Tuy khoa học đang phát triển, nhưng một số điều kỳ lạ vẫn thường xảy ra trên thế giới, và người ta không thể giải thích bởi bất kỳ nguyên nhân khoa học nào. Dưới đây là 5 bí ẩn đáng chú ý chưa được giải đáp trên thế giới.
Vụ việc bí ẩn này liên quan đến cái chết của 9 người leo núi trượt tuyết ở phía bắc dãy núi Ural, Liên Xô vào tối ngày 2/2/1959. Đội trưởng của đội này có tên là Dyatlov. Họ gặp tai nạn khi đang leo lên sườn núi phía đông của “Núi tử thần” và toàn bộ đội đã chết dưới thời tiết rất lạnh -25 đến -30 độ C.
Các cuộc điều tra sau đó cho thấy lều của những người leo núi này đã bị rạch nát từ bên trong. Họ đi chân trần và các thi thể không có dấu hiệu chiến đấu, nhưng một trong số họ bị vỡ hộp sọ, hai người bị gãy xương sườn và một người bị mất lưỡi.
Nghiên cứu cho thấy quần áo của một số trong 9 người đã chết chứa bức xạ rất mạnh.
Một bác sĩ điều tra cho biết, những vết thương chí mạng của ba người chết có thể không phải do con người gây ra, mà là do một lực cực mạnh. Cho đến nay, lực tác động mạnh này và nguyên nhân cái chết của đoàn leo núi vẫn còn là một bí ẩn.
“Quả cầu lửa Naga” tiếng Anh là Naga fireball, còn gọi là “Rồng phun bóng” là một trong những hiện tượng không giải thích được với những ghi chép đầy đủ trên thế giới. Mỗi đêm tháng 10, hàng ngàn người tập trung bên bờ sông Mê-kông ở Thái Lan để xem những quả cầu lửa nổi lên từ dòng sông.
Những quả cầu lửa có màu đỏ nhạt, có kích thước của một quả trứng cho đến kích thước của quả bóng rổ. Chúng từ từ nổi lên từ dòng sông, rồi tăng tốc cho đến khi biến mất. Mọi người có thể thấy hàng ngàn quả cầu lửa mỗi đêm.
Hiện tượng siêu nhiên này đã được đặt rất nhiều câu hỏi. Manas Cannockson, một bác sĩ ở Nong Khai, tin rằng quả cầu lửa được gây ra bởi sự lên men của trầm tích dưới đáy sông để tạo ra khí sinh học là hỗn hợp của khí metan và nitơ. Khi khí sinh học nổi lên trên mặt nước, nó kết hợp với khí oxy bốc cháy tạo thành những quả cầu lửa. Các nhà hóa học Ý cũng tin rằng điều này là do khí được tạo ra bởi sự phân rã của vật thể dưới lòng sông.
Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu phản đối quan điểm này. Họ tin rằng không có nhiều trầm tích dưới đáy sông và khí sinh học sẽ bị nước hòa tan trước khi nó nổi lên. Ngoài ra, khi khí mêtan bị đốt cháy, nó tạo thành ngọn lửa có màu xanh và khói đen, chứ không bao giờ tạo thành hình cầu có màu đỏ.
Cho đến ngày nay, hiện tượng này vẫn còn là một bí ẩn.
Video về quả cầu lửa Naga:
“Sự kiện Vela” còn được gọi là “Ánh chớp tại Nam Đại Tây Dương”, đề cập đến việc các vệ tinh trong hệ thống vệ tinh American Vela Hotel của Mỹ phát hiện thấy tại Nam Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương xuất hiện 2 ánh chớp cực mạnh lóe lên vào lúc 0:53 GMT ngày 22/9/1979.
2 ánh chớp xuất hiện tại khu vực giữa Quần đảo Hoàng tử Edward và Quần đảo Crozet tại ngã ba Nam Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương bị nghi ngờ liên quan đến các vụ thử vũ khí hạt nhân, tương đương với 2-3 nghìn tấn thuốc nổ.
Trong thời điểm này, cả Israel và Nam Phi đều đang có kế hoạch nghiên cứu và phát triển các vũ khí hạt nhân. Vì vậy, giới chức Hoa Kỳ nghi ngờ rằng 2 ánh chớp xuất hiện là do Israel và Nam Phi hợp tác với nhau để thử nghiệm vũ khí hạt nhân.
Theo các tài liệu được ghi nhận lại, vụ nổ lớn xảy ra ở Nam Đại Tây Dương, gần với khu vực Nam Cực có thể trông thấy từ trên vệ tinh. Tuy nhiên do các vệ tinh thời điểm này có chất lượng thu thập hình ảnh khá kém nên không thể thu được nhiều bằng chứng.
Ngoài ra, tình báo Mỹ sau khi phân tích những bức ảnh chụp vệ tinh vào thời điểm này cũng khẳng định rằng có ít nhất hai vụ nổ đã xảy ra liên tiếp nhau – củng cố thêm cho luận điểm Israel và Nam Phi đã thử nghiệm vào cùng một thời điểm trong cùng một khu vực.
Vụ việc sau đó đã sớm “chìm xuồng” do Mỹ cũng muốn làm ngơ với việc đồng minh thân cận của mình ở Trung Đông phát triển vũ khí hạt nhân. Kèm theo đó, chính sách ngoại giao “không can thiệp vào châu Phi” của Mỹ vào thời điểm này khiến cho Mỹ cũng không muốn làm quá to sự việc khi Nam Phi là một trong những đầu mối tình nghi chính.
Cho đến nay, sự kiện này vẫn là một bí ẩn.
>> Bí ẩn chữ “Thần” ở núi Thạch Bi, Thanh Hóa
Januarius (270-305 SCN) vốn là một giám mục của giáo phận Benevento (một thị trấn nhỏ gần Napoli của nước Ý). Ông được phong thánh sau khi bị chặt đầu trong một cuộc bức hại những người theo Công giáo bởi Hoàng đế La Mã Dioclentianus. Theo truyền thuyết, khi đó một phụ nữ đã thu thập máu của vị thánh này và bảo quản trong một lọ thủy tinh nhỏ.
Cứ tháng 5, 9, 12 hàng năm, tại nhà thờ chính của thành phố Napoli, lại diễn ra một nghi lễ đặc biệt, đó là nghi lễ truy tôn Thánh Januarius. Ở đó, Đức Hồng Y sẽ cầm chiếc lọ thủy tinh đựng máu đã khô Thánh Januarius và xoay chuyển để “phép màu” xuất hiện: khối vật chất ấy hóa lỏng ra, có khi ngay lập tức, có khi từ từ, vài giờ đến vài ngày… sau đó đông lại như cũ.
Không những thế, một số hiện tượng khác cũng được ghi nhận như: sôi, sủi bọt, đổi màu từ đỏ thẫm sang đỏ hồng, thậm chí khi cân thấy tăng khối lượng. Có lúc khối ấy không hóa lỏng hết mà nổi thành viên nhỏ trên lớp chất lỏng.
Những người Công giáo tin rằng Januarius đã được Chúa tạo ra phép màu cho máu của ông luôn tươi tốt và đủ đặc tính như khi còn sống. Ghi chép cũng cho biết vào những năm bình máu của Thánh Januarius không hóa lỏng, thế giới trải qua 22 đại dịch, 19 trận động đất và 4 cuộc chiến khốc liệt. Ví dụ như năm 1939 với Thế chiến lần I, năm 1980 với động đất gần Napoli khiến 2.400 người thiệt mạng…
Về việc khối vật chất ấy có thật sự là máu không, các nhà khoa học đã dùng máy đo quang phổ chiếu vào lọ vào các năm 1902 và 1989. Cả hai lần đều xác nhận dấu vết của hemoglobin bên trong và có đầy đủ tính chất của máu người.
Cho đến nay, việc xác định dung dịch trong chiếc lọ thủy tinh có phải là máu của Thánh Januarius không và vì sao máu của ông lại có thể từ đông mà hóa lỏng và ngược lại vẫn là một bí ẩn với con người.
Vào năm 1724, một hầm mộ đá được xây ở vùng Oistins, Barbados, đảo quốc thuộc địa của Vương quốc Anh, phía tây của Đại Tây Dương. Hầm mộ đá này nằm bên ngoài nhà thờ thứ 4 của Giáo hội Kitô khu vực này, có cánh cửa bằng đá cẩm thạch lớn.
Chủ nhân của nó sau đó đã bán hầm mộ cho bà Thomasina Goddard. Năm 1807, bà Thomasina qua đời và được chôn trong hầm mộ này. Chủ nhân tiếp theo của hầm mộ là đại tá Thomas Chase. Năm 1808 và 1812, Thomas Chase lần lượt mai táng 2 cô con gái của ông tại hầm mộ. Chỉ một tháng sau khi cô con gái thứ 2 mất, Thomas Chase cũng qua đời.
Khi an táng Thomas Chase trong hầm mộ đá, người ta phát hiện thấy sự lộn xộn của các quan tài vốn được xếp chồng lên nhau.
Từ năm 1816 đến năm 1819, có thêm 3 người nữa được mai táng trong hầm mộ. Tuy nhiên, lần nào người ta cũng thấy các quan tài nằm lộn xộn trên nền hầm mộ thay vì xếp chồng lên nhau theo cách thông thường. Người ta đành phải xếp lại các quan tài và đóng cửa hầm mộ lại.
Lần cuối cùng vào năm 1819, các nhà chức trách được thông báo về hiện tượng này. Hầm mộ đã được kiểm tra và xác định là rất kiên cố, không có lối vào mộ bằng cách khác. Một “bài kiểm tra” được thực hiện bằng cách sắp xếp lại vị trí các quan tài và rải cát mịn lên sàn hầm mộ để phát hiện bất kỳ dấu chân nào. Lối vào hầm mộ cũng bị phong tỏa.
>> Bệnh dịch đáng sợ khiến một La Mã không có đối thủ phải suy tàn
Năm 1920, hầm mộ được mở ra. Không có dấu chân người nào trên cát và lối đi vào hầm mộ vẫn nguyên vẹn, nhưng những chiếc quan tài vẫn giống như lần trước, bị sắp xếp lộn xộn. Thấy quá dị thường, các nhà chức trách đành mang các quan tài đi chôn riêng biệt và để hầm mộ trống không cho đến hôm nay.
Ngày nay, hầm mộ Chase còn tồn tại và trống không. Và cũng không ai có thể giải thích được tượng đã xảy ra với nó trong quá khứ.
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…
Đội hình Phalanx gắn liền với những cuộc chinh phục của Alexander Đại Đế.