xem thêm:

Ngọc Trúc

Published by
Ngọc Trúc

Recent Posts

Chuyện danh y thời Tống tích âm đức cải biến mệnh

Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…

10 phút ago

Cuộc sống vốn dĩ là một vòng xoay…

Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…

15 phút ago

Bộ Tư pháp Mỹ: Google cần bán Chrome để chấm dứt độc quyền tìm kiếm trực tuyến

Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…

15 phút ago

Đội hình Phalanx huyền thoại chinh phục khắp thế giới

Đội hình Phalanx gắn liền với những cuộc chinh phục của Alexander Đại Đế.

25 phút ago

Maria Zakharova: ‘Cánh NATO cực đoan’ thúc đẩy chiến tranh với Nga

Phát biểu của bà Zakharova vào thứ Năm (21/11) mô tả Estonia và các quốc…

27 phút ago

5 kiểu phụ nữ dù không xinh đẹp xuất chúng vẫn khiến người khác dễ chịu

Xinh đẹp là một loại phúc báo, nhưng nhan sắc là yếu tố bên ngoài…

35 phút ago