Khi nhắc đến Big Tech, người ta sẽ nghĩ về những tập đoàn lớn, có sức ảnh hưởng trong nghành công nghệ thông tin của Mỹ, với giá trị tài sản lên tới hàng trăm tỷ USD như Facebook, Google, Amazon, Apple, Microsoft. Tuy nhiên, đằng sau vẻ hào nhoáng này lại là những “thế lực đen” vô cùng đáng sợ. Đại dịch COVID-19, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và sự cạnh tranh không lành mạnh đã phơi bày những vụ bê bối khủng khiếp của các ông lớn công nghệ trong năm 2020.
Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal, đảng viên đảng Dân chủ Connecticut, cáo buộc ông Mark Zuckerberg, CEO của Facebook và ông Jack Dorsey, CEO Twitter đã xây dựng “những công cụ thuyết phục và thao túng đáng sợ”. Ông Blumenthal nói với các giám đốc điều hành trong phiên điều trần của Ủy ban Tư pháp Thượng viện hồi tháng 11 vừa qua rằng: “Thông tin sai lệch có tính chất phá hoại là một tai họa không chỉ trên nền tảng của các vị, mà còn trên những nền tảng khác.”
Thông tin sai lệch từ lâu đã trở thành một vấn nạn không nhỏ đối với mạng xã hội. Tuy nhiên, vào năm 2020, chúng đã trở thành vấn đề nổi cộm hơn bao giờ hết. Virus corona đã tạo ra một loạt các thông tin sai lệch làm tăng khả năng gây hại cho người truy cập Facebook.
Những quan điểm rằng uống thuốc tẩy có thể chữa khỏi virus là những thông tin gây lo lắng trong cộng đồng. Thông tin sai lệch về giãn cách xã hội gây ra lo ngại nhiều hơn về nguy cơ lây lan virus. Và những bình luận phân biệt chủng tộc chống lại người châu Á do đại dịch gây ra, đã lan truyền trên Facebook và “nhảy” vào thế giới thực.
Facebook đã “ngăn chặn” thông tin sai lệch về virus hơn là về những lời nói dối chính trị nhưng cả 2 đều tiếp tục lan truyền trên mạng xã hội. Facebook và Twitter đã xóa video, bao gồm một số video được chia sẻ bởi Tổng thống Donald Trump và các chính trị gia khác, gồm cả tuyên bố cho rằng trẻ em gần như miễn nhiễm với virus.
Bên cạnh đó, tháng 3/2020, Facebook còn chặn “nhầm” người dùng đăng một số tin tức chính thống có liên quan đến chủng virus corona mới. Đây được xem là một “lỗi” trong hệ thống lọc tin rác (spam filter) của mạng xã hội này.
Với Youtube (thuộc sở hữu của Google), có rất nhiều nhà sáng tạo nội dung (YouTuber) đã tố cáo nhiều video liên quan đến “viêm phổi Vũ Hán” bị “đánh dấu màu vàng”, qua đó không thể kiếm được doanh thu từ lưu lượng xem tương ứng. Họ nghi ngờ YouTube đang tiến hành hạn chế tự do ngôn luận. Cư dân mạng đã kêu gọi ký tên chung trên trang web của Nhà Trắng, trong đó yêu cầu YouTube giải thích vì sao lại tiến hành kiểm duyệt. Bản tuyên bố ký tên chung trên trang web của Nhà Trắng được phát động hôm 21/2, có nội dung yêu cầu YouTube giải thích vì sao các Youtuber nhất là những YouTuber tại Hồng Kông, Đài Loan và Hàn Quốc bị kiểm duyệt, hoặc những video có chủ đề liên quan đến virus corona bị quy là “không thích hợp đa số các nhà quảng cáo”, tức bị đánh “dấu vàng”.
Ngoài ra, hôm 15/9 vừa qua, sau khi nhà virus học Trung Quốc, tiến sĩ Diêm Lệ Mộng (Li-Meng Yan) tiết lộ rằng virus corona là một loại virus nhân tạo tại một phòng thí nghiệm Vũ Hán ở Trung Quốc, Twitter đã đình chỉ tài khoản của cô. Tới ngày 16/9, tài khoản của cô vẫn ngừng hoạt động và kèm theo một thông báo: “Tài khoản bị đình chỉ hoạt động. Twitter đình chỉ các tài khoản vi phạm quy tắc của Twitter.”
2.1 Những hành vi “mờ ám” của Facebook, Twitter
Facebook và các mạng xã hội khác như Twitter phải đối mặt với những cáo buộc về hành vi gian lận cử tri, bao gồm nhiều thông tin do ông Trump đăng. Một ví dụ điển hình phải kể đến là vào hôm 3/11 vừa qua, hai gã khổng lồ công nghệ Facebook và Twitter đã bổ sung nội dung kiểm duyệt với nhãn “Xác minh tính xác thực” vào bài đăng của Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong đó có bình luận về công tác bầu cử tại tiểu bang Pennsylvania.
Facebook gắn nhãn trạng thái với một lời nhắc chung gửi người dùng, trong đó nêu rằng cả 2 hình thức bỏ phiếu qua thư và bỏ phiếu trực tiếp đều có lịch sử đáng tin cậy trong thời gian dài. Ở Mỹ, gian lận cử tri là cực kỳ hiếm với bất kỳ phương thức bỏ phiếu nào. Tuy nhiên, nhãn dán từ Facebook không ngăn cản người dùng chia sẻ bài đăng của Tổng thống Trump với con số lên tới 60.000 lần.
Trên Twitter, bài đăng tương tự được “tweet” lại hơn 8.000 lần trước khi bị dán nhãn là “bị tranh chấp”, một động thái khiến việc chia sẻ bài đăng trên nền tảng trở nên khó khăn hơn. Nền tảng xã hội này cũng hiển thị thông báo bên cạnh tweet của ông Trump cho biết một số nội dung “bị tranh chấp và có thể gây hiểu lầm về cuộc bầu cử hoặc quy trình dân sự.” Tại phiên điều trần trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ hôm 17/11, CEO Dorsey của Twitter cho biết đã gỡ bỏ khoảng 300.000 tweet liên quan đến bầu cử trong khoảng thời gian từ ngày 27/10 đến 11/11, tương đương với 0,2% tổng số các tweet liên quan đến bầu cử trên hệ thống. Twitter cũng đã gắn nhãn hạn chế hoặc gỡ bỏ hơn 50 tweet của Tổng thống Trump kể từ Ngày bầu cử.
Ngoài ra, Twitter còn khóa tài khoản của ông Hogan Gidley, Thư kí báo chí Chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump; chặn trang web do Luật sư Sidney Powell lập nên nhằm bảo vệ tính liêm chính của các cuộc bầu cử tại Mỹ; đình chỉ tài khoản của Thượng nghị sĩ Pennsylvania Doug Mastriano, thành viên Đảng Cộng hòa, người đã kêu gọi phiên điều trần tại Thượng viện bang để nghe trình bày về các cáo buộc và bằng chứng liên quan đến gian lận cử tri.
Trước động thái từ Facebook và Twitter, bà Samantha Zager, phó thư ký truyền thông trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump cho biết: “Mafia ở Thung lũng Silicon tiếp tục can thiệp vào cuộc bầu cử, liên tục kiểm duyệt Tổng thống Trump và những người thuộc đảng Cộng hoà.” Trước đó, Facebook đã gỡ nội dung quảng cáo có trong chiến dịch tranh tranh cử của Tổng thống Trump vì cho rằng điều này đã vi phạm đến chính sách mới của mình.
Trong phiên điều trần vào hồi tháng 10/2020, các nhà lập pháp đã đưa ra vấn đề Twitter và Facebook ngăn chặn sự phát tán vụ “bê bối ổ cứng nhà Biden”, khóa tài khoản của The New York Post, kênh truyền thông đầu tiên đăng thông tin về vụ việc, và khóa tài khoản của nhiều người khác vì chia sẻ lại thông tin này. Thông tin trong ổ cứng bao gồm nhiều email, tin nhắn, video và hình ảnh, v.v… cho thấy gia tộc nhà ứng cử viên Joe Biden đã dựa vào địa vị chính trị trước kia của ông trục lợi làm ăn với các đối tác Ukraine và Trung Quốc, cũng như đời sống sa đọa hút hít và phóng túng tính dục của con trai ông là Hunter Biden. Sau buổi điều trần đó, cả hai nền tảng mạng xã hội mới cho phép các tin tức liên quan đến vụ việc được lan truyền. Động thái này của Facebook và Twitter khiến các đảng viên Cộng hòa cảm thấy phẫn nộ. Họ cho rằng 2 ‘ông lớn’ công nghệ đã thiên vị và bao che cho ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden và con trai Hunter của ông ta.
2.2 Cho đến Google, Youtube
Với sức ảnh hưởng lớn của mình, Google có thể “định hướng” việc bỏ phiếu bầu thông qua hành vi thao túng về mặt nội dung được hiển thị trên các trang chủ (home page) của những màn hình thiết bị điện tử mà người dùng không hề hay biết. Nhận định này được đưa ra bởi Tiến sĩ Robert Epstein, nhà nghiên cứu tâm lý học cao cấp tại Viện Nghiên cứu Hành vi và Công nghệ Mỹ ở California.
Trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình “American Thought Leaders” của tờ The Epoch Times, Tiến sĩ Epstein cho biết: “Tôi đã tính toán nhiều tháng trước rằng nếu tất cả các công ty ở Thung lũng Silicon, trong đó có 2 công ty mạnh nhất là Google và Facebook, đều quảng cáo theo cùng một định hướng, thì việc đó có thể dễ dàng thay đổi kết quả của 15 triệu phiếu bầu. Điều này đồng nghĩa với việc họ có thể quyết định ai sẽ trở thành tổng thống tiếp theo.”
Ông cho hay thêm rằng: “Bản thân tôi nghiêng về phía cánh tả, tôi nghĩ thật tuyệt khi nhóm Big Tech có động thái ủng hộ cho các ứng viên mà tôi và gia đình thích. Nhưng, bạn biết đấy, tôi đặt niềm tin vào nền dân chủ và cuộc bầu cử tự do, công bằng. Tôi đặt đất nước của chúng ta lên trên bất kỳ sở thích cá nhân nào mà tôi có thể có đối với một ứng cử viên hoặc một đảng phái. Và thực tế là nếu chúng ta cho phép các công ty như Google kiểm soát kết quả cuộc bầu cử, thì chúng ta không có nền dân chủ, không có cuộc bầu cử tự do và công bằng, tất cả những điều đó đều là viển vông.”
Ngày 8/12 vừa qua, YouTube thông báo sẽ gỡ bỏ các video có nội dung nghi vấn về tính toàn vẹn của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ mà hàng triệu người dân “xứ cờ hoa”, đặc biệt là Tổng thống Trump, tin rằng đã bị đánh cắp thông qua nhiều hành động gian lận, vi phạm luật pháp và thao túng hệ thống máy tính.
Theo Luật sư Jesse Binnall của chiến dịch tranh cử Tổng thống Trump, YouTube đã xóa phát biểu mở đầu của ông tại phiên điều trần của Thượng viện, về vấn đề an ninh nội địa, liên quan vụ kiện cáo buộc gian lận bầu cử Mỹ 2020.
Hôm 19/12, ông Binnall cho biết trên trang Twitter cá nhân rằng: “YouTube đã quyết định rằng phát biểu khai mạc của tôi tại Thượng viện Hoa Kỳ, dựa trên bằng chứng chắc chắn sau khi tuyên thệ, là quá nguy hiểm để có thể công khai, họ đã gỡ bỏ nó. Bằng chứng của chúng tôi chưa bao giờ bị bác bỏ, chỉ bị bỏ qua. Tại sao Google lại sợ sự thật như vậy?”
YouTube cho biết rằng họ đã lập trình các thuật toán và các kết quả tìm kiếm để ẩn những video bầu cử có nội dung “gây hiểu lầm”. Họ mô tả nỗ lực kiểm duyệt của mình là nhằm “giới hạn phạm vi tiếp cận của những nội dung trên lằn ranh (nội dung được cho là có vấn đề nhưng chưa phạm quy) và làm nổi bật những thông tin ‘có căn cứ rõ ràng’.” YouTube cho biết mặc dù các video “gây hiểu lầm” chỉ chiếm một lượng nhỏ người xem, rằng “các thông tin sai lệch và có vấn đề chỉ chiếm 1% trong số những gì được xem trên YouTube tại Mỹ”, nhưng công ty này vẫn tuyên bố “chúng tôi tin chúng tôi có thể giảm con số đó xuống thậm chí còn nhiều hơn nữa.”
Động thái kiểm duyệt các video chính trị của YouTube được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Trump đang đe dọa phủ quyết dự luật có tên Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (National Defense Authorization Act) trong đó Quốc hội đã không bãi bỏ Điều 230 trong luật về Chuẩn mực Truyền thông của Mỹ. Điều khoản 230 này bảo vệ các dịch vụ nền tảng trên Internet như YouTube, Facebook hay Twitter khỏi các vụ kiện về nội dung do người dùng đăng tải. YouTube viết trong thông báo của mình rằng:
“Ngày hôm qua là thời hạn ‘bến cảng an toàn’ của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và đủ các bang đã xác nhận kết quả bầu cử của mình để xác định một Tổng thống đắc cử. Do đó, chúng tôi sẽ bắt đầu gỡ bỏ bất kỳ nội dung nào được đăng tải từ hôm nay (trở về sau) mà dẫn hướng sai lệch người dùng, bằng cách cáo buộc rằng gian lận và các sai sót lớn đã làm thay đổi kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020, [cách làm này] phù hợp với cách tiếp cận của chúng tôi đối với các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ trong lịch sử. Ví dụ như, chúng tôi sẽ gỡ bỏ các video cho rằng một ứng viên Tổng thống chiến thắng cuộc bầu cử là do sự cố phần mềm hoặc các lỗi kiểm đếm. Chúng tôi sẽ bắt đầu thực thi chính sách này từ hôm nay, và sẽ tăng cường trong những tuần tới. Như mọi khi, tin tức và bình luận về những chủ đề này có thể vẫn còn lưu trên trang web của chúng tôi nếu nó thuộc phạm trù giáo dục, tài liệu, khoa học hoặc nghệ thuật.”
Trước đó, Youtube còn bị các cư dân mạng tại Trung Quốc Đại lục phát hiện tự động xóa các bình luận chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Những dòng bình luận có chứa các cụm từ có nội dung chỉ trích ĐCSTQ sẽ bị xóa trong vòng vài giây, điều đó cho thấy tác động của các thuật toán YouTube. Một cụm từ thường bị xóa là “gongfei”(共匪 – cộng phỉ), có thể dịch là “tên cướp cộng sản.” Cụm từ này dường như có từ thời nội chiến Trung Quốc. Một cụm từ khác bị xóa là “wumao” (五毛), có nghĩa đen là “50 xu” và thường được dùng để chỉ đội quân bình luận 50 xu mà ĐCSTQ sử dụng để tuyên truyền thông tin trên mạng Internet. Có tin đồn cho rằng những người này từng được trả khoảng 50 xu cho mỗi bài đăng/bình luận.
Đồng thời, theo tờ National Pulse, Youtube còn tuyển dụng nhiều kỹ sư phần mềm trước đây từng làm việc cho các tổ chức do ĐCSTQ điều hành, qua đó làm dấy lên nghi vấn về mối quan hệ giữa ĐCSTQ các trường Đại học tại Trung Quốc.
Google đã nhiều lần bị lên án bởi những động thái nhằm kết thân với ĐCSTQ. Kể từ năm 2018, “gã khổng lồ công nghệ” này đã hợp tác với một cơ quan nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) hàng đầu tại Đại học Thanh Hoa, một tổ chức học thuật uy tín của Trung Quốc đồng thời cũng tiến hành nghiên cứu AI cho quân đội. Google cũng phải đối mặt với những chỉ trích sau thông tin năm 2018 cho rằng họ đang bí mật phát triển một ứng dụng tìm kiếm có kiểm duyệt nội dung cho thị trường Trung Quốc. Đây được xem như một phần nằm trong dự án có tên “Dragonfly”.
2.3 Đóng góp “tích cực” cho chiến dịch tranh cử của ông Joe Biden
Theo OpenSecrets, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên theo dõi dòng tiền trong chính trị và hồ sơ tài chính của các chiến dịch tranh cử, các công ty Big Tech là lực lượng chủ chốt ủng hộ nguồn tài chính to lớn cho chiến dịch Biden trong kỳ bầu cử năm 2020.
Năm tổ chức đi đầu đóng góp nhiều nhất cho ủy ban ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden có sự góp mặt của một số công ty Big Tech, trong đó Alphabet (chủ quản của Goolge) đóng góp khoản tiền lớn nhất; Microsoft Corp xếp thứ 3, và Amazon xếp thứ 5. Alphabet đóng góp khoảng 4,3 triệu USD cho ủy ban, Microsoft đóng góp 2,3 triệu USD và Amazon đóng góp 2,2 triệu USD.
Các công ty công nghệ lớn khác nằm trong danh sách nhà tài trợ hàng đầu cho chiến dịch tranh cử tổng thống 2020 của ông Biden còn có Apple và Facebook. Đặc biệt, Microsoft đóng vai trò đặc biệt then chốt trong việc hỗ trợ chiến dịch của Biden so với các công ty khác.
Các giám đốc điều hành cấp cao của Microsoft đã tài trợ cho chiến dịch Biden trong thời gian bầu cử sơ bộ số tiền lớn hơn bất kỳ công ty công nghệ lớn nào khác, theo dữ liệu từ Revolving Door Project, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế & Chính sách (CERP).
Chủ tịch Microsoft Brad Smith thậm chí còn tổ chức một buổi gây quỹ năm 2019 cho ông Biden ở Medina, Washington và là một người đóng góp khoản tiền không nhỏ. Ông Smith đã giúp kêu gọi số tiền quyên góp cho chiến dịch ông Biden lên đến hơn 25.000 USD, đồng thời còn có vai trò công khai trong Hội nghị Quốc gia Đảng Dân chủ, tương tự như giám đốc chính sách của Amazon, ông Jay Carney.
Giám đốc Công nghệ của Microsoft, Kevin Scott và vợ của ông đã đóng góp hơn 50.000 USD cho các ủy ban hỗ trợ để giúp ông Biden giành chiến thắng, theo hồ sơ tài chính của chiến dịch.
Thành viên hội đồng quản trị Microsoft kiêm đồng sáng lập LinkedIn, ông Reid Hoffman và vợ cũng hào phóng tài trợ cho chiến dịch Biden. Vợ của ông Hoffman đã đóng góp hơn nửa triệu USD cho quỹ chiến thắng Biden.
Ngoài ra, một báo cáo do Dự án Amistad của tổ chức Thomas More Society công bố trong cuộc họp báo hôm 16/12, trong đó cáo buộc người sáng lập Facebook Mark Zuckerberg và vợ đã đóng góp 419,5 triệu USD cho các tổ chức phi lợi nhuận trong kỳ bầu cử 2020, trong đó gồm có 350 triệu USD cho Dự án “Bầu cử an toàn” của Trung tâm Công nghệ và Đời sống Công dân (CTCL) và 69,5 triệu USD khác cho Trung tâm Nghiên cứu và Đổi mới Bầu cử. Khoản tài trợ này “đã gây ảnh hưởng không phù hợp đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 đại diện cho một ứng viên và một đảng phái cụ thể”.
“Cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 đã chứng kiến một mối quan hệ đối tác công tư phối hợp chưa từng có trong tiền lệ để gây ảnh hưởng không phù hợp đến cuộc bầu cử 2020 đại diện cho một ứng viên và một đảng phái cụ thể. Được tài trợ hàng trăm triệu đô la và các lợi ích công nghệ cao khác từ người sáng lập Facebook Mark Zuckerberg, các tổ chức của các nhà vận động bầu cử đã thiết lập một hệ thống bầu cử hai cấp, đối xử với cử tri khác nhau tùy thuộc vào việc họ sống ở khu vực của đảng Dân chủ hay khu vực của đảng Cộng hòa,” Giám đốc Dự án Amistad Phill Kline viết trong bản tóm tắt báo cáo.
Trong suốt năm 2020, ông Mark Zuckerberg đã xuất hiện trước các nhà lập pháp trong các phiên điều trần của Quốc hội. Đầu tiên, vào tháng 7/2020, tập trung vào việc liệu các “gã khổng lồ” công nghệ có lạm dụng quyền lực hay không. Giám đốc điều hành Amazon, Jeff Bezos, Giám đốc điều hành Apple, Tim Cook và Giám đốc điều hành Google, Sundar Pichai đã tham gia cùng ông Zuckerberg để đối mặt với các thành viên của tiểu ban chống độc quyền Hạ viện. Những người đã cáo buộc các công ty thực hiện các hoạt động kinh doanh chống cạnh tranh. Các CEO đều có thái độ bao biện và phủ nhận trước những cáo buộc đối với các gã khổng lồ công nghệ.
Cụ thể, ông Mark Zuckerberg đã nhiều lần trả lời “tôi không nhớ” khi Hạ nghị sĩ Pramila Jayapaln hỏi về việc dùng ưu thế độc quyền để thâu tóm Instagram vào năm 2012, đến mức ông Pramila Jayapal phải nhắc cho CEO của hãng công nghệ Facebook nhớ rằng đầu buổi ông đã giơ tay thề sẽ cung cấp sự thật. Tuy nhiên, ông Mark Zuckerberg thừa nhận đã sao chép sản phẩm của đối thủ cạnh tranh.
Ông Jeff Bezos bị hỏi về việc sử dụng dữ liệu của người dùng để cạnh tranh với chính các nhà bán lẻ đang kinh doanh trên nền tảng chợ điện tử của mình. Nghị sĩ Pramila Jayapal yêu cầu ông trả lời về vấn đề này, đồng thời viện dẫn bằng chứng cho thấy Amazon có quy định về sử dụng dữ liệu nhưng không chặt chẽ. Người giàu nhất hành tinh cho biết đúng là Amazon có một quy định cấm truy cập các dữ liệu của nhà bán lẻ để làm lợi cho các sản phẩm mang thương hiệu Amazon. Nhưng ngay sau đó, ông lại thừa nhận rằng “không thể nói chắc quy định này chưa từng bị vi phạm”.
Nghị sĩ Mary Scanlon hỏi ông Jeff Bezos về cuộc chiến giá giữa Amazon và Diapers.com mà cuối cùng Amazon đã mua lại và đóng cửa đối thủ. Bà Scanlon cho rằng Amazon đã thao túng giá để khiến đối thủ không thể cạnh tranh và biến mất, sau đó lại tăng trở lại khi đối thủ không còn tồn tại. “Tôi không nhớ là mọi chuyện diễn ra như vậy. Trong trí nhớ của tôi, chúng tôi chỉ có giá ngang bằng đối thủ,” ông Jeff Bezos trả lời. Dù Jeff Bezos không thừa nhận một điểm sai nào của Amazon, tuy nhiên, việc ông trả lời khá “loanh quanh” trước các bằng chứng đã cho thấy cách hoạt động của Amazon có thể vi phạm luật chống độc quyền.
Các câu hỏi hướng tới ông Pichai chủ yếu liên quan tới công cụ tìm kiếm Google và quyết định rút khỏi dự án với quân đội Mỹ sau những phản đối từ chính nhân viên Google.
Chủ tịch phiên điều trần David Cicilline mở đầu bằng cáo buộc Google đã ăn trộm nội dung từ các website khác để giữ người dùng ở lại công cụ của mình. Cụ thể, ông Cicilline chỉ ra rằng Google đã hiển thị các bài đánh giá của Yelp ngay cạnh kết quả tìm kiếm các địa điểm và đe doạ loại Yelp khỏi danh sách hiển thị nếu công ty này phản kháng. Trước vấn đề này, Ông Pichai cho biết Google có rất nhiều đối thủ tìm kiếm trong từng hạng mục cụ thể, ví dụ là Amazon khi người dùng muốn mua sắm. Vị CEO cho rằng phần lớn kết quả tìm kiếm của Google không có quảng cáo, và Google chỉ giúp đỡ người dùng khi làm nổi bật các câu trả lời.
Bên cạnh đó, theo số liệu của Statcounter, thị phần tìm kiếm của Google trên toàn cầu là khoảng 92%. Với thị phần quá lớn như vậy, rất nhiều website phụ thuộc vào Google để có lượng truy cập. Vài năm nay, Google đã loại bỏ nhiều công ty bất động sản khỏi danh sách tìm kiếm, thay vào đó tự cung cấp kết quả khi người dùng tìm các dịch vụ, khách sạn hay chuyến bay. Hành động này khiến cho nhiều đơn vị kinh doanh khốn đốn khi không có khách truy cập.
Ngoài ra, những nghị sĩ đảng Cộng hòa đã hỏi rất kỹ về việc Google rút khỏi hợp đồng phát triển hệ thống phân tích drone cho Bộ Quốc phòng Mỹ, trong khi vẫn duy trì một phòng nghiên cứu AI tại Trung Quốc. Trước câu hỏi này, ông Pichai phủ nhận việc Google hợp tác với quân đội Trung Quốc, đồng thời nói thêm rằng Google vẫn đang làm việc với quân đội Mỹ trong nhiều dự án, như một dự án an ninh mạng với Bộ Quốc phòng.
Còn đối với Apple, hãng này đã xoá bỏ các ứng dụng giúp kiểm soát thời gian sử dụng thiết bị trên App Store ngay sau khi họ tích hợp tính năng này vào iOS 12. Trước câu hỏi của các nghị sĩ về lý do, CEO Tim Cook cho rằng Apple bỏ các ứng dụng với lý do bảo mật chứ không phải cạnh tranh.
Ngoài ra, trong vụ mâu thuẫn với AirBnB và ClassPass về mức phí, nghị sĩ Jerrold Nadler cho rằng Apple đang “thu lợi từ đại dịch.” CEO của Apple cho biết các quy định của Apple yêu cầu những công ty kinh doanh dịch vụ số phải trả phí cho Apple, nhưng họ cũng đang làm việc với nhau để điều chỉnh khoản phí này vì những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra.
Những quy định của Apple đối với các nhà phát triển được cho là chèn ép, lợi dụng quyền lực của họ. CEO Tim Cook mở đầu cuộc điều trần bằng tuyên bố mọi nhà phát triển đều được đối xử công bằng. Tuy nhiên, bằng chứng do hội đồng đưa ra cho thấy vào năm 2014, ông từng email cho CEO Baidu rằng công ty này sẽ “được đánh giá ứng dụng nhanh hơn” với hai nhân sự. Nghị sĩ Hank Johnson cũng chỉ ra rằng Apple cho phép Amazon được miễn khoản phí 30% cho dịch vụ phim trên nền tảng iOS, đổi lại thì các dịch vụ và sản phẩm của hai công ty sẽ được tích hợp tốt hơn. Ông Tim Cook cho rằng mọi công ty đều có thể đạt được thoả thuận tương tự với Apple.
Khi nghị sĩ Lucy McBath hồi đáp cho Apple, câu trả lời của bà cũng có thể áp dụng cho những vị CEO khác: “Bằng chứng của chúng tôi cho thấy công ty của ông đã dùng quyền lực để làm hại đối thủ và thu lợi cho mình,” bà nói. “Điều này về cơ bản là bất công.”
Lần thứ hai, Zuckerberg đã trở lại Quốc hội vào tháng 10/2020 để tham gia phiên điều trần ảo về Điều 230, một luật liên bang bảo vệ các nền tảng Internet khỏi trách nhiệm pháp lý đối với nội dung do người dùng tạo. Ông cho hay, Quốc hội nên cập nhật luật để đảm bảo các mạng xã hội hoạt động ổn định hơn. Tại đây, các nhà lập pháp Mỹ đã chỉ trích ông Zuckerberg, Jack Dorsey và Pichai về cách những “ông lớn” công nghệ này kiểm soát nội dung. Theo Đảng Cộng hòa, các bài phát biểu của họ đang bị kiểm duyệt, mặc dù các công ty phủ nhận các cáo buộc thiên vị chính trị.
Hôm 17/11, tức sau ngày bầu cử, ông Zuckerberg xuất hiện lần thứ 3 cùng với ông Dorsey, trong một cuộc điều trần trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện. Trong phiên điều trần, đảng viên Đảng Cộng hòa lập luận rằng các công ty mạng xã hội là nhà xuất bản và không nên được bảo vệ bởi Điều 230. Tuy nhiên, ông Zuckerberg lại tỏ ra bao biện và phủ nhận điều này khi cho rằng Facebook không hề tạo ra nội dung. Trong khi đó, Tổng thống Trump những người ủng hộ cho rằng Điều 230 nên bị loại bỏ bởi nó đã trao cho các công ty Internet quá nhiều sự bảo vệ pháp lý và cho phép họ trốn tránh trách nhiệm về các hành vi của mình.
Còn trong hôm 17/12 vừa qua, 38 tiểu bang của Mỹ đã cùng nhau đệ đơn kiện chống lại Google, trong đó cáo buộc tập đoàn công nghệ này lạm dụng lợi thế về tìm kiếm để loại bỏ sự cạnh tranh một cách phi pháp, qua đó gây tổn hại đến lợi ích của người tiêu dùng và các nhà quảng cáo. Đây là vụ kiện chống độc quyền thứ 3 của Chính phủ Mỹ mà Google phải đối mặt chỉ trong 2 tháng.
Tại cuộc họp báo, tổng chưởng lý Phil Weiser cho biết: “Người tiêu dùng bị tước đoạt lợi ích từ cạnh tranh, bao gồm khả năng được hưởng các dịch vụ chất lượng cao hơn và bảo vệ quyền riêng tư tốt hơn. Các nhà quảng cáo bị ảnh hưởng bởi chất lượng giảm và giá cả tăng cao. Những thiệt hại này lại tiếp tục được chuyển cho người tiêu dùng.”
Đơn kiện chủ yếu tập trung vào việc cáo buộc hãng công nghệ Google sử dụng một số cơ chế bổ sung nhằm duy trì sức mạnh độc quyền một cách bất hợp pháp. Cáo trạng liệt kê 3 phương thức mà tập đoàn công nghệ này dùng để củng cố quyền lực độc quyền của mình. Cụ thể:
Thứ nhất, Google duy trì “tính độc quyền thực tế” (de facto exclusivity) trong hầu hết các kênh phân phối tìm kiếm, bắt ép người dùng phải đồng ý với các điều khoản trong “hợp đồng hạn chế giả tạo” (artificially restrictive contracts).
Thứ hai, không cho các nhà quảng cáo tiếp cận với các công cụ hay đối thủ cạnh tranh, gây bất lợi cho việc chạy quảng cáo.
Thứ ba, lạm dụng “hành vi phân biệt đối xử”, bằng cách hạn chế khả năng tiếp cận người tiêu dùng của các nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm như Yelp và Tripadvisor.
Ông Weiser cho biết họ sẽ tiến tới hợp nhất vụ kiện này với vụ kiện của Bộ Tư pháp Mỹ được đưa ra vào hôm 20/10 vừa qua.
Phan Anh (tổng hợp)
Xem thêm:
Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh - Giám đốc kiêm Chủ tịch Công ty Xuyên…
Các cuộc biểu tình chống NATO và ủng hộ Palestine đã nhanh chóng bùng phát…
35 trẻ mẫu giáo và tiểu học hiện phải quay về điểm trường cũ đã…
Iran đã hiện thực cam kết mở rộng chương trình hạt nhân nhằm đáp trả…
Mưa lớn khiến một số nơi ở hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định bị…
Y học cổ truyền Trung Hoa thường nói rằng “nuôi thận là nuôi dưỡng sự…