Bí ẩn chữ “Thần” ở núi Thạch Bi, Thanh Hóa
- Trần Hưng
- •
Ngọn núi Thạch Bi ở Thanh Hóa không biết từ khi nào xuất hiện một chữ “Thần” bằng Hán tự, nét chữ mềm mại và tinh xảo, xung quanh cũng không có lối đi nào có thể tiếp cận được di tích này.
Cạnh con sông Hoạt hiền hòa tại xã Nga Thiện, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, có một ký tự chữ “Thần” được tạc vào chính giữa vách núi dựng đứng và bằng phẳng. Chữ “Thần” này cách mặt đất 20 m, rộng 3 m, cao 3,5 m. Bên cạnh chữ “Thần” còn có các chữ nhỏ khác nữa, nhưng vì nước chảy và rêu bám khiến chúng bị lu mờ, không còn có thể đọc được. Nước từ trên núi nhỏ xuống, chảy qua chữ “Thần”, trông như một dòng nước mắt vậy.
Phương thức mà người xưa dùng để điêu khắc chữ “Thần” cho đến hiện tại vẫn còn là một điều bí ẩn. Có một cái hang xuyên thẳng từ chân núi lên tới đỉnh núi, song không có ngách nào vươn ra tới vách đá, nơi tạc chữ Thần, xung quanh vách đá cũng không có điểm dừng chân. Vậy người xưa đã làm thế nào để tạc được một chữ “Thần” to lớn và công phu đến như vậy?
Ẩn ý của chữ “Thần” ấy là gì? Không ai biết rõ. Nhưng người dân ở xã Nga Thiện vẫn lưu truyền câu chuyện về hai cha con ở Nga Điền, vì tìm cách đục chữ trên tấm bia đá này, mà sau đó trở về nhà bị ốm chết. Điều đó khiến người dân địa phương ít dám lui tới, và tin rằng đây là “vùng đất của thần linh”.
Từ bao thế hệ qua, chữ “Thần” bí ẩn vẫn sừng sững tồn tại mặc cho những thay đổi khắc nghiệt của thời tiết. Nhiều người dân nơi đây từ nhỏ đã nhìn thấy chữ “Thần” này, và theo kể lời kể lại thì từ đời ông của họ cũng đã nhìn thấy chữ “Thần” ấy.
Vùng đất gắn liền với nhiều truyền thuyết và tích cổ
Theo sử sách ghi lại, xưa kia vùng đất Nga Sơn là một hoang đảo, giáp với cửa biển. Đây là nơi gắn với nhiều truyền thuyết và những câu chuyện cổ tích:
Đó là câu chuyện về chàng Mai An Tiêm bị vua Hùng Vương thứ 17 đày ra hoang đảo vì không biết xem trọng ân sủng của nhà vua. Đứng trước việc gia đình bị bỏ đói nơi hoang đảo, Mai An Tiêm đã kiên trì cùng vợ con vượt qua khó khăn, sống qua ngày đoạn tháng bằng rau quả dại, rồi may mắn tìm được hạt giống dưa hấu. Vậy là không những không bị chết, Mai An Tiêm còn mày mò tìm ra cách nuôi trồng, thu hoạch dưa. Sau này vua biết mình sai, nên cho người đón gia đình Mai An Tiêm trở về. Hạt giống dưa hấu cũng theo bước Mai An Tiêm về đất liền và được nhân rộng. Hòn đảo nơi Mai An Tiêm bị đày đến sau này dần dần được bồi đắp trở thành đất liền, ngày nay là làng Mai An, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa.
Vùng đất Nga Sơn còn gắn liền với câu chuyện về Từ Thức gặp tiên. Chuyện kể rằng Từ Thức vốn là người nhân hậu, đã hiệp nghĩa cởi áo gấm đền bù, cứu giúp một cô gái xinh đẹp vào ngày hội. Sau này chàng từ quan, vui thú thanh nhàn, đã đi lạc vào hang động tại cửa biển Thần Phù, rồi bất ngờ lọt vào chốn tiên cảnh. Tại đây, Từ Thức gặp lại nàng thiếu nữ Giáng Hương, chính là người chàng cứu thuở nào. Họ kết hôn được một năm thì Từ Thức nhớ nhà, nhất quyết xin về thăm. Cảm thông nỗi niềm của chồng, Giáng Hương sắm xe và gài sẵn phong thư kín nói lời ly biệt. Từ Thức về đến quê nhà thì tất cả đều đã đổi thay, chàng hỏi thăm một cụ già râu tóc bạc phơ thì mới biết đó là cháu nội của mình. Khi Từ Thức muốn trở lại cõi tiên với vợ thì chẳng còn cơ hội, trước cửa động dây leo chằng chịt đan kết thành những chiếc võng. Ngày nay người ta gọi đây là động Từ Thức, hay động Bích Đào, nằm trên địa bàn xã Nga Thiện, huyện Nga Sơn.
Xưa kia cửa biển Thần Phù là nơi cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, cuốn hút nhiều bậc quân vương và thi sĩ. Lý Thánh Tông, Trương Hán Siêu, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Ngô Thì Sĩ khi đi qua chốn này đều đã lưu lại những tác phẩm thơ ca.
Nguồn gốc của chữ “Thần”
Theo một truyền thuyết thì khi vua Lý Thái Tông đưa quân xuống đánh Chiêm Thành ở phía Nam, đi ngang qua cửa biển Thần Phù thì gặp sóng to gió lớn khiến không thể tiến quân. May nhờ có một vị đạo sĩ cao cường giúp gió lặng sóng yên, đoàn quân mới có thể đi tiếp. Thắng trận trở về, nhà vua cho lập đền thờ tưởng nhớ vị đạo sĩ nọ. Đền thờ có tên là Áp Lãng chân nhân và nhà vua gọi tên nơi này là cửa biển Thần Phù, hay còn gọi là Thần Đầu.
Sách “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn có ghi: “Núi Thạch Bi ở phường Mĩ Quan, thuộc huyện Tống Sơn. Non liền bến nước, móng đá thuyền chui. Trên vách đá có một chữ ‘Thần’ viết bằng nét son tươi thắm, tương truyền vua Lê Thánh Tông ngự đề chữ đó”.
Xưa kia nước dòng sông Hoạt là nơi cửa biển Thần Phù, lúc nước dâng cao thì có thể tới gần mà nhìn rõ tấm bia. Nhưng nay cửa biển đã bị chặn, nên không dễ mà nhìn cho rõ được tấm bia này.
Cũng có giả thiết cho rằng, trước đây khi vùng Nga Sơn còn mênh mông sông nước, người xưa đã lợi dụng thủy triều để tạc chữ “Thần” này. Khi thủy triều lên cao, thuyền được neo sát vào vách đá, và những người thợ sẽ tiến hành công việc điêu khắc. Mặc dù cách giải thích này chưa có cơ sở vững chắc. Cũng có thể thợ điêu khắc đã buộc dây và thả người từ trên đỉnh xuống để tiến hành công việc điêu khắc chữ “Thần” này.
Ngày nay chưa có tài liệu nghiên cứu chính thức nào được công bố liên quan đến chữ “Thần” ở núi Thạch Bi. Nhiều đoàn nghiên cứu đã về khảo sát tấm bia này nhưng vẫn chưa xác thực được cụ thể nguồn gốc, lịch sử hay niên đại của tấm bia đá.
Trần Hưng
Xem thêm:
- Thần, Phật, Chúa vì sao không giúp để con người hết khổ?
- Hàm ý thực sự của việc con người bái Phật, khấn Thần, lạy Chúa
Mời nghe radio:
Từ khóa truyền thuyết Ẩn đố của lịch sử Thần Phật bí ẩn