7 trong số những loài cây kỳ lạ nhất Trái Đất

Từ loài cây có thể tiêu hóa chuột, cho đến bụi cây có chất độc gây đau tới mức có thể làm người ta phát điên… Dưới đây là một số loài cây kỳ lạ mà có lẽ nhiều người trong chúng ta chưa hề hay biết.

Thạch lan đá: “Đừng để ý, tôi chỉ là một cục đá thôi”

(Ảnh: yellowcloud/Flickr)

Những “cục đá biết nở hoa này” trông thật đáng yêu làm sao! Cứ nhìn chúng mà xem. Đây là loài thực vật bản địa sống tại những vạt sa mạc ở miền Nam châu Phi. Những cái cây mọng nước thông minh này hẳn phải là bậc thầy trong làng diễn xuất, khi “giả vờ” thành những cục đá để tránh bị những con vật khát nước ngấu nghiến.

Cách ngụy trang của chúng hiệu quả tới mức đôi khi các chuyên gia cũng khó mà tìm ra được chúng. Tuy vậy, phần lớn cây thạch lan đá trổ bông hớn hở như hoa cúc vào mùa thu và đầu đông, khiến cho thân phận “thực vật” của chúng bị bại lộ. Nhưng cũng không có cách nào khác, vì một cái cây cần phải làm những gì nó cần làm.

Chưa hết, loài cây lãng mạn này còn một năng lực đặc biệt khác khiến chúng không ngại những vùng đất khô cằn, vì nếu trời không có mưa, chúng vẫn có thể sống khoẻ bằng hơi sương.

Cây xấu hổ: “Đừng chạm vào tôi!”

(Ảnh: Lalithamba/Flickr)

Loài cây độc đáo này có lẽ không xa lạ gì với người Việt Nam. Chỉ một cú chạm nhẹ là các lá cây sẽ tự động gập lại, e lệ thẹn thùng. Chỉ một vài loài thực vật có cơ chế chuyển động khi bị tiếp xúc như thế này.

Các chuyên gia về cây cối cho rằng đây là cơ chế làm giảm hứng thú của các loài động vật ăn cỏ và giúp chúng sống sót trong điều kiện môi trường khắc nghiệt. Sau khoảng 10 phút e ấp, những chiếc lá sẽ xoè ra trở lại để tiếp tục thực hiện công việc dưới ánh mặt trời.

Gympie-gympie: chất độc có thể khiến con người phát điên

(Ảnh: Plant Secrets)

Hoa hồng có gai, xương rồng có kim, cây sồi có độc, tầm ma có châm – rất nhiều loài thực vật được tạo hoá ban cho những năng lực độc đáo kỳ lạ để bảo vệ bản thân. Nhưng có lẽ không cơ chế tự vệ nào lại kịch liệt và gay gắt bằng biện pháp của loài Dendrocnide moroides, hay còn gọi là gympie-gympie.

Đây là loài thực vật bản địa sống tại các rừng mưa ở Australia, quần đảo Moluccas và Indonesia. Những bụi cây trông hiền lành này thực chất mang trong mình chất độc thần kinh moroidin. Độc dược này có thể gây ra những đau đớn kinh khủng kéo dài nhiều năm, thậm chí có thể giết chết chó và làm con người phát điên vì đau khi vô tình chạm phải.

>> Những bức ảnh cho thấy cây cối biết nhường nhịn nhau

Nhà thực vật học Marina Hurley, chuyên gia về nhiều loại cây gây ngứa ở Australia, đã mô tả những vết thương do gympie-gympie gây ra là “như bị bỏng axit và bị giật điện cùng một lúc.”

Chất độc nằm trong vô số các gai nhỏ li ti ghim vào da chúng ta khi chạm phải loài cây này. Giải pháp là dùng một loại keo dính tẩy lông để lấy các gai độc ra, như trong video dưới đây:

Rafflesia arnoldii: bông hoa lớn nhất thế giới, nhưng mang tên “hoa xác chết”

Đây quả thực là một trong những câu chuyện trái ngang nhất của giới thực vật. Bông hoa lớn nhất thế giới lại không học được chút gì từ những họ hàng thơm tho của nó.

(Ảnh: Shutterstock)

Chẳng giống hoa nhài, hoa hồng hay huệ tây, bông hoa nặng 7kg này bốc ra một mùi kinh khủng như thịt thối. Chưa hết, đây còn là một loài cây ký sinh trên thân cây khác để hút nước và chất dinh dưỡng. “Kẻ ăn bám” với kích thước gần 1 mét này không có lá, rễ hay thân cây. Để trả ơn, chúng toả ra mùi thơm khó ngửi cho vật chủ thưởng thức, và tranh thủ thu hút luôn các côn trùng tới để thụ phấn cho mình.

Welwitschia mirabilis: xưa như trái đất

(Ảnh: Thomas Schoch)

Welwitschia mirabilis, hay còn gọi là cây bách lan, được đặt tên theo một từ Latinh có nghĩa là “marvelous” – kỳ diệu, phi thường. Và thứ cây mọc lên ở sa mạc Namibia này quả đúng là phi thường như tên gọi của nó.

Điểm đặc biệt của loài cây này nằm ở chỗ nó chỉ có đúng hai chiếc lá. Đúng vậy, chỉ hai mà thôi. Từ một thân cây nhỏ xíu, hai chiếc lá cứ thế mọc lên. Chúng sẽ bị rách tan nát, tơi tả, già đi, trông như một mớ hỗn độn, nhưng vẫn kiên trì mọc lên. Trong bao lâu? Trung bình là 600 năm. Có những cây lớn hơn được cho là đã 2000 năm tuổi.

Có người thậm chí còn nói cây Welwitschia mirabilis đã xuất hiện từ khi khối thiên thạch khổng lồ đâm xuống trái đất 65 triệu năm trước đây. Chúng sống sót khi kỷ băng hà tới, khi kỷ băng hà đi. Chúng tiếp tục sống sót khỏi cháy rừng, côn trùng gây hại, vi-rút, ký sinh, con người, đường xá và cả chiến tranh. Bằng sự thần kỳ nào đó, cho tới hôm nay, vẫn có tới hàng ngàn cây đang sinh tồn ở sa mạc Namibia.

Chúng cứ thế lặng lẽ tồn tại bất chấp sự hiểu biết của khoa học hiện đại. Phải dùng từ nào để mô tả loài cây này đây? Phải rồi, chỉ một từ thôi: mirabilis – phi thường!

Cây bình lớn: xơi tái cả chuột

(Ảnh: Dr. Alastair Robinson)

Nepenthes attenboroughii là loài cây ăn thịt lớn nhất thế giới. Nó là minh chứng sắc sảo nhất cho việc không chỉ có động vật ăn thực vật, mà thực vật cũng có thể ăn động vật. Mặc dù các loài cây ăn thịt không có gì là mới, nhưng loài cây được đặt tên bởi nhà tự nhiên học David Attenborough này lại gây bất ngờ vì kích thước khổng lồ của nó: đường kính của chúng xấp xỉ 30cm và có hình dạng như một cái cốc lớn.

Nhà thực vật học Stewart McPherson, một trong những người phát hiện ra loài cây này ở miền trung Philippines, nói với CNN rằng, “Quanh miệng của cái bình có một loại mật thu hút côn trùng và các động vật nhỏ. Trên miệng bình có những lằn sáp có chiều hướng xuống để đẩy con mồi rơi thẳng vào trong bình. Bên trong là một chất lỏng có axít và các enzyme để tiêu hoá con mồi.”

>> Trí tuệ của rừng: 6 điều chúng ta không biết cây cối làm được

Ông nói thêm, “Những cái cây này săn côn trùng. Nhưng thỉnh thoảng chúng cũng bắt luôn cả chuột nhỏ.” Và mặc dù họ không trực tiếp nhìn thấy con chuột nào sập bẫy ở đây, nhưng họ đã tận mắt thấy xác chuột chết trong chiếc bình sát thủ này.

Jericho: cây phục sinh

(Ảnh: Umberto Salvagnin/Flickr)

Selaginella lepidophylla là một loài cây sa mạc thuộc chi quyển bá. Chúng có thể sinh tồn trong điều kiện gần như không có nước bằng cách cuộn mình lại thành một quả bóng nhỏ. Thân ngoài của chúng cuộn thành các vòng tròn, còn thân trong cuộn thành hình xoắn ốc, vì vậy chúng có thể tự bảo vệ khi cần thiết trước cái nóng và khô cằn của sa mạc Chihuahuan, quê nhà của chúng. Khi độ ẩm tăng cao trở lại, S. Lepidophylla mở ra và trở lại cuộc sống bình thường.

Cuộc sống càng hiện đại, xã hội càng phát triển thì sự tiếp xúc giữa con người với giới tự nhiên lại ngày một ít đi. Có lẽ chúng ta đang dần quên mất rằng thế giới động thực vật trên trái đất này thật phong phú và đa dạng biết bao.

Theo Tree Hugger
Hạ Chi

Hạ Chi

Published by
Hạ Chi

Recent Posts

Quân đội Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần

Chuẩn Đô đốc Thomas Buchanan tuyên bố rằng Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ khí…

5 phút ago

Nga bắn tên lửa tầm trung, không phải ICBM — Tổng thống Putin

Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…

2 giờ ago

Một ứng viên xin rút công nhận chức danh phó giáo sư năm 2024

HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…

7 giờ ago

Ông Vương Đình Huệ bị kỷ luật cảnh cáo

Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…

8 giờ ago

Ông Musk và ông Ramaswamy viết bài xã luận trên WSJ vạch ra tầm nhìn về DOGE

Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…

9 giờ ago

Kiev: Nga dùng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tấn công Ukraine

Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…

10 giờ ago