Trước khi quyết định có nên cho ai đó vay tiền, hãy tự đặt ra 3 câu hỏi này. (Ảnh minh họa: Shutterstock)
Có người từng nói: “Mượn tiền là xui, đòi nợ là oan gia”. Chuyện vay tiền luôn khiến nhiều người khó chịu, bởi ai cũng sợ vấn đề tiền bạc không rõ ràng và cuối cùng đánh mất cả tình cảm. Ngay cả giữa anh chị em ruột, con cái trưởng thành và cha mẹ, mâu thuẫn do việc vay tiền cũng khó tránh khỏi.
Nhiều người cho rằng, bất kể ai hỏi vay tiền, tốt nhất là từ chối ngay lập tức; tìm một cái cớ để đối phương ngại ngần không dám hỏi vay; hoặc luôn tỏ vẻ khó khăn, để người ta nghĩ rằng mình không có tiền.
Thực ra, việc cho vay tiền hay không đều không có câu trả lời tiêu chuẩn. Chúng ta cần xem xét dựa trên từng người và từng tình huống cụ thể.
Do đó, giải pháp tốt nhất là hãy đặt ra 3 câu hỏi trước khi quyết định, để vừa giữ được tình cảm, vừa không làm tổn thất lợi ích của mình.
Không ai vay tiền mà không có lý do, nhưng người vay có thể có những lý do sâu xa có thể bạn sẽ không thể hiểu.
Nhiều năm trước, một người anh họ của tôi cần đi làm xa. Anh ấy đã sang nhà hàng xóm vay tiền mua vé xe. Người hàng xóm sau khi hỏi kỹ tình hình đã nhanh chóng đồng ý giúp đỡ.
Nhiều năm sau, người anh họ của tôi đã trở thành quản lý tại một nhà máy lớn. Hai đứa con của hàng xóm cũng được anh giới thiệu vào làm việc tại nhà máy và trở thành tổ trưởng, với mức thu nhập cao hơn so với nhân viên bình thường.
Có câu nói rất hay: “Người khôn nâng đỡ nhau, kẻ tầm thường chèn ép nhau”.
Khi nào nên nâng đỡ người khác là một nghệ thuật, thể hiện tầm nhìn xa trong cách đối nhân xử thế.
Thông thường, việc cho vay tiền nên được cân nhắc khi:
– Người vay cần tiền để đi làm xa.
– Đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn tột cùng, thậm chí không đủ ăn.
– Là người thân đang cần tiền để học hành.
– Là người có đầu óc kinh doanh.
– Là bạn bè cần tiền khẩn cấp.
Đây đều là những người có tiềm năng phát triển hoặc phẩm chất tốt.
Ngược lại, bạn không nên cho vay nếu:
– Người vay tiền để chơi bài bạc.
– Đang gặp rắc rối với hôn nhân và cần tiền để ly hôn.
– Không bao giờ quan tâm, chăm sóc cha mẹ.
– Vay tiền chỉ để ăn chơi, hưởng thụ.
– Đã nhiều lần đầu tư thất bại.
– Muốn vay để đi du lịch.
Những người này chỉ giỏi tiêu xài hoang phí, mà không quan tâm đến việc tạo ra thu nhập.
Chúng ta hỏi một câu, đối phương mượn tiền làm gì? Đặt câu hỏi trong lúc trò chuyện bình thường, họ sẽ bộc lộ rõ hoàn cảnh thực tế của mình.
Một tình huống đặc biệt khác là khi người vay là một người giỏi kiếm tiền và có nhân cách tốt, biết cách tạo ra nguồn thu nhập. Trong trường hợp này, bạn có thể áp dụng phương thức đầu tư để hỗ trợ họ. Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu của họ mà còn giúp bạn thu được một khoản lợi ích từ sự hợp tác này.
Nguyên nhân thực sự khiến nhiều người ngại cho vay tiền chính là “Có người vay tiền mà không trả.”
Có câu: “Một con sâu làm rầu nồi canh”. Nếu trong một nhóm bạn bè, có một người chuyên quỵt nợ, thì mọi giao dịch lợi ích trong nhóm đó sẽ không còn đáng tin cậy.
Vậy, nếu bạn thực sự gặp phải người như vậy, phải làm thế nào? Điều này cần được xem xét kỹ lưỡng từ trước khi quyết định cho vay, chứ không phải đợi đến khi họ “lật mặt” rồi mới tìm cách đối phó.
Khi phân tích cách một người cư xử sau khi vay tiền, ta có thể nhận thấy ba trường hợp: trả tiền đúng hạn, không có ý định trả hoặc không đủ khả năng trả, và nhiều năm không trả, luôn dây dưa.
Với trường hợp đầu tiên, ai cũng vui vẻ vì đó là biểu hiện của sự thành tín. Nhưng khi gặp hai trường hợp sau, điều đó có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn.
Người thông minh sẽ có cách ứng phó tích cực với hai trường hợp sau.
Khi gặp người không trả tiền, bạn nên học cách hạn chế rủi ro ngay từ trước khi cho vay. Ví dụ, không cho vay toàn bộ số tiền tiết kiệm, mà chỉ khoảng 30% số tiền bạn có. Bằng cách đó, cuộc sống sau này của bạn sẽ không bị ảnh hưởng. Ngoài ra, khi cho vay, hãy xác định rõ là mình không kỳ vọng người đó trả lại, và số tiền cho vay là nằm trong mức bạn có thể chấp nhận được.
Nếu bạn ngại ngùng, không thoải mái khi nói rõ số tiền cho vay, thì rất dễ cho vay một khoản quá lớn, dẫn đến những rắc rối cho cuộc sống sau này.
Danh nhân nổi tiếng Hồ Thích là một ví dụ điển hình. Ông thường xuyên cho người khác vay tiền nhưng không bao giờ bị phiền lòng bởi những khoản nợ chưa được trả.
Nhà văn Tam Mao từng nói: “Giữa bạn bè không nên có các khoản giao dịch tiền bạc, không nên cho bạn vay tiền. Nếu bạn quyết định cho người khác vay tiền, hãy giống như danh nhân Hồ Thích, đã cho vay thì không trông mong được trả lại”.
Khi Lâm Ngữ Đường học tại Đại học Harvard ở Mỹ và gặp khó khăn tài chính, ông Hồ Thích đã cho ông ấy vay tiền mà không bận tâm về việc khi nào ông ấy mới trả nợ, hay liệu ông có trả nổi hay không.
Học giả Trần Dần Khác bị bệnh về mắt trong nhiều năm, ông Hồ Thích đã giúp đỡ chi phí chữa trị mà không bao giờ nghĩ đến việc đòi lại.
Hành động cho vay được thực hiện với tinh thần “tự nguyện” sẽ trở nên nhẹ nhàng và đơn giản hơn rất nhiều. Do đó đến khi người vay có thể trả lại tiền, chúng ta sẽ xem đó như một món quà bất ngờ.
Do đó, tự hỏi lòng mình: Nếu người đó không trả tiền thì phải làm sao? Điều này giúp bạn chuẩn bị tâm lý, biết cách đối mặt với tình huống sau này và giảm bớt kỳ vọng vào việc “vay thì phải trả.”
Nếu bạn tìm hiểu kỹ, sẽ nhận ra rằng đôi khi người vay tiền giấu gia đình họ. Trong trường hợp đó, nếu bạn cho vay thì có khả năng người nhà họ, chẳng hạn như vợ hoặc chồng sẽ tìm đến bạn và gây phiền phức.
Ví dụ, một người đàn ông vay tiền để trả nợ cờ bạc. Nếu bạn đồng ý, vợ anh ta sẽ rất tức giận và cho rằng bạn, với tư cách là bạn bè, đang tiếp tay cho việc làm sai trái.
Lại ví dụ khác, một thanh niên vay tiền để đi du lịch, thực chất là muốn bỏ nhà ra đi. Nếu bạn đồng ý cho vay, liệu cha mẹ của cậu ấy có đến tìm bạn gây rắc rối không?
Vì vậy, chúng ta cần hỏi rõ hoàn cảnh gia đình của đối phương, xem mọi thành viên trong nhà họ có biết về việc này không? Có đồng ý không?
Nếu làm rõ được vấn đề này, bạn sẽ có một lợi ích khác: trong trường hợp đối phương không trả nổi, bạn có thể tìm đến gia đình họ để đòi nợ. Điều này tránh được tình huống người nhà họ chối rằng “chúng tôi không biết gì về chuyện này”.
Ngoài việc hỏi gia đình đối phương có đồng ý không, bạn cũng cần xem xét liệu gia đình mình có đồng ý không.
Khi cho vay tiền, tốt nhất bạn nên bàn bạc với gia đình. Vợ chồng trung niên thì trao đổi với nhau, người già nên hỏi ý kiến con cái. Khi cả nhà đồng thuận, sẽ tránh được mâu thuẫn về sau.
Có một câu tục ngữ: “Tiền vay vừa đến tay, ngay lập tức lo lắng.”
Một người có trách nhiệm và trung thực, khi vay tiền, luôn lo lắng ngay về việc phải hoàn trả. Là một chủ nợ, vừa cho vay tiền xong đã lo lắng đối phương không trả nổi. Dù ở vị trí nào, cả hai bên đều sống trong tâm trạng thấp thỏm, bất an. Điều này rất dễ dẫn đến mâu thuẫn giữa họ hàng hoặc bạn bè.
Trong chuyện vay mượn, đừng trở thành “thánh phán sau sự việc”, mà nên suy tính trước mọi khía cạnh, chuẩn bị sẵn tâm lý cho mọi tình huống có thể xảy ra.
Biết cách phân tích toàn diện và kiên nhẫn hỏi han, điều này không phải là rườm rà mà là cách để bạn trở nên cẩn trọng hơn.
Việc vay và cho vay suôn sẻ chính là một khoản đầu tư tình cảm; ngược lại, đó có thể là khởi đầu của sự đổ vỡ trong quan hệ. Cẩn trọng và thận trọng là cách tốt nhất.
Tổng chưởng lý của 17 tiểu bang Hoa Kỳ đã gửi thư cảnh cáo tới…
FBI cho biết hôm thứ Ba (11/2), họ đã phát hiện 2400 hồ sơ mới…
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump quyết tâm bảo đảm đưa toàn bộ công dân…
NATO cần một cuộc đại cải tổ sâu rộng, theo quan điểm của tỷ phú…
Hôm thứ Tư (12/2) Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông muốn đóng cửa…
Trận mưa đêm 12 và rạng sáng 13/2 ghi nhận được tại một số trạm…