Ngày 13/9, chính phủ Mỹ ra lệnh cấm các cơ quan liên bang sử dụng phần mềm của Kaspersky Labs – một công ty có trụ sở tại Nga. Tin tức này gây xôn xao cho thị trường bán lẻ. Hãng Best Buy đã thông báo sẽ không bán phần mềm Kaspersky nữa, vậy người tiêu dùng bình thường có nên lo lắng?
Chuỗi cửa hàng điện tử đa quốc gia Best Buy đã từ chối giải thích chi tiết cho lý do họ “buông tay” với các sản phẩm của Kaspersky, nói rằng họ không bình luận về hợp đồng với các nhà cung cấp cụ thể.
Bộ An ninh nội địa Mỹ cho biết, có lo ngại về mối quan hệ giữa các lãnh đạo của Kaspersky và điện Kremlin cùng các cơ quan tình báo của Nga. Bộ cũng cho biết luật pháp của Nga có thể buộc Kaspersky phải hỗ trợ chính phủ Nga trong các hoạt động tình báo.
Về phần mình, hãng bảo mật nổi tiếng này đã phủ nhận mối liên hệ với chính phủ Nga hay bất kỳ nước nào khác. Ngày 13/9, hãng này cho biết sản phẩm của họ đã bán trên Best Buy được một thập niên. Các phần mềm bảo mật của Kaspersky được dùng rộng rãi ở cả phiên bản miễn phí và trả phí. Do đó câu hỏi đặt ra là người dùng bình dân có nên tẩy chay nó giống như cách của chính phủ Mỹ?
Nicholas Weaver, một nhà nghiên cứu bảo mật máy tính ở ĐH California (Berkeley) cho rằng quyết định của chính phủ Mỹ là “thận trọng”; ông đã đưa ra ý kiến tương tự vào tháng 7. Nhưng đối với người dùng bình thường, ông cho rằng “phần mềm đó vẫn ổn.”
Rủi ro lớn nhất đối với máy tính của chính phủ Mỹ là trường hợp Kaspersky có thể bị Moscow buộc đưa ra bản nâng cấp có chứa chức năng gián điệp, theo ông Weaver.
Các sản phẩm của Kaspersky chiếm 5,5% phần mềm chống virus toàn cầu, theo công ty nghiên cứu thị trường Statista.
Một chuyên gia khác thì lại cho rằng người tiêu dùng cũng nên tháo gỡ phần mềm Kaspersky để tránh những rủi ro tiềm ẩn. Ông Michael Sulmeyer, giám đốc một chương trình an ninh mạng tại ĐH Harvard, nhắc nhở rằng chương trình chống virus này có thể truy cập sâu vào máy tính và mạng của người dùng.
“Tùy ý quảng bá phần mềm loại này của Nga trong bối cảnh địa chính trị không mấy hữu hảo giữa Mỹ và Nga, tôi cho rằng rủi ro quá lớn,” ông nói. “Có rất nhiều lựa chọn khác ở ngoài kia.”
Ông cho rằng các nhà bán lẻ khác cũng nên làm theo Best Buy và dừng bán phần mềm này.
Các hãng lớn khác như Amazon, vốn cũng bán phần mềm Kaspersky, từ chối bình luận.
Các cơ quan hành pháp của Mỹ, cơ quan tình báo và một vài ủy ban quốc hội đang điều tra vụ Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016.
Kaspersky cho biết hãng không bị pháp luật Nga ràng buộc phải nhận chỉ thị từ chính phủ, và thông tin người dùng được bảo vệ theo quy định của pháp luật và tiêu chuẩn khắt khe của ngành, bao gồm cả việc mã hóa.
Chính quyền Nga cũng chỉ trích quyết định cấm của Mỹ, nói rằng lệnh cấm ngăn cản sự phục hồi mối quan hệ song phương giữa 2 nước. Quyết định dừng sử dụng sản phẩm Kaspersky của chính phủ Mỹ là “đáng hối hận,” Đại sứ quán Nga đặt ở Mỹ cho biết.
“Những bước đi này chỉ mang đến sự hối hận. Chúng chỉ đẩy lùi triển vọng khôi phục mối quan hệ song phương,” đại sứ quán tuyên bố trong một thông cáo vào cuối ngày 13/9.
Cơ quan này cũng kêu gọi Mỹ xem xét đề xuất của Nga, tạo lập một nhóm chuyên gia giữa 2 bên để xử lý các vấn đề an ninh mạng.
Bộ trưởng Bộ truyền thông Nga Nikolay Nikiforov đã từng đe dọa hồi tháng 6/2017, rằng sẽ đáp trả nếu Quốc hội Mỹ cấm Bộ quốc phòng sử dụng phần mềm Kaspersky. Ông nói rằng các hệ thống của chính phủ Nga cũng dùng “một tỉ lệ lớn” các sản phẩm phần cứng và phần mềm của Mỹ.
Theo CNBC, Bloomberg,
Phong Trần
Xem thêm:
Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…
Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…
Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…