Hàng ngàn nhân viên Google trên khắp thế giới mà phần lớn là phụ nữ, đã có cuộc đình công ngắn vào 11h10 sáng ngày thứ năm 1/11 để phản đối cách Google xử lý các khiếu nại về quấy rối tình dục và các vấn đề khác ở nơi làm việc. Họ cũng đòi hỏi công khai minh bạch hơn trong các vấn đề mức lương trong công ty.
Cuộc biểu tình mang tên Google Walkout for Real Change, diễn ra bên ngoài khoảng 40 văn phòng Google, bao gồm ở Singapore, London, New York, San Francisco… và trụ sở chính ở Mountain View, California.
Cuộc biểu tình này được khuấy động bởi một bài báo của New York Times gần đây về việc Google thưởng “chia tay” nhiều triệu đô la cho những giám đốc điều hành nam giới bị cáo buộc có hành vi sai trái, ví dụ như trả 90 triệu đô cho người sáng lập Android – Andy Rubin, ngay cả sau khi các nhà điều tra của Google tìm ra bằng chứng khả tín rằng Rubin đã quan hệ ngoài hôn nhân với một nữ nhân viên và ép buộc cô phải thực hiện những việc không đứng đắn trong một phòng khách sạn năm 2013.
Ở San Francisco, các nhân viên giơ những biểu ngữ như “Not OK Google” và “Lương bằng nhau cho công việc như nhau.” Những người đứng đầu cuộc biểu tình đã cùng đám đông hô những câu như “Hết giờ rồi Google ạ,” và đọc những chia sẻ về quấy rối ở nơi làm từ những nhân viên Google giấu tên.
Google không đưa ra bình luận gì về các câu chuyện này.
Kỹ sư phần mềm Irene Knapp, người tham gia vào cuộc đình công, cho biết các nhân viên Google thường “cố gắng làm việc theo hệ thống đã có,” nhưng sau khi biết về những khoản chi kếch xù này, “chúng tôi không thể cứ mãi yêu cầu lịch sự.” Knapp và những người tham gia khác cho biết họ không chỉ được thúc đẩy bởi bài báo trên tờ Times, mà còn bởi phản hồi không thỏa đáng của công ty.
Vài giờ sau khi bài báo trên New York Times được đăng tải, CEO Sundar Pichai đã gửi một thông báo cho nhân viên, nói rằng 48 người từng bị sa thải vì quấy rối tình dục trong 2 năm qua, đã ra đi mà không có khoản thưởng nào bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu. Tuy nhiên, các nhân viên đã nhanh chóng chỉ ra rằng một giám đốc khác bị cáo buộc quấy rối, giám đốc Google X – Richard DeVaul, vẫn giữ được vị trí lương cao này. (Vào ngày 30/10, ông DeVaul đã nghỉ việc, báo cáo cho biết không có gói thưởng nào đi kèm).
“Những bài báo gần đây và phản ứng của giám đốc cấp cao đã cho thấy rõ, những vấn đề này xuyên suốt tới tận những cấp cao nhất,” những người biểu tình viết trong thông cáo báo chí. “ĐỦ RỒI. Ve vuốt PR sẽ không đủ: chúng tôi cần minh bạch, sự tin cậy và thay đổi cấu trúc.”
Cuộc biểu tình ngày 1/11 là sự kiện mới nhất trong một chuỗi các hành động của nhân viên giới công nghệ lên án những nhà tuyển dụng. Phong trào này bắt đầu và tích tụ lại trong văn hóa văn phòng năng động của Google, nơi những người đề xướng nhận được sự ủng hộ từ hàng chục nghìn đồng nghiệp khác, nếu so sánh với những nỗ lực tương tự trong Microsoft, Salesforce và Amazon.
Đã có một vài vụ biểu tình liên quan tới vấn đề bên trong môi trường làm việc, như quấy rối tình dục. Nhưng những vụ khác lại liên quan tới sản phẩm của công ty, ví dụ như dự án Maven cho Lầu Năm Góc và Sở An ninh Nội địa Mỹ hay việc xây dựng một cỗ máy tìm kiếm có kiểm duyệt cho Trung Quốc. Để đáp lại phản đối của nhân viên, Google nói rằng hãng sẽ không gia hạn dự án cho Lầu Năm Góc, sử dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích các hình ảnh chụp từ trên không.
>> Google hỗ trợ chính quyền TQ, nhân viên cấp cao nghỉ việc để phản đối
“Trong các phong trào từng thực hiện ở Google như chống phân biệt chủng tộc, dự án Maven và xa hơn nữa, chúng tôi đều gặp phải vấn đề với các tỷ phú không đáng tin cậy và ban lãnh đạo không-thể-chạm-tới,” Meredith Whittaker, người sáng lập Google Open Research, phát biểu với trang Wired.
Ở Google, những mâu thuẫn ở sở làm đã buộc người ta phải miễn cưỡng giám sát kỹ càng những yêu cầu giữ bí mật khắt khe của Google với nhân viên. Tuy nhiên, vẫn có những lo ngại hồ nghi về việc nhóm điều tra của Google sẽ xử lý và “đá” những ai làm rò rỉ thông tin ra ngoài.
Các nhân viên đang nhận ra rằng ngay cả với những vị trí công việc công nghệ được trả lương cao, các vấn đề tiền lương và khả năng thăng tiến chênh lệch giữa nam và nữ vẫn luôn tồn tại. “Những bữa ăn miễn phí, lương cao và những ưu đãi đặc biệt được lập ra để làm cho mọi người cảm thấy đặc biệt khi làm việc ở đây mà môi trường làm việc thông thường không có,” Knapp nói. “Nhưng thực tế là Google là một tập đoàn lớn và nó đối xử tệ với nhân viên theo một số cách nhất định và trong một số tình huống nhất định.”
Danh sách yêu cầu từ những người biểu tình đã phản ánh những lo ngại này. Những người đình công đã yêu cầu Google chấm dứt những phán xét cưỡng ép trong những trường hợp quấy rối hay phân biệt đối xử (những phán xét cưỡng ép khá thông dụng trong giới công nghệ, và thường dùng để bảo vệ cho những kẻ quấy rối hàng loạt và giữ kín vụ việc).
Những người biểu tình còn yêu cầu minh bạch hơn về vấn đề lương theo giới tính, dân tộc hay chủng tộc, cũng như khả năng thăng tiến. Một yêu cầu khác đòi hỏi cần minh bạch hơn trong vấn đề quấy rối tình dục, cần có báo cáo công khai về số lượng và các loại khiếu nại về quấy rối, số nạn nhân rời khỏi công ty cũng như các gói thưởng “chia tay” và giá trị của chúng.
>> Khi Google ngày càng tai tiếng, DuckDuckGo nhận được sự chú ý
Google vẫn tiếp tục cố gắng làm an lòng các nhân viên, ngay cả sau khi báo chí đã đưa tin nhiều về vụ đình công. Vào ngày 30/10, CEO Pichai đã gửi một email khác cho toàn bộ nhân viên, nói rằng “Là CEO, cá nhân tôi thấy chúng ta cần phải cứng rắn hơn nhiều đối với các hành vi không phù hợp.” Ông cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với việc biểu tình quy mô nhỏ này.
Nhưng các nhân viên Google lại coi email của CEO như nỗ lực để đánh lạc hướng những yêu cầu của họ. “Vấn đề không phải là họ cảm thấy ủng hộ [chúng tôi] hay không. Thật tốt nếu họ ủng hộ, chắc chắn rồi,” Whittaker nói. “Họ có quyền lực quan trọng. Cốt lõi là họ có đáp ứng yêu cầu của chúng tôi hay không.”
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…