Camera smartphone hiện nay đã được cải tiến rất nhiều, và hầu hết các thiết bị cầm tay đều cho phép bạn điều chỉnh chế độ lấy nét và phơi sáng khi chụp ảnh. Nếu thiết bị tích hợp tính năng lấy nét bằng tay, thì cách sử dụng vô cùng đơn giản, chỉ cần chạm vào màn hình ở điểm muốn lấy nét là được.
Với chế độ phơi sáng, hay nói dễ hiểu là lượng ánh sáng cho phép vào trong khung hình thì cách điều chỉnh cũng không hề phức tạp. Camera trên iPhone thiết lập mặc định chế độ này, chỉ cần chạm vào màn hình lấy nét, sau đó giữ và kéo để điều chỉnh phơi sáng. Tương tự với smartphone Android, chạm vào chế độ lấy nét, sau đó điều chỉnh phơi sáng thông qua thanh trượt bật lên ở phía bên cạnh hoặc phía trên của màn hình.
HDR là viết tắt của High Dynamic Range (tạm dịch là dải tương phản động mở rộng). Trên các smartphone cao cấp, HDR đều nhằm mục đích cân bằng ánh sáng tại các vùng có độ sáng tối khác nhau, để chắc chắn rằng không một vùng nào trong tấm hình bị thiếu sáng hay thừa sáng.
Chế độ này đặc biệt phù hợp với chụp phong cảnh và chân dung, nhất là khi có một phạm vi rộng giữa các vùng tối và sáng trên bức ảnh. Để chụp chế độ này cần phải giữ ổn định điện thoại không bị rung lắc và tránh chụp các đối tượng đang di chuyển.
Tuy nhiên, không phải bất kỳ thiết bị Android nào cũng đều hỗ trợ chế độ HDR. Do đó, cách tốt nhất để kiểm tra xem điện thoại có tính năng HDR hay không là tìm kiếm tùy chọn HDR trong ứng dụng máy ảnh của điện thoại. Ngoài ra, bạn nên chọn hiển thị chế độ này nổi bật trên màn hình để có thể kích hoạt nó bất cứ khi nào cần thiết.
Ánh sáng là một trong những yếu tố quan trọng nhất cho bất kỳ bức ảnh nào. Nếu ánh sáng tự nhiên đủ cho bức ảnh, thì bạn không cần phải bật chế độ đèn flash của điện thoại vì điều này sẽ có thể khiến bức ảnh kém tự nhiên hơn.
Bạn nên định vị các đối tượng sao cho phía trước đủ sáng, và phía sau thì không bị rọi bóng do ánh sáng quá mạnh. Tất nhiên, trong trường hợp cần phải chụp nhanh chóng thì khó có thể chờ để chọn điều kiện sáng tốt nhất.
Ở trong khung cảnh ban đêm, bạn cũng có thể tận dụng ánh sáng của các loại đèn chiếu sáng. Đảm bảo chủ thể chụp ở khu vực đủ sáng và không ngược với ánh đèn, bạn có thể chụp được bức ảnh đẹp tự nhiên nhất có thể.
Một nhược điểm khi chụp ảnh bằng smartphone so với máy ảnh chuyên dụng chính là đảm bảo độ ổn định thiết bị. Ống kính của điện thoại chụp ảnh rất nhỏ nên rất nhạy cảm với những động tác rung tay. Chỉ cần một chuyển động nhẹ cũng có thể khiến cho bức ảnh bị nhòe mờ.
Do đó điều quan trọng là giảm thiểu rung máy càng nhiều càng tốt. Thậm chí, bạn có thể chọn mua giá đỡ 3 chân giá rẻ sản xuất riêng cho smartphone để sử dụng. Còn nếu không, có thể tận dụng một vật cố định như bức tường, valy khi du lịch hoặc thậm chí là cánh tay còn lại của bạn. Giữ cho máy ảnh ổn định còn đặc biệt quan trọng trong điều kiện ánh sáng yếu, khi mà tốc độ chớp sáng của điện thoại cao hơn.
Muốn bức ảnh có sức cuốn hút và chiều sâu, bạn nên dịch chuyển chủ thể sang bên một cách tinh tế. Khung hình được chia làm 9 phần đều nhau bởi 2 đường ngang và 2 cột dọc. Sau đó đặt chủ thể hoặc điểm cần nhấn vào một trong 4 giao điểm của các đường này, cách đó sẽ dễ dàng hướng ánh mắt người xem vào chủ đề và tạo một bố cục cân đối hơn.
Có một số nguyên tắc mà các bạn cũng nên chú ý như: đường chân trời ở 1/3 hoặc 2/3 chiều cao bức ảnh, điểm nhấn của ảnh đặt toạ độ 1/3 rộng x 1/3 cao hay tận dụng nét lượn chữ S nếu có trong bối cảnh.
Ứng dụng camera trên điện thoại thường sẽ tích hợp sẵn khung hình dạng này. Trên thiết bị Android, bạn có thể thấy biểu tượng Lưới ở cuối màn hình, còn với thiết bị iOS, có thể vào Cài đặt, chọn Ảnh&Camera rồi kích hoạt tính năng Lưới.
Chế độ chụp liên tiếp có thể hữu ích cho bạn khi không chắc chắn là sẽ chụp một lần mà được ngay bức ảnh ưng ý. Bạn có thể xem hàng loạt bức ảnh lại rồi lọc ra những cái nào không đạt chất lượng.
Hầu hết các smartphone đều có chế độ này. Trên cả thiết bị iOS và Android, bạn chỉ cần ấn giữ nút chụp là có thể bắt đầu chụp liên tiếp. Ngoài ra, cũng có một số ứng dụng bên thứ ba hỗ trợ chế độ này, không chỉ hỗ trợ chụp liên tiếp mà còn đưa ra gợi ý bức ảnh đẹp nhất cho bạn lựa chọn.
Để có một bức ảnh đẹp hơn, bên cạnh chụp thì sử dụng các công cụ chỉnh sửa ảnh cũng là một ý kiến không tồi. Bên cạnh các ứng dụng chỉnh sửa ảnh do Apple và Google cung cấp trên thiết bị, bạn cũng có thể cân nhắc một số khác như Snapseed, Adobe Photoshop Express hay VSCO. Adobe thậm chí còn ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào công cụ chỉnh sửa ảnh của họ.
Các phần mềm này đều có tính năng chỉnh sửa cơ bản như như cắt, duỗi thẳng, xoay, lật và loại bỏ mắt đỏ. Trong trường hợp chỉ cần các bộ lọc để tạo hiệu ứng cho bức ảnh, bạn có thể sử dụng ứng dụng Snapseed.
Các chức năng trên camera máy ảnh là có giới hạn, do đó bạn có thể sử dụng một ứng dụng chụp ảnh bên thứ ba, để làm phong phú thêm các bộ lọc và tính năng giúp hình ảnh sinh động hơn. Một số ứng dụng như Camera + (iOS) và ProCapture (Android) đều miễn phí và có thêm các tính năng chụp ảnh khác. Nếu muốn chức năng chuyên biệt hơn thì có thể dùng Slow Shutter Cam (iOS), Night Cam và Pro HDR (iOS, Android).
Bạch Tuyết
Ảnh: Popular science
Xem thêm:
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…