Đây là số liệu chính thức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thống kê được tại Việt Nam trong năm 2016. Những căn bệnh dẫn tới số thương vong khủng khiếp này bao gồm: bệnh tim, đột quỵ, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và viêm phổi – tất cả đều liên quan tới ô nhiễm không khí.
Không ai nghi ngờ tầm quan trọng của không khí sạch với chất lượng cuộc sống, sức khỏe và hạnh phúc của con người. Tuy vậy, điều đáng buồn là ô nhiễm không khí đang ngày một trở nên tồi tệ hơn trên khắp thế giới. WHO cho biết 9 trên 10 người dân thế giới đang phải hít thở không khí có chứa lượng chất ô nhiễm cao, và điều này đã dẫn tới 7 triệu cái chết (vì cả ô nhiễm không khí trong nhà và ngoài trời) trên toàn cầu.
Số liệu của WHO Tây Thái Bình Dương cho hay, trong 2,2 triệu ca tử vong liên quan tới ô nhiễm không khí tại khu vực này, 29% là do đau tim, 27% đột quỵ, 22% tắc nghẽn phổi mãn tính, 14% ung thư phổi và 8% viêm phổi. Tại sao lại có cả những bệnh liên quan tới tim tại đây? Vì những tác nhân ô nhiễm, tiêu biểu là bụi mịn, có thể chui sâu vào trong phổi và cả hệ tim mạch của con người chúng ta.
Bác sỹ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới cho biết:
Ô nhiễm không khí đe dọa tất cả chúng ta, nhưng những người nghèo nhất và ngoài lề xã hội nhất lại đang phải chịu đựng phần lớn nhất. Nếu chúng ta không hành động ngay để đối phó với ô nhiễm không khí, chúng ta sẽ không bao giờ tiếp cận được với mục tiêu phát triển bền vững.
Ngày 17/1/2019, báo Thanh Niên đăng lời cựu ngoại trưởng John Kerry: “Hà Nội ô nhiễm hơn Bắc Kinh, New Delhi”. Có độc giả còn cho biết: Gần đây, chỉ số chất lượng không khí (AQI) nhiều nơi ở Hà Nội được cảnh báo là cực kỳ nguy hại, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Hiểm họa tập trung ở loại bụi mịn (Fine Particulate Matter) PM10 và PM2.5.
PM10 là loại hạt bụi có đường kính từ 10 micromet trở xuống, còn PM2.5 thì từ 2,5 micromet và nhỏ hơn nữa. PM2.5 có chứa các chất ô nhiễm như sulfat, nitrat và cácbon đen, những loại gây hại nhất cho sức khỏe con người. Theo khuyến cáo của WHO, các quốc gia nên cố gắng giảm chỉ số PM10 xuống 20 μg/m3 và với PM2,5 là 10 μg/m3.
Tuy nhiên, trong năm 2016, chỉ số PM10 và PM2.5 ở Hà Nội lần lượt là 102,3 μg/m3 và 47,9 μg/m3, còn ở thành phố Hồ Chí Minh là 89,8 μg/m3 và 42 μg/m3. Cao hơn tử 4-5 lần so với khuyến nghị của WHO.
Nguồn ô nhiễm không khí chính đến từ các phương tiện tham gia giao thông, nhiệt điện than, sản xuất công nghiệp, các công trình xây dựng, sản xuất nông nghiệp, các làng nghề thủ công và sự quản lý chất thải kém hiệu quả.
>> Gần 1,1 triệu người Trung Quốc chết vì ô nhiễm không khí mỗi năm
Không cần đến thiết bị quan trắc, người dân ở hai thành phố lớn (Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh) cũng có thể cảm nhận rõ mức độ ô nhiễm bằng các giác quan của mình. Đặc biệt là ở Hà Nội, nơi nhiều tuyến đường bụi bặm kinh khủng ngày này qua ngày khác. Và trang bị chống bụi lọt vào đường hô hấp duy nhất của người dân là những chiếc khẩu trang. Nhưng đáng buồn thay, phần lớn lại không thể ngăn cản được các hạt bụi siêu mịn kia.
Ở tầm vĩ mô hơn, chính quyền tuyên truyền về việc Hà Nội sẽ xây dựng 95 trạm quan trắc từ giờ tới năm 2020, hay chương trình trồng 1 triệu cây xanh. Nhưng nhiều trạm quan trắc hơn không khiến cho bụi ít đi, còn cây xanh thì cần thời gian để phát triển. Và khi gốc rễ của vấn đề là các nguồn phát sinh bụi chưa được giải quyết triệt để, thì không khó để dự đoán hiệu quả những toa thuốc theo kiểu chữa ngọn bỏ gốc.
60.000 người chết mỗi năm là một con số không hề nhỏ, đi kèm theo đó là gánh nặng kinh tế và nỗi đau tinh thần của hàng chục, hay thậm chí hàng trăm ngàn người khác có liên quan. Rõ ràng vấn đề này cần nhận được sự quan tâm nhiều hơn của toàn xã hội.
Nâng cao chất lượng không khí cần những nỗ lực kiên trì và sự phối hợp của chính phủ ở tất cả các cấp. Các bộ ban ngành, các cơ quan tổ chức và người dân cần phối hợp với nhau để đưa ra giải pháp. Thuận theo xu hướng chung của thế giới, chúng ta hy vọng sẽ có những tín hiệu tích cực hơn từ những người có trách nhiệm ở Việt Nam trong cuộc chiến chống ô nhiễm này.
Theo WHO/Facebook Vu Kim Hanh
Quốc Hùng tổng hợp.
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…