37 điều thú vị giúp chúng ta trân trọng hơn từng giọt nước
Năm 1993, Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc đã chọn ngày 22/3 làm Ngày Nước Thế Giới. Lý do đơn giản là vì nếu không có nước, chúng ta sẽ không là gì cả, chỉ là cát bụi mà thôi.
Nước là hợp chất phổ biến nhất và quan trọng với sự sống nhất trên Trái Đất. Nó là tài nguyên vô cùng quý giá, nhưng chúng ta lại đang lãng phí và làm ô nhiễm nghiêm trọng.
Mặc dù nước rơi xuống từ trên trời và dường như chảy vô tận trong các dòng sông, nhưng nó là nguồn tài nguyên hữu hạn. Có khoảng 1,386 tỷ km3 nước trên thế giới, nhưng chỉ có khoảng 0,01% là sẵn sàng cho con người sử dụng.
Hãy cùng tìm hiểu 1 số điều thú vị về hợp chất tuyệt vời này, bởi nhờ có nó, sự sống trên Trái Đất mới được duy trì:
Trung bình cơ thể người có chứa từ 50 đến 65% là nước.
Tỷ lệ này ở một đứa trẻ sơ sinh còn lớn hơn, khoảng 78%.
Một lít nước nặng 1 kg, một mét khối nước nặng 1 tấn.
Nước che phủ 70,9% diện tích bề mặt Trái Đất.
Nhiệt dung riêng của nước là 4200 Jun/kg.K, là lượng nhiệt cần cung cấp cho 1kg nước để nó nóng lên 1 độ C, gần như lớn nhất trong các chất lỏng.
Nhiệt hóa hơi của nước cũng rất lớn, là lượng nhiệt cần cung cấp để 1kg nước hóa hơi ở 100 độ C. 10 gram nước hóa hơi có thể làm 1kg sắt giảm đi vài chục độ C. Cùng với đặc tính ở mục 5, điều này giúp nước điều hòa rất tốt nhiệt độ trên Trái Đất.
Nước ở thể lỏng có một loạt tính chất mới khi nhiệt độ vượt qua khoảng 40-60 độ C, đây được gọi là là trạng thái lỏng thứ 2 của nước.
Ở 4 độ C, nước có khối lượng riêng lớn nhất, sau đó khi càng lạnh đi, khối lượng riêng của nó càng giảm, do vậy băng luôn nhẹ hơn và nổi được trên mặt nước.
Nước nóng đóng băng nhanh hơn nước lạnh. Năm 1963, một học sinh trung học ở Tanzania tên là Erasto Mpemba đã tiến hành thí nghiệm đặt nước nóng và nước lạnh cùng trong điều kiện nhiệt độ dưới 0 độ C, và nước nóng thực sự đóng băng trước. Đây được gọi là hiệu ứng Mpemba
Nước tinh khiết không dẫn điện nhưng do nước có khả năng hòa tan tốt, nó thường có nhiều tạp chất hòa tan, tạo thành các ion khiến cho nước thông thường có thể dẫn điện khá tốt.
Nước rất mềm nhưng cũng cực kỳ khó bị nén, dưới áp suất lớn, nước gần như không thay đổi thể tích.
97% nước trên Trái Đất là nước mặn; nước trong sông, hồ, suối, ao, đầm… chỉ chiếm 0,3% nước ngọt trên Trái Đất. Phần còn lại nằm trong sông băng hoặc trong lòng đất.
Nước trong khí quyển còn nhiều hơn nước trong tất cả các dòng sông cộng lại.
Nếu tất cả hơi nước trong khí quyển ngưng tụ và rơi xuống một lúc và trải đều ra thì nó có thể che phủ toàn bộ bề mặt Trái Đất với độ dày khoảng 1 inch (2,54 cm).
Một vòi nước trung bình nhả ra khoảng 7,5 lít nước mỗi phút, nên bạn có thể tiết kiệm tới 15 lít nước mỗi buổi sáng bằng cách đóng vòi nước khi bạn chải răng.
Một toilet bị rò nước có thể lãng phí 750 lít nước mỗi ngày.
Nếu một vòi nước nhỏ mỗi giọt 1 giây, lượng nước bị rò trong 1 năm có thể lên tới hơn 10.000 lít nước.
Một lần tắm bằng bồn tắm có thể tốn khoảng hơn 200 lít nước, 5 phút dùng vòi hoa sen dùng khoảng từ 37 lít đến 95 lít nước.
Sự rò rỉ nước trong hệ thống cấp nước của thành phố New York gây ra lãng phí 136 triệu lít nước mỗi ngày.
Mỹ và Canada có khoảng 1,6 triệu km ống nước và đường dẫn nước, đủ để bao quanh Trái Đất 40 lần.
748 triệu người trên thế giới không được uống nước sạch.
2,5 tỷ người không được dùng nhà vệ sinh tử tế.
1,8 tỷ người trên thế giới đang uống nước bị nhiễm phân.
Tổ chức y tế thế giới đưa ra tiêu chuẩn mỗi người cần ít nhất khoảng 7,5 lít nước mỗi ngày để đảm bảo nhu cầu sống trong hầu hết các điều kiện; và khoảng 19 lít nước mỗi ngày mỗi người để có thể đảm bảo các nhu cầu vệ sinh cơ bản và vệ sinh thực phẩm.
Trung bình, một người dân Mỹ dùng khoảng 370 lít nước mỗi ngày.
Trung bình một người châu Âu dùng khoảng 180 lít nước mỗi ngày.
Trung bình, một người châu Phi sống ở các nước phía nam sa mạc Sahara dùng khoảng 7,5 lít đến 19 lít nước mỗi ngày.
Cần khoảng 1 lít nước để sản xuất được 1 calo thực phẩm.
Nhưng nếu nước không được sử dụng hiệu quả thì cần tới 100 lít nước để sản xuất được 1 calo thực phẩm.
Cần 10 lít nước để làm ra một tờ giấy.
Cần 50 lít nước để sản xuất 1kg nhựa (plastic).
Cần 3.500 lít nước để sản xuất 1 kg gạo.
Cần 10.000 lít nước để để sản xuất một chiếc quần jean.
Cần 15.000 lít nước để sản xuất 1 kg thịt bò.
Cần khoảng 150 000 lít nước để sản xuất một chiếc ôtô.
Ở các nước đang phát triển, phụ nữ có trách nhiệm chính trong việc đi lấy nước, trung bình họ dành 25% thời gian một ngày để làm việc này.
Nếu tính tổng cộng, tất cả phụ nữ và trẻ em Nam Phi phải đi bộ mỗi ngày với khoảng cách tương đương với 16 chuyến đi và về tới Mặt Trăng chỉ để lấy nước.
Chúng ta thực sự cần học cách tôn trọng nước, đó cũng là lý do Ngày Nước Thế Giới ra đời.