Google hỗ trợ chính quyền TQ, nhân viên cấp cao nghỉ việc để phản đối
- Quốc Hùng
- •
Một nhà khoa học cấp cao ở Google đã nghỉ việc ở công ty để phản đối kế hoạch phát hành phiên bản kiểm duyệt cỗ máy tìm kiếm ở Trung Quốc (dự án Dragonfly).
Jack Poulson làm việc cho bộ phận tìm kiếm và trí tuệ máy móc của Google, nơi anh tập trung vào việc cải thiện độ chính xác của hệ thống tìm kiếm có nhiều người dùng nhất thế giới.
Đầu tháng 8, Poulson đã bày tỏ những quan ngại của mình với cấp quản lý tại Google sau khi tờ The Intercept tiết lộ rằng người khổng lồ Internet đang bí mật phát triển một ứng dụng tìm kiếm cho các thiết bị Android tại Trung Quốc. Ứng dụng tìm kiếm này, với tên mã là Chuồn Chuồn (Dragonfly), được thiết kế để loại bỏ những nội dụng mà chính quyền chuyên chế Trung Quốc xem là nhạy cảm, như những thông tin về những người bất đồng chính kiến, tự do ngôn luận, dân chủ, quyền con người và biểu tình hòa bình.
Sau khi thảo luận với những quản lý của mình, Poulson quyết định rằng anh có thể sẽ không còn làm việc cho Google nữa. Anh nộp đơn nghỉ việc và ngày cuối cùng làm việc tại công ty là ngày 31/8.
Trao đổi với tờ The Intercept trong một bài phỏng vấn, anh biết anh là một trong 5 người xin nghỉ khỏi công ty vì dự án Chuồn Chuồn. Anh cảm thấy đó là “trách nhiệm đạo đức của mình khi nghỉ việc để phản đối sự từ bỏ những cam kết về quyền con người đã được từng được công ty công bố,” anh nói.
Poulson, người trước đây là giảng viên tại khoa toán Đại học Stanford, nói rằng anh tin kế hoạch ở Trung Quốc đã vi phạm những nguyên tắc về trí thông minh nhân tạo của Google, vốn cho rằng công ty sẽ không phát triển và phát hành những công nghệ “có mục đích mâu thuẫn với những nguyên tắc đồng thuận của luật pháp quốc tế và quyền con người.”
Anh nói rằng anh lo lắng không chỉ vì bản thân sự kiểm duyệt, mà còn bởi sự lưu trữ thông tin người dùng ở Trung Quốc Đại lục, nơi nó có thể bị lợi dụng bởi các cơ quan ninh của Trung Quốc, vốn có tiếng là hay nhắm đến những nhà hoạt động chính trị và báo giới.
Trong bức thư nghỉ việc của mình, Poulson viết: “Vì tôi tin rằng sự bất đồng quan điểm là cơ sở để thực hành dân chủ, nên tôi buộc phải nghỉ việc để tránh việc phải đóng góp vào, hay được hưởng lợi từ, sự xói mòn việc bảo vệ cho những người bất đồng chính kiến.”
“Tôi xem việc chúng tôi dự định đầu hàng trước các yêu cầu kiểm duyệt và giám sát để đổi lại việc được tiến nhập vào thị trường Trung Quốc là một sự từ bỏ những giá trị đạo đức và vị thế đàm phán với các chính phủ trên khắp thế giới,” anh viết, nói thêm rằng: “Có một khả năng phũ phàng là các quốc gia khác sẽ cố gắng lợi dụng những gì chúng tôi đã làm ở Trung Quốc để yêu cầu chúng tôi phải tuân thủ những yêu cầu về an ninh của họ.”
“Tôi buộc phải nghỉ việc để tránh việc phải đóng góp vào, hay được hưởng lợi từ, sự xói mòn việc bảo vệ cho những người bất đồng chính kiến”
Đã nhiều tuần kể từ khi những phong thanh về dự án Chuồn Chuồn xuất hiện, nhưng Google vẫn chưa chính thức xác nhận những quan ngại về dự án này, bất chấp việc đang phải đối mặt với làn sóng phản đối từ cả trong lẫn ngoài. Đầu tháng 9/2018, CEO của Google – ông Sundar Pichai – đã từ chối tham dự buổi điều trần tại Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, nơi ông biết rằng mình sẽ được hỏi nhiều câu hỏi về kiểm duyệt ở Trung Quốc.
Công ty này đã phớt lờ hàng chục yêu cầu từ các nhà báo và đóng cửa với các tổ chức nhân quyền khi được hỏi về kế hoạch này. Những nhóm vận động nhân quyền nói rằng cỗ máy tìm kiếm kiểm duyệt của Google có thể khiến công ty này “có đóng góp trực tiếp, hay [trở thành] đồng lõa với những hành vi vi phạm nhân quyền.” (Google cũng im lặng trước yêu cầu bình luận của bài báo này.)
Poulson, năm nay 32 tuổi, bắt đầu làm việc cho Google từ tháng 5 năm 2016, nói với The Intercept rằng sự im lặng của hãng càng làm tăng thêm nỗi thất vọng của anh. “Điều này sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng trên quy mô thế giới,” anh nói. “Ranh giới đạo đức của Google ở đâu? Chúng tôi đã từng viết ra vài thứ, nhưng giờ dường như lại gạch bỏ chúng đi. Tôi thực sự muốn biết Google cam kết những gì.”
>> 3 dấu hiệu cho thấy Google đang trở nên đen tối
Google phát hành một công cụ tìm kiếm có kiểm duyệt tại Trung Quốc năm 2006, nhưng cho ngừng hoạt động năm 2010, sau khi kể tội chính quyền Trung Quốc đã hạn chế tự do ngôn luận, cấm cửa các trang web và tấn công những tài khoản Gmail của người dùng. Vào thời điểm đó, đồng sáng lập của Google – ông Sergey Brin – đã nói rõ rằng ông kịch liệt phản đối kiểm duyệt.
Brin đã từng có thời gian lớn lên ở Liên bang Xô viết, và nói rằng ông “đặc biệt nhạy cảm với tự do cá nhân ngột ngạt” mà gia đình ông đã từng trải nghiệm tại đây. Năm 2010, sau khi công ty rút bộ phận tìm kiếm ra khỏi Trung Quốc, Brin nói với tờ Wall Street Journal rằng “với sự kiểm duyệt, với sự giám sát những người bất đồng chính kiến” ông thấy “những dấu hiệu về một chế độ chuyên chế [ở Trung Quốc], và cá nhân tôi cảm thấy điều đó khá đáng buồn.”
Poulson nói rằng anh “rất nhất trí với cách mà Sergey làm năm 2010. Đó chính là công ty mà tôi đã gia nhập, là công ty đã đưa ra những phát biểu kể trên.” Nếu thái độ với chống kiểm duyệt thay đổi, anh nói, thì anh có thể sẽ không đời nào “đồng lõa là một cổ đông và một thành viên của công ty này.”
Chỉ có vài trăm trong số 88.000 nhân viên của Google biết về dự án Chuồn Chuồn này trước khi nó bị tiết lộ ra công chúng. Poulson là một trong những người bị bịt tai che mắt. Nhưng vì công việc của anh là tập trung vào nâng cao hệ thống tìm kiếm của công ty – đặc biệt là trong mảng “phân tích thắc mắc quốc tế” – nên rất có thể những công sức của anh đã được tích hợp cỗ máy tìm kiếm kiểm duyệt tại Trung Quốc mà anh không hề được biết hay đồng ý.
Ngay khi tin tức về Chuồn Chuồn lan ra, đã có những cuộc biểu tình diễn ra trong nội bộ công ty này. Hơn 1.400 nhân viên của gã không lồ đã cùng ký một bức thư yêu cầu một người được chỉ định để kiểm tra “những vấn đề đạo đức và luân lý cấp bách” có liên quan đến kế hoạch kiểm duyệt này.
Bức thư đã chỉ trích tấm màn bí mật che đậy Chuồn Chuồn và nói rằng: “Chúng tôi khẩn thiết cần sự mình bạch hơn, [chúng tôi xứng đáng] một chiếc ghế trong bàn họp, và một cam kết về những tiến trình cởi mở và minh bạch: Nhân viên của Google cần biết chúng tôi đang xây dựng cái gì.”
>> “Giấc mơ Trung Quốc” của Facebook và Google là “lợi bất cập hại”
Các lãnh đạo của Google đã cố gắng kiềm chế cơn giận dữ nội bộ bằng cách đóng quyền truy cập của nhân viên với các tài liệu có liên quan đến cỗ máy tìm kiếm cho Trung Quốc. Các nguồn tin cho biết, sau khi những rò rỉ xuất hiện từ một cuộc họp toàn thể nhân viên vào tháng trước, công ty đã thắt chặt quy định yêu cầu các nhân viên làm việc từ xa không được phép xem trực tiếp các cuộc họp trên máy tính cá nhân của họ nữa – họ chỉ có thể xem chúng bên trong một phòng được thiết kế riêng tại văn phòng của công ty và dưới sự giám sát của các quản lý.
Poulson nói rằng anh đã từng xem xét việc tiếp tục làm nhân viên của hãng và kêu gọi biểu tình từ bên trong. Một số đồng nghiệp nói rằng quyết định phát hành ứng dụng tìm kiếm vẫn có thể được xem xét lại, và động viên anh chờ đợi trước khi nộp đơn xin nghỉ. “Nhưng rồi tôi thấy không còn cơ hội nào để thay đổi quyết định này,” anh nói, “trong khi đó nếu tôi xin nghỉ từ trước, thì có lẽ sẽ có tác động nào đó.”
Từ tháng 5/2016 đến tháng 7/2017, Poulson làm việc tại trụ sở Mountain View của Google, sau đó anh chuyển tới văn phòng tại Toronto. Anh nói những đồng nghiệp tại Google của anh nằm trong số những người thông minh nhất và làm việc chăm chỉ nhất mà anh từng gặp. Nhưng anh còn ngạc nhiên hơn vì những nhân viên không nghỉ việc vì dự án Chuồn Chuồn.
“Thật đáng kinh ngạc là có ít sự đoàn kết đến vậy,” anh nói. “Tôi cho rằng khi bạn nhất quyết không đồng tình về mặt đạo đức với một vấn đề nào đó, thì hành động đúng mực nhất là nghỉ việc.”
Từ khóa Google Trung Quốc google đạo đức kinh doanh lương tâm Đấu tranh nhân quyền